Soi học

Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ 30. 10. 11 - 6:33 am

Pha Lê

 

.

Để tiếp nối bài Artemis, chủ nhật hôm nay sẽ trả lời câu hỏi “Artemis có mê gái không?”. Đa số các nhà thơ ủng hộ thuyết này, và đa số các họa sĩ cũng thế.

Một trong những tích các họa sĩ thích vẽ nhất là tích “Zeus quyến rũ Callisto dưới lốt Artemis” (hấp dẫn lắm). Bản của Ovid là hấp dẫn nhất. Theo Ovid, Callisto là một nàng tiên (Nymph, nhưng không rõ tiên gì, chỉ biết là cô này sống ở vùng Arcadia) thuộc hội người hầu của Artemis. Callisto được thần săn bắn sủng ái nhất (nếu nói như phim Tàu thì đám tiên kia là cung phi lăng nhăng, còn Callisto giống hoàng hậu). Điều này dễ hiểu thôi, Callisto rất đẹp (tên của cô có nghĩa “xinh đẹp” mà lị).

Tác phẩm “Diana và Callisto”, Francois Boucher, 1760. Artemis (đội vương miện mặt trăng) đang ôm Callisto. Các thiên thần trông chẳng khác gì Cupid, cầm tên chĩa vào Artemis y như kiểu Artemis bị “bỏ bùa yêu”. Vì đây là thần săn bắn nên ngoài tấm vải lụa, Boucher vẽ thêm tấm chăn da báo cho nó rừng rú. Ông họa sĩ này là “fan” của Artemis nói chung lẫn Artemis/Callisto nói riêng.


Tên của tác phẩm này hơi mập mờ. Có nguồn nói đây là bức “Diana sau khi tắm xong”, có nguồn nói “Diana sau khi đi săn”, rồi có người bảo tên nó là “Diana và Callisto”; nhưng chắc chắn Boucher vẽ bức này. Artemis đội vương miện, cầm sợi dây chuyền trong khi Callisto quấn dải băng xanh. Có thể đây là cảnh Artemis và Callisto sau khi hai người đi săn về, vì mấy con gà rừng bị bắn chết đang nằm chỏng chơ dưới đất. Hai con chó săn đang tranh thù giải lao để uống nước. Artemis luôn được các cô tiên vây quanh hầu hạ, nhưng đôi lúc cũng thích được “một mình” thế này với Callisto.

 

Tuy nhiên, đôi khi phái đoàn của Artemis đi săn mà không có Callisto vì Callisto phải ở nhà “dưỡng sức, nghỉ ngơi”. Trong một buổi nghỉ ngơi đó, Zeus buồn không có gì làm (tật cũ lặp lại), ngó xuống, thấy Callisto xinh quá nên nổi máu dê xồm.

Tác phẩm “Jupiter phát hiện thấy Callisto”, Berchem, 1656. Zeus với biểu tượng của mình – con đại bàng – đang ngồi trên mây. Bên trái của Callisto là chú chó săn – biều tượng của Artemis. Nhưng dù có Artemis đứng ra bảo vệ thì cũng khó thoát khỏi Zeus.

 

Zeus dở khoản nào chứ riêng khoản hiếp dâm thì rất sáng tạo. Ông biết thừa đám người hầu (hay cung phi?) của con gái mình rất yêu bà chủ, hễ thấy đàn ông là vắt giò chạy mất. Nên ông đổi hình dạng, biến thành Artemis và tiến tới Callisto. Cô tiên này thấy Artemis thì vui vẻ cười. Zeus (trong lốt con gái) hỏi Callsito rằng mình có đẹp không. Callisto trả lời Artemis là đẹp nhất, mạnh mẽ nhất. Zeus hỏi tiếp “Thế còn Zeus thì sao?”, Callisto nói rằng tuy Zeus làm vua, nhưng tài nghệ của Artemis vẫn vượt xa bố đẻ của mình. Zeus thấy bản thân bị chê nên khoái chí (?), càng muốn chiếm Callisto làm của. Ông ôm hôn, sờ soạng cô. Callisto (nghĩ đây là Artemis) nên chẳng cằn nhằn gì. Nhưng đến lúc cao trào, Zeus không kiểm soát được bản thân nên phép thuật biến đi đâu mất (nghe quen quá), Zeus lộ nguyên hình là một ông già với bộ râu xồm xoàm. Callisto hãi hùng, gào thét kêu cứu thì đã muộn. Zeus, giống bao cuộc ăn vụng khác, hiếp dâm Callisto xong rồi chuồn thẳng.

Tác phẩm “Jupiter và Callisto”, Peter Paul Rubens, 1613. Zeus (trong lốt con gái) đang quyến rũ Callisto. Nàng tiên này chắc nghĩ mình đang được Artemis nựng nên đầu óc mụ mị, chứ tỉnh táo một chút cũng biết đây chẳng phải Artemis. Vương miện không có, mà lại có con đại bàng kè kè bên cạnh. Đích thị là Zeus rồi.


Tác phẩm “Jupiter và Callisto”, Francois Boucher, 1744. Zeus (trong lốt Artemis) có đeo vương miện, nhưng con đại bàng vẫn kè kè theo sau. Bức tranh trông khá lãng mạn. Các họa sĩ có vẻ thích cảnh Zeus ve vãn hơn là Zeus hiếp dâm Callisto. Với lại lúc hiếp dâm thì Zeus hiện nguyên hình rồi. Một ông già râu ria tua tủa thì đâu còn hấp dẫn nữa?


Tác phẩm “Jupiter và Callisto”, thế kỷ 18, Francois Boucher. Con đại bàng của Zeus vẫn lù lù trên mây. Callisto vẫn quấn dải băng xanh như trong bức “Diana và Callisto sau khi tắm/đi săn xong”. Ông vẽ bức này lúc tuổi đã già, mắt mờ, nên nhiều người chê là tác phẩm này hơi bị xấu, tỷ lệ sai lung tung.

 

Nói cho ngay, một số nhà thơ cổ hủ hơn viết là Zeus biến thành Apollo để quyến rũ Callisto, nhưng tích này không mấy ai tin. Số họa sĩ vẽ theo bản “Apollo” không nhiều lắm.

“Jupiter và Callisto”, 1617, Caesar van Everdingen. Ông này vẽ Zeus biến thành Apollo, con đại bàng đứng ở sau lưng (có điều ông vẽ cái cổ của con đại bàng dài ngoằng, nhìn không giống gì hết). Hai thiên thần bay trước mặt Callisto, cầm cái mặt nạ (biểu tượng của nghệ thuật kịch), ám chỉ đây không phải là Apollo, mà là một người khác “đóng vai” Apollo.

 

Chuyện gì phải đến sau vụ hiếp dâm cũng sẽ đến. Callisto mang bầu, nhưng cố giấu vì sợ bị Artemis đuổi đi. Tuy nhiên, cái bụng to chẳng thể giấu mãi. Trong một lần tắm sông, chuyện bầu bì bị lộ và Artemis tức giận quá, đuổi Callisto ra khỏi nhóm. Cũng tội nghiệp vì Callisto bị hiếp, thủ phạm là Zeus, lý ra ông phải bị lôi ra xử. Nhưng Artemis không phải Giê-su. Nữ thần này chẳng từ bi, chỉ biết kết quả, không màng nguyên nhân. Nói chung, thần Hy Lạp cổ không độ lượng xíu nào. Artemis có thuộc giới tính thứ ba hay thứ bốn thì cũng vậy thôi, tính cách của các thần Hy Lạp không phụ thuộc vào giới tính nào hết (ai cũng vậy cả, nói chi đến thần?).

Tác phẩm “Diana và Callisto”, 1525, Palma Vecchio. Callisto (quấn vải trắng) bẽn lẽn nhìn cái bụng (hình như chưa to lắm). Còn Artemis (hình như đang dòm Callisto với vẻ dò xét? chẳng biết đây có phải Artemis không. Palma chẳng vẽ chó săn hay vương miện gì để phân biệt hết)


“Diana và Callisto”, 1716, Ricci Sebastiano. Artemis (cầm giáo, có chó săn đứng cạnh) ra lệnh lột tấm vải che bụng của Callisto để kiểm tra. Callisto thì sợ sệt ôm khư khư lấy cái bụng bầu. Artemis ở đây nhìn hơi giống đàn ông nhỉ?


Tác phẩm “Diana và Callisto”, 1559, Titans. Ông Titans vẽ cảnh Artemis (đội vương miện, đang chỉ tay) ra lệnh cho các nàng tiên đuổi Callisto khỏi nhóm. Callisto gào thét thảm thương nhưng hình như không ai lay động gì. Các họa sĩ cũng nên chế một tên hay cho tranh? Cứ “Diana và Callisto” mãi! Hơi chán.


“Diana và Callisto”, thế kỷ 16, Johann Rottenhammer. Artemis ngồi chễm chệ, đưa tay từ chối không cho Callisto ở lại nhóm nữa. Nhưng thời này “mập là đẹp” nên nhìn ai cũng như có bầu! Sao Artemis phân biệt được vậy cà?


“Diana và Callisto”, 1640, Hendrick Bloemaert. Callisto bị hai nàng tiên lôi đi (giống kiểu lôi tội phạm) ở phía bên phải, còn Artemis thì ngồi đấy chỉ trỏ. Ngồi dưới chân Artemis là một cô tiên khác, ngả vào lòng Artemis và nhìn thẳng vào người xem tranh với ánh mắt nham hiểm. Hình như sau khi Callisto bị tống cổ thì cô này sẽ thành “cục cưng”? Thấy giống phim Tàu ghê! Sau khi “hoàng hậu” bị hại, “phi tần” thừa cơ lợi dụng để õng ẹo với “vua”.

 

Sau khi sinh đứa con trai trên Arcas, Callisto bị vợ Zeus, Hera, biến thành con gấu (do ghen tức). Arcas được nàng tiên Maia nuôi lớn (cô này nằm trong số 7 chị em Pleiades, cũng là đám thuộc hạ của Artemis, tính tình bao dung, nuôi dùm con của bạn cũ), nhưng Maia giấu không kể chuyện của mẹ cho Arcas nghe. Cậu Arcas trở thành một thợ săn dũng mãnh. Trong một lần đi săn, Arcas gặp phải một con gấu (chính là mẹ mình). Callisto nhận ra con trai, xúc động quá nên chạy tới ôm. Arcas thì chỉ thấy con gấu sắp vồ mình nên định cầm lao xông tới giết. Zeus ngó xuống, thấy tội lỗi (dù muộn), nên cản Arcas lại, và biến hai mẹ con thành sao trên trời (chính là chòm Ursa Major và Ursa Minor).

Nói chung, bi kịch cũng lại từ Zeus mà ra.

Artemis thì mê gái vậy. Còn Apollo thì sao nhỉ? Xin dành chàng này cho chủ nhật kế tiếp.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

Ý kiến - Thảo luận

0:33 Sunday,5.10.2014 Đăng bởi:  Jayce
viết 1 bài về Apollo đi bạn, đọc trên Wikipedia thấy Apollo cũng có 1 số tình nhân đồng tính (giống chị):v , Cực thích Apollo lun vì thần đẹp trai và mê trai giống mình.. :)))
...xem tiếp
0:33 Sunday,5.10.2014 Đăng bởi:  Jayce
viết 1 bài về Apollo đi bạn, đọc trên Wikipedia thấy Apollo cũng có 1 số tình nhân đồng tính (giống chị):v , Cực thích Apollo lun vì thần đẹp trai và mê trai giống mình.. :))) 
22:02 Wednesday,1.10.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
"Gấu" Callisto biến thành chòm sao Đại Hùng (gấu lớn) còn Arcas biến thành chòm sao Tiểu Hùng (gấu bé) lúc nào cũng quay tít ở phía bắc, không lặn xuống biển được, phải không Soi ?
He he ! Xưa nay người Tàu khựa vẫn nói "Hồng nhan bạc mệnh" mà quả là không sai tí nào. Nhìn gương nữ nhân Callisto thì biết ha !
Thế mà thần thoại Hy Lạp còn có vụ phù thủy Kiếc-kê (Circe
...xem tiếp
22:02 Wednesday,1.10.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
"Gấu" Callisto biến thành chòm sao Đại Hùng (gấu lớn) còn Arcas biến thành chòm sao Tiểu Hùng (gấu bé) lúc nào cũng quay tít ở phía bắc, không lặn xuống biển được, phải không Soi ?
He he ! Xưa nay người Tàu khựa vẫn nói "Hồng nhan bạc mệnh" mà quả là không sai tí nào. Nhìn gương nữ nhân Callisto thì biết ha !
Thế mà thần thoại Hy Lạp còn có vụ phù thủy Kiếc-kê (Circe) ghen đua sắc đẹp với tiên nữ Ca-nen mà biến chồng của Ca-nen thành chim bồ câu. Chẳng lẽ đàn bà Hy Lạp không biết sắc đẹp là mầm mống của tai hoạ hay sao mà cứ phải giành lấy nó mới được ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả