Gẫm & Bình

Sao “Nghệ thuật đương đại Việt Nam có (còn) gì để nói” lại phải quan trọng thế? 14. 04. 12 - 7:08 am

Nora A. Taylor

Lời phản hồi cho bài viết của Laurent Colin

 

“Không gian sống” – tranh của Lê Thánh Thư

 

Tôi rất thích thú khi đọc bài viết của Colin trên trang web soi.today. Thường trên báo chí hiếm khi có được bài phê bình nghệ thuật đương đại Việt Nam nào thông minh cho lắm. Suốt nhiều năm nay, các tạp chí nghệ thuật cũng như các cuốn catalogue triển lãm toàn viết về nghệ thuật Việt Nam bằng những từ ngữ tán dương, khen ngợi tính thẩm mỹ, phong cách, hay kỹ thuật độc nhất vô nhị của một (hoặc nhiều) nghệ sĩ.

Laurent Colin, nhà quan sát già dặn của nền nghệ thuật Việt, rõ ràng đã chán ngấy kiểu “phê bình nghệ thuật” này. Anh muốn nói lên sự thật về nghệ thuật đương đại Việt Nam: nó đã tàn, đã lỗi thời, chẳng còn hay ho cho lắm. Dĩ nhiên, anh chẳng phải người đầu tiên nhận thấy, rằng trong dòng nghệ thuật đương đại cấp tiến, các nghệ sĩ đương đại Việt Nam nói cho chính xác chả phải những gương mặt đứng đầu.

Bất cứ nhà lịch sử nghệ thuật đương đại đều biết, số ít ỏi những nghệ sĩ gốc Việt Nam lọt được vào các hội chợ/sô nghệ thuật quốc tế biennale hay triennial đều là những người rời Việt Nam đi trước hoặc sau chiến tranh, được đào tạo ở Mỹ hoặc châu Âu, và dù vài người trong số đó đã trở về Việt Nam vào những năm 1990s, họ di chuyển trong cái thế giới nghệ thuật toàn cầu chả dính nhiều nhặn gì tới Việt Nam. Và cho dù có đồng ý rằng dùng “cơ chế” để đổ lỗi cho sự yếu kém của các nghệ sĩ Việt Nam “nổi tiếng” là thiếu chính xác, tôi lại không tin rằng toàn bộ lỗi là nằm ở bản thân các nghệ sĩ. Hoặc nói theo cách khác, đổ tội “chất lượng nghệ thuật kém” lên đầu các nghệ sĩ cũng chẳng thuyết phục hơn chuyện đổ tội ấy lên đầu “cơ chế”.

Colin đặt rất nhiều niềm tin vào khái niệm “độc đáo”. Anh có vẻ luyến tiếc cái thời mà các nghệ sĩ Việt làm ra những tác phẩm lạ và đổi mới, rồi than vãn rằng giờ đây họ toàn sáng tác theo kiểu lặp đi lặp lại. Nhưng thực tình, liệu anh có nên trách họ trong việc này? Bạn có nên trách một nghệ sĩ vì họ muốn kiếm sống và làm hài lòng khách hàng của mình? Colin đang bỏ tất cả các nghệ sĩ Việt Nam vào chung một rọ. Nếu có một điều Colin cần học được từ quãng thời gian anh sống tại Việt Nam thì điều đó chính là: tại đây có rất nhiều nghệ sĩ tránh né ‘thị trường’ và đi theo con đường của riêng mình. Điều này không có nghĩa là họ “độc đáo” hay “giỏi hơn” các nghệ sĩ bày tranh ở các gallery, nhưng vì lập luận chính trong bài phê bình về nghệ thuật đương đại Việt Nam của Colin là nền nghệ thuật này thiếu ‘tính độc đáo’, (tôi nghĩ) Colin nên đọc lại một số lời phê phán của anh.

Tôi viết bài này không phải để chống chế cho những nghệ sĩ Việt Nam “dở”; tôi cũng không phản đối ý kiến của Colin, tôi chỉ muốn tiếp tục cuộc bàn luận vì nghĩ rằng anh ấy không nên là người có tiếng nói cuối cùng. Colin nêu ra một số câu hỏi phức tạp mà chỉ những nghệ sĩ trong cuộc mới nên trả lời, nhưng vì tên tôi cũng được nhắc đến trong bài, tôi cảm thấy rằng mình phải tham gia vào cuộc đối thoại này. Chúng tôi không thể gặp nhau ở quán cà phê, nên đành nói chuyện ở đây (SOI) vậy.

Theo cách nào đó, trong cuộc thảo luận này, chúng ta không tiến gì xa hơn so với 10 năm trước đây trên trang Talawas, với bàn tròn “Nghệ thuật Đương đại Việt Nam đi về đâu?” Có lẽ cái từ “đương đại” trong cụm “Nghệ thuật đương đại Việt Nam” không có có vấn đề gì nhiều, từ “nghệ thuật cũng thế, mà chính là từ “Việt Nam”. Ví dụ, Colin tự hỏi, giá trị nằm ở đâu trong việc giám tuyển một triển lãm của các nữ nghệ sĩ Việt Nam – một triển lãm mà trong đó họ chẳng liên quan gì với nhau ngoại trừ cái giới tính nữ? Vậy tôi cũng tự hỏi, giá trị nằm ở đâu trong việc giám tuyển một triển lãm của các nghệ sĩ Việt Nam – một triển lãm mà trong đó họ chẳng liên quan gì với nhau ngoại trừ cái quốc tịch Việt Nam?

Một mặt, Colin kể tội các nghệ sĩ Việt bắt chước các nghệ sĩ pop art Trung Quốc một cách mù quáng; mặt khác, anh phê phán Natasha Kraevskaia và Lisa Drummond vì triển lãm về các nghệ sĩ Hà Nội của họ quá đơn giản. Anh kể tội các nghệ sĩ Việt nhắc đến lịch sử quá nhiều, rồi gạt họ đi vì họ không chịu nhớ đến gốc gác (do bắt chước Trung Quốc). Họ “quá Việt Nam” thế rồi lại “quá quốc tế”. Có lẽ họ không nằm đúng theo cái khuôn mà Colin mong chờ cho những gì gọi là “nghệ thuật Việt Nam”.

Ai là người quyết định chuyện nghệ thuật Việt Nam là cái gì? Đó có phải là vấn về của “gu”? Các phán xét về thẩm mỹ luôn đi kèm với lắm định kiến cũng như ý kiến, và không may cho các nghệ sĩ, cái mác “Việt Nam” còn đem theo thêm nhiều định kiến và ý kiến mà bài viết của Colin đã (và sẽ không bao giờ) nói lên hết được. Nếu một nghệ sĩ như Danh Vo – lớn lên ở Đan Mạch và hiện đang sinh sống ở Berlin – có thể thành công trong việc triển lãm các tác phẩm của mình mà không bị dán mác “nghệ sĩ Việt Nam”, thì rõ ràng chúng ta thấy, “vấn đề” không phải lúc nào cũng nằm ở chuyện nghệ thuật.

Danh Vo: JULY, IV, MDCCLXXVI

 

Tôi đây cũng buồn vì không có nhiều nghệ sĩ Việt Nam đủ giỏi để các nhà phê bình nghệ thuật, các nhà sử học, và các nhà sưu tầm có thể “ngấu nghiến” lao vào mà viết sách về họ. Nói cho cùng, tôi – một chuyên gia về “Nghệ thuật Việt Nam” – lâu lâu cũng phải tự hỏi, liệu mình có nên tiếp tục viết về nghệ sĩ Việt Nam không. Nhưng tôi hiểu rằng không có gì khác nhau giữa nghệ sĩ Việt và nghệ sĩ của các nước khác. Xu hướng đến rồi đi, nghệ sĩ lặp lại chính mình để làm hài lòng thị trường, bảo tàng mua phải tác phẩm “dở”, những nhà sưu tầm luôn đi tìm các nghệ sĩ ngôi sao, (là những vấn đề luôn gặp) dù họ thuộc quốc tịch nào đi chăng nữa. Có lẽ đã đến lúc chúng ta đem cái ý tưởng “Việt Nam và nghệ thuật Việt Nam phải có gì đó độc nhất vô nhị” mà chôn đi thôi. Chúng ta, những người nước ngoài, những kẻ đã từng yêu và còn yêu Việt Nam, nên để cho hai thứ ấy tự lớn lên mà không có chúng ta thôi.

 

Nora A. Taylor
Giáo sư ngành Lịch sử Nghệ thuật Đông Nam Á
Viện Nghệ thuật Chicago, Mỹ

 

*

Bài liên quan:

– Nghệ thuật đương đại Việt Nam có (còn) gì để nói? Bài 1: Xu hướng hiện tại
– Nghệ thuật đương đại Việt Nam có (còn) gì để nói? Bài 2: Nghệ sĩ Việt Nam có phải là nạn nhân của hoàn cảnh?

– Nghệ thuật đương đại Việt Nam có (còn) gì để nói? Bài 3: Một lời hứa không được giữ

– Nghệ thuật đương đại Việt Nam có (còn) gì để nói? (Bản tổng hợp, không hình ảnh)

– Cháu xin góp ý với ông Lô-răng

– Sao “Nghệ thuật đương đại Việt Nam có (còn) gì để nói” lại phải quan trọng thế?

 


Ý kiến - Thảo luận

1:13 Saturday,19.5.2012 Đăng bởi:  Khong so ma
Cảm ơn bài viết hay ! Tôi thấy đau cắt ở ngang bụng , chắc là nỗi buồn .Dù sao tôi vẫn phải lòng cái gì mà người ta dán chữ Nghệ thuật vào đó ,nhất là Mỹ thuật .
...xem tiếp
1:13 Saturday,19.5.2012 Đăng bởi:  Khong so ma
Cảm ơn bài viết hay ! Tôi thấy đau cắt ở ngang bụng , chắc là nỗi buồn .Dù sao tôi vẫn phải lòng cái gì mà người ta dán chữ Nghệ thuật vào đó ,nhất là Mỹ thuật . 
11:18 Sunday,15.4.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Chú Hoa-Lư: "có nghĩa là trong dòng nghệ thuật đương đại cấp tiến của toàn thế giới, nghệ sĩ đương đại Việt chẳng là cái đinh gì..."

Hi hi, cháu thì chỉ mong nghệ thuật đương đại Việt mỗi-độ-hoa-gạo-nở lại được mở mày mở mặt ở ngay xứ ta làng ta mà còn chả ngóc lấy được, huống chi chú lại biểu chúng cháu mơ-về-nơi-xa-thế, mơ về toàn cầu với l
...xem tiếp
11:18 Sunday,15.4.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Chú Hoa-Lư: "có nghĩa là trong dòng nghệ thuật đương đại cấp tiến của toàn thế giới, nghệ sĩ đương đại Việt chẳng là cái đinh gì..."

Hi hi, cháu thì chỉ mong nghệ thuật đương đại Việt mỗi-độ-hoa-gạo-nở lại được mở mày mở mặt ở ngay xứ ta làng ta mà còn chả ngóc lấy được, huống chi chú lại biểu chúng cháu mơ-về-nơi-xa-thế, mơ về toàn cầu với lại thế zới!

Chới-với ghê gớm! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả