Soi học

Bài học thứ Tư: “Ngựa gỗ thành Troy” hay cả thành bang tiêu tùng vì một tên lính quèn 15. 02. 12 - 7:22 am

G.G tổng hợp, MLa tìm hình minh họa

.

 

(Lần này, xin chuyển minh họa từ tranh cổ điển sang hí họa cho đổi không khí. Trong cả bài này, xin lỗi là không tìm được tên của một số họa sĩ vẽ tranh. Bạn nào biết thì bổ sung giùm.)

 

Thành Troy không bị sụp đổ vì cái chết của Paris. Suy cho cùng Paris không phải là một dũng tướng phía Troy, dù chính chàng đã “chó ngáp phải ruồi” bắn chết được Achilles.

Trong thành Troy có bức tượng gỗ của thần Athena, gọi là Palladium, và người Hy Lạp biết rằng chừng nào còn giữ được bức tượng này thì thành Troy còn an toàn.

Quân Hy Lạp biết thế nên đã phái hai vị: chiến tướng Diomedes và Odysseus cơ trí, vào một đêm tối trời, leo lên tường thành Troy, đột nhập vào đền thờ Athena, đánh cắp Palladium, mang pho tượng về doanh trại quân Hy Lạp.

Ulysse đánh cắp tượng thần Minerva của thành Troy.

 

Nhưng ngay cả khi đã có được pho tượng “bảo kê” cho thành Troy rồi, người Hy Lạp vẫn biết nếu không có một đòn quyết định thì cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc. Gần mười năm đã trôi qua, nhưng các bức tường của thành Troy vẫn đứng vững trước các cuộc công phá dữ dội của quân Hy Lạp. Bốn đội quân tấn công vào bốn mặt thành thôi chưa đủ, cần phải có một lực lượng từ bên trong đánh ra thì may ra mới hạ được Troy.

Nhưng làm thế nào để đưa được đạo quân thứ năm đó vào thành?

Một lần nữa, người Hy Lạp lại phải dựa vào tài trí của Odysseus.

Odysseus ra lệnh cho thợ trong vòng ba ngày phải đóng xong một con ngựa gỗ khổng lồ, bụng rỗng, đủ chứa được vài chục người. Đích thân Odysseus sẽ chui vào đó cùng với một số chiến tướng như Neoptolemus, Epeius, Melenaus (em trai Agamemnon, chồng của Helen) và hơn mười dũng sỹ khác nữa. Con ngựa có cửa chốt bên trong chắc chắn. Sau khi các dũng sỹ đã rút vào trong bụng ngựa, quân Hy Lạp để con ngựa lại bên ngoài, đối diện với cổng Scaean của thành Troy, xong cho đốt hết tất cả các doanh trại, lên thuyền nhổ neo đi (thật ra, họ chỉ đi thuyền đến đảo Tenetus, nấp ở đó chờ thời).

Về việc làm ngựa gỗ, họa sĩ thời nay cho rằng một đống đàn ông trong bụng ngựa thì phải có gì đó để giải khuây. Trong hình, người thợ làm ngựa nói, “Dĩ nhiên rồi, tôi có thể đặt một quầy rượu trong này.”


“Ố ồ… sàn gỗ xịn nhe!” Cảnh các dũng tướng Hy Lạp khi chui vào bụng ngựa gỗ.


Một bức hí họa của Dana Fradon vẽ quân Hy Lạp leo lên ngựa gỗ nhưng lại xách cặp ngoại giao, bảo với nhau: “Chúng ta sẽ thử đàm phán trước”.

 

Quay lại với bài học thứ Tư, khi phe Troy thấy doanh trại quân Hy Lạp bốc cháy, rồi các chiến thuyền lần lượt kéo nhau đi, bèn ngây thơ vui sướng cho rằng người Hy Lạp thế là đã phải chấp nhận thất bại, cuộc chiến tranh mười năm thế là chấm dứt. Họ kéo đến doanh trại Hy Lạp, chỉ còn thấy những tàn tích của mười năm đóng quân. Nhưng sao có con ngựa gỗ khổng lồ để lại?

Cùng lúc đó, quân Troy tóm được Sinon – một tên lính Hy Lạp láu lỉnh đã được Odysseus cài lại.

Sinon khi ấy đang nấp trong một bụi rậm. Được dẫn đến trước mặt vua Priam thành Troy, y giải thích rằng người Hy Lạp, mệt mỏi vì chinh chiến dằng dặc mãi không thắng được, đã quyết định rút quân, quay về quê. Nhưng trước khi rút quân, họ bị thần Athena “cho một trận”. Nữ thần nói nàng rất tức giận vì người Hy Lạp dám đánh cắp pho tượng Palladium trong thành Troy. Thần nói nếu muốn được yên thân quay về xứ sở thì phải tổ chức hiến tế bằng máu người Hy Lạp, y như lúc đầu xuất quân đã từng hiến tế; bằng không, thần sẽ trừng phạt. Sinon bảo, chính y là kẻ bị Odysseus chọn “cắt tiết” làm vật hiến tế, nhưng y đã khôn khéo trốn thoát được!

Vua Priam có lẽ thời gian qua mải đau buồn vì con trai Hector chết, nên ngớ ngẩn tin ngay lời Sinon, không thắc mắc.

Nhưng còn con ngựa gỗ khổng lồ thì sao? Vua hỏi.

Sinon đã có sẵn một câu chuyện khác để vừa tai vua:

Lại cũng do thần Athena giận dữ vì vụ ăn trộm Palladium, nữ thần ra lệnh cho họ phải chế một con ngựa gỗ, tặng lại cho thành Troy, thế chỗ cho bức tượng làm linh vật của thành đã bị lấy mất. Người Hy Lạp không dám trái lệnh, nhưng cố tình làm con ngựa gỗ thật to để người Troy không thể mang vào trong thành, thành Troy do đó sẽ không được bảo vệ nếu như quân Hy Lạp quay lại một lần nữa…

Câu chuyện này (do Odysseus bịa ra và Sinon rót vào tai vua Priam) thì lại quá có lý, đủ để nhà vua phải suy tính: nếu mang được con ngựa gỗ – linh vật của nữ thần Athena – vào bên trong thì thành Troy sẽ bền vững mãi mãi… Vua lại còn sợ ngựa gỗ quá to, không lọt qua cổng thành được, nên đã ra lệnh cho quân dân Troy phá hẳn một đoạn tường thành để đưa ngựa gỗ vào trong thành!

Nhưng không phải ai cũng tin vào lời bịa tạc của Sinon. Laocoon, viên tư tế của thần Apollo, đã ra sức ngăn cản vua Priam, nhưng nữ thần Athena, vẫn không nguôi căm hận đối với Paris vì đã đánh rớt nàng kì thi hoa hậu, phái luôn hai con rắn thần từ dưới mặt biển nhô lên cắn chết Laocoon cùng với hai người con trai. Người Troy thấy thế càng tin rằng ngựa gỗ chính là linh vật của thần linh và quyết chí kéo nó vào thành.

Ngựa gỗ trước cửa thành Troy. Một tướng Troy nghi ngờ cầm gươm muốn chiến. Vua Priam hỏi, “Chứ chẳng phải sáng nào ta cũng thức giấc mà nghĩ: ước gì mình có một con ngựa gỗ sao?”. Người vẽ cũng thấy ông vua này là ngây thơ?


Quân Hy Lạp trong bức hí họa này của Arnie le Vin dụ vua quân Troy không chỉ bằng con ngựa gỗ mà cả các thiết bị hiện đại (máy nướng bánh mì, máy xay sinh tố). Vua Priam trong tranh bảo: “Con ngựa đẹp đó, nhưng thực sự tụi mình có thể dùng cái máy xay sinh tố”.


Có họa sĩ liên tưởng rất xa. “Đội thể dục dụng cụ nổi tiếng của Troy chưa bao giờ được nhận một món quà hậu hĩnh đến thế”. Đây là con ngựa gỗ cho môn nhảy ngựa. Pha Lê bổ sung: Dân Hy lạp cổ mê tập thể dục lắm. Trẻ trai từ hồi bé tý là đã phải vào phòng tập thể hình mỗi ngày mấy tiếng, ai cũng phải tập.


Họa sĩ Richard Decker thì vẽ thay cho con ngựa là con voi, lời trao đổi của binh lính thành Troy là: “Chắc chắn ổn mà. Ngựa mới phải lo!”. Cũng có thể đây là một bức ám chỉ đảng Dân chủ (con lừa) hay đảng Cộng hòa (ở Mỹ) cũng nguy hiểm cả, đừng có tưởng con voi thì lành hơn con ngựa.


Liên hệ tới tình cảnh của Hy Lạp đứng bên bờ vỡ nợ quốc gia ngày nay, họa sĩ Richard Graham Jolley RSJ vẽ bức này với lời thoại lo âu của quân Troy, “Con ngựa này là từ Hy Lạp… Có khi nào trong đó đầy lời yêu cầu tụi mình trả nợ giúp tụi nó không?”


Nếu như có thói quan liêu thì thảm họa thành Troy chưa chắc đã xảy ra. Trong tranh của Michael Maslin, lính canh không cho ngựa đi qua vì đòi “phải có ai đó ký giấy đã”.


Penapai vẽ về sự sơ hở của thành Troy cũng như của các thiết bị hiện đại ngày nay: Người thì nghi ngờ, ngựa thì không.

 

Tiếp tục nhé, khi ngựa gỗ đã được kéo vào thành, con gái vua Priam là nữ tiên tri Cassandra – kẻ bị nguyền là dự báo nào cũng không được ai tin, đã khóc lóc, cảnh báo người dân Troy về tai họa ghê gớm đang đến gần. Đáp lại lời nàng chỉ có những lời chế nhạo…

Đêm hôm ấy, khi quân và dân thành Troy đang ngủ say sưa trong cảm giác yên bình của ngày đầu sau chiến, Sinon – gã lính bên Hy Lạp – bèn lẻn ra bờ biển đốt lửa làm hiệu rồi đến gõ nhẹ vào bụng con ngựa gỗ. Nghe ám hiệu, các tráng sỹ Hy Lạp từ trong bụng ngựa mở chốt chui ra; họ chia nhau đi khắp bốn cổng thành, giết hết lính canh, mở toang cửa rồi nổi lửa đốt các ngôi nhà trong thành. Trong chốc lát, thành Troy đã ngập chìm trong biển lửa.

Thấy tín hiệu lửa cháy, hạm đội Hy Lạp đang phục quanh đảo gần đó nhanh chóng quay lại, đổ quân lên bờ. Quá dễ dàng khi tòa thành đã bị mở toang bốn mặt, quân Hy Lạp xông vào, mặc sức chém giết. Trong cơn say máu muốn trả thù cho cha mình, Neoptolemus, con trai của Achilles, đã giết chết vua Priam thành Troy. Dã man nhất là cả đứa con trai nhỏ của Hector cũng bị ném từ tường thành xuống đất…

Troy, một trong những thành bang lớn nhất thời cổ đại đã bị người Hy Lạp san bằng thành bình địa.

Ngựa gỗ khi đã vào thành, quân Hy Lạp sắp mở cửa bụng ngựa leo ra. Chú thích hình:“Ngươi nói sao? Không tìm thấy chìa khóa à?”


Quân Hy Lạp từ trong bụng ngựa leo ra, nôn thốc nôn tháo. Chú thích tranh: “Trái với những gì bà con vẫn tin, ngựa gỗ thành Troy là một thảm họa toàn phần.” Chữ “rocking” ở đây ví ngựa Troy như ngựa bập bênh đồ chơi, lúc lắc qua lại làm lính buồn nôn.


Ở Mỹ, dự luật cải cách y tế bị phản đối dữ dội, một trong những lý do chính là thuế sẽ tăng. IRS là tên cơ quan thuế. Các nhân viên IRS ở đây là mượn hình tượng các chiến binh Hy Lạp rời bụng ngựa đi phá thành.

 

Ngựa gỗ thành Troy “hiện nguyên hình”, bao nhiêu người trong thành bị giết, tuy nhiên, một người đáng lẽ phải chết thì lại sống sót, đó chính là nàng Helen kiều diễm, nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến thành Troy. Xông vào trong cung vua Priam, chồng cũ của Helen là Menelaus bắt được người vợ phản bội đang nấp trong một xó. Khi chuẩn bị vung kiếm lên để giết thì Menelaus chết sững: Helen quá đẹp, Menelaus không thể xuống tay. Agamemnon (do thấy Helen đẹp?) cũng khuyên nhủ em trai thôi tha cho Helen đi, bởi thủ phạm chính là Paris thì đã chết, cả quê hương, đô thành của Paris cũng đã bị chinh phục rồi còn gì. Cuối cùng, Helen được tha và theo thuyền trở về… Hy Lạp. Đây có thể nói là kết cục chán nhất nhưng cũng “người” nhất của cuộc chiến thành Troy.

Về tai họa do Helen gây ra, Bill Proud có bức sau: Hai tướng Hy Lạp đứng trên thành và nói: “Helen lại tiếp tục lên Facebook làm cả ngàn cái tàu kéo đến rồi”.

 

Nhìn lại cả cuộc chiến thành Troy, có thể gọi đây là cuộc chiến vô duyên nhất, từ nguyên nhân cho tới kết thúc. Không phải hàng ngàn chiến thuyền Hy Lạp, không phải sự đổ máu của những dũng tướng thiện nghệ, cũng không phải việc lấy được bộ cung Hercules hay ăn cắp được tượng thần… quyết định cục diện cuộc chiến; mà thay vào đó, tất cả chỉ vì miệng lưỡi của một tên lính quèn láu lỉnh, kể một câu chuyện bịa tạc khó tin, kết hợp với sự ngây thơ đột xuất của quân Troy (không kiểm tra bụng ngựa, không canh gác Sinon…) mà dẫn tới kết cục bi thảm của cuộc chiến mười năm này!

Sau này, những thuật ngữ như “ngựa gỗ thành Troy” hay “đạo quân thứ năm” đã trở thành kinh điển, để chỉ chiến thuật nội ứng từ trong nội bộ đánh ra. Chúng cũng là chủ đề vô tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, mỹ thuật. Ngày nay, thỉnh thoảng máy tính bạn báo có virus Trojan cũng là từ tích này.

Những cái gì mang tính dụ khị cũng bị gọi là ngựa gỗ thành Troy. Thí dụ bức này, thay vì để ngựa lại thì để một cái bàn phục vụ đồ ăn, có bánh xe đẩy đàng hoàng.


Hay nền tự do của Mỹ khi gõ cửa một số nước… Lời người lính trong tranh: “Tôi không biết vụ này nha…”, chắc vốn chỉ quen với mỗi ngựa gỗ, giờ sao lại có thêm thần Tự do đến “công khai” thế kia…


Hay dầu hỏa của Israel cung cấp cho Palestine để đổi lại yêu cầu Palestine phải công nhận nhà nước Do Thái (chữ trên bồn xăng là: “Từ Israel”)


Biểu tượng của đảng Dân chủ ở Mỹ là con lừa. Trong tranh là một con lừa gỗ với nhiều dự án có tên đẹp đẽ (cải cách y tế, chương trình bảo hiểm công Public Option dưới sự bảo trợ của Liên bang sẽ giúp hạ phí bảo hiểm. (Collective là chương trình gì, có bạn nào biết chỉ giùm). Nhiều người muốn kéo con lừa này vào. Nhưng có tiếng nói nghi ngờ, “Hay lại một con lừa thành Troy?”. Tiếng từ bụng lừa phát ra: “Không, không có chính phủ trong này.”


Nhưng không hiểu sao Jacques-Bellenger lại ví hai chiếc máy bay đâm vào WTC hồi 11. 9 là hai con ngựa thành Troy.


Cuối cùng, ngựa gỗ thành Troy dưới mắt một họa sĩ hí họa khác, “Nhiều năm sau khi giải ngũ, ngựa thành Troy vẫn còn lắc lư”. Bảng lưu ý dưới con ngựa: Để an toàn, mỗi lần chỉ 125 người cưỡi. 25 xu một người. (Rocking: từ lóng, còn có nghĩa là “ngầu”)

 

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – tàng hình trong đêm động phòng (kỳ 2)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – giặc bên Ngô không bằng hai cô chị vợ (kỳ 3)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng (kỳ 4)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – khổ rồi cuối cùng cũng sướng (kỳ 5)

– Bài học Chủ nhật: Hermes – Thần của ngoại giao, nhưng lại hay nói dối

– Bài học thứ Tư: “Con ngựa gỗ thành Troy” hay cả thành bang tiêu tùng vì một tên lính quèn

 

Ý kiến - Thảo luận

17:07 Saturday,4.4.2015 Đăng bởi:  Trần Quang Thành
"Nhưng không hiểu sao Jacques-Bellenger lại ví hai chiếc máy bay đâm vào WTC hồi 11. 9 là hai con ngựa thành Troy."
Ý của tác giả chỉ bọn cướp máy bay là người của Bin Laden, người từng được CIA huấn luyện, đào tạo. Và chúng đều có quốc tichg Mỹ (nếu mình nhớ không nhầm). Các máy bay bị cướp đều đang thực hiện các chuyến bay nội địa. Tất cả đều có tính chất c
...xem tiếp
17:07 Saturday,4.4.2015 Đăng bởi:  Trần Quang Thành
"Nhưng không hiểu sao Jacques-Bellenger lại ví hai chiếc máy bay đâm vào WTC hồi 11. 9 là hai con ngựa thành Troy."
Ý của tác giả chỉ bọn cướp máy bay là người của Bin Laden, người từng được CIA huấn luyện, đào tạo. Và chúng đều có quốc tichg Mỹ (nếu mình nhớ không nhầm). Các máy bay bị cướp đều đang thực hiện các chuyến bay nội địa. Tất cả đều có tính chất của "con ngựa thành Troy". 
19:01 Sunday,5.5.2013 Đăng bởi:  NTD
Trong tranh của Michael Maslin, chú thích "lính canh không cho ngựa đi qua vì đòi “phải có ai đó ký giấy". Theo mình nên hiểu là người chuyển phát nói với lính canh câu đó, vì không thể để con ngựa lại và bỏ đi, mà cần có xác nhận của lính canh là đ&ati
...xem tiếp
19:01 Sunday,5.5.2013 Đăng bởi:  NTD
Trong tranh của Michael Maslin, chú thích "lính canh không cho ngựa đi qua vì đòi “phải có ai đó ký giấy". Theo mình nên hiểu là người chuyển phát nói với lính canh câu đó, vì không thể để con ngựa lại và bỏ đi, mà cần có xác nhận của lính canh là đã nhận hàng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả