Soi học

Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ –
Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn? 24. 07. 11 - 8:55 am

Pha Lê

(SOI: Trong kế hoạch tự đào tạo của Soi, ngoài việc học mỹ thuật còn có mục học văn hóa, loại đơn giản, dễ hiểu, và dĩ nhiên là qua tranh. Bắt đầu từ tuần này, mỗi chủ nhật Soi sẽ có một bài về loại này, do Pha Lê phụ trách. Trong quá trình tự học thể nào cũng có những thiếu sót, bạn nào có kiến thức gì thêm thì bổ sung nhé, để các bài học vừa vui hơn, vừa đa dạng hơn – thành những bài học “mở”.)

Lambert Sustris: “Venus và Cupid”

Có ai từng đi xem tranh về Thần thoại Hy Lạp và… không hiểu tranh đang vẽ gì cả? Ừ, thì cũng lờ mờ đoán ra được ông râu dài này là Zeus, đang khỏa thân; bà cầm giáo kia là Artemis, đang bán khỏa thân (ở cái thời mà phụ nữ phải mặc coọc-xê, mặc váy kín tới mắt cá thì hình như Thần thoại là đề tài mà các họa sĩ có thể vẽ khỏa thân ít, hoặc khỏa thân nhiều); nhưng ngoài tình trạng thiếu vải và tên tuổi thần thánh được phiên âm theo nhiều bản khác nhau (Zeus? Jove? Jupiter?), thì Thần thoại Hy Lạp vẫn còn là một đề tài xa lạ.

Soi nghĩ rằng, để hiểu rõ hơn về tranh Thần thoại, thì phải bới một ít thần thoại ra nghiền ngẫm, bắt đầu từ vị thần mà ai cũng biết (hoặc muốn biết): Thần Vệ Nữ

Đầu tiên, điều đáng lưu ý là Thần thoại Hy lạp cũng có lắm phiên bản, cùng một vị thần mà bản này chọi bản kia với các tích chẳng ăn nhập gì với nhau. Vấn đề trước nhất là tên. Vệ Nữ theo tiếng Hy Lạp cổ (gốc) là Aphrodite, nhưng sau khi Hy Lạp bị Đế chế La Mã chiếm thì Aphrodite bị cải tên thành Venus. Nhưng phiên bản nào thì Thần Vệ Nữ cũng là vị thần biểu tượng của sắc đẹp, tình yêu, tình dục, và là thần hộ mạng của… gái điếm. Có hai tích về sự ra đời của vị thần này.

 

Sinh ra từ… của quý

Tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất về sự ra đời của Aphrodite là bức tranh do Sandro Botticelli vẽ dưới đây. Theo thoại cổ và theo thơ của Hesiod, thì vào thời xửa xưa (cực xưa, lúc chưa có loài người) thần Uranus (Bầu Trời) là một ông hay đánh đập vợ, bà Gaia (Mặt Đất) và con (một lô một lốc trong đó có Cronus).

Chịu hết nổi, bà Gaia xúi Cronus phản lại cha. Vốn mạnh khỏe, Cronus đánh thắng Uranus, nhưng trước khi tống cổ cha khỏi thiên đàng, Cronus chém đứt của quý của cha mình để dằn mặt (theo kiểu mafia Ý thường xẻo lỗ tai của nạn nhân). Của quý ấy rơi xuống biển, và tinh trùng của Uranus làm nước biển nổi bọt, từ đó Aphrodite ra đời. (“Aphro” theo tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là bọt biển).

 

Theo phả hệ:

Chaos sinh ra: Gaia, Tararus, Eros, Erebus

Gaia sinh ra: Uranus

Gaia và Uranus sinh ra: Cronus

Của quý của Uranus sinh ra: Aphrodite

Cronus và Rhea sinh ra: Zeus (Hay còn gọi là Jove, Jupiter)

Tác phẩm “Sự ra đời của thần Vệ Nữ”, Sandro Botticelli, 1486.

Theo tích thì sau khi sinh ra, các cô tiên biển (Sea Nymphs) đặt Aphrodite lên chiếc vỏ sò, rồi thần Gió Zephyrus cùng thần Aura (Thần Không Khí trong lành, một sự tiên tri sau này sẽ có không khí ô nhiễm?) thổi Aphrodite vào bờ. Trong hình thì phía bên trái, Thần Không Khí ôm Thần Gió (đang phồng miệng thổi), chắc vì đây là không khí trong lành nên thổi ra đầy hoa? Phía bên phải, Thần Horae cầm áo đón Aphrodite. Horae là Thần Mùa Màng, hay Thời Tiết. Thần này đoan chính, thấy Aphrodite nhồng nhỗng khó coi là phải đưa áo bắt vào mặc ngay, nhưng nhầm, Aphrodite tính thích… cởi truồng, rồi bạn sẽ thấy trong cả đời Aphrodite (sau này đổi tên thành Venus) là như thế.

 

Con của Zeus và Dione (Hay Zeus và… chính Zeus?)

Một tích khác, theo nhà thơ Apollodorus và Homer, thì Aphrodite là con của Dione với Zeus (Thần Sấm Sét, hay còn gọi là Thần Dớt, vua của các vị thần, cai quản Olympia). Nói chung thì tích này chẳng sâu sắc gì lắm, nếu không nói là nhàm chán y như người thường. Cũng hai người yêu nhau, có con. Điều đáng nói là xuất xứ của Dione rất mập mờ. Chẳng ai biết bà này là thần gì. Theo tiếng Hy Lạp thì Dione chỉ có nghĩa là “Nữ Thần”. Đến cả tên cũng chung chung, nhạt nhẽo.

Vợ của Zeus – Hera (Thần Hôn Nhân) – là một bà ghen không kém Hoạn Thư, và Hera thường tra tấn bất cứ ai dám mon men đến gần chồng mình. Nhưng theo tích này thì Hera không hề đụng đến một sợi tóc của Dione. Quả là lạ. Rất nhiều sử gia cho rằng Dione chính là phiên bản khác của… Zeus. Có lẽ do không biết ghép Aphrodite làm con ai, hoặc do khó hình dung được chuyện một vị thần không có đầy đủ bố mẹ đẻ ra, nên một số nhà thơ Hy Lạp cổ đã cố dựng nên một nữ thần… tưởng tượng, rồi lấy nữ thần đó làm mẹ Aphrodite. Đế chế La Mã dựa theo tích “đầy đủ hai đấng sinh thành” này để phát triển thêm truyền thuyết về Aphrodite, lý do nằm ở đâu?

 

Ai là ai?

Vì vào thời Hy Lạp cổ đại thì xã hội vừa chuyển từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ, nên các nhà thơ còn châm chước cho phái nữ, còn cố tạo cho họ một vẻ gì đó bí hiểm. Nhưng tới thời La Mã, phụ nữ chẳng còn nắm quyền gì nữa, nên Aphrodite hoàn toàn bị giáng chức xuống làm con của Zeus và Dione, bất luận Dione là ai. Sau đó, thần Eros (xem phả hệ) cũng bị đổi tên thành Cupid và giáng chức xuống làm con của Venus (tên mới của Aphrodite).

Eros cũng là thần Tình Yêu – nhưng thay vì Venus chuyên về tình yêu nam-nữ, Eros chuyên mọi loại tình yêu, trong đó có đồng tính – Eros còn là thần Sinh Sản. Các nhà thơ thời La Mã như thế đã bỏ hẳn phiên bản “sinh ra từ bọt biển” và ghép Venus (tức Aphrodite) với Eros (tức Cupid) làm mẹ con, các vị thần sinh trước thời của Zeus cũng bị lãng quên, hoặc bị giáng chức như Eros.

Phiên bản đầu thường được cho là bản chính gốc Hy Lạp; phiên bản sau, dù cũng bắt đầu từ Hy lạp, nhưng đã bị pha trộn nhiều với văn hóa của La Mã. Như vậy, để phân biệt hai phiên bản của Thần Vệ Nữ này rất đơn giản:

Những ai theo thuyết đầu tiên

Thần Vệ Nữ sẽ không có Cupid đi kèm, thường là nằm một mình, không đứng chung với con cái của Zeus; hoặc đang nằm trên sóng hay trên vỏ sò, chuẩn bị dạt vào bờ.

Tác phẩm “Thần Vệ Nữ đang ngủ”, Giorgione,1510. Nếu để ý thì sẽ thấy bờ biển mà Venus được Thần Gió thổi dạt vào ở phía xa là phần nền của hình


Tác phẩm “Sự ra đời của thần Vệ Nữ”, Alexandre Cabanel, 1863. Tuy Alexandre theo thuyết “bọt biển”, nhưng ảnh hưởng nặng của Thiên Chúa giáo đã khiến ông đổi Tiên Biển (Sea Nymphs), cũng như Zephyrus và Aura, thành các thiên thần trong Kinh Thánh

 

Những ai theo thuyết thứ hai

Vệ Nữ sẽ luôn đi kèm với Cupid. Cảnh nền cũng bớt “tự nhiên” hơn, Vệ Nữ thường nằm trong nhà (thay vì trong… rừng, trên biển, gần biển v.v…)

Tác phẩm “Thần Vệ Nữ đang ngủ” của Artemisa Gentileschi, 1630. Venus thay vì ngủ một mình giữa thiên nhiên như trong tranh của Giorgione, thì lại nằm trong phòng, có Cupid đang quạt mát.


Tác phẩm “Vệ Nữ và Cupid”, Diego Velazquez, 1651

Còn rất nhiều tích giật gân và sặc mùi tình dục về Thần Vệ Nữ, cũng như nhiều tác phẩm hội họa về thần thoại Hy Lạp/La Mã khác nữa. Soi sẽ trở lại với một tích mới, hoặc một vị thần mới, và sẽ cùng mọi người mò mẫm các câu chuyện rối rắm, để chúng ta không phải “mù tịt” mỗi lần xem tranh thần thoại nữa.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

Ý kiến - Thảo luận

16:47 Friday,13.1.2017 Đăng bởi:  Phnera

Bà Venus là nữ thần duy nhất sinh ra là người trưởng thành luôn, không có thân hình trẻ em.
Nhưng không ai vẽ Dione à ad?


...xem tiếp
16:47 Friday,13.1.2017 Đăng bởi:  Phnera

Bà Venus là nữ thần duy nhất sinh ra là người trưởng thành luôn, không có thân hình trẻ em.
Nhưng không ai vẽ Dione à ad?

 
13:58 Thursday,11.8.2016 Đăng bởi:  Mary Earneslla
Soi ơi có bài nào về vua Erycthon không ?
...xem tiếp
13:58 Thursday,11.8.2016 Đăng bởi:  Mary Earneslla
Soi ơi có bài nào về vua Erycthon không ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?)

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả