Gẫm & Bình

Viết statement: làm sao cho khỏi ú ớ? 25. 10. 11 - 12:04 pm

Molly Gordon – Phạm Hồng Liên lược dịch, Phạm Huy Thông bình luận

 

.

 

Thỉnh thoảng, tôi lại vớ phải vài statement theo trường phái kinh dị, đọc xong thấy tim mình đập thình thịch, mồm miệng vẹo cả đi, ngũ chi bải hoải. Gần đây nhất là nhân triển lãm của hai hoạ sĩ ở Huế, độc giả trên Soi lại phải bò ra đánh vần hai cái statement văn phong na ná nhau (lạ nhỉ). Phải đánh vần vì câu chữ trong hai statement tù mù quá, đọc xong câu này thì quên mất câu trước. Đọc xong cả bài thì quên luôn cả bài, chẳng hiểu nổi hai nghệ sĩ thị giác này đang phấn đấu trở thành cái gì, đang muốn giới thiệu cái gì.

Chuyện thêm hài hước ở chỗ, vì hai cái “áng văn bất hủ” đó mà độc giả trên Soi quay ra… cãi nhau “thế nào là statement”. Tôi, với tính cách hóng hớt trời sinh, nay cũng xin ném thêm cục gạch cho hội nghị giếng làng thêm sôi nổi.

Artist’s statement quan trọng không? Quan trọng lắm. Triển lãm mà tác giả ú ớ, không nói (hoặc viết) được về cái mình làm, triển lãm đó coi như là nghiệp dư. Đơn xin tài trợ không có một statement tốt, mời củ nghệ về nhà gặm khoai. Đơn dự trại sáng tác, cư trú, luôn luôn đòi hỏi một Artist’s statement mạch lạc và ấn tượng.

Vậy “artist’s statement” dịch ra tiếng Việt sẽ là cái quái gì? Từ gần nghĩa nhất có lẽ là “tuyên ngôn nghệ thuật”. Nhưng cũng phải nói thêm rằng “tuyên ngôn” không nhất thiết cứ đặt bút xuống là phải dùng đao to búa lớn, phải tuyên bố mình khám phá cái này, đầu tiên làm cái kia hay thốt lên những câu đầy hào sảng như “không, tôi thà hi sinh tất cả chứ không chịu làm họa sĩ quèn..”.

Theo quan niệm của tôi, tuyên ngôn nghệ thuật nên là bài giới thiệu giản dị, “chân thành”, mạch lạc (dễ hiểu) để công chúng biết đến nghệ thuật của mình. Là nghệ sĩ, ai chẳng muốn nghệ thuật của mình đến với đông đảo công chúng (ai không thế, đề nghị ngừng đọc bài này ở đây).

Artist’s Statement không hoàn toàn là thông cáo báo chí, không bao gồm những bài viết quảng bá triển lãm theo dạng “mãi võ bán thuốc” của Trường Đen (viết trong thời gian chuẩn bị triển lãm TO ở OM), dạng “ngắn gọn và sai ngữ pháp” như của Đỗ Hiệp (triển lãm Sale Off, một câu văn ngắn bị hãm bởi hai trạng ngữ gần như đồng nghĩa với nhau)… Artist’s statement cũng không bao gồm những bài viết mà người khác viết hộ nghệ sĩ về triển lãm, những bài đó liên quan đến công nghệ phê bình, hoặc thương mại nên tôi không dám bàn ở đây.

Nói thật, khi bước vào một triển lãm, tôi thường tạm thời lờ đi phần statement dán ở cửa. Tôi muốn cảm xúc khi xem tác phẩm là cảm xúc của riêng mình, sự biên dịch tác phẩm là biên dịch của riêng vốn sống cá nhân tôi. Rồi sau đó tôi mới tìm đọc statement của tác giả xem tay này khác mình ra làm sao. Sự khác biệt và đồng cảm của tôi và tác giả trước một vấn đề như thế nào. Tôi không muốn để statement dẫn dắt cảm xúc và lý trí của mình trước khi xem tác phẩm. Và statement, theo cách này, không phải là phương tiện giới thiệu phủ đầu mà trở thành phương tiện kết nối tác giả, tác phẩm tới công chúng.

Ở đoạn trên tôi có nói statement phải “chân thành” trong ngoặc kép. Vâng, hoạ sĩ khi làm việc phải chân thành xác định (với chính mình) rằng mình làm nghệ thuật vì cái gì. Vì tiền? OK. Vì yêu cái đẹp? OK. Vì bức xúc xã hội? OK. Hay vì lý tưởng abc nào đó? Cũng OK. Cái chân thành chỉ cần dừng lại ở đó là đủ. Còn việc “trải lòng” ra với xã hội đôi khi cũng còn phải cân nhắc. Thỉnh thoảng (thỉnh thoảng thôi, không nói tất cả nhé) tôi tìm thấy những statement mà hoạ sĩ viết lòng vòng, mông lung, tác phẩm chỉ một đằng, statement khua một nẻo. Có thể do họa sĩ không xác định được mình làm nghệ thuật vì cái gì. Hoặc cũng có thể do phải tránh né kiểm duyệt nên họa sĩ không thể cho phép mình chân thành một cách ngây thơ.

Dưới đây tôi xin giới thiệu một bài viết tôi tìm thấy trên mạng hướng dẫn cách viết statement cơ bản. Bài viết của Molly Gordon từ đường link này.

Do chưa nhận được sự đồng ý nên tôi chỉ xin trích đăng phần lược dịch. Trong bài viết gốc, tác giả viết như hướng dẫn một buổi nấu ăn, rất thú vị. (Phạm Hồng Liên lược dịch, Phạm Huy Thông bình luận (phần chữ nghiêng):

.

 

… VIẾT TUYÊN NGÔN NGHỆ THUẬT CỦA RIÊNG BẠN

 

Bạn sẽ cần bút, giấy, từ điển (hoạ sĩ nhà ta rất hay viết sai chính tả và ngữ pháp, có lẽ nên lấy thêm một quyển Tiếng Việt lớp 5)

BƯỚC MỘT: Tập hợp nguyên liệu (chỉ mới là nguyên liệu thôi, không nhất thiết phải nhồi tất cả đống này vào statement)

1. Bỏ ra năm phút suy nghĩ về lý do tại sao bạn làm những gì hiện bạn đang làm. Bạn cảm thấy thế nào khi công việc tiến triển tốt? Những điều yêu thích của bạn về công việc (nghệ thuật)? Ghi lại các cụm từ ngắn nắm bắt suy nghĩ của bạn. Đừng lo lắng về việc hành văn hoặc liên kết giữa các từ.

2. Lập một danh sách các từ và cụm từ truyền đạt rõ cảm xúc của bạn về công việc và các giá trị của bạn. Hãy thả lỏng. Suy nghĩ tích cực. Hãy thực tế.

3. Hãy trả lời những câu hỏi sau một cách đơn giản hết mức có thể… Hãy luôn để cho những thứ nguyên liệu này tươi mới hết mức.

– Dụng cụ yêu thích của bạn là gì? Tại sao?
– Vật liệu yêu thích của bạn là gì? Tại sao?
– Bạn thích điều gì nhất trong công việc bạn đang làm?
– Hình mẫu trong công việc của bạn? Có một công thức nào trong cách bạn chọn vật liệu, trong cách bạn sử dụng màu sắc, kết cấu hoặc ánh sáng?

4. Nhìn vào danh sách từ (mục số 2 ở trên) của bạn. Thêm vào đó các từ mới được đề xuất ra trong các câu trả lời cho các câu hỏi trên.

5. Chọn hai từ quan trọng nhất trong danh sách từ của bạn. Chúng có thể có liên quan hoặc hoàn toàn khác nhau. Tra nghĩa chúng trong từ điển. Đọc tất cả các định nghĩa được liệt kê và sao chép các định nghĩa, suy nghĩ về những khái niệm nếu có điểm chung. Có bất kỳ từ nào mới được thêm vào danh sách từ của bạn? (đến đây, có thể củ nghệ nhà ta sẽ nghĩ rằng cách làm này hơi bày vẽ. Vâng, nhưng nó sẽ giúp củ nghệ dần tìm được cách đơn giản nhất để kết nối với công chúng. Còn hơn là tự tin ta “xuất khẩu thành thơ” rồi viết ra những thể loại mà không ai đọc nổi. Tôi nghĩ, ngay cả người uyên bác như anh Như Huy cũng nên thử hướng dẫn của Molly Gordon, vì càng ngày anh càng chế ra nhiều từ không có trong từ điển và rốt cuộc là không ai hiểu nổi bài viết của anh. Hì)

6. Viết năm câu nói lên sự thật về mối liên kết hiện tại của bạn đối với công việc. Nếu bạn đang thấy “bí”, hãy bắt đầu bằng cách điền vào những khoảng trống dưới đây.

Khi tôi làm việc __________, tôi tự nhắc nhở bản thân rằng___________.

Tôi bắt đầu một tác phẩm bằng việc______________ .

Tôi biết một tác phẩm chỉ được hoàn thiện khi__________________.

Khi công việc của tôi đang tiến triển tốt, lòng tôi tràn ngập một cảm giác _____________.

Khi mọi người chiêm ngưỡng tác phẩm của tôi, tôi muốn họ ________________.


BƯỚC HAI: Cho nguyên liệu vào nồi

Viết một tuyên ngôn nghệ thuật gồm ba đoạn. Hãy viết nên những câu văn chân thực và trực tiếp. Hãy dũng cảm: nói lên những điều tốt đẹp về chính mình. Nếu bạn cảm thấy ngập ngừng, hãy viết ít nhất là ba đoạn văn về một nghệ sĩ bạn ngưỡng mộ. Sau đó, viết về chính mình như thể bạn là một đồng nghiệp ngưỡng mộ người nghệ sĩ đó. Viết 3-5 câu cho mỗi đoạn văn.

Đoạn đầu tiên. Hãy bắt đầu với một tuyên ngôn đơn giản về lý do tại sao bạn làm công việc bạn đang làm. Ngoài ra, hãy nói với người đọc về những mục tiêu và ước vọng của bạn.

Đoạn thứ hai. Giới thiệu cho người đọc làm thế nào bạn đưa ra quyết định trong quá trình sáng tác. Cách thức và lý do tại sao bạn lựa chọn vật liệu, kỹ thuật, chủ đề? Hãy viết thật đơn giản và nói lên sự thật.

Đoạn thứ ba. Giới thiệu cho người đọc nhiều hơn một chút về công việc hiện tại của bạn. Làm thế nào để nó phát triển hơn cả kinh nghiệm thực tế hoặc trải nghiệm sống của bạn. Điều gì bạn đang khám phá, nỗ lực, và thử thách khi thực hiện công việc này.

BƯỚC BA: Đun nhỏ lửa

Tuyên ngôn nghệ thuật là một văn bản mang đậm tính cá nhân. Hãy để “áng văn” mà bạn vừa viết sang một bên, bạn sẽ đọc lại nó vào sáng hôm sau. Trong lúc chờ “áng văn” đó nhừ. Bạn nên thử làm lại Bước Một để xem mình có bỏ xót gì không.

 

BƯỚC BỐN: Nêm nếm hợp khẩu vị

Hãy đọc to tuyên ngôn của bạn. Lắng nghe các âm thanh và nhịp điệu và ngắt nghỉ một cách hợp lí. Chú ý sửa những chỗ mà bạn muốn âm thanh hoặc nhịp điệu khác đi. Lặp lại điều này vài lần cho đến khi bạn cảm nhận được tính nhạc trong tuyên ngôn của bạn. (phần việc này giúp các củ nghệ hình dung được “áng văn” của mình sẽ tra tấn lỗ tai và đầu óc công chúng tệ đến mức nào. Chiêu đọc to này đã được một vài nhà văn ở Việt Nam thực hành (“Chân Dung & Đối Thoại” Trần Đăng Khoa). Tôi cũng áp dụng nó và đạt điểm cao trong phần bảo vệ tốt nghiệp.)

Hãy đọc và sửa đi sửa lại cho đến khi bạn nghe thấy rõ ràng một bản tuyên ngôn giàu tính nhạc và trung thực về công việc của bạn với giọng đọc giàu tính chân thực. Hãy nhờ một người bạn đáng tin cậy hoặc chuyên nghiệp đọc tuyên ngôn của bạn. Bạn cần những thông tin phản hồi về độ rõ ràng, giai điệu, và các vấn đề kỹ thuật như lỗi chính tả và dấu chấm câu. Ký tên và ghi ngày tháng năm trước khi in ra nhiều bản sao, rất nhiều người sẽ muốn đọc nó!

BƯỚC NĂM: Hút khách

Mỗi lần sử dụng đến tuyên ngôn nghệ thuật của mình, bạn lại mở rộng thêm phạm vi ảnh hưởng… Kèm theo một bản sao tuyên ngôn nghệ thuật bất cứ khi nào bạn gửi một thông cáo báo chí, thư trình bày đến một quỹ, gallery, hoặc liên hệ với một nhà sưu tập. Hãy gửi nó cho các giám tuyển, các nhà buôn, kèm theo một bản sao với danh mục tác phẩm. Nhờ vậy, nó có thể được nghiên cứu bất cứ nơi nào tác phẩm của bạn được triển lãm.

(Gửi thêm một bản lên Soi để hội nghị giếng làng có cơ hội ném đá. Tôi thấy có rất nhiều củ nghệ sợ đăng bài lên Soi lắm, không sứt đầu cũng mẻ trán. Mà đúng thế thật).

 

BƯỚC SÁU: Lưu lại công thức gốc!

Hãy lưu tất cả các ghi chú và các bản nháp mà bạn đã thực hiện. Bạn sẽ muốn sửa đổi và cập nhật tuyên ngôn nghệ thuật của mình theo từng thời kì để dễ dàng phản ánh những thay đổi trong sáng tác của bạn. Việc tiếp cận với “công thức gốc” của tuyên ngôn ban đầu sẽ giúp bạn tạo ra các phiên bản tốt hơn và xu hướng liên tục sáng tạo. Bất cứ khi nào bạn cần một bản sao tuyên ngôn (cho các thông báo, catalogue, triển lãm, đơn dự trại sáng tác, đơn xin tài trợ, vv) hãy quay trở lại các bài tập khởi động. Các từ và cụm từ có sẵn sẽ giúp bạn viết một cách công khai và trung thực về công việc của bạn. Và lặp đi lặp lại các bài tập này sẽ giúp bạn mở ra một không gian sáng tạo mới.

 

*
(Hình trong bài là Soi thêm vào, nguồn từ Internet)

 

*

Bài liên quan:

– DỊ BẢN tại Huế – Ối, ối, statement!
– Phía Đông có DỊ BẢN…

– Statement một đàng, tác phẩm làm một nẻo

– MANG ĐI cũng tại Huế – cũng lại ối, ối, statement!

– Viết statement: làm sao cho khỏi ú ớ?

Ý kiến - Thảo luận

23:03 Thursday,27.10.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Em có ý kiến ơi. Tớ không thích thái độ cợt nhả của bạn đâu. Nhưng đối thoại với bạn vẫn có thể lẩy ra được những ý để bàn bạc một cách tích cực.
Điều bạn nói thực ra có phần đúng và không đúng.
Với tớ, nghệ thuật mà tớ làm ra nó là thế nào thì nó vẫn thế đấy thôi. Nghệ thuật biến đổi theo thời gian thì statement phải có sự điều chỉnh. Nhưn
...xem tiếp
23:03 Thursday,27.10.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Em có ý kiến ơi. Tớ không thích thái độ cợt nhả của bạn đâu. Nhưng đối thoại với bạn vẫn có thể lẩy ra được những ý để bàn bạc một cách tích cực.
Điều bạn nói thực ra có phần đúng và không đúng.
Với tớ, nghệ thuật mà tớ làm ra nó là thế nào thì nó vẫn thế đấy thôi. Nghệ thuật biến đổi theo thời gian thì statement phải có sự điều chỉnh. Nhưng điều chỉnh statement chỉ hòng phù hợp với đơn trại này, đơn quỹ kia thì hoá ra hoạ sĩ là con tắc kè à? Tớ không làm thế.

Nhưng ngoại lệ ở chỗ, mở mồm nói ra với bạn bè đồng nghiệp và mở mồm nói ra với bên kiểm duyệt thì nhiều khi cũng phải khác một chút. Mời Em có ý kiến đọc lại cái phần tớ phân tích về chữ "chân thành" phải để trong ngoặc kép ý. Em có ý kiến cũng là người trong nghề, chắc hiểu tầm quan trọng của việc này.

Em có ý kiến có ý tưởng gì mang tính tích cực thì đem ra đây bàn luận nhé, đừng trích một câu nào đó của tớ rồi bẻ ngoe theo hướng khác. Tớ không trả lời thì phiền tớ, mà bình luận theo thì sợ lại vòng quanh tào lao theo kiểu nước chè, kẹo lạc cổng trường. 
20:08 Thursday,27.10.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Hay, anh Thông mách cho chiêu viết xờ-tát-mần để đối phó với ĐỊCH (các Gallery hay các TRẠI???) em nghĩ rất chi là hiệu quả.

Tức nghĩa là: nếu ta định xin xuất đi Trại do ông BỤT tổ chức, mình phải nói lái là tác phẩm nhà em có chủ đề THIỀN, còn nếu phải mơi các con MA (chủ gallery còn gì nữa) thì ta ngâm nga bài ca tiềm năng TIỀN GIẤY?

Hầy zà, đã quá, cám ơ
...xem tiếp
20:08 Thursday,27.10.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Hay, anh Thông mách cho chiêu viết xờ-tát-mần để đối phó với ĐỊCH (các Gallery hay các TRẠI???) em nghĩ rất chi là hiệu quả.

Tức nghĩa là: nếu ta định xin xuất đi Trại do ông BỤT tổ chức, mình phải nói lái là tác phẩm nhà em có chủ đề THIỀN, còn nếu phải mơi các con MA (chủ gallery còn gì nữa) thì ta ngâm nga bài ca tiềm năng TIỀN GIẤY?

Hầy zà, đã quá, cám ơn anh Thông ạ.

Zưng mà nếu viết xờ-tát-mần cho quân TA, cho người làng ta thì mình phải viết đúng-như-nó-phải-thế chớ, anh Thông nhề.

Có nghề ghê gớm! Bái phục bái phục! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả