Soi học

Bài học Chủ nhật: Hyacinth và tình dục ở xã hội Hy Lạp cổ 19. 02. 12 - 7:13 am

Pha Lê

 

.

 

Tích về hoàng tử Hyacinth và thần Apollo cũng như Zephyrus là một tích sặc mùi Hy Lạp cổ: lãng mạn. bi thương, gây sốc (so với đầu óc (văn minh?) của thế kỷ… 21).

Mới đầu định cho mọi người đọc mỗi bài này, nhưng suy nghĩ một hồi lại thấy không ổn. Qua mấy bài học Chủ nhật, chắc hẳn ai cũng đoán rằng Hy Lạp là một xã hội theo kiểu tình dục buông thả, với đầy rẫy những quý ông ăn chơi đàn đúm, và hình như quý ông nào cũng… “gay”. Bây giờ mà đi kể tích Apollo và Zephyrus cùng yêu một chàng hoàng tử, thể nào mọi người cũng sẽ kêu “Đất nước gì mà bậy bạ quá!“. Cho nên, sau khi kể xong tích (cũng ngắn thôi), xin tặng mọi người một bài học nhỏ nữa.

Đầu tiên, Hyacinth (tên gọi khác: Hyakinthos) là ai? Theo sách của Apollodorus và Pausanias, cậu là con út của một vị vua xứ Sparta tên Amyclas; còn theo Lucian thì Hyacinth là con của nàng thơ Clio và một chàng trai tên Pierus. Cậu thiếu niên này rất đẹp, nên được cả hai vị thần là Apollo và Zephyrus (thần Gió Tây) yêu (có nhà thơ còn nói thêm rằng thần Gió Bắc Boreas cũng mê Hyacinth). Nhưng theo lệ hồi đó (sẽ bàn sau), không vị nam thần nào ‘dí súng trước ngực’ Hyacinth, bắt cậu phải “Chọn nhanh lên, mi yêu ta hay yêu tên kia?“. Thành thử Hyacinth cứ vậy mà nhởn nhơ, vừa ngắm Apollo vừa ve vãn Zephyrus.

Đây là môt chiếc đĩa từ thời thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, trong đĩa có hình Zephyrus (đang giương cánh), với Hyacinth.

 

Nhưng hình như sau này, cậu thích Apollo hơn, làm Zephyrus ghen tức đến phát điên.

Thế là Zephyrus tìm cách trả thù. Một hôm, Apollo và Hyacinth chơi trò ném dĩa. Canh lúc Apollo trổ tài, Zephyrus nổi gió điểu khiển chiếc dĩa (vốn nặng chịch) của Apollo, khiến nó đập trúng đầu Hyacinth. Thế là cậu thiếu niên bị chấn thương sọ não, lăn ra chết ngay tắp lự.

Tác phẩm “Cái chết của Hyacinth”, Alexander Kiselev, 1884. Chiếc đĩa bằng đồng đang nằm lăn lóc đưới đất. còn Apollo thì buồn thảm nhìn cậu thiếu niên của mình. Chẳng hiểu sao hai vị này lại cởi truồng chơi ném dĩa nhỉ? Lạnh chết! Thần Gió Tây Zephyrus đâu rồi? Gây án xong là chuồn thẳng ư?

 

Tác phẩm “Cái chết của Hyakinthos”, Jean Broc, 1801. Hyacinth trong tác phẩm này trông trẻ thật, chết vậy uổng quá, Apollo nhìn cũng rất đau xót. Theo quan niệm hồi xưa, người đẹp là người có ít lông (hình như thời nay cũng thế), nên dù Appollo mang tiếng làm người trưởng thành, các họa sĩ vẫn cho vị thần này một làn da mịn tăng như da em bé. Trái với tranh của Kiselev, chẳng có biểu tượng gì, tranh của Jean có cây đàn lia.

 

Apollo đau khổ quá, ôm xác Hyacinth khóc lóc thảm thiết. Nhưng vốn thuộc dạng hay day dứt, luyến tiếc, vị nam thần này muốn giữ lại một phần của người thương. Thấy máu của Hyacinth chảy xuống đất, Apollo làm phép cho máu của cậu biến thành hoa lan dạ hương (tên tiếng anh cũng là Hyacinth).

Tác phẩm “Cái chết của Hyacinth”, Giovanni Battista Tiepolo, 1752. Apollo (đội vòng nguyệt quế), khóc thương Hyacinth đang nằm chết. Cậu bé có cánh bên phải là ai đây? Zephyrus chăng? Sao bé xíu vậy? (và đây cũng chẳng phải Cupid vì không có cung tên). Nếu để ý, thì sẽ thấy hoa lan dạ hương đang mọc cạnh xác của chàng thiếu niên. Đoàn người bên phải chắc là vua cha Amyclas cùng các tùy tùng, đến khóc thương chàng hoàng tử út. Có điều, tại sao Tiepolo lại vẽ cây vợt và quả bóng nằm dưới đất thế kia? Ném đĩa chứ có phải tennis đâu.

 

Tác phẩm “Cái chết của Hyacinthos”, Merry Joseph Blondel, 1830. Apollo (đội vòng nguyệt quế), vừa ôm xác người yêu vừa ôm đầu tự trách mình, thê thảm quá. Bông hoa lan dạ hương cũng vừa nhú, ngay cạnh chiếc đĩa đồng.

 

Có ai tò mò muốn biết lan dạ hương nó thực sự trông ra sao không? Ảnh chụp đây. Hy vọng sau này mọi người nhìn thấy hoa sẽ nhớ tới tích.

 

Trong bản của nhà thơ Lucian, thì sau khi Hyacinth chết, Apollo buồn quá nên tìm Hermes kể khổ, nhờ vị thần lông bông này làm nhà tư vấn tâm lý. Hermes tư vấn thế này “Anh biết rõ rằng người trần sẽ phải chết, chẳng sớm thì muộn, vậy nên anh đau khổ mà làm gì?”. Rồi Apollo than tiếp “Chán quá, tình yêu của ta không bao giờ kết được trái. Daphne và Hyacinth là hai niềm đam mê lớn, nhưng nàng ghét ta đến mức biến thành cây, một loài cây còn đẹp hơn cả ta. Còn Hyacinth thì bị ta giết. Giờ ta chẳng còn gì ngoài hoa và lá.”

Đọc đến đây, chắc ai cũng nghĩ Apollo là một vị thần loạn giới tính, ăn chơi sa đọa. Nhưng sự thực không phải vậy.

Trong cuốn sách luận Erotes của nhà thơ/triết gia Hy Lạp cổ Lucian (thường được ghi là Pseudo-Lucian, vì tuy nhiều người tin rằng chính vị này viết ra sách, nhưng bằng chứng vẫn còn mập mờ, nên đề Pseudo-Lucian “giả-Lucian” cho nó chắc ăn), ông viết về cuộc tranh cãi của 3 người: Callicratidas, Charicles, và Theomnestus. Thực chất thì Callicratidas cãi với Charicles, còn Theomnestus đứng giữa nghe.

Họ cãi về chuyện gì? Callicratidas (Calli) thich đàn ông, phán rằng yêu như vậy mới là yêu; còn Charicles (Chari) thích đàn bà, phản đối cái kiểu yêu của Callicratidas. Theomnestus (Theom) thích hai giới, cho rằng cả Calli và Chari đều bị khùng.

Trong bài cãi nhau này, Lucian từ từ dẫn dắt cho ta thấy: xã hội Hy Lạp xưa ngả theo ý của Theom. Thời đó, người dân không gắn tên cho giới tính và không chia phe. Đối với họ, yêu “một phía” – tức yêu mỗi đàn ông (như Calli) hay mỗi đàn bà (như Chari) – là bất bình thường; còn Theom, yêu cả hai, mới đúng lệ. Bởi vậy, từ Zeus, Apollo, đến Hercules, Achilles… đều có nhân tình nam lẫn nữ. Apollo cũng vì thế mà phán rằng “Daphne và Hyacinth là hai niềm đam mê lớn”. Nếu Apollo chỉ nhắc tới một người thì cậu sẽ bị cho là kỳ cục.

Nhưng như vậy thì xã hội Hy Lạp bậy bạ nhỉ? Không hẳn. Lật lại luật pháp hồi đó, chúng ta sẽ thấy rằng các nam thiếu niên Hy Lạp được bảo vệ rất kỹ. Tất cả trường học lẫn phòng tập thể dục bị cấm không được mở cửa cho thiếu niên vào buổi sáng sớm và tối khuya (vì lúc này ngoài trời đen kịt, đường phố không an toàn, dễ xảy ra hành hung, hiếp dâm). Xâm phạm tình dục các nam thiếu niên là tội rất nặng, gần ngang ngửa tội giết người.

Tất cả các thiếu niên đều mang phận Eromenos, còn đàn ông trưởng thành có quan hệ với mấy cậu này là Erastes. Nhưng các Eromenos chọn Erastes cho mình, chứ Erastes không “nhảy bổ” vào bắt trai một cách thô lỗ được. Học giả Anacreon viết rất nhiều thơ, và đa số các bài thơ này là để khuyên bảo các thiếu niên phải sáng suốt khi chọn một nam nhân tình. Việc chọn lựa phải được bố mẹ chứng kiến, đồng ý, giống như một cuộc hôn nhân ngắn hạn (đến khi các cậu bé lớn lên thì họ không còn là Eromenos nữa, mà sẽ thành Erastes; lúc đó họ sẽ chuyển vai thành người đi “hỏi” các thiếu niên). Chuyện hỏi xin rất phức tạp và mất nhiều thì giờ, nhằm bảo đảm rằng các thiếu niên sẽ tìm được người phù hợp, không chỉ về mặt tình dục, mà còn về mặt học vấn. Erastes vừa là nhà tư vấn, người bảo vệ, người yêu, và thầy của các Eromenos.

Một chiếc cốc có hình vẽ diễn tả mối quan hệ giữa Erastes và Eromenos. Erastes cao lớn, có râu, ôm hôn Eromenos nhỏ nhắn theo kiểu âu yếm, bảo vệ. Chiếc cốc có niên đại khoảng 480 năm trước Công Nguyên, và hiện nằm tại bảo tàng Lourve.

 

Cũng vì thế, mà Apollo lẫn Zephyrus không “ép” Hyacinth. Thực tế thì không ai phù phép bắt Hyacinth phải theo mình, vì quyền chọn lựa nằm trong tay cậu thiếu niên này (thế mới thấy, đàn ông luôn có quyền hơn đàn bà, vì Daphne bị Apollo dí bán sống bán chết. Phụ nữ thường không được ý kiến ý cò, điều này cũng phản ánh qua tích).

Các Erastes phải luôn kiểm soát mình, tôn trọng mối quan hệ cao quý với Eromenos, không được lao vào dục vọng một cách sỗ sàng, không được làm đau các cậu bé hay làm các cậu cảm thấy khó chịu. Đàn ông trưởng thành của xã hội Hy Lạp cổ sẽ bị chế giễu nếu bản thân bị những thú vui tầm thường làm mất kiểm soát. Kiểu “tự kiểm điểm” này là tối quan trọng. Đối với dân Hy Lạp, việc Zephyrus giết Hyacinth là đáng lên án, không hẳn vì hành động “giết”, mà vì Zephyrus giận quá mất khôn.

Nhưng gì thì cũng có ngoại lệ, xin mời các bạn ngắm lại tác phẩm “Ganymede và con đại bàng”, với cảnh Zeus bắt cóc cậu thiếu niên Ganymede. Zeus mà là dân thường thì đã bị bắt bỏ tù. Hành động bắt cóc này bị người Hy Lạp xưa lên án dữ lắm. Của đáng tội, ai cũng biết Zeus không phải là một vị thần nghiêm túc hay có phẩm chất tốt. Theo tích thì sau khi bắt Ganymede lên thiên đàng, Zeus đem ngựa qúy, rồi đem vàng bạc châu báu đến tạ lỗi với bố đẻ của Ganymede. Ít ra nó cũng cho thấy rằng, ngay cả Zeus cũng hiểu được việc “ép” thiếu niên là sai.

 

Cũng vì thế, quân đội của Hy Lạp cổ cực kỳ mạnh. Từ hồi bé, các trẻ trai phải đến phòng thể dục, ngày đêm tập tành, học cách kiểm soát cơ thể một cách tốt nhất. Thể thao là môn học bắt buộc. Bé trai (thậm chí đàn ông trưởng thành) mà mập hay có bụng phệ là sẽ bị dè bỉu, vì bụng phệ đồng nghĩa với “ham ăn ham chơi”, và người mập là người bị các thú vui “tầm thường” lôi kéo. Phải nói rằng nam công dân của nước Hy Lạp cổ nghiêm khắc với bản thân và với cơ thể của mình hơn gấp 10 lần mấy nữ diễn viên Hollywood hiện nay, thành ra gần như ai nấy cũng khỏe mạnh, vạm vỡ. Để dẫn chứng, cuốn sách sử của Herodotus có đoạn như sau:

Trong cuộc chiến giữa phe Hy Lạp với phe Ba Tư (Persia), vị Vua Xerxes của Persia hỏi cố vấn quân đội Demaratus về tính khả thi của trận chiến. Demaratus khuyên rằng Xerxes không nên đánh, Xerxes bán tính bán nghi. Tụi Hy Lạp không có vua, không theo ai, chúng là một lũ hoạt động theo kiểu “tự do cá nhân”, trong khi Persia quyết theo vua, Xerxes phán gì thì nghe nấy, kêu đánh là đánh, làm sao thua được?

Nhưng Demaratus giải thích rằng, Hy Lạp có luật, và người dân trung thành với luật, quyết hy sinh chứ không lùi bước trước kẻ thù. Dân Hy Lạp không thể hiểu nổi tại sao dân Ba Tư có thể đi theo vua một cách thiếu suy nghĩ. Họ cho rằng, luật là do dân bầu (xứng đáng bảo vệ hơn vua – người không do ai… bầu). Niềm tự hào của một người đàn ông là biết kiểm soát mình nhằm bảo vệ luật, tránh phạm pháp,  biết tự giác hy sinh ‘cho đất nước’, chứ không phải ‘cho một cá nhân’ nào đó. “Tự giác”, “làm chủ bản thân”, “làm chủ cơ thể”  là các phẩm chất cao qúy đối với người Hy Lạp cổ. Xerxes không tin điều này, và cuối cùng thì thua thê thảm.

Bởi vậy, nên khi thấy tích kể rằng vị nam thần này quấn quýt một chàng trai kia, cũng đừng nên vội kết luận là dân Hy Lạp ăn chơi sa đọa, hay loạn giới tính. Xã hội Hy Lạp không hoàn hảo, cũng có lắm bất cập, nhưng không có nghĩa là nó “thiếu đạo đức”; vấn đề nằm ở chỗ: “đạo đức” của dân Hy Lạp xưa khác với “đạo đức” của chúng ta ngày nay.

Phụ nữ thì sao? Vấn đề tình dục dành cho phái nữ là một mảng hoàn toàn khác, xin hẹn gặp lại trong bài học kỳ sau.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – tàng hình trong đêm động phòng (kỳ 2)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – giặc bên Ngô không bằng hai cô chị vợ (kỳ 3)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng (kỳ 4)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – khổ rồi cuối cùng cũng sướng (kỳ 5)

– Bài học Chủ nhật: Hermes – Thần của ngoại giao, nhưng lại hay nói dối

– Bài học thứ Tư: “Con ngựa gỗ thành Troy” hay cả thành bang tiêu tùng vì một tên lính quèn

– Bài học Chủ nhật: Hyacinth và tình dục ở xã hội Hy Lạp cổ

 

Ý kiến - Thảo luận

9:49 Tuesday,2.4.2013 Đăng bởi:  phale
@Nina: Đây là bức vẽ Apollo và hai cậu thiếu niên mà vị thần rất yêu là Hyacinthus và Cyparissus. Hyacinthus đang thổi sáo (hình như là sáo Aulos), ngồi bên trái, bên phải là Cyparissus - được Apollo ôm và ngồi cạnh con hươu (tích của Cyparissus có liên quan đến hươu). Nhìn hai cậ
...xem tiếp
9:49 Tuesday,2.4.2013 Đăng bởi:  phale
@Nina: Đây là bức vẽ Apollo và hai cậu thiếu niên mà vị thần rất yêu là Hyacinthus và Cyparissus. Hyacinthus đang thổi sáo (hình như là sáo Aulos), ngồi bên trái, bên phải là Cyparissus - được Apollo ôm và ngồi cạnh con hươu (tích của Cyparissus có liên quan đến hươu). Nhìn hai cậu này có vẻ nhi đồng nên làm người yêu cho Apollo thấy hơi kỳ; nhưng quan hệ giữa thiếu niên/trai tráng trưởng thành là truyền thống của Hy Lạp cổ. 
Nếu bạn thích, chủ nhật tuần này mình viết tặng bạn một bài về Cyparissus nhé :)  
22:44 Monday,1.4.2013 Đăng bởi:  Nina
Bạn Pha Lê ơi, bạn có thể bình luận thêm về bức tranh này không:
Alexander Ivanov. Apollo, Hyacinthus and Cyparissus Singing and Playing Music. 1831-1834. Oil on canvas. The Tretyakov Gallery, Moscow, Russia
http://www.abcgallery.com/I/ivanov/ivanov9.html
...xem tiếp
22:44 Monday,1.4.2013 Đăng bởi:  Nina
Bạn Pha Lê ơi, bạn có thể bình luận thêm về bức tranh này không:
Alexander Ivanov. Apollo, Hyacinthus and Cyparissus Singing and Playing Music. 1831-1834. Oil on canvas. The Tretyakov Gallery, Moscow, Russia
http://www.abcgallery.com/I/ivanov/ivanov9.html 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả