Soi học

Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài 25. 09. 11 - 5:49 am

Pha Lê

(Luẩn quẩn mãi với mấy vị thần của đỉnh Olympia cũng chán nhỉ? Vậy hôm nay chúng ta chuyển sang đề tài “chân dài” nhé? Cho nó hấp dẫn. Trong tích Hy Lạp, không chân dài nào gây nhiều đau khổ như Helen của Troy. Nhưng hình như đa số chỉ biết đến việc nàng bị người này người kia đeo đuổi, chứ chẳng biết nàng có xuất xứ như thế nào.)

*

Tác phầm “Helen xứ Troy”, Dante Gabriel Rossetti, 1863, tranh sơn dầu, hiện nằm ở Gallery Hamburger Kunsthalle. Chẳng biết tiêu chuẩn đẹp của thế kỷ 19 là thế nào chứ theo tiêu chuẩn hiện giờ, Helen này nhìn thường thường bậc trung.

 

Còn nhớ vụ Zeus cưỡng bức Leda trong hình hài một con thiên nga? Và Helen sau đó chào đời từ quả trứng? Hồi bấy giờ chưa có xét nghiệm DNA nên ông vua xứ Sparta – Tyndareus – cứ tưởng Helen là con mình. Theo nhà thơ Apollodorus, lúc Helene 12 tuổi, vua của Athens là Theseus thấy đẹp nên bắt cóc về làm vợ (12 nghe hơi quá đáng nhỉ? Nhưng thời xưa nó thế, Romeo hay Juliet cũng chỉ 13, 14 là cùng. Một số nhà thơ còn phán Helen bị Theseus bắt cóc hồi lên 7, nhưng ông “chờ” đến lúc Helen lớn thì mới hiếp). Vài nguồn khác nói Theseus nghĩ mình là con thần nên cũng phải hiếp dâm/cưới ai đó giống thế, nhưng làm sao Theseus biết được chi tiết Helen là con Zeus trong khi cha của chính Helen còn chẳng biết!.

Theseus đem Helen về tỉnh Attica rồi giở trò xằng bậy với cô. Thỏa chí rồi, Theseus hành động như bao ông vua (hay đại gia) khác, ông bắt đầu chán “chân dài” Helen. Nhưng hai ông anh của cô – Castor và Polydeuces – đều là những chiến sĩ dũng cảm, họ tấn công Athens và đem Helen về (thật ra Theseus đã chán rồi thì cũng chẳng cần tấn công làm gì, nhỉ?). Tóm lại, chuyện Helen ngủ với Theseus ai cũng biết, nhưng chuyện họ có làm lễ cưới xin gì không lại rất mập mờ, nhưng chắc chắn là không làm thủ tục ly dị.

Pirithous là bạn chí cốt của Theseus. Theo một số nhà thơ thì cả hai đều cho rằng mình có máu thần và đều muốn lên giường với con gái của thần. Nhưng sau khi bắt cóc Helen xong thì không biết cô này sẽ thuộc về ông nào, nên hai ông bèn chơi trò đổ xí ngầu để lựa. Trong hình: tác phẩm “Theseus và Pirithous ném xí ngầu để giành Helen”, 1846, Odorico Politi. Pirithous (trái), cầm xí ngầu trong tay, còn Theseus đang nhìn kết quả mình ném được (cả hai dùng mặt sau của chiếc khiên để làm bàn chơi) Helen nghiêng người về phía Theseus, ý muốn nói ông sẽ thắng. Có vẻ như Helen trong tranh rất thích thú khi được bắt cóc, chứ như người khác là đã lợi dụng cơ hội để chuồn thẳng.

 

Lúc Helen trở về Sparta thì em gái Clytemnestra đang chung sống với vị phu quân… thứ hai (ông đầu tiên là Tantalus, ông sau này là Agamemnon). Giống bao phụ huynh Việt Nam bây giờ, so với cô em “may mắn”, bố mẹ Helen thấy cái tình trạng “chưa chồng” của con gái là một điều chướng mắt cũng như đáng lo lắng. (Không hiểu sao cái lối suy nghĩ từ thời xửa xưa, chỉ nên có trong tích này hiện vẫn được áp dụng trong thế kỷ 21!). Vì Sparta theo chế độ mẫu hệ nên nuôi Helen rất lỗ: luật của Sparta bắt “nhà gái” phải trả tiền cho những ai tới coi mắt, mà danh sách coi mắt của Helen thì dài ngoằng (giống chân của cô).

Danh sách từ vần A tới vần B là: Agapenor, Ajax, Alcmaeon, Amphilochus, Amphimachus, Ancaeus, Antilochus, Ascalaphus, Blanirus.

Danh sách này kéo tới vần “T”, đủ làm thâm hụt ngân sách của Sparta (chứng tỏ rất nhiều người hồi ấy không quan trọng lắm cái vụ trinh tiết). Vua Tyndareus đắn đo không dám chọn ai, vì chọn người này sẽ làm người kia giận, dẫn tới gây sự (chẳng bù với Theseus, không phản ứng gì lúc hai ông anh của Helen đem cô quay về Sparta). Đang lúc bế tắc, vị anh hùng Odysseus đến. Vị này nảy ra sáng kiến: bất cứ ai đến coi mắt Helen phải tuyên thề (theo kiểu kết nạp Đảng):

“Dù vua Tyndareus có chọn ai làm chồng Helen, thì những người còn lại phải tôn trọng kẻ được chọn, và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cặp vợ chồng này nếu Helen bị người khác bắt đi.”

Thề thốt xong rồi, vua cha lựa Menelaus. Sự lựa chọn trên chủ yếu là vì tiền. Anh ruột của Menelaus là Agamemnon, rất giàu và đã cưới cô em gái của Helen là Clytemnestra làm vợ. Luật Sparta được phép bắt rể, nên nếu có cả hai anh em đại gia này làm phò mã thì còn gì bằng. Nói cho cùng, ngoài của cải thì Menelaus chẳng có gì nổi bật, ông vừa xấu vừa không mấy thông minh.

Tác phẩm: “Menelaus và Patroclus”, hiện đặt tại tòa nhà Loggia dei Lanzi, ở Florence. Chủ yếu để bạn biết mặt ông chồng Helen. Đây là cảnh Menelaus đem xác của Patroclus (bạn kiêm người yêu của Achilles, hy sinh trong trận chiến thành Troy) về nhà. Rất nhiều chuyên gia đang cãi nhau về tuổi của tác phẩm này. Có người bảo nó ra đời vào khoảng 150 – 125 năm BC, kẻ thì phán thế kỷ thứ nhất AD. Tác phẩm được tìm thấy trong một cánh đồng nho ở Rome vào năm 1570, lúc đó Menelaus bị sứt mất phần hông, cánh tay trái của Patroclus cũng không có, nên chẳng ai biết cánh tay ấy đang làm gì. Hai chuyên gia Petri Tacca và Salvetti đã khôi phục bức tượng, nhưng nhiều người la lối rằng cánh tay trái được sửa trông vừa xấu vừa kém tự nhiên.

 

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Helen đẻ một đống con, hoặc là con của Menelaus, hoặc là con của một chàng nô lệ đẹp trai nào đó. Danh sách con cái này khá mập mờ, nổi bật nhất chỉ có cô con gái Hermione (thông minh xinh xắn – được nhà văn J.K Rowling dùng làm tên cho nhân vật chính trong Harry Potter), và cậu con trai Nicostratus.

Ngày nọ, ông chồng Menelaus “tình cờ” gặp Paris, và mời cậu về lâu đài để nghỉ chân (hiếu khách nhỉ). Vốn ham vui và tối dạ, Menalaus để Paris và Helen ở cùng nhau rồi bỏ đi đâu chơi (một số nguồn nói ông đi tắm sông tẩy uế, nhưng có người ngờ rằng ông cũng chán Helen rồi nên giả bộ bỏ đi). Nếu đã đọc bài Cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Gigi thì mọi người chắc cũng đoán được điều gì sẽ diễn ra: từ bỏ trí tuệ cũng như quyền lực, Paris đã chọn Aphrodite là người thắng cuộc vì chàng muốn có được người phụ nữ đẹp nhất thế giới (chắc chắn Paris không theo chủ nghĩa tư bản rồi). Gặp Helen một thân một mình như vầy, Paris nhớ lại, coi như Aphrodite giữ lời hứa, thế là cậu bắt chước hành động mafia của Theseus, bắt cóc Helen về Troy.

Nhà sử học Herodotus (sử kèm theo tích nên hơi mơ hồ) nói rằng Helen bị cưỡng bức và bị ép theo Paris. Nhà văn Euripides cũng nói thế; nhưng Homer và Apollodorus thì phán Helen tự nguyện đi theo chàng về dinh. Tuy nhiên nói kiểu nào thì nói, chính vụ này đã gây ra cuộc chiến thành Troy. Nếu không ham “chân dài” (như Theseus) thì sẽ vô sự, còn đã sảy chân thì sẽ có kết cục bi thảm.

Tác phẩm: “Venus thuyết phục Hellen yêu Paris”, Angelica Kauffmann,1741. Họa sĩ Angelica chắc là thích sự lãng mạn, vẽ “Venus thuyết phục” thay vì “Paris bắt cóc”. Helen (trái) nhìn khá do dự khi thấy Paris xuất hiện. Cậu Cupid thì đang nắm khăn choàng của Paris để động viên. Paris xem ra vừa nhát vừa dễ mắc cỡ. Hai con bồ câu biểu tượng của Cupid đang đậu trên ghế, cạnh Venus.


Tác phẩm “Paris tán tỉnh Helen”, Jacques-Louis David, 1788. Vẽ năm 1786 nhưng do bị bệnh nặng nên đến 1788 Jacques mới hoàn tất nó. Paris đang khoe tài lẻ (cầm đàn mà) để chinh phục người đẹp. Bức tượng thờ thần Venus được đặt trên cây cột màu đồng ở bên trái, chếch về phía phải (treo trên vách ngăn bằng đá được phủ vải xanh) là vòng hoa sim – biểu tượng của sự chung thủy. Quả là khó cho Helen, một bên chung thủy răn đe, một bên Venus mời mọc. Bốn cột tượng có hình phụ nữ này là do Jacques chép lại từ bản gốc ở bảo tàng Louvre.


Tác phẩm “Cưỡng bức Helen”, Tintiretto, 1579. Họa sĩ này thì lại theo tích bạo lực, và nhìn tranh thì thấy Helen đang bị đánh ngã ở góc trái, trông chẳng có vẻ gì là sung sướng. Tintiretto không vẽ Paris vuốt ve Helen mà vẽ một đống kiếm sĩ cũng như cung thủ đang đánh nhau. Một chiến sĩ đang cầm dây để trói Helen, ép cô rời Sparta sang Troy sống.


Tác phẩm “Vụ bắt cóc Helen”, Cesare Dandini, khoảng thế kỷ 16. Tuy cũng theo tích “bắt cóc” nhưng tác phẩm này bớt bạo lực hơn so với Tintiretto. Dandini vẽ Paris đang dìu Helen lên tàu về Troy (dù Helen trông khá miễn cưỡng); còn trong tranh Tintiretto, Paris lặn đâu mất tăm, Helen thì ngã chỏng chơ. Một số lính của Paris đang hôi của và đang bắt chước Paris bắt cóc đàn bà con gái.


Tác phẩm “Cưỡng bức Helen, Francesco Primaticcio, 1539. Venus (khỏa thân, với làn da trắng bất thường như rơi vào thùng bột mì), đang chỉ đạo vụ bắt cóc. Helen trông cũng rất hoảng sợ khi bị đưa lên thuyền. Quân lính thành Troy đang cản đường lính Hy Lạp (vì rất nhiều chàng trai Hy Lạp đã thề sẽ bảo vệ Helen, dù cô làm nữ hoàng xứ Sparta. Sparta nói chung cũng từng là thuộc địa của Hy Lạp nên trận chiến thành Troy có rất đông quân Hy Lạp tham gia). Đa số cho rằng Primaticcio vẽ bức tranh này, nhưng một số thì vẫn còn nghi ngờ.

 

Chuyện về sau còn rất nhiều, chiến tranh vốn liên miên mà. Thứ tư này SOI sẽ bổ sung thêm về cuộc chiến thành Troy, lúc đó chân dài Helen sẽ đóng vai phụ thôi. Giống Điêu Thuyền (và thân phận giai nhân nói chung), Helen nổi như cồn vì cô là nguyên nhân khiến đôi bên gây sự, nhưng lúc chiến tranh nổ ra thì chẳng ai để ý xem cô đang làm gì.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài
– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng
– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp
– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

Ý kiến - Thảo luận

21:12 Saturday,23.8.2014 Đăng bởi:  Pha Lê
@Nguyễn Hạnh Quyên: Chán bạn quá rồi, đã mất công giải thích cho trong bài Scylla, giờ bạn lại đổ oan y thế!

Nhắc cả tỷ lần là tích Hy Lạp CÓ NHIỀU BẢN nhé, ông Hesiod viết một kiểu, ông Ovid viết một kiểu, ông Homer viết một kiểu. Mỗi người kể tích khác nhau nên bây giờ không thể vặn ra ai đúng ai sai được. Cái bản về Pirithous là bản sau này, gắn với tíc
...xem tiếp
21:12 Saturday,23.8.2014 Đăng bởi:  Pha Lê
@Nguyễn Hạnh Quyên: Chán bạn quá rồi, đã mất công giải thích cho trong bài Scylla, giờ bạn lại đổ oan y thế!

Nhắc cả tỷ lần là tích Hy Lạp CÓ NHIỀU BẢN nhé, ông Hesiod viết một kiểu, ông Ovid viết một kiểu, ông Homer viết một kiểu. Mỗi người kể tích khác nhau nên bây giờ không thể vặn ra ai đúng ai sai được. Cái bản về Pirithous là bản sau này, gắn với tích Hercules. Còn bản cổ hơn thì ban đầu hai ông tranh nhau Helen. Cũng đã nói là mình không viết tích theo kiểu từ điển bách khoa, liệt kê hết ông nào kể bản nào cho bạn vừa lòng được. Mình lựa ra một bản để dễ kể, còn ai thích thú muốn đọc thêm nữa thì tự đọc, ai muốn bổ sung thì bổ sung.

Chẳng có một ông duy nhất viết ra một bản tích duy nhất để rồi ai chệch cái tích đó là sai nhé! Dễ thế thì chả ma nào nghiên cứu tích cổ làm gì. Bạn có thắc mắc về các bản tích, hay về các tác giả Hy Lạp cổ khác nhau, hoặc có gì khúc mắc thì mình sẽ ráng hết sức để trả lời, chứ làm ơn đừng đổ oan là bản bạn đọc đúng, còn bản kia thì sai nữa. Nếu vậy thì theo bạn có mấy nàng tiên Hesperides? Ông Apollodorus nói là có 4, ông Hesiod nói là 3. Cả hai ông đều là các nhà thơ Hy Lạp chuyên kể tích có tiếng thời trước Công Nguyên. Vậy ông nào đúng ông nào sai đây? 
11:29 Saturday,23.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Soi kể sai to phần đầu bài rồi. Hứ ! Khi Theseus và Pirithous bàn nhau về chuyện tìm hiền thê mới, Theseus quyết định cưới nàng Helen, còn Pirithous quyết định cướp thần Persephone (vợ Hades) về làm vợ. Chớ không phải cả Pirithous và Theseus cùng đến bắt Helen rồi chơi xí ngầu xúc xắc như Soi nói đâu !
Về phần Helen, sau khi Theseus giúp Pirithous xuống âm phủ để bắt cóc t
...xem tiếp
11:29 Saturday,23.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Soi kể sai to phần đầu bài rồi. Hứ ! Khi Theseus và Pirithous bàn nhau về chuyện tìm hiền thê mới, Theseus quyết định cưới nàng Helen, còn Pirithous quyết định cướp thần Persephone (vợ Hades) về làm vợ. Chớ không phải cả Pirithous và Theseus cùng đến bắt Helen rồi chơi xí ngầu xúc xắc như Soi nói đâu !
Về phần Helen, sau khi Theseus giúp Pirithous xuống âm phủ để bắt cóc thần Persephone thì hai người này đã bị thần Hades lừa cho ngồi xuống cái ghế lãng quên nên họ chẳng còn biết mình là ai ; lừa lúc đó Ponlus và Castos - hai "ông em" của Helen dẫn quân lính từ Sparta đến Athens (thành do Theseus trị vì) đòi lại bà chị gái của mình. Khi Helen trưởng thành, nhan sắc nức tiếng gần xa, khi ấy bao người đến cầu hôn. Trong số đó thì nàng ấy tự chọn chồng cho mình là Menelaus chớ không phải vua cha chọn cho đâu nhé ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả