Soi học

Bài học Chủ nhật: Hephaestos –
Nạn nhân của Zeus hay của Hera? 28. 08. 11 - 6:31 am

Pha Lê

 

Thần rèn Hephaestos, không rõ tác giả. Biểu tượng của ông là chiếc búa. Ông thường được vẽ chung với rất nhiều binh khí, để khỏi lầm với Mars – thần chiến tranh, người cũng có lắm binh khí – Hephaestus thường xấu, già, cộng với một chân bị thọt; trong khi Mars đẹp trai hơn và thường quấn lấy Venus. Venus không quấn chồng mình mà chỉ đứng xa xa nhìn ông… làm việc

 

Sau loạt bài về Hera, về thần chiến tranh Mars, có lẽ đã đến lúc phải bàn tới thần rèn Hephaestos (tiếng La Mã: Vulcain). Tích liên quan tới Hephaestos không nhiều lắm; chủ yếu lòng vòng quanh Venus, Pandora, và Hera; các họa sĩ thì cũng luẩn quẩn vẽ tranh Hephaestos với Venus, bởi các tích khác choảng nhau chí choé.

Tác phẩm: Aphrodite trong xưởng rèn của Hephaestos, Jan Van Kessel, 1662. Thần Vệ Nữ do chẳng yêu Hephaestos nên trong các tranh vẽ bà chỉ đứng cạnh, ngược hẳn với tranh “trên giường” của bà với Mars. Đứa bé trong tác phẩm này là Cupid, bởi trên nóc xưởng rèn có một tổ chim bồ câu, mà bồ câu là biểu thượng của vị thần tình yêu nghịch ngợm này

 

Tích khiến nhiều nhà nghiên cứu thần thoại Hy Lạp bứt tóc là tích về sự ra đời của ông thần này. So với những vụ hiếp dâm của Zeuslăng nhăng của Venus, sự ra đời của thần rèn nghe có vẻ “hàn lâm” và chán ngắt, nhưng nó lại cho một cái nhìn thú vị về chế độ xưa.

 

Vậy ông thần này là con ai?

Ý kiến chia ra hai luồng. luồng thứ nhất theo phe của Homer, phán rằng Hephaestus là con của Hera và Zeus, bị tật ở chân khi mới chào đời. Còn những ai theo phe Hesiod thì phán thế này: Khi thấy Zeus tự thân đẻ Athena – thần của công lý, chiến thuật, sự thông minh (và vô số tài năng/nghề nghiệp nhỏ lẻ khác); Hera tức điên. Tại sao Zeus – mang tiếng làm đàn ông – có thể tự đẻ một cô con gái xinh xắn giỏi giang đến vậy? Thế là Hera nấu một loại thuốc, sau khi uống vào bà tự thụ thai rồi sinh ra Hephaestos. Nhưng do không chồng mà chửa nên Hephaestos bị “thiếu chất”, bởi vậy nên ông thần rèn có bộ mặt cực xấu, còn vụ chân què thì sao? Hai luồng ý kiến sau đó chia thành… bốn luồng:

– Hera, xấu hổ với thành phẩm của mình, ném Hephaestos khỏi Olympia. Ông rơi xuống đảo Lemnos (đa số người dân của đảo này thờ Hephaestos. Lemnos cũng có nhiều núi lửa, chữ Volcano (núi lửa) trong tiếng Anh có gốc từ tên La Mã (Vulcain) của Hephaestos). Vì ông là thần nên ông không chết, nhưng chân của ông do vậy mà thành ra què. Hai tiên biển tên Thetis và Eurynome thấy thương quá nên đem ông về nuôi. Vốn khéo tay, Hephaestos mở lò rèn ở dưới lòng đại dương và làm ra thật nhiều trang sức lộng lẫy để trả ơn hai nàng tiên đã cưu mang mình. Một ngày nọ, Thetis và Hera gặp nhau để buôn dưa lê, trong lúc tám, Hera thấy cái ghim cài áo của Thetis đẹp quá nên gặng hỏi xem Thetis mua ở đâu. Thetis khai là Hephaestos làm. Hera nghe xong liền đem thằng con rơi của mình về đỉnh Olympia và mở lò rèn cho con.

Tác phẩm Các nàng tiên phát hiện ra Hephaestos trên đảo Lemnos, Piero Di Cosimo, 1495. Đúng theo tích thì nhiều lắm chỉ có hai nàng, nhưng các họa sĩ lúc nào cũng thích vẽ nhiều nàng. Hephaestos bị què không đứng được nên cô tiên đang xoa đầu an ủi

 

– Hera thấy con của mình bị tật, nên rất thương. Ông thần rèn bị Zeus hắt hủi (do chẳng phải con ruột) nên cũng yêu mẹ. Bà Hera, theo một số tích, nổi tiếng ghen (sẽ có bài Hera: có phải là Hoạn thư của tích Hy Lạp cổ), cứ hay rình lúc chồng đi ngủ để lén hành hạ đám con rơi của ông. Một hôm, lúc Hera đang khoái chí điều khiển sấm chớp để giết Hercules, Zeus thức giấc. Chứng kiến thấy cảnh vợ mình làm điều ác, Zeus giận quá, trói Hera lại và treo bà tòng teng giữa trời. Thương mẹ, Hephaestos rón rén chạy tới cởi trói cho bà nhưng bị Zeus phát hiện. Zeus chộp lấy vị thần rèn và quẳng ông xuống Lemnos, khiến chân của ông bị gãy.

– Zeus đôi lúc nóng máu nên lôi vợ mình ra đánh đập như cách mà mấy ông chồng vũ phu vẫn thường làm. Hephaestos chạy lại bênh mẹ, nên bị Zeus quẳng xuống mặt đất.

– Hephaestos què chân vì bị Hera ném (do xấu hổ), nhưng khi quay lại Olympia thì ông tha thứ cho mẹ và cũng rất quý bà. Sau đó, Zeus ném ông thêm lần nữa (do ông tính cởi trói cho Hera hoặc bênh vực Hera khi bà bị Zeus đánh), làm ông bị gãy nốt cái chân còn lại.

Chung quy mà nói, chuyện Hera tự mang bầu rồi đẻ một đứa con xấu òm gắn với luật của chế độ phụ hệ: Venus ra đời từ của quý: quyến rũ và xinh xắn; Athena chui ra từ đầu của Zeus: thông minh vào hàng bậc nhất thiên hạ; Hephaestos không có bố: nhìn xấu đến mắc ói. Thời xưa, không có xét nghiệm ADN, nên điều làm các ông chồng sợ nhất là việc “đứa nhóc vợ mình đẻ ra không phải con mình”. Do đó, các ông hay phán rằng đứa nào xinh xắn, thông minh là “con tao”; đứa nào xấu xí là “con mày”; bởi vậy mà luật thừa kế của xã hội Hy Lạp cổ đã khiến không ít gia đình phải cãi nhau um xùm.

Dân Hy Lạp thời ấy cũng có một luật hơi dã man: đem con đi bỏ trong rừng cho chết đói hoặc cho thú dữ ăn thịt nếu:
a) Nhiều con quá rồi, nuôi không nổi;
b) Đã có nhiều con trai, chưa có con gái (hoặc nhiều gái, chưa có trai), tùy vào giới tính mà đem con đi bỏ;
c) Đứa bé sinh ra bị tật, xấu xí, thiếu tay thiếu chân. Chuyện Hera quẳng con do con xấu xí tuy bị người hiện đại mắng là “ác thế”, nhưng đối với người xưa thì đây là chuyện thường. Việc các tiên sông, tiên núi, tiên biển hay nuôi dùm/cưu mang con cái người khác trong tích là cách người dân cũng như nhà thơ thời đấy an ủi lẫn nhau. Hephaestos cũng là vị thần không có tính thù dai và rất hay trả ơn/tặng quà cho người này người kia, phù hợp với tâm lý của bố mẹ hồi xưa “Nếu con mình may mắn sống sót thì hy vọng nó không thù mình”. Dĩ nhiên là có tích Hephaestos trả thù Hera (bài của Gigi), nhưng cũng có rất nhiều tích nói Hephaestos tha thứ cho mẹ/ rất yêu mẹ (như tích của Homer đã kể trên, Hephaestos bênh Hera nên bị Zeus làm què nốt chân còn lại).

Tác phẩm “Thetis nhận khiên của Achilles từ tay Vulcain”, Peter Paul Rubens. Để trả ơn má nuôi Thetis, thần rèn tặng con trai của bà – vị anh hùng Achilles – một chiếc khiên do chính tay ông làm.


Tác phẩm “Hephaestos tặng Athena bộ áo giáp”, không rõ tác giả. Hai vị thần này có chung với nhau một tích nho nhỏ, nhưng xin dành tích này cho dịp khác.


Tác phẩm “Vulcain tặng kiếm cho con con trai của Venus là Aeneas”, Francois Boucher, 1770. Dù bị cắm sừng nhưng thần rèn vẫn vui vẻ đúc vũ khí để tặng con riêng của Venus. (Aeneas là con của Venus với Anchises – em họ vua Priam xứ Troy) Tuy mang tiếng dũng sĩ nhưng Aeneas trong tranh của Boucher trông hơi ẻo lả. Cậu gắn bông trên tóc, ngồi nép vào Venus, điệu bộ chẳng khác con gái là mấy


Tác phẩm “Venus trao bộ áo giáp do Vulcain rèn cho Aeneas”, Pompeo Batoni, 1748. Hết kiếm rồi tới áo giáp, ông thần rèn quả là rộng lượng với con riêng của vợ cũ. Aeneas trong tác phẩm này nhìn ra dáng đàn ông. Cupid (Eros) và Anteros đang nghịch khiên cũng như mũ của Aeneas, nhưng Aeneas không hẳn làm phận anh, các họa sĩ thích vẽ Cupid và Anteros dưới hình hài trẻ em hơn là người lớn.

 

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

Ý kiến - Thảo luận

15:14 Wednesday,22.3.2017 Đăng bởi:  Gigi
@Chegrone: trong thần thoại Hy Lạp (La Mã) có nhiều tích khác nhau, mà có khi mỗi tác giả cổ đại lại viết theo một kiểu riêng nên nhiều tích còn lại đến thời nay bị chỏi nhau hay có khi chỉ duy nhất có một nguồn, không kiểm tra chéo được!
Sự tích nàng Aglaia (hoặc Aglaea)kết hôn với Hephaestus (như vậy là vợ chứ không phải tình nhân)được Homer nêu ra trong trường ca I
...xem tiếp
15:14 Wednesday,22.3.2017 Đăng bởi:  Gigi
@Chegrone: trong thần thoại Hy Lạp (La Mã) có nhiều tích khác nhau, mà có khi mỗi tác giả cổ đại lại viết theo một kiểu riêng nên nhiều tích còn lại đến thời nay bị chỏi nhau hay có khi chỉ duy nhất có một nguồn, không kiểm tra chéo được!
Sự tích nàng Aglaia (hoặc Aglaea)kết hôn với Hephaestus (như vậy là vợ chứ không phải tình nhân)được Homer nêu ra trong trường ca Iliad (với tên gọi là một trong ba nàng Grace), còn nhà thơ cổ đại Hesiod trong tác phẩm Thần phổ mới nói cụ thể tên Aglaia là vợ của Hephaestus.
Về lý lịch, ngoài rất nhiều dị bản nguồn gốc nhưng ít được công nhận, về cơ bản Aglaia được xem là một trong ba nàng Grace (Duyên dáng, kiều diễm),là những cô con gái của thần Zeus, chúa tể các vị thần, với nàng Eurynome, con gái của Titan Ocean (Aglaia là cô út).
Ba nàng Grace này mỗi người đảm nhiệm một biểu tượng cho cuộc đời nở hoa, trong đó Aglaia tương trưng cho Lộng Lẫy; Euphrosyne tượng trưng cho Vui Vẻ còn Thalia tượng trưng cho Tươi Vui.
Chỉ theo Homer và Hesiod thì Aglaia mới xuất hiện độc lập với tư cách là vợ của Hephaestus, còn về cơ bản, trong thần thoại Hy Lạp, ba nàng Grace này không được xem là những cá nhân riêng rẽ mà không tách rời nhau, luôn đi cùng với nhau trong các cuộc vui, mang lại cho các thần trên Olympus niềm vui khi nhảy múa theo tiếng đàn của thần Apollo.
Do là một trong ba con gái của thần Zeus với nàng Eurynome, con gái của Titan Ocean nên có thể suy ra Aglaia cũng là nữ thần.
Trong tác phẩm Thần phổ, nhà thơ Hesiod nói rằng Aglaia kết hôn với thần Hephaestus sau khi ông này đã li dị Aphrodite. Ông này xí trai tàn tật nhưng quá duyên, toàn lấy vợ đẹp không! 
10:54 Wednesday,22.3.2017 Đăng bởi:  Chegrone Bitch
Chegrone chưa đọc nhiều tích về Hephaestus lắm, nhưng mà trên wiki nói Hephaestus ngoài "vợ cũ" Aphrodite ra thì thần này còn một tình nhân nữa là Aglaea. Soi có biết gì về nàng Aglaea này không ? Là nữ thần, hay tiên nữ, hay người trần gian ?
...xem tiếp
10:54 Wednesday,22.3.2017 Đăng bởi:  Chegrone Bitch
Chegrone chưa đọc nhiều tích về Hephaestus lắm, nhưng mà trên wiki nói Hephaestus ngoài "vợ cũ" Aphrodite ra thì thần này còn một tình nhân nữa là Aglaea. Soi có biết gì về nàng Aglaea này không ? Là nữ thần, hay tiên nữ, hay người trần gian ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả