Gẫm & Bình

“Nghệ thuật Việt Nam đương đại 1990-2010”: Xứng đáng được vinh danh ở mức cao nhất 08. 01. 13 - 11:18 pm

Ilza Burchett - Lê Đỗ Huy dịch

Ilza Burchett bình sách “Nghệ thuật Việt Nam đương đại 1990-2010” của Bùi Như Hương và Phạm Trung, NXB Tri Thức xuất bản năm 2012.

.

*

Tổng quan

Bìa mềm trình bày đẹp, 224 trang giấy bóng, minh họa bằng số lượng lớn tranh hội họa và ảnh nghệ sĩ được in chất lượng cao.

Thiết kế bản thảo về cơ bản là tốt.

Bản tiếng Anh nói chung tốt, cách dùng từ ngữ tiếng Anh sáng sủa, chất lượng bản dịch chắc là tốt (chưa kiểm chứng).

Hiện còn một số lỗi in gồm cả từ ngữ và ký hiệu, đánh số một số đề mục không khớp với Bảng mục lục, một số đầu đề trong sách và trong Bảng mục lục được dịch không giống nhau.

Bảng mục lục sách được đặt ở trang cuối, trang 223, thay vì đặt ở trang đầu (theo quy định học thuật), điều này không hợp với tập quán chung, và làm cho người đọc cảm thấy sách kém thân thiện.

Sách có bảng chỉ dẫn cuối sách (index) và được chú giải về các nguồn tham khảo.

Lượng sách phát hành: 1000 cuốn

Sách được cấu trúc thành ba phần căn cứ theo Lời giới thiệu và Bảng mục lục.

 

Bình nội dung

Cuốn sách là một nỗ lực minh họa bằng tư liệu và sắp xếp theo niên đại sự phát triển và tiến hóa của thực tiễn nghệ thuật thị giác (visual art) tại Việt Nam trong hai thập kỷ, từ 1990 đến 2010.

Người đọc được Lời giới thiệu sách cho biết cuốn này là sản phẩm của “một ước muốn giản dị… trước hết là tập hợp thông tin, sau là bù đắp được phần nào những thiếu hụt về hiểu biết…”

Các tác giả sách bày tỏ họ đã không kỳ vọng trình bày một công trình nghiên cứu trọn vẹn, một hồ sơ, hay một khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện về thực tiễn nghệ thuật thị giác tại Việt Nam trong hai thập kỷ ấy.

Các tác giả sách đã chọn cách nghiên cứu chuyên sâu, tập trung vào thực tiễn làm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, một thực tiễn đã được xác lập bởi hoạt động của các loại hình nghệ thuật mới, tới nay đã được xác lập vững chãi, và đã được thể chế hóa. Đó là: nghệ thuật Sắp đặt, Trình diễn và Video Art. Đây là những thể loại đã du nhập vào Việt Nam nhờ xúc cảm của các nghệ sĩ Việt trong hai thập kỷ nói trên, như một kết quả của công cuộc Đổi Mới và tiến trình toàn cầu hóa. Song hành với các bộ môn truyền thống của hội họa và đồ họa, những thể loại nghệ thuật mới này đang tự cách tân về cả nội dung lẫn vai trò của chúng trong tiến trình phát triển.

Tuy nhiên, lựa chọn trên của các tác giả không hề là ngẫu hững, tình cờ: nó không chỉ tối ưu hóa công tác nghiên cứu của họ và vạch ra khuôn khổ cho nó, mà còn trang bị cho họ các chuẩn mực định trước, làm nền tảng cho các khái niệm của họ về cấu trúc nghệ thuật đương đại nói chung, và cho việc dùng phương pháp loại suy để định nghĩa thế nào là nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Hai tác giả Bùi Như Hương và Phạm Trung. Ảnh trên Internet


Phần I
của sách: Định nghĩa Nghệ thuật đương đại, bắt đầu với hai câu hỏi: Nghệ thuật đương đại là gì? Chứa đựng những phẩm chất đương đại nghĩa là thế nào?” (đáng tiếc là nguyên bản tiếng Anh in bị lỗi một chữ), buộc chính các tác giả chịu trách nhiệm cung cấp cho người đọc một định nghĩa “Nghệ thuật đương đại”, bằng việc thuyết phục người đọc chấp thuận cách kiến giải của họ về thuật ngữ này.

Nguyên cớ của việc đưa ra khái niệm “Nghệ thuật đương đại”, theo các tác giả, là:
Thuật ngữ nghệ thuật đương đại cho tới nay gây nhiều cuộc tranh luận, phần nào do cả hai từ ‘đương đại’ và ‘hiện đại’ (modern) ngụ ý những gì đang hiện diện, đang diễn ra, đang thông dụng. Hiện đang tồn tại một gam rộng những thể loại nghệ thuật ở Việt Nam, gồm cả nghệ thuật dân gian (folk), bao gồm các loại hình nghệ thuật truyền thống, kể cả các loại hình vay mượn, lẫn được đồng hóa, rồi đến nghệ thuật theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa, theo chủ nghĩa hiện đại (modernism), đến nghệ thuật thử nghiệm gần đây trong hứng khởi của thực tiễn đương đại.

Để chứng minh lập luận của mình các tác giả đã đi ngược dòng lịch sử, tới kết cục của chiến tranh thế giới II, để tái tạo và dẫn giải bối cảnh lịch sử và các nguyên nhân dẫn tới những thay đổi trong tâm lý của nhân loại, đến mức đạt tới một trạng thái cảm thụ đặc biệt, gọi là ‘meta-questioning’ (siêu vấn), một thuật ngữ mà các tác giả sách cho biết đã được nhà phê bình nghệ thuật J. Couteu đưa ra. Tâm thế đặc biệt này, theo các tác giả sách, đã tạo điều kiện làm nảy sinh nghệ thuật đương đại.

Trên cơ sở lập luận như thế, các tác giả cho rằng: “… chúng ta, một lần nữa, cần nhất trí rằng (căn cứ vào định nghĩa chung của quốc tế) yếu tố “đương đại” trong các tác phẩm hội họa nhận biết được chủ yếu là nhờ sắc thái meta-questioning, cũng như khuynh hướng phê phán, phản ảnh, và truyền đạt, vào tác phẩm hội họa, những vấn đề của cá nhân, của xã hội, hay mang tính toàn cầu...”

Trong khi cách lập luận như thế được đưa ra một cách chung chung, đại thể, “định nghĩa” nghệ thuật đương đại là dễ áp dụng khi xem xét những gì là không đương đại, chẳng hạn, các tác phẩm của Goya, hoặc của các họa sĩ như Picasso.

Đồng thời, ai đó có thể xem lập luận trên là quá riêng biệt, thiếu dân chủ, khiên cưỡng đối với một số lượng lớn những thể loại đa dạng, và một tầm hoạt động rộng lớn – vốn là những thuộc tính của cách biểu đạt nghệ thuật đương đại, của thực tiễn tìm tòi và phát triển các dạng thức nghệ thuật thị giác mới, hôm nay.

Điều quan trọng là “định nghĩa” này lại là một sự dàn dựng, hoàn toàn dựa trên sự gán ghép của các tác giả cho nó “các phẩm chất nhất định” và “các đặc tính dễ nhận biết”, nên đây trở thành nơi mà các tác giả ra sức mô tả, dẫn giải nghệ thuật đương đại là gì, chẳng qua vì định nghĩa này không thể tự tỏ ra hiển nhiên, không thể tự vạch ra khuôn khổ, tự dẫn giải, và tự chú thích lấy.

Các tác giả đã nhầm mô tả với định nghĩa.

Định nghĩa thuật ngữ “nghệ thuật đương đại” phải được đề cập riêng rẽ, không chịu ảnh hưởng của các khái niệm khác, và không được pha trộn những ngữ nghĩa về thực chất chỉ mang tính tự mô tả.

Những dấu hiệu hay thuộc tính của nghệ thuật đương đại, cũng chính là sức mạnh thực sự của nghệ thuật thị giác hôm nay, có được là do nó (nghệ thuật thị giác) sở hữu năng lực cách tân, và khả năng hấp thu không ngừng, cũng như khả năng sử dụng được một khối lượng lớn các kiến thức triết học, lý luận, khoa học, và công nghệ, vì nó thường xuyên xử lý những dòng thông tin vô tận thuộc mọi dạng thức.

Một trong hai tác giả – nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung (Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà)


Thực ra nghệ thuật đương đại, hoặc nói rõ hơn, nghệ thuật thị giác hôm nay không ưa những giới hạn, cũng không chấp nhận việc tìm cách gạt ra ngoài lề những thứ vốn dĩ chứa đựng quyền uy to lớn của truyền thống.

Vì thế một khi các tác giả sách tuyên bố: “Thuật ngữ này, ở chừng mực nhất định, không lệ thuộc vào lý luận (gây dị ứng cho lý luận rồi – người đọc sẽ nhận xét). Điều này hẳn khác với kiến trúc, phê bình văn học, hay triết học, là các lĩnh vực mà lý luận về chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), chủ nghĩa hậu cơ cấu (post-structuralism), và giải tỏa cấu trúc (deconstruction) được định nghĩa rõ ràng, nơi mà thuật ngữ Postmodernism thường được sử dụng” – điều này khiến ta không thể đồng ý với các tác giả, trừ phi họ chắc rằng nghệ thuật đương đại, bằng cách nào đó, rồi sẽ tiến tới tạo ra một lý luận riêng cho nó.

Nghệ thuật đương đại hoàn toàn dựa trên lý thuyết hậu hiện đại, mà các đại diện là Deleuze và Guattary, Michel Foucault, Baudrillard, The Frankfurt School (trường phái Frankfurt) v.v. và trên chủ nghĩa giải tỏa cấu trúc (Deconstructivism) của những năm cuối 80 đầu 90, với các đại diện, chẳng hạn như Derrida…

Kể từ những năm 80, lại đây, lý thuyết hậu hiện đại là môn học cơ bản, bắt buộc, và áp dụng lý thuyết này vào sáng tác nghệ thuật là yêu cầu đối với sinh viên các khoa Nghệ thuật thị giác tại các trường đại học.

Dưới đây là đoạn đầu của bài viết nhan đề “Nghiên cứu nghệ thuật và thi pháp của tri thức”, của Kathrin Busch[1], trên tạp chí Art&Research, một tạp chí chuyên về ý tưởng, ngữ cảnh, và phương pháp (Ideas, Contexts, Methods)

Một trong những khía cạnh gây chú ý của nghệ thuật ngày nay là sự gắn kết của nó với lý luận. Trên thực tế, hoạt động sáng tác nghệ thuật đương đại thấm sâu vào kiến thức lý thuyết, đến nỗi nghệ thuật đương đại trở thành một thực tiễn tìm tòi trong chính nó, và dành cho nó. Người nghệ sĩ không chỉ gánh vác cả việc phê bình nghệ thuật và thương thuyết, mà còn tích hợp phương pháp nghiên cứu và tri thức khoa học vào quá trình sáng tác, đến mức quá trình lao động nghệ thuật này tiến triển thành một dạng độc lập của nhận thức về chính mình. Nếu khuynh hướng này được củng cố bằng sự chuyển tải kiến thức lý thuyết thành tái cơ cấu các học viện nghệ thuật, và thiết lập ra cái được gọi là các dự án nghiên cứu nghệ thuật, thì hiện tượng làm mờ đi các ranh giới giữa nghệ thuật và lý thuyết như thế sẽ không còn phù hợp với quan điểm triết học cổ điển, rằng nghệ thuật xét cho cùng là dạng thức cảm tính của sự thật”.

Các nghệ sĩ đương đại nào bày tỏ rõ, hoặc bất đồ, tỏ ra không hề quan tâm, không tiếp cận, không nhấn mạnh, hoặc không hề có ý muốn tham dự vào các tư duy triết học, do nguyên nhân gì đi nữa, vẫn nghiễm nhiên là thành viên của thế giới “đương đại” – một thế giới ngập sâu vào đủ các loại thông tin, và vì thế, những thông tin đủ loại này vẫn có tác động, không tránh khỏi, lên lao động nghệ thuật của họ.

Ta có thể nói, một cách chắc chắn, rằng giới nghệ sĩ hôm nay ngập hoàn toàn vào cái thế giới đương đại của họ.

Cuốn sách đề cập đến các trở ngại về văn hóa, xã hội, và những tranh luận xung quanh việc thu nạp các dạng thức nghệ thuật mà một thời từng là mới đối với Việt Nam, như Trình diễn, Sắp đặt… và từng đi vào hoạt động sáng tạo của các nghệ sĩ Việt Nam thời đó. Sách giải thích rằng: “… đây cũng là một cái sốc cho cảm thụ bởi vì nó thách thức các ý tưởng mỹ học truyền thống”, và “… nội dung xã hội của nghệ thuật đương đại là việc nó trở thành một thứ “Pop”, và kết cục, là sự can thiệp trực tiếp của nghệ thuật đương đại vào môi trường chính trị, xã hội, và các vấn đề của con người trong thời đại toàn cầu hóa”.

 

Tác giả Bùi Như Hương và giám đốc nhà xuất bản Tri Thức – ông Chu Hảo, tại lễ ra mắt sách tại cà phê sách Trung Nguyên, Hà Nội. Ảnh: TNF, trungnguyen.com.vn

 

Phần II của sách: Nghệ thuật đương đại trong thực tiễn Việt Nam, dẫn dắt người đọc qua một khảo sát chi tiết các sự kiện nghệ thuật, theo trình tự biên niên. Trong trình tự này, các nghệ sĩ phát biểu các ý tưởng, các tư duy sáng tạo, các cảm nhận, và hiểu biết của họ về mặt xã hội và về thế giới nói chung, xung quanh chủ đề một loại hình nghệ thuật một thời không quen thuộc ở Việt Nam – nghệ thuật đương đại, với các dạng thức sáng tạo mới.

Cuốn sách chân thành ghi nhận sự ủng hộ không ngừng của các cơ quan trao đổi văn hóa Việt Nam và quốc tế, ghi nhận tác động của hoạt động hợp tác giữa các nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ ở nước ngoài, và vai trò quan trọng của không gian triển lãm nghệ thuật mới.

Các tác giả sách khảo sát từng bước đi của sự phát triển tiến hóa của các trào lưu nghệ thuật này, bằng việc nêu bật các thời kỳ riêng rẽ, đánh dấu đúng lúc những sự kiện, nêu bật sự đột phá bạo dạn, sự tự tin trong quá trình thử nghiệm rất có hồn, về các dạng thức Trình diễn, Sắp đặt, và nghệ thuật Video.

Trong phần tiếp theo, Phần III, các tác giả sách thể hiện một kiến thức sâu sắc về bối cảnh nghệ thuật ở Việt Nam, về sức sáng tác của các nghệ sĩ, về sự kết hợp đầy hứng khởi với chủ điểm của các nỗ lực nghiên cứu của họ, bằng cách lần theo sợi dây niên đại của các sự kiện nghệ thuật, mô tả các sự kiện này một cách say mê. Bằng cách nêu bật các bối cảnh lịch sử, chính trị – xã hội, và văn hóa, các đặt thù đã đặt dấu ấn lên sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam, sách đã thúc đẩy được sự hiểu biết sâu sắc hơn, sự ghi nhận, sự thân thiện, và sự thu nạp các lĩnh vực của thực tiễn sáng tác của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam, như các thể loại hội họa và đồ họa, đã được phát triển trong khuôn khổ những nội dung sáng tác xuất hiện trong quá trình người nghệ sĩ nhận thức vai trò của phê bình, của xã hội và chính trị, đối với nội dung của nghệ thuật.

Tác giả Bùi Như Hương giới thiệu nghệ sĩ Đinh Thị Thắm Poong,
một gương mặt được đưa vào Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010. (Ảnh: Trung Nguyên)

Trong Phần III: Nghệ sĩ và Tác phẩm hội họa, trình bày các catalog và các thông tin nào có liên quan đến các nghệ sĩ đương đại “…đó là những nghệ sĩ thể hiện được hoạt động sáng tác độc đáo, có các tác phẩm hội họa để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm tưởng người xem, đồng thời từng có đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật đương đại tại những thời điểm nhất định” – các tác giả sách đánh giá một cách có cân nhắc.

Mỗi nghệ sĩ được giới thiệu một cách toàn diện, với sự phân tích trực diện về các quan tâm về nghệ thuật của cá nhân nghệ sĩ đó, trong khuôn khổ mà các tác giả sách nhìn nhận đời sống nghệ thuật ở Việt Nam. Phân tích này được minh họa bởi một tuyển chọn tuyệt vời ảnh chụp một số tác phẩm hội họa, điều này cho phép giới người xem đánh giá, bằng năng lực của họ, sức sáng tạo của các nghệ sĩ, cũng như cống hiến của các nghệ sĩ đó với nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.

Cuốn sách kết bằng cách giới thiệu sự phát triển của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam qua một bảng thống kê theo năm tháng các sự kiện gắn kết với nhau của nghệ thuật đương đại Việt Nam, từ 1994 đến 2010.

Cuốn sách này, với nội dung cơ bản gồm các thông tin và tư liệu được thu thập và sắp xếp có hệ thống và khảo sát kỹ lưỡng, là một công trình có giá trị về một giai đoạn phát triển quan trọng gần đây của văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam.

Cuốn sách phản ảnh chân thành quá trình tiến hóa của thực tiễn đời sống nghệ thuật thị giác ở Việt Nam. Sách nhìn nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam, những người đang nỗ lực kiến tạo, cho chính họ và cho nghệ thuật đương đại Việt Nam, cách biểu cảm và các giá trị của một nền văn hóa mà trong đó việc sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật thị giác đương đại đang đạt được sự hiểu biết và thừa nhận trên bình diện quốc tế.

Các tác giả của cuốn sách “Nghệ thuật Việt Nam đương đại 1990-2010”, Bùi Như Hương và Phạm Trung, đã tỏ ra xuất sắc trong tìm tòi, thu thập, và hệ thống hóa các thông tin, và trong sưu tập các bức ảnh phù hợp.

Các tác giả, nhà xuất bản, và nhà tài trợ sách xứng đáng được vinh danh ở mức cao nhất qua việc phát hành cuốn sách này.

Cuốn sách trình bày một tổng quan tuyệt vời, một mô tả xuất sắc về quá trình tiến hóa, và một sự đánh giá về nghệ thuật thị giác đương đại ở Việt Nam trong hai thập kỷ mà sách đề cập.

Cuốn sách là nguồn tham khảo có giá trị và có ý nghĩa, là một đóng góp đáng kể cho đời sống văn hóa ở Việt Nam.

*

[1]Kathrin Busch là nhà triết học và trợ giảng tại Đại học Lüneburg, Đức, là tiến sĩ triết học về Derrida và luân lý học của chữ Lộc (ethics of the gift). Các chủ đề nghiên cứu: mỹ học, phân tích văn hóa, triết học Pháp, và lý thuyết xúc cảm (theory of affects).

*

Người dịch: Lê Đỗ Huy, tháng 12/2012

*

Mời các bạn đọc bản tiếng Anh tại đây.

*

Bài liên quan:

– 28. 7: Bùi Như Hương và Phạm Trung ra mắt sách mỹ thuật đương đại Việt (bản tiếng Anh)   
– Khi sự “khéo” làm giảm sự hấp dẫn

– Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

– “Nghệ thuật Việt Nam đương đại 1990-2010”: Xứng đáng được vinh danh ở mức cao nhất

– Định nghĩa hay mô tả nghệ thuật đương đại? – Về bình luận của Ilza Burchett cho cuốn “Nghệ thuật đương đại Việt Nam”

Ý kiến - Thảo luận

16:37 Friday,26.6.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Hưng

Vậy là khái niệm đương đại hiểu đồng nghĩa với lịch đại ư ?Nếu như thế thì với lịch đại tương lai nào đi nữa vẫn thuộc “ nghệ thuật đương đại” ?
Vậy Nghệ thuật đương đại là trào lưu nghệ thuật cuối cùng của nhân nhân loại ư ?Vì mọi nghệ sĩ sáng tạo gì gì đi nữa thì vẫn vẫn “…ngập hoàn toàn vào thế giới đương đại của anh ta…
...xem tiếp

16:37 Friday,26.6.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Hưng

Vậy là khái niệm đương đại hiểu đồng nghĩa với lịch đại ư ?Nếu như thế thì với lịch đại tương lai nào đi nữa vẫn thuộc “ nghệ thuật đương đại” ?
Vậy Nghệ thuật đương đại là trào lưu nghệ thuật cuối cùng của nhân nhân loại ư ?Vì mọi nghệ sĩ sáng tạo gì gì đi nữa thì vẫn vẫn “…ngập hoàn toàn vào thế giới đương đại của anh ta…” Vì một trào lưu nghệ thuật mà thời gian trôi tới đâu đương đại tới đó ư ?
Về ngôn ngữ có thể suy ra sau nghệ thuật đương đại có gọi là “ hậu đương đại” không nhỉ?

 
19:59 Sunday,31.5.2015 Đăng bởi:  phuong hoa
Bài phê bình có vẻ không nhất quán lắm giữa tiêu đề và nội dung. "Xứng đáng được vinh danh ở mức cao nhất"- đây là vinh danh cuốn sách hay vinh danh nghệ thuật VN đương đại? nếu vinh danh sách thì không thấy điều đó trong bài này. Tác giả cũng đưa ra một vài đánh giá mang tính chủ quan nên không thể có kết luận về giá trị của sách. Chẳng hạn sách đã tham khảo
...xem tiếp
19:59 Sunday,31.5.2015 Đăng bởi:  phuong hoa
Bài phê bình có vẻ không nhất quán lắm giữa tiêu đề và nội dung. "Xứng đáng được vinh danh ở mức cao nhất"- đây là vinh danh cuốn sách hay vinh danh nghệ thuật VN đương đại? nếu vinh danh sách thì không thấy điều đó trong bài này. Tác giả cũng đưa ra một vài đánh giá mang tính chủ quan nên không thể có kết luận về giá trị của sách. Chẳng hạn sách đã tham khảo đầy đủ các công trình nghiên cứu về nghệ thuật đương đại và nghệ thuật đương đại VN hay chưa. Đây có phải là công trình đầu tiên về NT đương đại VN hay không? Một số nhận định cũng không được chuẩn lắm,chẳng hạn "nhầm lẫn giữa định nghĩa và mô tả", thực ra trong khái niệm về các kiểu định nghĩa thì có "định nghĩa mang tính mô tả". Vì nghệ thuật là văn hóa,mà định nghĩa văn hóa thì có nhiều cách định nghĩa lắm. Rồi thì đánh giá về cách đặt mục lục sau sách, tác giả nói là "không thân thiện". Thường thì sách tiếng Anh đặt mục lục đầu, sách tiếng Pháp đặt mục lục sau. Sách này dịch sang tiếng Anh thì nên đặt đầu theo tiêu chuẩn các ấn phẩm bằng tiếng Anh, không liên quan đến thân thiện hay không thân thiện.

Theo tôi bài điểm sách này chưa đạt yêu cầu khoa học. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đối thoại: Có nên độ lượng với Nhái?

Minh Thành, Huy Thông, Lý Chuồn Chuồn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả