Soi học

Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ? 04. 09. 11 - 5:41 am

Pha Lê

Hera. Không rõ tác giả. Biểu tượng của Hera là 1- Con công, 2 – con bò; nên nếu để ý thì sẽ thấy một chú công lảng vảng trong các tác phẩm vẽ Hera. (ít thấy bò vì bò chiếm chỗ và không thơ mộng bằng)

 

Sau loạt bài về thần Zeus, Hera (gọi theo tiếng La Mã: Juno) bị chết tên “bà vợ hay ghen”, nghe thật không công bằng chút nào. Kỳ này, xin trở lại với 12 vị thần của đỉnh Olympia, và cũng xin gỡ oan cho bà Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ.

*

Đầu tiên, khác với những vị thần nam giới, các nữ thần có lịch sử vòng vèo hơn một chút, lý do đơn giản: hồi thuở sơ khai, đàn ông không hiểu làm cách nào mà đàn bà lại… có bầu. Họ nghĩ đàn bà mang thai do làm tình với gió, hay ăn phải món nào đấy lạ bụng. Thành ra họ thờ nữ thần chứ không thờ nam thần. Sau này, khi xã hội chuyển sang chế độ phụ hệ, các nữ thần xưa bị giáng chức từ từ. Cuối cùng, đến lúc thiên hạ biết bịa tích để kể thì những nữ thần xưa ấy bị phân tán thành nhiều bản, một trong số những bản đó là Hera. Hera cũng có lắm tên gọi khác nhau, nhiều hơn cả Zeus vì dân chúng thờ bà lâu hơn. Các tên khác bao gồm: Acraea, Aegophagus, Ammonia, Antheia, Argeia, Bunaea, Chera, Gamelia, Henioche, Hippia, Hypercheiria, Imbrasia, Pais, Parthenia, Pelasga, Pharygaea, Prodromia, Samia, Telchinia, Zygia… nói chung nhiều đến nỗi đọc trẹo cả miệng. Trong tích Hy Lạp cổ, bà là thần hôn nhân, cũng như thần của phái nữ, của gia đình.

Theo phả hệ, nữ thần này là con gái út của Titan Cronus và Rhea, giống như các anh em khác (trừ Zeus), bà bị Cronus nuốt vào bụng khi mới lọt lòng. (Xin xem lại bài: Zeus và phả hệ rối ren). Sau này khi Zeus chiến thắng bố mình và bắt ông nôn hết các anh em ra khỏi bụng thì Hera chào đời lần hai. Cũng có thể nói Hera là con cả, ra đời trước nên bị nuốt trước; do đó, khi Cronus oẹ con cái theo thứ tự thì bà trở thành con út. Một số nguồn khác – như nhà thơ Lactantius – phán rằng Hera là chị em sinh đôi của Zeus; rồi nhà thơ Apollodorus thì nói Hestia mới là con gái cả, Hera là phận thứ.

*

Một vài điều khác nhau về các tích liên quan tới Hera:

– Theo truyện dân gian chung chung: Sau khi chào đời lần nữa, Hera được hai Titans là Oceanus và Tethys nuôi, lớn lên làm vợ Zeus, không có tính ghen tuông. Tích này choảng nhau với tích Zeus nhốt các Titians xuống địa ngục sau khi đánh thắng Cronus, nhưng thần thoại Hy Lạp rối rắm thế đó.

– Theo người dân vùng đất Argos cổ xưa: Hera được ba nàng tiên sông tên Euboea, Prosymna, và Acraea nuôi (ba nàng này sống tại Argos), lớn lên Hera làm vợ Zeus, cũng không có máu Hoạn Thư.

– Theo nhà thơ Olen, Hera được ba nữ thần Mùa màng: Eunomia, Dike, Eirene nuôi; chẳng biết Hera của nhà thơ này có bệnh ghen hay không, vì các tác phẩm của ông bị thất lạc hết.

– Nhà sử học kiêm thầy địa lý Pausanias thì phán: dân vùng Arcadia nói rằng chàng Hoàng tử Temenus của họ nuôi Hera khôn lớn; thậm chí lúc Hera giận Zeus bà còn bỏ chồng về sống với Temenus một thời gian. Hera này cũng không ghen, chỉ hơi nóng tính.

– Theo truyện kể của các nhà thơ khác (Homer, Hesiod, Apollodorus…), Hera trở thành bà vợ ghen tuông, hễ rảnh môt tí là đi hành hạ đám con ngoài giá thú của Zeus. Đôi khi giận cá chém thớt, nữ thần này quay sang làm khó con cái của chính mình. Zeus và Hera có ba con: Ares (thần chiến tranh), Hebe (thần tuổi trẻ), Eileithyia (thần sinh nở); việc thần rèn Hephaestus có phải con của Hera và Zeus không thì đã có bài riêng; chuyện liên quan tới Hephaestus hơi dài dòng.

Tác phẩm “Juno”, Andrea Appiani, 1796. Hình như bức này vẽ Hera cùng đám nữ tỳ. Bởi nếu theo tích “Nuôi lớn Hera” thì tác phẩm này sai be bét. Hera trông đã lớn tướng thế kia. Ba nàng đang đứng cạnh Hera là tiên sông? Hay thần mùa màng? Các họa sĩ cứ khoái vẽ khỏa thân nên chẳng thể biết ai là ai

Ít họa sĩ nào vẽ quá trình khôn lớn của Hera bởi tích này choảng tích kia loạn xà ngầu, đọc chữ thôi mà mắt đã nổi đom đóm, hiếm lắm mới thấy một bức vẽ Hera như của Appiani. Vả lại, đa số các họa sĩ đọc Homer, Apollodorus, hoặc Ovid; nên trong trí óc của họ, Hera bị chết tên “bà vợ hay ghen”. Chẳng ai muốn vẽ một bà vợ hay ghen trong khi có thể vẽ Zeus hiếp dâm thiên hạ (hấp dẫn hơn nhiều). Số ít tranh về nữ thần này thường chia thành ba loại: Hera thời hạnh phúc với Zeus, Hera trả thù các trò lăng nhăng của Zeus cũng như hành hạ đám con rơi của Zeus, Hera và cuộc chiến thành Troy. Vì bài này chỉ giới thiệu về Hera, chưa đi sâu vô các trò ghen cũng như thành Troy, nên mời mọi người ngắm tranh vẽ Hera và Zeus:

Juno và Jupiter, Antoine Coypel, không rõ ngày. Con đại bàng biểu tượng của Zeus ngồi giữa cặp vợ chồng, con công của Hera thì lượn trên đầu hai đứa con (không rõ là Ares, Hebe, hay Eileithyia?), kiểu như Hera vẫn phải gánh vác nhiệm vụ trông con cho dù đang vui vẻ với Zeus?


Juno và Jupiter, Gavin Hamilton, không rõ ngày. Con công và con đại bàng một lần nữa có mặt trong tác phẩm về Hera và Zeus. Vì mang tiếng làm nữ thần Hôn nhân gia đình nên các họa sĩ cho bà thêm vải để trông có vẻ gì đó đoan chính. Nhưng cũng vì vậy nên ít người thích vẽ Hera. Hở mỗi nửa ngực thế kia thì sao hấp dẫn bằng khỏa thân?


Zeus và Hera, James Barry, 1773. Trông hai vị thần cũng tình tứ ra phết, và như nhiều bức khác, Zeus bao giờ đầu cũng thấp hơn Hera (nhường vợ?)


Jupiter và Juno, Annibale Carracci, không rõ ngày. Con đại bàng đứng cạnh Zeus còn con công thì đứng gần Hera. Dù mang chức “mẫu hậu” nhưng Hera không xấu cũng chẳng già; trong khi Zeus thì thường được vẽ cùng bộ râu bồm xồm, tóc tai bù xù, cộng với vẻ mặt không được trẻ trung lắm. Hera trong tác phẩm này thiếu vải hơn các tác phẩm khác, thậm chí Carracci còn vẽ cupid lởn vởn trong phòng của hai người, chắc ý muốn nói cả hai đang trong thời kỳ “yêu nhau”

Tuy có vẻ dài dòng và không dính gì mấy đến tranh, nhưng để tiếp tục các bài học chủ nhật sau này, tầm quan trọng của Hera trong tích Hy Lạp phải được nhắc đến: Tích về quá trình khôn lớn của Hera tại sao lại lung tung beng thế? Như đã nói trước, Hera là hiện thân của các nữ thần xưa, mà vùng nào của Hy Lạp cổ đại cũng thờ các nữ thần này, mỗi vùng cho tên tuổi khác nhau nhưng chung quy thì các nữ thần có tính cách giống nhau, tất cả đều là thần của sinh đẻ, gia đình, phụ nữ, hôn nhân…, đúng theo luật của chế độ mẫu hệ. Dù sau này có tích, có tên chung, nhưng mỗi vùng, mỗi thành phố của Hy Lạp vẫn nhớ sơ sơ về truyền thống nên hay phán rằng Hera lớn lên tại thành phố mình. Như dân Argos nói “Hera là của tôi, bà lớn lên tại đây”, còn dân Arcadia cũng cãi “Hera được Hoàng tử của tôi nuôi, nên Hera là của tôi”, mà cả hai không nhận ra rằng họ từng thờ Hera, dưới một tên khác, khi Hy Lạp chưa chuyển sang chế độ phụ hệ.

Bởi vậy nên Hera không phải lúc nào cũng có máu ghen. Phần lớn dân chúng hồi đấy lo cầu gia đình yên ấm, cầu đường con cái, và cũng lao động vất vả kiếm ăn nên chẳng hơi đâu nghĩ tới chuyện ngoại tình hay ghen tuông vớ vẩn. Đến lúc các nhà thơ thi nhau viết tích (dựa trên truyện dân gian), thì Hera được tặng dòng máu Hoạn Thư để tích thêm phần màu mè; vả lại, đến thời của các nhà thơ này thì nền văn minh của Hy Lạp cổ đang rất hưng thịnh, cuộc sống cũng khá hơn, nên kiếm ăn không còn vất vả nữa. Các ông chồng bắt đầu đi tòm tèm của lạ, làm các bà vợ phải phát điên. “Hera ghen tuông” phản ánh tâm lý cũng như cuộc sống của phụ nữ thời đó, nên dù truyện có bảo thế này thế nọ thì Hera cũng đáng được nhìn nhận một cách khách quan và đáng được tôn trọng. Các họa sĩ xưa không rỗi hơi nghiên cứu về lịch sử của nữ giới, thành ra họ không mấy hứng thú với Hera cho lắm. Quả là tiếc!

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?
– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu
– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng
– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

Ý kiến - Thảo luận

21:08 Sunday,1.1.2017 Đăng bởi:  Jorae Jinner
Hera khỏe ghen tuông thì đúng thật, nhưng có lẽ Soi không nên nói Hera là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ. Vì thần thoại Hy Lạp ra đời sớm hơn "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân cũng như "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, thì Hoạn Thư phải có sau Hera. Ai lại đi so sánh "cái cũ giống cái mới" bao giờ hả Soi ? So sánh như Soi thì chẳng hóa ra nói "mẹ giống con" à ? Phải nó
...xem tiếp
21:08 Sunday,1.1.2017 Đăng bởi:  Jorae Jinner
Hera khỏe ghen tuông thì đúng thật, nhưng có lẽ Soi không nên nói Hera là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ. Vì thần thoại Hy Lạp ra đời sớm hơn "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân cũng như "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, thì Hoạn Thư phải có sau Hera. Ai lại đi so sánh "cái cũ giống cái mới" bao giờ hả Soi ? So sánh như Soi thì chẳng hóa ra nói "mẹ giống con" à ? Phải nói Hoạn Thư là Hera của "Truyện Kiều"... 
0:13 Sunday,27.9.2015 Đăng bởi: 
Đùa hả, bà Hera mang tiếng là nữ thần mang quyền lực tối cao, nữ thần của hạnh phúc, bà mẹ và trẻ sơ sinh nhưng bà ấy lại là người bất hạnh nhất. Không ghen sao được khi có một đức lang quân tối ngày nghĩ kế đi vụng trộm, con rơi nhiều không đếm xuể?
...xem tiếp
0:13 Sunday,27.9.2015 Đăng bởi: 
Đùa hả, bà Hera mang tiếng là nữ thần mang quyền lực tối cao, nữ thần của hạnh phúc, bà mẹ và trẻ sơ sinh nhưng bà ấy lại là người bất hạnh nhất. Không ghen sao được khi có một đức lang quân tối ngày nghĩ kế đi vụng trộm, con rơi nhiều không đếm xuể? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả