Soi học

Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng
(kỳ 4) 29. 01. 12 - 7:50 am

Pha Lê

Sau khi Cupid bị lộ thân phận, cậu vỗ cánh bỏ đi mất.

Tác phẩm “Psyche trong đền của Cupid”, Edward John Poynter, 1882. “Đền” ở đây chính là lâu đài của hai người, không biết lúc này Cupid bỏ đi chưa, mặt Psyche trông buồn buồn chứ chẳng vui gì cả. Đằng xa bên phải là đàn bồ câu – biểu tượng của Cupid, nhưng xa thế thì chắc chàng đã bỏ đi rồi. Con bướm đang bay cạnh một cành hoa (sắp héo), mà bướm là biểu tượng của Psyche. Ý đồ gì đây?

 

Lúc này, Psyche biết rằng mình hối hận cũng đã muộn. Nàng thẫn thờ nhìn Cupid bỏ đi rồi khóc lóc, kêo gào thảm thiết. Nàng không buồn sống trong lâu đài nữa, mà bắt đầu bỏ đi lang thang khắp nơi như người mất hồn để tìm chồng. Nàng băng qua các cánh đồng cỏ rộng lớn, lội suối, vượt đèo, nhưng vẫn chẳng thấy bóng dáng Cupid đâu.

Trên đường tìm chồng, Psyche có gặp Pan – thần của chăn nuôi, của động vật hoang dã, anh này thấy Psyche mặt mày bí xị nên kéo lại khuyên nhủ, nhưng toàn khuyên dở hơi, kiểu như: đừng buồn, cứ ngoan ngoãn “cầu thần khấn Phật”, xin Cupid tha thứ. Psyche ậm ừ nghe cho có, xong bỏ đi tiếp.

Tác phẩm “Psyche và Pan”, Edward Burne Jones, 1872. Pan là thần trông rất hoang dã, nửa người nửa dê (rất giống bọn satyr), và cũng dâm giống satyr, Pan chuyên đi quấy rối các cô tiên. Nhưng Pan có sừng mà họa sĩ quên vẽ sừng rồi. Còn phần Psyche, tại sao đi lang thang trong tư thế cởi truồng thế kia?

 

Lúc này, Cupid đang làm gì? Cậu đang dưỡng thương (còn nhớ không? Psyche lỡ tay đổ dầu nóng lên người Cupid, làm cậu bị bỏng nặng). Chuyện Cupid bị thương, đau đớn đến quằn quại lan khắp Olympia, tới tai Venus. Bà này có nghe loáng thoáng là Cupid có đứa “bạn gái” nào đó, và hình như đứa đấy là Psyche, nhưng bỏ ngoài tai vì cho rằng thiên hạ đồn bậy. Nhưng đến khi nghe tin Cupid bị thương, Venus bán tín bán nghi chạy tới xem xét tình hình. Thấy Cupid nằm dưỡng thương trên giường, Venus gặng hỏi thì Cupid đành phải tiết lộ chuyện tình giữa mình và Psyche. Nữ thần sắc đẹp nghe xong thì giận lắm, mắng Cupid một trận rồi bỏ đi gặp HeraDemeter để buôn chuyện xả stress.

Xả stress xong nhưng vẫn còn giận, Venus túm cổ thần sứ giả Hermes và lôi anh xuống trần thế. Bắt anh thông báo với dân chúng thế này: Ai tìm được Psyche thì sẽ được Venus tặng cho 7 nụ hôn cực kỳ ngọt ngào. Rồi Hermes tận tình đưa người dân “địa chỉ” của Venus ở dưới trần thế (một ngôi đền nào đó), để ai bắt được Psyche thì biết chỗ mà đem cô tới. Đàn ông khắp nơi nghe thấy “phần thưởng” này thì nháo nhào đi kiếm Psyche. Nhưng Psyche cũng nghe thấy thông báo này, nên không cần ai bắt, nàng tự động mò đến ngôi đền của Venus.

Tội cho Psyche, chưa kịp gõ cửa, người hầu của Venus túm tóc nàng và lôi nàng vào trong. Venus ra lệnh cho hai người hầu của mình đem Psyche vô phòng kín rồi tra tấn nàng. Hai người hầu y lệnh, đánh đập Psyche rồi kéo nàng ra ngoài diện kiến Venus tiếp. Venus chưa hả giận, nhào tới uýnh Psyche cho bầm dập hơn (kể vậy thôi nhé, chứ kể hết theo tích thì giống truyện bạo lực lắm). Venus sau đó gom tất cả các loại hạt, từ đậu xanh, hạt lúa mì, hạt kê, hạt lúa mạch…, trộn chúng lẫn vào nhau, rồi thảy ra sàn, bắt Psyche phải phân loại từng hạt ra, nếu không thì đừng hòng có món bỏ bụng.

Tác phẩm “Psyche quỳ trước ngai vàng của Venus”, Matthew Edward Hale, 1883. Nhìn Venus giống một bà mẹ chồng độc ác quá đi mất, còn Psyche thì trông rất thê thảm. Vài chú bồ câu đang đậu ở bên trái của ngai vàng, có nghĩa Cupid vẫn còn lởn vởn đâu đây?


Đây là tác phẩm vẽ chì “Psyche trước ngai vàng của Venus” của họa sĩ Henrietta Rae, 1894. Tội nghiệp Psyche, bị đánh đến nằm lê lết ở dưới đất, còn Venus thì cứ thản nhiên cởi truồng nhìn xuống, đã vậy Psyche còn bị cả đám nữ tỳ của bà thần này hành hạ. Trong tranh cũng có bồ câu kìa. Biểu tượng của Cupid thì ở đây nhưng người lại chẳng thấy đâu. Sao không ra mặt giúp Psyche nhỉ?

 

Psyche biết cô không thể nào phân loại nổi cái đống hổ lốn đó, nên an phận ngồi chờ chết. Nhưng một đàn kiến thấy tội nghiệp cho Psyche, chúng thấy Venus đáng ghét quá nên huy động lực lượng để giúp Psyche. Các con kiến nhanh chóng phân loại các hạt giống trên sàn thành từng đụm. Chẳng mấy chốc mà việc lớn cũng xong*. Venus nhìn thấy các hạt được phân loại xong thì ức lắm, biết rằng Psyche có người giúp nhưng bà không có cách gì chứng minh được hết. Venus quẳng cho Psyche một mẩu bánh mì rồi đi ngủ.

Psyche sau đó ở lại đền làm người hầu cho Venus, nhưng bà thần luôn ngấm ngầm tìm cách giết Psyche cho hả giận. Một ngày nọ, Venus chỉ cho Psyche thấy đàn cừu quý với bộ lông bằng vàng ròng, chúng tha thẩn đang gặm cỏ bên kia sông, và bắt Psyche đến gần chúng để lấy về một nắm lông cừu. Nàng y lệnh Venus, chạy ra khỏi đển, nhưng lại leo lên núi, định nhảy xuống sông tự vẫn. Psyche biết đám cừu này nổi tiếng hung bạo, chúng thấy ai bén mảng tới gần là giết ngay, người bình thường chẳng bao giờ lấy được lông của chúng. Nhưng may mắn làm sao, cây lau mọc cạnh con sông thương cho số phận của Psyche, nên chỉ cho nàng một mẹo: Buổi sáng đừng dại mà mò đến gần đám cừu, hãy chờ cho đến khi màn đêm buông xuống, lúc đàn cừu đi ngủ, và rón rén bước tới các bụi cây gần đó. Các sợi lông cừu (rụng tự nhiên) rất hay bị gió cuốn vào các bụi cây ở xung quanh, Psyche chỉ cần lấy các sợi lông bị vướng trong bụi cây là được. Psyche làm theo lời cây lau chỉ, và lấy được mớ lông cừu vàng một cách an toàn.

Tác phẩm “Venus bắt Psyche hoàn tất một thử thách”, Luca Giordano, 1702. Luca không vẽ rõ đây là thử thách gì. Tay Venus (cởi truồng) thì chỉ qua phía bên kia sông, tay của Psyche thì chỉ lên núi. Mà Psyche này hình như có lá gan to, dám nhìn thẳng mặt thần thánh, chẳng ra vẻ gì là bị Venus sai hết. Tranh giống đang vẽ các bà các cô cãi nhau hơn là vẽ Venus bắt Psyche đi thực hiện nghĩa vụ.

 

Venus thấy Psyche vẫn còn sống nhăn nên ức lắm. Bà chỉ cho nàng thấy ngọn núi cao, đây là nơi duy nhất mà dòng sông Styx của âm phủ rẽ nhánh để chảy xuống trần thế. Nữ thần bắt Psyche múc nước sông âm phủ để đem về đền. Chẳng người trần nào múc nổi nước của âm phủ, nhưng một lần nữa, Psyche được giúp đỡ. Một con đại bàng sà xuống lấy nước cho Psyche. Con đại bàng này vừa là thuộc hạ của Zeus, vừa là “lính” của Cupid. Biết Psyche đang bị mẹ của mình hành hạ, Cupid ngấm ngầm sai đại bàng bay đến để giúp người yêu.

Vẫn chưa chịu thua, Venus đưa cho Psyche một chiếc hộp, và bắt nàng thực hiện nốt thử thách cuối cùng: xuống âm phủ gặp Peserphone, và nhờ Persephone chia bớt một ít phấn trang điểm. Lý do của Venus: Cupid đang bị thương, nên Venus dùng hết phấn của mình… đánh lên mặt con trai, hòng giúp da dẻ con trông hồng hào hơn, thành ra Venus bị thiếu phấn xài.

Psyche cho rằng cách nhanh nhất để xuống được âm phủ là… chết, nên nàng leo lên một ngọn tháp, định nhảy xuống tự tử (lại tự tử). Nhưng ngọn tháp cản nàng lại, và chỉ nàng cách xuống âm phủ an toàn: không được ăn gì ngoài bánh mì khô (Persephone bị Hades dụ ăn lựu nên phải sống dưới địa ngục trong nửa năm đó thôi), không được nói chuyện với ai, không được đụng vào bất cứ vật gì, đem 2 đồng vàng để trả phí cho người chèo thuyền (trên sông Styx), đem theo một cái bánh để tặng cho con chó ba đầu Cerberus (gác cửa địa ngục), như vậy con chó sẽ cho phép Psyche bước qua cổng. Sau khi gặp Persephone và xin được phấn thì hãy quay trở lại, theo đường cũ lên mặt đất. Nhưng tuyệt đối không được mở chiếc hộp ra mà phải đem đưa cho Venus càng nhanh càng tốt.

Tác phầm “Charon và Psyche”, John Roddam Spencer Stanhope, 1883. Charon là người chèo thuyền của sông Styx dưới âm phủ. Người chết phải trả phí thì Charon mới chở sang sông, còn không có tiền trả thì đành làm kiếp oan hồn vất vưởng. Trong tranh, Psyche ngậm đồng tiền trong miệng chứ không đưa bằng tay, vì đây là mẹo do tòa tháp chỉ nàng biết. Hồi đó bên La Mã hay Hy Lạp có tục bỏ đồng tiền vào miệng người chết rồi mới đem chôn, linh hồn người chết sẽ mang theo tiền xuống âm phủ và trả lệ phí bằng cách… há mồm ra. Nhập gia tùy tục, nàng Psyche cũng phải há mồm trả tiền khi xuống âm phủ.


Tác phẩm “Psyche ở dưới âm phủ”, Ernest Hillemacher, 1865. Làm theo mẹo của tòa tháp, Psyche xin phấn thành công, nàng ôm chiếc hộp và quay lại mặt đất. Trong khi Charon ra sức chèo chống, một linh hồn không có tiền đang cố bám lấy Psyche, năn nỉ nàng kéo mình lên, nhưng tòa tháp đã cảnh báo rằng nàng không được phép đụng vào ai hết, nên nàng chỉ dám nhìn chứ không dám giúp. Một số linh hồn bên kia sông thì hình như đang buôn dưa lê, xuống âm phủ rồi mà còn nhiều chuyện ghê nhỉ.

 

Nhưng sau đó thì sao? Liệu Venus có hành hạ Psyche tiếp? Liệu Psyche có nhớ lời dặn “không được mở hộp phấn”? Chuyện tình giữa Psyche và Cupid tuần sau sẽ có hồi kết, đảm bảo với mọi người rằng sẽ có nhiều tranh khỏa thân hơn nữa.

*

Chú thích:

Một vài chi tiết trong truyện Cô bé Lọ Lem của anh em nhà Grimm (bản gốc nhé, không phải bản phim hoạt hình của Disney đâu) chắc có nguồn từ tích này. Mẹ ghẻ thảy thật nhiều hạt đậu vào trong đống tro, bắt Lọ Lem phân loại hạt đẹp qua một bên, hạt xấu qua một bên, xong việc thì Lọ Lem mới được đi dự dạ hội của hoàng tử. Lọ Lem được bầy chim bồ câu giúp, giống như Psyche được đàn kiến giúp.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – tàng hình trong đêm động phòng (kỳ 2)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – giặc bên Ngô không bằng cô chị bên vợ (kỳ 3)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng (kỳ 4)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – khổ rồi cuối cùng cũng sướng (kỳ 5)

Ý kiến - Thảo luận

6:51 Sunday,9.2.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Văn Đại
Cám ơn Soi rất nhiều qua các bài học này. Thực sự đây là những cống hiến rất đáng kể cho những ai học hỏi văn hóa, nghệ thuật!

...xem tiếp
6:51 Sunday,9.2.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Văn Đại
Cám ơn Soi rất nhiều qua các bài học này. Thực sự đây là những cống hiến rất đáng kể cho những ai học hỏi văn hóa, nghệ thuật!
 
10:45 Sunday,5.5.2013 Đăng bởi:  admin

@ Nguyễn Tùng: Soi cũng đành đợi các anh chị họa sĩ ai tiện thì vào đọc và chỉ cách cho thôi, chứ Soi mà biết được cách pha màu cho ra màu như tranh cổ thì Soi đã đi vẽ kiếm tiền rồi, đâu ngồi đây làm Soi :-)
Tùng vào một số bài học thứ Tư, có MM bình về b
...xem tiếp

10:45 Sunday,5.5.2013 Đăng bởi:  admin

@ Nguyễn Tùng: Soi cũng đành đợi các anh chị họa sĩ ai tiện thì vào đọc và chỉ cách cho thôi, chứ Soi mà biết được cách pha màu cho ra màu như tranh cổ thì Soi đã đi vẽ kiếm tiền rồi, đâu ngồi đây làm Soi :-)
Tùng vào một số bài học thứ Tư, có MM bình về bố cục nhé.
Cảm ơn Tùng.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả