Soi học

Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu 11. 12. 11 - 7:45 am

Pha Lê

 

Tượng Dionysus, do La Mã copy lại từ bản gốc, hiện nằm tại bảo tàng Louvre. Được tạc vào thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên. Biểu tượng của vị thần này là: chùm nho, báo đốm, báo đen, cọp, và cây trượng thyrus (cây gỗ dài có gắn quả thông trên chóp).

 

Thời Hy Lạp có đánh nhau, hiếp dâm, xây thành, thì cũng sẽ có… nhậu. Người Hy Lạp tìm ra cách làm rượu cách đây khoảng 6500 năm. Nghe thì lâu vậy chứ tính ra không lâu bằng việc sinh con đẻ cái, đánh nhau, hay săn bắn; chưa nói đến chuyện 6500 năm trước thì đúng ra chỉ có vùng Macadonia biết làm rượu thôi, để thứ đồ uống này được phổ biến rộng khắp thì cũng cần thời gian, và mỗi vùng phát hiện/làm rượu theo mỗi kiểu; nên gốc gác của thần rượu Dionysus (tên La Mã: Bacchus) rất chi là lung tung. Nhưng ông nào chả thích… nhậu? Nên một số vùng mới phán rằng khi Dionysus chào đời thì Hestia vui vẻ nhường ghế trên đỉnh Olympia cho Dionysus ngồi. Xem ra trinh nữ không có giá bằng nhậu nhẹt.

Cái phần sơ yếu lý lịch của ông bợm này rất nhức đầu. Bố của ông bợm thì được đa số đồng ý là Zeus, còn phần mẹ thì giống như bài tập “điền vào chỗ trống”, ai thích tên gì thì điền tên ấy. Những nhà thơ như Pindar, Diosorus, hay Plutarch… điền loạn xạ, phán rằng mẹ của Dionysus là Demeter, là Io, là Dione v.v…. Nên hãy theo bản phổ biến nhất, do Homer, Apollodprus, và Euripides viết, nói Dionysus là con của Zeus và Seleme.

Chuyện tình của Zeus với Seleme cũng rất ly kỳ.

Seleme là con gái của vua Cadmus và Harmonia (Bạn nào thuộc bài, sẽ nhớ rằng Harmonia là con của Mars và Venus). Cô không phải thần mà chỉ là người thường, nhưng rất đẹp, nên được Zeus để ý. Trái với mấy tích khác, Zeus không biến thành con gì cũng không hếp dâm cô này. Ông tìm đến Seleme trong hình dạng của một người đàn ông bình thường, và cả hai rất yêu nhau, Seleme biết ông là Zeus nhưng chẳng có lời phàn nàn. Zeus yêu Seleme nên hứa rằng sẽ thực hiện bất cứ những gì cô yêu cầu.

Có điều, bà vợ Hera của Zeus tức điên khi thấy chồng lại đi léng phéng với gái trẻ. Hera giả dạng một bà già, xuất hiện trước mặt Seleme và nói rằng Seleme chỉ là một con tép riu, vì Zeus ăn nằm với cô trong lốt đàn ông thường; còn lúc ở với Hera, Zeus không đội lốt gì hết mà trở thành vị thần tối cao. Bà nói Seleme hãy yêu cầu Zeus trở về hình dạng thật, để chứng tỏ tình yêu của Zeus đối với Seleme là sâu đậm không thua gì với Hera.

Thấy bà này nói có lý, nên lựa lúc Zeus xuống trần thế để vui vẻ với mình, Seleme yêu cầu ông biến thành vị thần oai phong lẫm liệt trước mặt cô. Zeus ra sức cản nhưng cô không nghe. Cuối cùng, ông phải giữ đúng lời hứa, biến thành thần Zeus trước mặt Seleme.

Người thường không thể nhìn thẳng vào Zeus mà sống sót được. Seleme bị sấm chớp và hào quang của Zeus thiêu cháy. Nhưng lúc đó, cô đang mang bầu Dionysus, mà Dionysus lại là thần nên không chết (dù ông mới chỉ là một bào thai). Zeus nhanh trí khâu Dionysus vào bắp đùi của mình. Bào thai thần rượu cứ thế phát triển, và khi ông thành hình thì Zeus rạch đùi “đẻ” Dionysus ra.

Tác phẩm “Jupiter và Seleme”, Gustave Moreau, 1895. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất về tích này, vẽ cảnh Zeus biến thành vị thần khổng lồ, còn Seleme chết thảm trong tay ông. Không nhà thơ nào nói Zeus đem xác Seleme lên Olympia, nhưng tranh của Gustave thì hình như vẽ Zeus ôm cơ thể mềm oặt của Seleme trên ngai vàng đặt ở ngọn núi này. Khung cảnh có gì đó rất giống với cách trang trí của Ấn Độ giáo, liếc sơ thì thấy Olympia trông chẳng khác gì một điện thờ của đạo Hindu. Hình do bạn Hiếu Thiện cung cấp.


Tác phẩm “Jupiter và Seleme”, Jacopo Tintoretto, 1545. Zeus biến thành vị thần và hào quang cũng như sấm chớp của ông sắp sửa thiêu cháy Seleme – hiện nằm trên giường rất chi là thản nhiên, vô tư. Kiểu nằm này giống của một người mẫu hơn là của một cô gái háo hức muốn nhìn thấy dung nhan thật của người yêu.


Tác phẩm “Bacchus chào đời”, Giulio Romano, 1530. Seleme đang bốc cháy; Zeus thì biến thành thần, nhưng cách ông quay lưng leo lên mây thấy sao giống như đang… bỏ trốn? Hera cũng ngồi trên mây, tò mò dòm xuống để xem Zeus làm gì. Bé Dionysus thì đang được các nàng nào trông như người hầu của Seleme bồng. Chắc do Giulio không biết vẽ bào thai, chứ làm gì mà Dionysus đã lớn tướng thế kia? Vả lại, mẹ chưa chết hẳn thì lý ra Dionysus vẫn còn nằm trong bụng chứ.

 

Sau khi đẻ Dionysus từ… đùi ra, Zeus làm gì? Ông trao con cho Hermes, nhờ Hermes tìm người nuôi hộ Dionysus (rõ vô trách nhiệm). Quá trình khôn lớn của thần rượu cũng có lắm bản khác nhau, chủ yếu là do hồi xưa không có ghi chép, mà mỗi vùng lại làm rượu một kiểu nên cứ hay phán rằng mình làm ra rượu đầu tiên, rượu mình ngon nhất, thành thử Dionysus có gốc từ khắp nơi.

Tác phẩm “Hermes giao Bacchus cho các nàng tiên” Francois Boucher, 1734. Hermes đang đội mũ, ngồi trên mây, hai nàng tiên ngồi giữa bồng Dionysus, các nàng còn lại thì được vẽ trong tư thế khỏa thân. Đây chắc là cảnh trên núi, vì có hai chú dê núi bên góc phải. Nhưng núi nào thì có trời biết, tích về Dionysus rất lung tung, nên các họa sĩ cũng vẽ lung tung theo.

 

Người vùng Thebes nói rằng Hermes giao Dionysus cho các nàng tiên sống trên đỉnh núi Nysa (dĩ nhiên Nysa nằm ở Thebes). Lúc nhỏ ông được các tiên cưng nựng, cho mặc váy giả gái.

Người của đảo Euboea thì nói Dionysus được nuôi lớn trên một ngọn núi ở đảo này.

Người Naxos nói thần rượu được các nàng tiên mưa (tên là The Hyades, chuyên làm mưa để giúp dân trồng trọt) sống tại Naxos nuôi lớn.

Người xứ Sparta thì nói cái xác chết thiêu của Seleme dạt vào vùng đất của họ, người dân Sparta phát hiện thấy Dionysus vẫn còn sống nên nuôi ông lớn.

Tác phẩm “Nuôi Bacchus”, Poussin, 1635. Poussin vẽ cảnh Dionysus được tiên và Satyrs chăm sóc (Satyrs là dâm thần, chỉ có Satyrs nam chứ không có nữ, hình dạng nửa người nửa dê; có lẽ đây là nguồn gốc của cái từ “ông 35”?). Rất ít nhà thơ viết rằng Dionysus được Satyrs nuôi, đám này chỉ theo hầu vị thần rượu khi ông lớn. Dionysus trong tranh đang ngồi trên bình rượu, nên có lẽ ông đang được cho uống rượu thay vì uống sữa.


Giống Poussin, Guido Reni cũng cho rằng Dionysus mê nhậu từ nhỏ. Đây là tác phẩm “Bé Dionysus” do Guido vẽ vào khoảng thế kỷ 17. Thần rượu vừa nhậu vừa tè, trông giống bợm quá thể.

 

Nhưng gốc gác thế nào thì Dionysus cũng trở thành một… bợm nhậu. Ngoài ra, ông còn là thần của thực vật, của lễ hội, của khoái lạc, và của… khả năng sinh sản. Ông cũng luôn có một đoàn Satyrs và các nàng tiên Mainades (cũng na ná các nàng tiên (nymph) khác, nhưng bạo lực, thích giết chóc, và… dâm hơn nhiều). Nói chung thì có lễ hội là sẽ có nhậu, nhậu đem tới nhiều cảm xức lâng lâng và cũng sẽ khiến người ta mất kiểm soát, nam nữ lôi nhau ra mây mưa, lúc tỉnh dậy thì phát hiện ra mình có bầu; thành thử người Hy Lạp cổ gán cho Dionysus các chức vụ sặc mùi ăn chơi đàn đúm. Họa sĩ cũng rất thích vẽ cảnh Dionysus tiệc tùng. Hồi ấy lắm người mượn cảnh Dionysus ăn chơi để vẽ thành cảnh ôm ấp tập thể trong tình trạng khỏa thân.

Tác phẩm “Tuổi trẻ của Bacchus”, William Adolphe Bouguereau, 1884. Tác phầm này có từ tiên, người thường, đến nhân mã và Satyrs. Hình như Dionysus đang ngồi trên con lừa, được 2 Satyrs đỡ cái bụng bự (do uống nhiều chất cồn quá mà, trông Dionysus này già chết, tuổi trẻ gì nữa, hay Dionysus là chàng nào khác nhi?). Hai nhân mã đang thổi sáo Aulos ở góc phải, còn các nàng tiên và các chàng trai thì đang khiêu vũ nhảy múa.


Tác phẩm “Mừng Bacchus”, Francesco de Mura, 1760. Dionysus đội vòng nho, ngồi trên xe có báo đốm kéo. Lễ mừng này chắc lại là một bữa tiệc tùng linh đình nào đấy, với đầy đủ thanh niên trai tráng và gái đẹp.


Tác phẩm “Venus, Cupid, Bacchus, và Ceres”, Rubens, 1613. Dionysus quấn áo lông báo, đang mời rượu Venus và tặng Cupid một chùm nho. Thần của vụ mùa/thu hoạch Ceres (tên Hy Lạp: Demeter) – đội cây lúa mì trên đầu – đang ngồi quan sát 3 người còn lại. Rubens chắc đang muốn thể hiện thời điểm hội hè từng bừng của một năm bội thu; khi lúa được mùa, dân chúng thỏa sức uống rượu, yêu đương, sinh con đẻ cái.


Nhưng do mang tiếng làm thần rượu nên Dionysus cũng hay bị đem ra bêu rếu. Trong tác phẩm “Bacchus”, do họa sĩ Cornelis De Vos vẽ này, Dionosyus trông giống một tay trọc phú ăn chơi. Ông thần đội vòng nho, ngồi trên xe dát vàng có 2 con cọp kéo, với Satyrs và tiên vây quanh. Dionysus trong tác phẩm này vừa mập phị, vừa xấu òm, và có cái bụng phệ nhìn chán không chịu được.


Rubens cũng có lúc lôi Dionysus ra phê phán. Trái với bức Rubens vẽ thần rượu cùng Venus, Cupid, và Ceres ở trên; bức chân dung Dionysus này được vẽ vào năm 1638, và tả Dionysus như một vị thần ăn chơi trác táng. Xung quanh ông thần, ai cũng uống rượu, tiên uống, Satyrs uống, thậm chí con nít cũng uống.

 

Nhưng các họa sĩ có vẽ gì, thì Dionysus cũng lấy được một cô rất đẹp. Tích về vợ của ông thần này đã có bài đây.

 

*

 

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà
– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

 

Ý kiến - Thảo luận

18:23 Tuesday,22.11.2016 Đăng bởi:  Margaritt Elrea
Zeus thề có sông Styx chứng minh sẽ làm điều mà công chúa Semele mong muốn. Đến lúc Semele nói muốn chứng kiến Zeus trong hình tượng quyền lực như ở Olympus thì Zeus không chối được nữa, đành làm.
...xem tiếp
18:23 Tuesday,22.11.2016 Đăng bởi:  Margaritt Elrea
Zeus thề có sông Styx chứng minh sẽ làm điều mà công chúa Semele mong muốn. Đến lúc Semele nói muốn chứng kiến Zeus trong hình tượng quyền lực như ở Olympus thì Zeus không chối được nữa, đành làm. 
10:18 Wednesday,12.11.2014 Đăng bởi:  Pha Lê
Nghe Anh Nguyễn phân tích cũng thấy thích luôn :) cảm ơn Anh Nguyễn đã quan tâm
...xem tiếp
10:18 Wednesday,12.11.2014 Đăng bởi:  Pha Lê
Nghe Anh Nguyễn phân tích cũng thấy thích luôn :) cảm ơn Anh Nguyễn đã quan tâm 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả