Soi học

Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) –
vị thần không mấy ai thờ 21. 08. 11 - 5:21 am

Pha Lê

(Soi: Để tiếp nối loạt bài của GiGi, xin viết tiếp bài giới thiệu về thần Chiến tranh Ares (Tiếng La Mã: Mars) để mọi người biết thêm về cái ông thần vai u thịt bắp này.)

*

Mars cưỡi xe ngựa chiến. Không rõ tác giả. Tuy mang tiếng làm thần Chiến Tranh, nhưng các họa sĩ thường cho Mars xông trận trong tư thế khoả thân.

 

Nhiều tích lại cho rằng, chỉ có Mars là con trai duy nhất của Zeus và Hera. Đa số các nhà thơ cũng đồng ý rằng Mars có đầy đủ bố lẫn mẹ; trừ ông Ovid thì phán Hera tự mang bầu rồi đẻ Mars do… chạm phải một bông hoa, nhưng ông Ovid vốn lung tung nên không đáng tin cậy cho lắm. Mars nghe chừng rất hoành tráng, nhưng thực chất lại là một vị thần vô dụng. Người dân Hy Lạp cũng hiếm khi thờ Mars, lý do vì sao?

Thời xưa, cái ám ảnh người dân Hy Lạp không phải nguy cơ khủng hoảng kinh tế, hay tiền điện hàng tháng, hay tiền hối lộ để tống con vào học trường điểm; mà chính là một đám quân thô lỗ quét qua ngôi làng họ sống, cướp của cải và hãm hiếp con cái họ. Tuy chính phủ Hy Lạp dính vào cuộc chiến với dân Ba Tư (Persian) và Sparta; chưa kể vô số các vụ xung đột nội bộ nhỏ lẻ giữa tỉnh này với tỉnh kia; nhưng theo tiêu chuẩn bạo lực thời đó, người Hy Lạp đa số chuộng hòa bình, thích đi họp, đi bầu, và thích tụ tập làm thơ, kể chuyện cho nhau nghe. Đối với họ, Mars là một gã đầu óc ngu si tứ chi phát triển, gây nhiều rắc rối. Trong trận chiến thành Troy, Mars theo phe… thua cuộc (phe Trojan), còn Athena và Hera theo phe thắng thế (phe Hy Lạp). Thần Chiến tranh mà lại thua trong… chiến tranh? Bấy nhiêu đó cũng đủ hiểu rằng Mars là một kẻ bã đậu. Trừ một số vùng như Thrace hay Scythia vốn thích bạo lực nên lập đền thờ Mars, còn đại đa số dân chúng không hứng thú lắm với ông thần này. Nước Sparta – từng là một thuộc địa của Hy Lạp – nổi tiếng khát máu nên sùng bái Mars vô cùng, có điều dân Sparta giỏi mỗi khoản đánh đấm, còn khoản văn chương chữ nghĩa thì cực dốt, kết quả là họ chẳng nghĩ được tích nào để ca ngợi Mars hết (chủ nào tớ nấy chăng?)

Khi xông trận, Mars đem theo một lô lốc những vị thần hung dữ khác, trong đó có: Eris (Thần Xung Đột), Deimos (Thần Khủng Khiếp), và Phobos (Thần Sợ Hãi). Mars cũng được các nhà thơ tả là thích bạo lực, ông rất khoái chí khi thấy cảnh đầu rơi, máu chảy; còn tiếng la hét gầm rú của chiến tranh thì giống như nhạc giao hưởng đối với Mars. Bởi vậy nên chỉ mỗi Mars mới ưa nổi Eris, người lắm trò và thích gây hấn để chiến tranh nổ ra. (Eris cũng chính là vị thần khai mào cho trận chiến thành Troy). Trong khi Athena cũng đánh nhau nhưng biết suy nghĩ và chú trọng mưu mẹo, chiến thuật, thì Mars theo phong cách “cứ thế nhào vô chém”, nên mấy lần ông bị sập bẫy và bị giam cầm (tích về Mars mắc bẫy xin dành cho dịp khác). Ngay cả Zeus cũng yêu Apollo hơn, vì cậu này biết đàn, biết thổi sáo, lại có vẻ đẹp khá thư sinh chứ không bắp thịt như Mars. Bởi vậy mà Hera nhất quyết không cho Leto (mẹ Apollo và Artemis) đẻ con, theo lời tiên tri thì Mars sẽ bị ra rìa khi Apollo chào đời.

Điều khiến Ares (Mars) không bị các họa sĩ bỏ xó ra khỏi tranh vẽ là nhờ:
1 – Chuyện tình với Aphrodite (Venus)
2 – Cuộc chiến thành Troy

Giống như Zeus, tuy Ares có vẻ ngoài khá hấp dẫn (Theo sách tả: cao to, lực lưỡng, khi ra trận thì mặc áo giáp, cầm giáo, cưỡi xe ngựa chiến), nhưng hiếm ai muốn vẽ một chàng bắp thịt cuồn cuộn đứng một mình.

Tác phẩm Ares xuất trận, 1580, Batholomeus Spranger. Đây là bức tranh hiếm hoi vẽ Mars đứng một mình. Mặc dù được tả là mặc áo giáp đi gây sự, nhưng Spranger cho Ares cởi truồng để tăng độ hấp dẫn. Bạn nào có thêm tranh về Mars, xin mời đóng góp cho Soi

 

Tiếp theo, bài viết này tuy nói về Mars, nhưng do thiếu nguồn nên đành phải lấy tranh Mars với Venus cho mọi người ngắm, nhân thể bàn luôn về vấn đề mà trong bài của GiGi đã đưa ra hỏi: Eros (tức Cupid) có phải con của Mars không?

Theo các nhà thơ cổ: đa số trả lời “Không”

Như đã giải thích trong bài “Thần Vệ Nữ“, Cupid mới đầu nằm cùng thời với Gaia, sau này bị giáng chức làm con của Venus. Nhưng do nguồn gốc bị xào xáo lung tung nên các nhà thơ Ovid, Apollodorus, hay Oppian… cũng bị rối theo, không biết mò đường nào, họ nhắc đến Cupid theo kiểu “con riêng của Venus, không có bố”. Sau này, các học giả khác thì nói Cupid là con của Venus với Zeus. Hình như chỉ duy nhất Ibycus viết rằng Cupid là con của Mars với Venus.

Có điều, sau này dân chúng thường ngả theo hướng “Venus là con gái của Zeus” chứ không theo hướng “sinh ra từ của quý” nữa, nên chuyện hai cha con loạn luân rồi đẻ ra Cupid nghe hơi bị kinh. Tuy Mars và Venus là anh em nhưng ít ra vẫn đỡ mắc ói hơn quan hệ cha-con. Thế là các họa sĩ đua nhau vẽ Mars cùng Venus và Cupid.

Tác phẩm Mars và Venus, 1670, Carlo-Saraceni. Trái với ý kiến chung rằng Mars và Venus chỉ có 3 con: Phobus, Deimus, và Harmonia; Carlo vẽ theo thuyết của Ibycus nói họ có 5 con: Eros, Anteros, Deimus, Phobos, và Harmonia. Eros nổi tiếng quậy tưng, đang tè vào mũ sắt của Ares. Chuyện ngoài lề, trong tiếng Anh, nếu thấy chữ nào có đuôi “Phobia” thì chữ đấy có nghĩa “sợ thứ gì đấy”. Ví dụ như Xenophobia (sợ người lạ), Arachnophobia (sợ nhện); nguồn gốc của chữ này là từ thần Phobos


Tác phẩm Cronus quở mắng Cupid trước mặt Mars và Venus, Guercino. Họa sĩ này chắc đọc tích của Ovid nên mới vẽ sai be bét như vậy (nói cho đúng thì Ovid viết không lệch mấy so với các nhà thơ khác, nhưng bố cục của ông rất lung tung, từ ngữ cũng choảng nhau chí chóe nên người đọc thường bị rối, dẫn đến hiểu nhầm ý). Dù một số nhà thơ cho rằng Cronus không bị Zeus giam xuống âm phủ mà bỏ trốn sang Rome, nhưng “trốn” là “trốn”, chẳng hiểu sao Cronus còn dám lộ mặt để răn đe Cupid y như một ông cố mắng chắt trai.


Tác phẩm Mars đánh đòn Cupid, 1613, Bartolomeo Manfredi. Ares trông giống như một ông bố hung dữ, cầm roi quất Cupid quậy phá, Venus thì xót con nên đứng ra cản, còn Cupid vẫn vô tư nhe răng cười hớn hở. Điều thú vị là không biết trong đầu Manfredi, Mars ở đây đang đóng vai bố ruột hay bố dượng?

Tuy Mars nổi tiếng máu me và côn đồ, nhưng ít có tích nào nói ông cưỡng bức con gái nhà lành như Zeus. Sau này Soi sẽ có thêm tích kể về chuyện ông tự tay xử đẹp kẻ dám cưỡng hiếp con gái của mình. Chung quy thì nếu đào sâu vô thần thoại Hy Lạp, chẳng có mấy ai tốt hoàn toàn hoặc xấu hoàn toàn cả.

Về cuộc chiến thành Troy, Soi sẽ có bài sau. Chỉ muốn nhắc các bạn rằng đọc thần thoại Hy Lạp thì cố gắng làm quen với hệ thống hai tên (như ta quen gọi các vị lãnh đạo ấy!), sau này xem tranh sẽ dễ.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

Ý kiến - Thảo luận

21:25 Monday,6.9.2021 Đăng bởi:  phale
@trumpkvs5: Bài đề là Zeus chứ có nhắc tới Jesu hay Jeus (chả rõ là ai?) đâu bạn. Bạn google hay Wiki chữ Zeus sẽ ra ông thần của Hy Lạp cổ, chứ không phải Jesu của Thiên chúa.
...xem tiếp
21:25 Monday,6.9.2021 Đăng bởi:  phale
@trumpkvs5: Bài đề là Zeus chứ có nhắc tới Jesu hay Jeus (chả rõ là ai?) đâu bạn. Bạn google hay Wiki chữ Zeus sẽ ra ông thần của Hy Lạp cổ, chứ không phải Jesu của Thiên chúa. 
16:35 Thursday,2.9.2021 Đăng bởi:  trumpksv5
Mars là con của Jeus với Hera sao?
...xem tiếp
16:35 Thursday,2.9.2021 Đăng bởi:  trumpksv5
Mars là con của Jeus với Hera sao? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả