Soi học

Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1) 08. 01. 12 - 7:18 am

Pha Lê

 

.

Mấy bài học gần đây toàn dính tới chết chóc, đọc vừa thấy thảm vừa thấy buồn. Chúng ta đã học xong tiểu sử của các vị thần cỡ bự của đỉnh Olympia rồi, hãy chuyển sang học các vị thần con con thôi. Để thay đổi không khí, xin kể một tích thơ mộng, đầy tình cảm.

Đó là tích Cupid và Psyche. Đây là tích cực kỳ phổ biến, ai không biết nhiều thì cũng biết lờ mờ. Chính ra nó không phải tích Hy Lạp mà là tích của La Mã. (Còn nhớ không? Cupid xuất hiện ở thời La Mã, bên Hy Lạp chỉ có Eros, cậu này không phải con trai Venus, mà là con của Chaos). Nhưng tích này rất nổi tiếng, không học không được.

Tích bắt đầu thế này: ở một vương quốc nào đấy (không rõ tên), vị vua và hoàng hậu sinh ba cô công chúa. Hai cô đầu đẹp ngời ngời, nhưng cô út thì đặc biệt, đẹp xuất chúng, đến nỗi ngôn ngữ nghèo nàn của loài người không tả nổi. Cô có tên Psyche (có nghĩa là tâm hồn, y chang chữ psyche trong tiếng Anh, từ đó mà môn “tâm lý học” được gọi là “Psychology”).

Tác phẩm “Psyche”, William Adolphe Bouguereau, 1892. Nói theo ngôn ngữ hip hop hiện nay thì Psyche đẹp nghiêng nước nghiêng thùng. Bức chân dung này của William trông xinh đấy chứ, hơn hẳn mấy bức vẽ Helen thành Troy.

 

Psyche đẹp quá, thành thử dân chúng từ các quốc gia đua nhau kéo đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nàng. Tiếng lành đồn xa, đến nỗi mọi người không thèm thờ Venus nữa, mà đem hết của cải, vật tế đến lâu đài của Psyche và thờ nàng như thể thờ thần. Vụ này làm Venus tức điên. Chắc mọi người cũng hiểu hậu quả của nó ra sao rồi. Nếu bạn là nguyên do khiến vị thần nào trên đỉnh Olympia nổi giận, bạn nên đào một cái hố và chui xuống đó trốn. Venus lôi cổ Cupid vào nhà rồi ra lệnh: Cupid phải dùng mũi tên của mình và ếm cho Psyche yêu một gã xấu xí nhất thế gian.

Tác phẩm “Dân chúng thờ nàng Psyche”, Luca Giordano,1692. Vào thế kỷ 17, dân tình cho rằng mập mới đẹp, nên nàng Psyche trong tranh nhìn hơi tròn trịa, nếu đi thi hoa hậu thời nay thì sẽ rớt ở vòng nộp đơn. Nhưng thời xưa thì không sao. Trai gái, người già, lẫn trẻ em đều bỏ Venus mà quay sang thờ Psyche, họ lạy nàng và đem hoa quả đến dâng cho nàng. Ở góc trên bên phải, Venus đang tức điên, bà nắm lấy Cupid và chỉ cho thằng con thấy kẻ “dám” đẹp hơn mình, và nhờ Cupid trừng trị. Cupid trong tranh cũng mập, không biết sao mà bay nổi được nhỉ?)

 

Cupid hí hửng thi lệnh. Cậu này nổi tiếng ranh ma, đểu cáng, không biết phép tắc hay phải trái gì hết. Cậu chuyên quậy phá đời sống yên ả của dân chúng dưới trần thế, làm khổ bao cuộc hôn nhân hạnh phúc, nên không hề chần chừ khi mẹ Venus bảo cậu hại đời một cô gái. (Nói thêm chút, Cupid mang tiếng xấu như vậy là vì các ông chồng hay ăn vụng đều mang “Cupid nghịch ngợm” ra chống chế. Các ông nói rằng mình yêu vợ lắm, nhưng Cupid quậy đem mình ra làm bia để bắn mũi tên, khiến mình bỗng dưng mê mệt một em khác, chứ không cố ý phản bội vợ, rõ khổ! Các ông chồng ngày nay đừng đem Cupid ra làm bình phong nhé).

Cupid bay xuống trần thế, nhưng khi vừa giương cung lên, cậu bị chân dài Psyche làm chao đảo. Nàng đẹp quá (chắc phải gấp trăm lần Kiều), khiến Cupid lúng túng, quờ quạng thế nào mà cầm cung bắn ngược vào chính mình. Bị tình yêu chi phối, cậu không thể bắt Psyche yêu một gã xấu òm nào đó theo lời mẹ Venus được, nên vỗ cánh bỏ đi.

Tác phẩm “Sắc đẹp của Psyche đánh gục Cupid đang bay”, Maurice Denis, 1908. Cupid (góc phải) bị vẻ đẹp của Psyche quyến rũ, đến nỗi đang bay mà lăn ra bất tỉnh, nhìn tranh thì thấy dường như Cupid sắp rớt xuống đất chết. Theo tích, Cupid không hề nhìn thấy Psyche lúc nàng đang… tắm. Nhưng Maurice vẽ cảnh Psyche tắm sông cùng đám nữ tì cho nó hấp dẫn. Vào thời của Maurice, hội họa đang dần chuyển hướng sang dòng Hiện Đại, nên màu sắc cũng như đường nét trong tác phẩm này nhìn bớt hiện thực, và trông trừu tượng hơn. Tuy nhiên, thời nào thì đa số các họa sĩ đều thích vẽ người đẹp cởi truồng.)


Tác phẩm “Cupid và Psyche”, John Roddam Spencer Stanhope, thế kỷ 19. John vẽ cảnh Cupid lẻn vào phòng Psyche, chuẩn bị bắn tên ếm cho nàng yêu phải một anh xấu hoắc. Psyche thì đứng ở cửa sổ, ngó ra vườn, suy nghĩ mông lung. Nhìn nàng như đang chờ đợi ai, ý đồ của họa sĩ chăng?

 

Cũng cùng thời điểm ấy, bố mẹ Psyche bắt đầu lo lắng, không biết tại sao cô út nhà mình không được chàng nào hỏi cưới, trong khi hai cô chị đã lấy được vua được chúa rồi. Vấn đề nằm ở chỗ: hai cô chị “đẹp vừa phải” để người trần rước về dinh, còn Psyche thì đẹp hơn thánh, nên dân chúng chỉ dám ngắm và thờ, chứ không dám đụng vào. Thế là Psyche cô đơn, trở nên buồn rầu, trông phát tội.

Thương con gái, vua và hoàng hậu đến đền thờ của Apollo, dâng lên rất nhiều của cải và vật tế nhằm xin Apollo cho lời khuyên. Apollo phán thế này: “Chuẩn bị cho con gái ngươi, ôi vị vua kia, một đám cưới hãi hùng, hãy đem nó lên đỉnh núi. Hy vọng rằng súc vật ở hạ giới sẽ làm con rể của ngươi, vì nó sẽ phải cưới một thứ yêu quái ghê tởm, dã man, ác như con rắn độc. Hắn bay bằng cánh; rồi dùng mũi tên và đuốc lửa để gây tại họa cho bất cứ những gì biết chuyển động. Zeus cũng phải sợ hắn. Các thần khác khiếp hãi khi nhìn thấy hắn. Sông ngòi phải rùng mình, địa ngục tăm tối phía dưới cũng thế.” (Một số bản dịch ngắn gọn hơn, viết Apollo phán rằng: Psyche quá đẹp để cưới người trần; bố mẹ của nàng nghe xong lại suy ra thành: nàng sẽ cưới… quái vật. Có điều tóm tắt như vậy thì hơi dở.)

Tác phẩm “Bố mẹ của Psyche dâng vật tế lên cho Apollo”, Luca Giordano, 1692. Vua và hoàng hậu (đội vương miện) đang cầu xin Apollo cho lời khuyên, còn người hầu thì đem gia súc tới tế thần. Tượng Apollo nằm ở góc phải trên cùng. Tượng làm bằng vàng, có hình Apollo cầm đàn lia. Cảnh tế thần này nhìn hơi loạn, chẳng có ai xếp hàng ngay ngắn gì hết. Đáng ra, tế thần là một lễ tế nghiêm túc lẫn nghiêm nghị, chứ chẳng cẩu thả như vầy.

 

Vua lẫn hoàng hậu nghe lời phán, đau khổ suýt ngất. Thực ra, nếu để ý thì thấy Apollo đang tả Cupid đó thôi. Cupid sử dụng mũi tên và đuốc lửa – gọi là “đuốc tình yêu” (nhưng các họa sĩ hay vẽ mũi tên hơn). Apollo tả đúng rồi. Cupid chuyên phá hoại người dân, đến thần thánh cũng phải sợ Cupid. Chính Apollo cũng có lý do để cay cú. Mọi người còn nhớ không? Chỉ vì lỡ mồm mắng Cupid một lần mà Apollo bị Cupid ếm cho yêu Daphne, chàng rượt cô này chạy cho đến khi cô biến thành cây nguyệt quế. Bởi vậy Cupid mới bị Apollo phán là “ác như rắn độc”.

Dĩ nhiên, bố mẹ của Psyche đâu biết được mấy chuyện này, nên hiểu sai ý. Họ khóc lóc thảm thiết, đau khổ cho số phận của con gái cưng. Psyche thương bố mẹ lắm, nên nàng không thể nhìn cảnh cả hai gào thét đến mức tổn thọ được. Nàng chấp nhận vận mệnh của mình, và bảo mọi người chuẩn bị đám cưới, đưa nàng lên núi làm vợ “yêu quái”.

Dân chúng của cả vương quốc tiễn nàng đi, vừa tiễn vừa khóc. Họ đưa nàng lên đỉnh núi rồi bỏ nàng ở đấy; trên đường về họ còn vứt lại các ngọn đuốc, vì nước mắt của họ liên tục chảy xuống, khiến các ngọn đuốc tắt hết lửa.

Tác phẩm “Bố mẹ Psyche bỏ con gái trên đỉnh núi”, Maurice Denis, 1909. Vua và hoàng hậu (chắc là hai người bên trái) chuẩn bị quay về, vua (áo tím) nhìn con gái với vẻ lo âu (vua này trông giống đàn bà ghê). Một người dân – do nghèo, thiếu quần áo nên phải lấy lông thú quấn người một cách khiêm tốn – đang ôm mặt đau khổ. Anh khóc nhiều quá, nước mắt dập tắt đuốc lửa – hiện chỉ còn bốc tí khói. Ngồi trên mây là hai vị thần, không thấy biểu tượng gì hết nên chẳng biết là thần nào, một trong hai có lẽ là Cupid, thần còn lại có thể là thần gió, vì thần gió sẽ xuất hiện sau này.


Tác phẩm “Đám cưới của Psyche”, Eward Burne Jones, 1895. Psyche đứng giữa, tay để lên tim (ý như đang sợ hãi). Người dân đến tiễn cô về nhà chồng, mặt buồn rười rượi, khiến đám cưới này u ám như đám ma. Tốp trên cùng vừa đi vừa rải bông một cách thiếu sinh khí, tốp sau thì kéo đàn theo kiểu sầu muộn. Ông mặc áo xanh, đang chống gậy có lẽ là thầy tu (đội mũ như vậy thì chắc không phải là vua cha rồi). Nói chung, mọi người tưởng Psyche phải cưới yêu quái nên trông mặt mày thê thảm quá.

 

Ngồi chờ trong bóng tối, số phận của Psyche sẽ ra sao? Chuyện tình còn ly kỳ, mọi người hãy chờ đến tuần sau để học tiếp.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – tàng hình trong đêm động phòng (kỳ 2)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – giặc bên Ngô không bằng hai cô chị vợ (kỳ 3)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng (kỳ 4)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – khổ rồi cuối cùng cũng sướng (kỳ 5)

Ý kiến - Thảo luận

12:27 Sunday,8.1.2012 Đăng bởi:  EM-CO-Y-KIEN
Ô, mà lạ ghê, xem các bức tranh thì thấy Cu-pít không chỉ là các nhi-đồng-biết-bay ?

Nhiều bác/chú Cu-pít zừ phết?

Có nhẽ các họa sĩ cũng có lí, các nhi đồng Cu-pít thì làm zề đã biết cảm thụ với lại rung động trước vẻ lõn-là của cô tiên Xai-cờ chớ!

Bơ phờ ghê gớm !
...xem tiếp
12:27 Sunday,8.1.2012 Đăng bởi:  EM-CO-Y-KIEN
Ô, mà lạ ghê, xem các bức tranh thì thấy Cu-pít không chỉ là các nhi-đồng-biết-bay ?

Nhiều bác/chú Cu-pít zừ phết?

Có nhẽ các họa sĩ cũng có lí, các nhi đồng Cu-pít thì làm zề đã biết cảm thụ với lại rung động trước vẻ lõn-là của cô tiên Xai-cờ chớ!

Bơ phờ ghê gớm ! 
12:06 Sunday,8.1.2012 Đăng bởi:  EM-CO-Y-KIEN
"Psyche thì đẹp hơn thánh, nên dân chúng chỉ dám ngắm và thờ, chứ không dám đụng vào..."

Đoạn này hơi zống kiểu zai làng ta bi zờ hay zỗi:

"Thị ơi thị zụng bị chàng,
Chàng để chàng ngửi chứ chàng không xơi"!

(Dở hơi ghê gớm !!!)

Cám ơn câu chuyện mới của chị Pha-Lê nhé!
...xem tiếp
12:06 Sunday,8.1.2012 Đăng bởi:  EM-CO-Y-KIEN
"Psyche thì đẹp hơn thánh, nên dân chúng chỉ dám ngắm và thờ, chứ không dám đụng vào..."

Đoạn này hơi zống kiểu zai làng ta bi zờ hay zỗi:

"Thị ơi thị zụng bị chàng,
Chàng để chàng ngửi chứ chàng không xơi"!

(Dở hơi ghê gớm !!!)

Cám ơn câu chuyện mới của chị Pha-Lê nhé! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?)

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả