Soi học

Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra? 10. 09. 11 - 11:41 pm

Pha Lê

Chúng ta đã bàn khá nhiều về 12 vị thần tối cao của đỉnh Olympia, nhưng vị thần thông minh nhất, Athena (tên La Mã: Minerva), thì lại chưa đả động đến. Đúng là phạm thượng. Lần này xin có một bài giới thiệu sơ về Athena.

*

Trước khi bàn về sự chào đời của vị thần này, người đọc tích Hy Lạp phải lưu ý rằng Athena – giống như Hera – có nguồn gốc từ các nữ thần cổ, sau này bị giáng chức xuống làm con ông Zeus, nên các tích về Athena khá lộn xộn. Nữ thần vừa lắm tài lẻ, chức vụ (Thần của trí tuệ, công lý, chiến lược, kỹ thuật, thủ công v.v…); vừa lắm bí danh, tuy không hoạt động cách mạng: Acraea, Aethyia, Ageleia, Agoraea, Alalcomeneis, Alcimache, Alcis, Alea, Amublia, Anemotis, Apaturia, Areia, Asia, Assesia, Axiopoenos, Boulaia, Budeia, Chalinitis, Chryse, Cleidouchos, Colocasia, Coryphasia… (Cái này là tôi mới kể đến vần “C” thôi đấy!)

Tác phẩm “Nữ thần Athena”, không rõ tác giả. Tay trái vị thần này cầm giáo, tay phải là thần chiến thắng Nike. Giống cha Zeus, Nike luôn đi cùng Athena mỗi lúc xông trận, vì vậy mà Athena luôn thắng thế, còn Mars – tuy mang tiếng làm thần chiến tranh – lại hay thua cuộc. Biểu tượng của Athena gồm: giáo, khiên, mũ sắt, cây ô-liu, và con cú.


Tác phẩm “Pallas” (một bí danh của Athena), Hendrick Goltzius. Trong tranh có khá là đầy đủ những biểu tượng của nữ thần này, từ cú, giáo, mũ sắt, đến khiên. Thậm chí Hendrick còn vẽ thêm vài quyển sách ở góc trái, để mọi người biết là thần trí tuệ rất ham học hỏi. Cái duy nhất thiếu là quần áo. Athena cũng thuộc dạng đoan chính (thề sẽ làm trinh nữ), nhưng vẫn bị các họa sĩ lôi ra vẽ khỏa thân.

 

Nhưng vấn đề đầu tiên cần bàn: Nhân vật này là con ai? Ra đời như thế nào?

Bản thứ nhất, theo nhà thơ Homer, khá chung chung, buồn tẻ và vô trách nhiệm; ông phán Athena là con gái Zeus, không có mẹ.

Bản thứ hai, do Hesiod kể, thì phổ biến hơn: Zeus, sau khi lên ngôi vua, lấy một nữ thần thuộc giống Titan tên Metis làm vợ (có nghĩa Hera không phải vợ đầu tiên của ông này, nhưng tích Hy Lạp vốn có lắm bản lộn xộn thế đó).

Các chuyên gia vẫn đang cãi nhau vì bức tượng này, có người bảo “đấy là Metis”, có người cho rằng đấy là Athena. Cũng phải thôi, hai mẹ con rất giống nhau, cùng làm thần trí tuệ, cùng đội mũ, xách giáo (đã gãy nhưng nhìn cách bàn tay bà nắm lại thì cũng biết là đang cầm giáo), xách khiên (cũng bị thời gian phá hủy, thật tiếc) mỗi lần xông trận.

 

Rắc rối là, lúc Metis có bầu, Zeus đến gặp đất mẹ Gaia xin lời khuyên (giống dân Việt Nam mình đi coi bói). Gaia bói đúng quẻ xấu: Metis sẽ sinh ra những đứa con tài ba cũng như mạnh mẽ hơn hẳn Zeus. Chúng sẽ lật đổ Zeus và lên nắm quyền, gầy dựng một giống thần mới. Zeus nghe xong sợ phát khiếp, ông đã từng lật đổ cha mình (thần Cronus), nên ông chẳng muốn nhìn lịch sử lặp lại. Thay vì “nuốt con” như Cronus từng làm, Zeus nuốt luôn Metis cho chắc ăn.

Tác phẩm “Cronus nuốt Poseidon”, Rubens, 1636. Cronus cầm lưỡi hái ông từng dùng để cắt của qúy của Uranus

 

Mấy tháng sau, Zeus bị một cơn đau đầu buốt óc hành hạ. Tới lúc ông chịu hết nổi, Athena từ trong đầu ông chui ra. Nhà thơ Pindar sau này kể thêm rằng Hephaestos dùng búa chẻ một đường trên sọ của Zeus để Athena chào đời dễ dàng. (Chẳng hiểu Pindar đọc tích gì mà phán vậy, bởi Hephaestos lúc ấy ở đâu ra mà chẻ sọ? Hera tự đẻ ra Hephaestos là do ghen tức với việc Zeus tự đẻ Athena ra mà! Vả lại Hera – mang tiếng vợ sau – làm sao có thể sinh Hephaestos trước khi Metis – vợ đầu – nhờ Zeus “đẻ hộ” Athena? Rõ rắc rối).

Athena chui ra từ đầu Zeus, không rõ tác giả. Mặc Zeus trông đau khổ như đau đẻ. Chắc dân Hy Lạp không có truyền thống “đầu là để thờ cha thờ mẹ” nên mới có tích này, chứ không thì Zeus trông như đang bị Athena đạp lên đầu, lép vế quá đi mất.

 

Apollodorus cũng thêm mắm dặm muối cho tích trên, ông kể rằng: thay vì giống các bé sơ sinh vốn trần như nhộng khi lọt lòng, Athena được mẹ Metis tặng cho bộ áo giáp, và mặc sẵn bộ quân phục hoành tráng này ngay khi chào đời – tức chui từ đầu bố ra.

Tác phẩm “Athena chào đời”, Phrynos, 550 BC, vẽ trên bình gốm. Phrynos theo tích của Pindar và Apollodoorus, ông vẽ thần rèn dùng búa chẻ đầu Zeus, và Athena từ đó chui ra, mặc sẵn áo giáp.

 

Một số nguồn còn nói rằng Athena là con của một ông thần nào đó tên Pallas, nhưng ông này tính cưỡng bức Athena nên bị Althena đập cho một trận, sau đó Athena bỏ đi làm con gái nuôi của Zeus. Tích này giải thích bí danh Pallas của nữ thần, dù rất ít người tin nó, bởi đa số công nhận Athena là con ruột của Zeus. Một tích khác, kể rằng Athena từng làm bạn với một nàng tiên (không rõ tiên gì) tên Pallas. Althena yêu Pallas lắm (cũng chẳng biết “yêu” theo nghĩa nào? Trái với quan hệ nam-nam, quan hệ nữ-nữ không có tên và cũng không được dân Hy Lạp cổ chú ý mấy). Trong một lần chơi trò đánh trận giả, Athena lỡ tay giết chết Pallas. Đau khổ quá, Althena nhập tên của mình vào với tên của Pallas (thành Pallas Athena) rồi thề sẽ không bao giờ chung chạ với đàn ông.

Xong chuyện tên tuổi, gia thế, giờ bàn tới tính cách. Đúng theo lời Gaia bói, Athena cực kỳ thông minh và bản lĩnh, lại đẹp nữa (có thế mới đi thi sắc đẹp với Hera và Venus chứ). Athena không hiếu chiến giống Mars nhưng nếu có xung đột thì Mars luôn thua Athena. (Đơn cử: cuộc chiến thành Troy, Mars theo phe… thua cuộc)

Tượng Athena (với thần chiến thắng Nike trong tay) trước cửa tòa nhà Quốc hội ở Vienna, Áo. Vì là thần của trí tuệ và công lý, nên chính phủ Áo xây tượng của Athena trước cửa làm biểu tượng.


Athena (giữa) trên phần trán tường của Bảo tàng Anh Quốc (British Museum). Nếu tinh mắt thì sẽ thấy khá nhiều tòa nhà thuộc quyền quản lý (hoặc từng thuộc quyền quản lý) của chính phủ ở các nước châu Âu đặt tượng Athena, không lớn thì nhỏ, không chỗ này thì chỗ kia. Ai cũng thích Athena vì nữ thần này thông thái, không lăng nhăng, giỏi chiến thuật, biết truyền nghề cho dân. Một hình mẫu lý tưởng cho các vị lãnh đạo.


Tác phẩm “Athena”, không rõ tác giả, bạn nào biết xin bổ sung cho SOI. Mũ sắt, khiên, và con cú đều hiện diện trong bức tranh. Theo dân Hy Lạp cổ thì cú là biểu tượng của trí tuệ, nên vì vậy mà nó được gắn với Athena chăng? Đền thờ Parthenon nổi tiếng của Athena làm nền cho tác phẩm.


Tác phầm “Minerva bảo vệ Pax khỏi sự đe dọa của Mars”, Rubens, 1629. Pax là nữ thần hoà bình, đang chuẩn bị cho em bé bú. Hermes – sứ giả của các vị thần – cầm đuốc để chỉ đường cho các em nhỏ trốn sang phía của Pax, nơi có dâm thần Pan (ám chỉ sự sinh sôi nảy nở), và các nàng tiên (một đang cổ vũ cho Athena, một đang ôm thau của cải, ám chỉ hòa bình là thịnh vượng). Athena (đội mũ) đang đánh nhau với Mars ở phía bên phải. Khác với Mars thích bạo lực và hay gây sự vô cớ, Athena chiến đấu để bảo vệ hòa bình và công lý.


Tác phẩm “Athena thuần hóa con nhân mã”, Sandro Botticelli, 1480. Cái giáo của Athena trong bức tranh nhìn giống cái búa, còn nét mặt của Venus trong tác phẩm “Sự ra đời của Venus”, 1486; thì được copy y chang từ tác phẩm này.

 

Athena còn phát hiện ra kỹ thuật dệt, thậm chí còn truyền nghề cho dân chúng (có một tích rất thú vị liên quan tới việc này, nhưng xin dành cho bài khác). Thành phố Athen được đặt tên theo Athena, lý do vì sao? Xin đợi tới Chủ nhật tuần sau vì tích cũng khá dài.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu
– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp
– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

Ý kiến - Thảo luận

21:09 Sunday,8.1.2017 Đăng bởi:  Ngocanh
Xin lỗi bác Jorae Jinner, lần sau cháu sẽ không mắc sai lầm như thế nữa.
...xem tiếp
21:09 Sunday,8.1.2017 Đăng bởi:  Ngocanh
Xin lỗi bác Jorae Jinner, lần sau cháu sẽ không mắc sai lầm như thế nữa. 
17:59 Friday,6.1.2017 Đăng bởi:  Lê Hà 2
Tôi nghĩ các bạn cứ nên để Jorae Jinner phát biểu. Thời này mà còn tìm được người đọc Thần thoại Hy lạp rồi thắc mắc là hiếm lắm, quý lắm :-)
A tê mít nói có điều đúng, Jorae nên tiếp thu: tích Hy lạp có nhiều bản chứ không chỉ có một nguồn duy nhất. Những điều này Pha Lê cũng đã nói rõ trong các bài.
...xem tiếp
17:59 Friday,6.1.2017 Đăng bởi:  Lê Hà 2
Tôi nghĩ các bạn cứ nên để Jorae Jinner phát biểu. Thời này mà còn tìm được người đọc Thần thoại Hy lạp rồi thắc mắc là hiếm lắm, quý lắm :-)
A tê mít nói có điều đúng, Jorae nên tiếp thu: tích Hy lạp có nhiều bản chứ không chỉ có một nguồn duy nhất. Những điều này Pha Lê cũng đã nói rõ trong các bài. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đối thoại: Có nên độ lượng với Nhái?

Minh Thành, Huy Thông, Lý Chuồn Chuồn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả