Luala Concert

Họp báo LUALA concert: Làm thương hiệu thế nào để cộng đồng cùng hưởng lợi 21. 12. 11 - 8:27 am

Tịch Ru tường thuật

Chiều 17. 12. 2011, vào lúc 14h tại Press Club, DX đã tổ chức họp báo với ba mục đích:
– Tổng kết một tháng LUALA concert, nghe ý kiến đóng góp để các mùa sau tốt hơn, đồng thời mở màn mùa LUALA concert lễ hội.
– Giới thiệu khai mạc triển lãm “Giao hưởng màu sắc” là bày tranh trên phố của bốn họa sĩ trẻ Hà Nội
– Giới thiệu sắp đặt “Đi qua mùa đông” của điêu khắc gia Phan Phương Đông.

Quanh cảnh phòng họp báo với bốn họa sĩ của “Giao hưởng màu sắc” ngồi hàng đầu.

 

Cánh nhà báo hôm nay đến khá đông mặc dù đã có khá nhiều phóng viên về vấn đề văn hóa đã đi theo dõi bế mạc Liên hoan Phim tại Phú Yên. Một tin vui nữa là LUALA concert đã được hội nhạc sĩ Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện âm nhạc lớn trong năm. Anh Chu Minh Vũ đã khẳng định: “Cuộc gặp gỡ báo giới hôm nay không chỉ để nghe các chất vấn nghi ngờ về hiệu quả của chương trình như lần họp báo trước. Trong cuộc họp báo hôm nay, DX muốn lắng nghe những đóng góp của giới truyền thông để chương trình ngày càng phong phú hơn, tìm kiếm những sáng kiến để đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn, cũng là để thông báo cho báo giới một sáng kiến mới của cộng đồng mà DX đã nhiệt liệt ủng hộ: hoạt động nghệ thuật đường phố.”

 

Nghệ sĩ Xuân Huy – chỉ huy dàn nhạc LUALA – đã rất hào hứng khi nhận thấy sau một tháng chơi nhạc trên vỉa hè, anh và các đồng nghiệp đã ngày càng có nhiều cảm hứng. Mối liên hệ giữa cá nhân anh và công chúng càng trở nên sâu đậm. Bản thân anh, mặc dù rất bận và có nhiều lời chào mời biểu diễn, thể nhưng anh vẫn chờ đợi và mong ngày cuối tuần đến nhanh để được cùng đồng nghiệp chơi nhạc trên vỉa hè. Anh cho biết, các đồng nghiệp của anh trong dàn nhạc đều có tình cảm như vậy.

Violinist Xuân Huy

 

Nghệ sĩ Nhật Lý – người phụ trách vấn đề chỉnh âm thanh cho dàn nhạc – chia sẻ một chút về vấn đề âm thanh trong dự án âm nhạc đường phố này, qua thời gian mà ông làm việc với dàn nhạc LUALA:

 

“Đưa nhạc cổ điển ra đường phố thì người phương Tây cũng làm rất lâu rồi, là lúc người phương Tây cũng gặp một khó khăn khi muốn gìn giữ văn hóa của họ, do đó họ mới đưa âm nhạc cổ điển ra đường phố. Khi đưa ra đường phố họ đã gặp những khó khăn rất cụ thể vì cái dòng nhạc được gọi là âm nhạc thính phòng đó. Bản thân cái tên gọi đã hàm ý rằng nó phải được chơi trong một không gian khép kín và đòi hỏi chất lượng nghe nhất định. Vì vậy khi đưa dàn nhạc dây ra ngoài đường phố thì không chỉ chúng ta mà người phương Tây cũng còn nghi ngờ việc đó.

“Nhưng tôi, với quan điểm một người làm âm thanh, tôi nghĩ rằng đi nghe nhạc giao hưởng trong nhà hát là điều kiện và môi trường âm lý tưởng để thưởng thức. Nhưng từ ngày có công nghệ phát triển âm thanh thì nhạc giao hưởng có thể mở trên đĩa, và như thế có thể nghe ở các quán café hay trong phòng ngủ, phòng khách… hoặc một nơi có nhiều tiếng ồn khác chứ không chỉ nghe ở khán phòng dành riêng cho nhạc giao hưởng. Tôi nghĩ đó hoàn toàn là điều bình thường, người ta có thể nghe một thứ âm nhạc nghiêm túc trong âm thanh ồn ào. Và sự kiện này tôi nghĩ cũng vậy thôi. Cái khó khăn khi làm âm thanh ở đây là vấn đề sử dụng microphone, khi môi trường âm ồn ào, nguồn âm bé thì thu rất là khó khăn. Vậy cách giải quyết cụ thể cho vấn đề âm thanh đó thế nào? Rất đơn giản là mỗi một cái đàn có một cái microphone và để rất gần.

“Trong vấn đề tái tạo lại một cách nhân tạo không gian âm thanh, đòi hỏi người làm âm thanh phải có một văn hóa về loại âm nhạc đó để tái tạo lại một cách tự nhiên nhất có thể.”

Ông Nguyễn Nhất Lý, chuyên gia âm thanh, người khá nổi tiếng với chương trình xiếc “Làng tôi” hiện vẫn đi lưu diễn dài ngày ở châu Âu.

 

Về triển lãm “Giao hưởng màu sắc”, họa sĩ Bùi Hoài Mai có vai trò là người kết nối sáng kiến của bạn đọc trên SOI với nhà tài trợ DX. Anh nói sự hào hứng của các họa sĩ khi ra đây đã làm bớt đi rất nhiều băn khoăn lo lắng khi lần đầu tiên mang những “gia tài” ra đặt trên vỉa hè; phải cảm ơn các họa sĩ dã dũng cảm đi tiên phong. Tất cả những khó khăn về việc trưng bày và bảo quản, bảo vệ các tác phẩm đã có kế hoạch rất cụ thể và được DX hỗ trợ hết mức. Thật là vui khi bắt đầu treo tranh lên, đã có rất nhiều người đến xem; các bạn trẻ rất thích chụp ảnh mình trước tranh. Đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng.

Họa sĩ Bùi Hoài Mai

 

Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương thay mặt nhóm họa sĩ trả lời trước câu hỏi của nhà báo về sự liên hệ giữa các tác phẩm âm nhạc cổ điển với các tác phẩm treo ngoài phố lần này. Hồng Phương nói: “Tôi thấy đưa dàn giao hưởng ra ngoài đường phố cũng giống quan điểm của chúng tôi là đưa tranh ra ngoài đường phố. Đó là điểm chung nhất, còn việc có “ton sur ton” hay không thì tôi nghĩ, mọi người đều làm việc trên không gian đấy, muốn thay đổi không gian đấy, quan niệm đấy… Mọi người đều có xu hướng như thế nên chính vì vậy bản thân đã là hòa hợp rồi, chưa nói tới việc cụ thể hơn là sự hòa hợp của từng bức tranh. Hãy nghĩ các họa sĩ thì vẽ rất nhiều nhưng vì sao họ lại chọn những bức như thế để triển lãm.”

Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương đang trả lời. Bên tay phải anh là họa sĩ Trần Nam, bên tray trái anh là họa sĩ Đỗ Hiệp (khăn đỏ) và Nguyễn Khắc Chinh, là bốn họa sĩ có tranh treo trong triển lãm “Giao hưởng màu sắc”

 

Điêu khắc gia Phan Phương Đông chia sẻ về “Đi qua mùa đông”:

“Tôi sống và làm việc ở Sài Gòn nhưng tôi lại hay ra xem triển lãm ở ngoài Hà Nội. Có một điều mà anh em ngoài này ai cũng biết một trong những điều kiện tôi ra triển lãm ngoài này là tôi chỉ ra vào mùa đông thôi. Tôi thích mùa đông của Hà Nội. Cảm xúc về mùa đông thì đã có sẵn trong tôi rồi. Tôi xuất phát từ một nhà điêu khắc theo khuynh hướng tối giản, dưới con mắt cá nhân, tôi nhìn thấy ở khung xe đạp là cái phần còn lại linh hồn của xe đạp sau khi mọi thứ linh tinh bay biến đi mất. Bản thân cái khung sườn ngang của xe đạp mang rất nhiều chất điêu khắc ở trong đó. Tôi sưu tập những cái khung xe đạp này tầm ba năm. Các bạn biết là bây giờ chẳng ai buôn bán cái khung xe đạp này làm gì cả. nên cứ 1, 2 tháng tôi lại mua một cái khung như thế. Bây giờ tôi đã được 22 cái khung.

“Về sau khi trò chuyện với Đỗ Minh, Minh có hỏi dự định sắp tới của tôi. Tôi nói rằng muốn làm một điều gì đó trên những vật liệu có sẵn, thứ mà người ta bỏ đi để mình tái tạo cho nó một cuộc đời mới. Trên thế giới nhiều người làm kiểu này. Có thể hiểu đó như một thứ nghệ thuật xanh.

“Vì yêu cầu của Minh cho phép trưng bày trên mặt tiền và mặt đứng của nhà thờ. Tôi nghĩ đến những xe đạp bay, với những khung xe là bản thân chiếc xe đạp không còn nữa, chỉ còn lại gì đó mà ta nghĩ về chiếc xe đạp thôi. Tôi nghĩ đây rất hợp với đề tài đường phố, lại cùng chiều với con đường mà hằng ngày mọi người vẫn đi, quá khứ tương lai, đi ra đi vào…

 

Sắp đặt “Đi qua mùa đông”

 

“Tôi chọn màu trắng màu đỏ vì khi đi sơ tán tôi vẫn nhớ vào các đền thờ bao giờ cũng có con ngựa trắng ngựa đỏ. Nhưng không phải tôi nói về hai con ngựa trắng và đỏ ấy đâu… mà tôi muốn nói về con người. Tôi bày chiếc xe đạp không có nghĩa là tôi nói về chiếc xe đạp. Nếu nói về chiếc xe đạp thì nó cũng chỉ là thứ vật chất đơn thuần thôi; tôi muốn nói về yếu tố tinh thần của nó… Tôi muốn nói về một thế hệ con người, năm tháng… gợi lên mùa đông, về những khó khăn cuộc sống và những cảm xúc không thể nào quên được. Cái khung xe đạp của tôi cũng giống như một cái cây mùa đông lá rụng chỉ còn trơ lại cành.”

Điêu khắc gia Phan Phương Đông

 

Ông Đỗ Ngọc Minh – chủ tịch DX, trả lời trước câu hỏi của phóng viên về động cơ ông tài trợ các dự án nghệ thuật đường phố:

“Mọi người rất hay đặt ra những câu hỏi, đại loại: đây là dự án làm thương hiệu hay làm nghệ thuật… Tôi nghĩ đây là một dự án một công đôi việc. Chúng tôi xác định rõ ràng chúng tôi không phải người thừa tiền để làm ra một dự án nghệ thuật lớn mà chẳng mang lại cái gì cả. Chúng tôi khẳng định chúng tôi làm thương hiệu… Nước mình có nhiều doanh nghiệp cùng làm thương hiệu cách này hay cách khác. Nhưng nếu cách làm thương hiệu tác động có ích đến cộng đồng thì đó cũng là việc nên làm. Và các anh chị phóng viên nhà báo truyền thông nên ủng hộ quảng bá chuyện này.

“… Một số anh chị có đề nghị làm ở nhiều nơi, không chỉ vỉa hè trước LUALA, nhưng LUALA chúng tôi cũng không thể nay vỉa hè này mai vỉa hè kia, nay Hà Nội mai Sài Gòn được. Như anh Huy cũng nói là không ai điên gì mua một bình hoa đẹp rồi mang sang nhà hàng xóm cắm. Đương nhiên vì thế chương trình phải để trước cửa shop của chúng tôi. Đây là nơi lý tưởng nhất để chúng tôi tổ chức những hoạt động ngoài trời. Khu vực 61 Lý Thái Tổ của chúng tôi và ngay cạnh nhà xuất bản Âm Nhạc nên được hỗ trợ nhiều thứ thuận tiện tổ chức biểu diễn.Và tôi cũng muốn làm cho khu vực cộng đồng quanh đây đẹp hơn, nhiều màu sắc hơn. Mà rõ ràng khu vực quanh đây không chỉ mình chúng tôi hưởng lợi, nào là khán giả quanh đây rồi khách du lịch, các cơ quan công sở, các shop và cộng đồng dân cư xung quanh nữa…

Với câu hỏi về tính dài lâu của chương trình, ông Đỗ Ngọc Minh cho biết:

“Tôi không thể hứa chương trình tồn tại bao lâu vì còn nhiều yếu tố ngoại cảnh. Chúng tôi chỉ muốn một năm hai lần vào những lúc thời tiết đẹp đẽ nhất, cuối xuân đầu hè hoặc cuối thu đầu đông, với nhiều thể loại không có giới hạn.”

Ông Đỗ Ngọc Minh, chủ tịch DX. Bên cạnh là cô Quỳnh Anh, phụ trách truyền thông của DX. Kế đó là nhà báo Chu Minh Vũ.

 

Sau họp báo, mọi người xuống đường xem dàn nhạc biểu diễn màn mở đầu của LUALA concert lễ hội. Sau 3 tiếng là khai mạc triển lãm và sắp đặt. Mời các bạn xem những bài mà Soi đã đăng tải.

 

*

Bài liên quan:

– “Tôi tin là khán giả sẽ hào hứng với LUALA concert”
– Buổi diễn thử của LUALA concert

– Nhật ký LUALA Concert: tiếng ồn từ nhà hát “mẹ”

– LUALA Concert: Vâng, nhạc cổ điển,nhưng nghe trên phố

– Nhật ký LUALA CONCERT tuần thứ 2: Đám cưới, hip-hop, và ngày nhà giáo

– LUALA Concert tuần thứ 3: Thiếu nhi nghiêm túc hơn người lớn

– LUALA concert tuần thứ 4: Họa sĩ xuất hiện. Ông Carlos trổ tài. Các bé “phục thù”

– LUALA concert tuần thứ 5: Nghe nhạc trong gió đông và chuẩn bị làm sắp đặt

– PHAN PHƯƠNG ĐÔNG: Chuẩn bị để “đi qua mùa đông”
– Treo tranh ngoài phố – cảm ơn các độc giả của SOI

– Nghệ thuật của hôm nay

– Khai mạc GIAO HƯỞNG MÀU SẮC tại khu 61 Lý Thái Tổ

– Tranh và giá tranh trong GIAO HƯỞNG MÀU SẮC

– LUALA concert tuần thứ 6: Vào mùa lễ hội, đón làng nhạc Then, họa sĩ đông vui

– Họp báo LUALA concert: Làm thương hiệu thế nào để cộng đồng cùng hưởng lợi

– LUALA concert tuần thứ 7: Khánh Thi tới thăm anh trai. Các cặp nghệ sĩ trổ tài. Trẻ em nhận quà Noel.

– Đợt treo tranh mới ở LUALA

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Giá trị của nghệ thuật

Nguyễn Đình Đăng

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả