Trường phái

Trường phái Biểu hiện: Chọn tình cảm cá nhân, tính cá thể. Rút cục anh Tùng và bạn Lê cũng không khác nhau mấy? 28. 12. 12 - 3:54 pm

Phó Đức Tùng và Lê

(SOI: Đây là tranh luận giữa anh Phó Đức Tùng và bạn Lê về cái gì là cốt lõi của trường phái Ấn tượng (bên cạnh bút pháp – mà cái này thì chưa thấy họa sĩ nào phân tích nhỉ?). Soi xin đưa lên thành bài. Anh Tùng và Lê nếu thảo luận về đề tài này thì thảo luận vào bài này giúp nhé. Soi sẽ cắt phần Hiện đại – Hậu hiện đại thành bài riêng để mọi người thảo luận thành từng “lô”, không là sẽ không ai theo dõi được. Cảm ơn mọi người nhiều.)

*

PHÓ ĐỨC TÙNG

“Cả 3 vị Cezanne, Gauguin, Van Gogh đều có mục tiêu là thể hiện sự vật, chỉ có điều quan điểm của họ về bản chất sự vật khác nhau nên kỹ thuật thể hiện khác nhau. Tất cả đều có thể coi là những nghiên cứu rất khoa học về sự vật (object), không liên quan gì đến tình cảm, cảm xúc của nghệ sĩ cả. Còn tất nhiên cần phải có độ nhạy cảm mới nắm bắt và thể hiện được những đặc điểm này. Vì lý do này, có thể coi cả ba vị đều trong cùng một hàng với Impressionist, và đều là nghệ thuật hiện đại.

“Cái mà trường phái Biểu hiện muốn thể hiện không phải là sự vật (object), mà là cảm xúc cá nhân, chủ quan của người nghệ sĩ. Nếu tranh có vẽ sự vật thì chỉ là mượn sự vật để nói lên nỗi lòng thôi. Tại sao lại có sự chuyển đổi đối tượng này là cả một vấn đề thay đổi hệ hình từ hiện đại sang hậu hiện đại, không thể nói hết ở đây. Chỉ biết rằng vấn đề của Expressionism không phải là ở sự vật, mà là ở diễn đạt nội tâm.” (Bài “Giống vỏ nhưng không giống ruột…”

 

Làm sao có thể nói sự sáng tác của 3 ông trên đây hoàn toàn không liên quan gì đến tình cảm của nghệ sỹ? Đây là anh Tùng xem tài liệu thấy các ông ý tuyên ngôn về sự sáng tác của mình như thế, hay là thông qua cảm nhận cá nhân về tác phẩm của họ mà anh suy nghiệm ra như thế?

 

PHÓ ĐỨC TÙNG

Để các bạn khỏi nhầm lẫn, tôi giải thích kỹ hơn một chút về vấn để tình cảm nghệ sỹ.

1- mọi tác phẩm đều có tình cảm nghệ sỹ, và xem tác phẩm ta có thể cảm nhận phần nào tình cảm đó.

2- nhưng tên của các trường phái thì lấy theo những chủ kiến đặc trưng của trường phái đó. Có những trường phái như Cubism (Lập thể), Fauvism (Dã thú) v.v. thì điểm đặc trưng của nó không liên quan đến tình cảm chủ quan của nghệ sỹ. Trong khi đó Expressionism thì điểm đặc trưng chính là muốn thể hiện tình cảm chủ quan của nghệ sỹ tại một thời điểm. Những phân tích lý luận không giúp người xem đồng cảm với tác phẩm, hay là cảm nhận trực giác được tình cảm của tác giả gửi gắm trong đó. Nó chỉ giúp người xem có định hướng về “cái gì” được thể hiện trong tranh, và phần nào câu hỏi “như thế nào” và “tại sao”.

Chẳng hạn khi xem tranh Vangogh, bạn hiểu tại sao ông lại được xếp vào Hậu Ấn tượng chứ không phải vào Expressionism hay Impressionism. Còn chuyện tâm trạng của ông thế nào khi vẽ bức tranh cụ thể đó và bạn có thấy nó hay, nó đạt hay không thì tùy kiến giải từng người. Những phân tích này đã được các nhà lịch sử mỹ thuật nghiên cứu kỹ, dựa vào phát ngôn của họa sỹ, đánh giá của giới phê bình, xem xét bối cảnh vận động của thời đại v.v…

 

Anh Tùng nói: “… tên của các trường phái thì lấy theo những chủ kiến đặc trưng của trường phái đó. Có những trường phái như cubism, fauvism v.v. thì điểm đặc trưng của nó không liên quan đến tình cảm chủ quan của nghệ sỹ.”

Tên gọi của trường phái nhiều khi không nói hết được nguồn cơn sáng tạo của từng tác phẩm và tác giả cụ thể. Nghệ thuật Lập thể có cái tình được trình bày theo kiểu Lập thể, Dã thú theo kiểu trình bày của Dã thú, mà trong sự trình bày đó tự thân đã có cảm quan (tình) và bản ngã riêng của nghệ sỹ rồi. Loại bỏ cái cảm quan và bản ngã đó đi thì đặc trưng trường phái chỉ là các xác vô hồn.

Và theo tôi việc nói rằng đặc trưng trong nghệ thuật Biểu hiện là tình cảm chủ quan là chưa chính xác.

Có thể nói rằng cái tình được biểu đạt trong nghệ thuật Biểu hiện là cái tình mang tính cá thể, không nhằm tả vật hoặc bản chất của vật, mà nhằm biểu đạt nội tâm cá nhân qua sự vật trong tranh.

Tuy nhiên, gọi đó là cái tình mang tính chủ quan là một bước bắc cầu quá xa. Chủ quan có nghĩa là biết mình không khách quan, từ đó đưa đẩy sang chuyện tự nghi vấn, kỳ quặc, hiện sinh, v.v…

Tâm thế biểu đạt qua tác phẩm của nghệ thuật Biểu hiện không mang đậm đặc trưng tinh thần tự nghi vấn theo kiểu này. Bút pháp Biểu hiện thiên về sự mạnh mẽ, nồng nàn (kể cả u uất như Munch thì vẫn nồng nàn) là tâm thế của người muốn giao cảm, hoàn toàn bị chi phối bởi góc nhìn cá nhân của mình chứ không có gì là mang tính nghi vấn vật vã ở đây cả.

 

PHÓ ĐỨC TÙNG

Bạn Lê

Tôi thấy về nội dung cơ bản, cách hiểu của bạn và tôi về Expressionism (trường phái Ấn tượng) không khác nhau. Chỉ có điều bạn hiểu chữ chủ quan (subjective) theo nghĩa đối lập với khách quan (objective) và cho rằng chủ quan là những loại nhận thức tương đối, mang tính thiếu kiểm chứng, trong khi khách quan là những kiến thức đã có kiểm nghiệm, có độ tin tưởng và chắc chắn nhất định.

Trong khi đó khái niệm cá thểtình cảm cá nhân thì bạn cho mới là cốt lõi của Expressionism.

Vậy tôi xin nói là chính cách hiểu phân biệt subject object như trên là đặc trưng của thời hiện đại, và cách hiểu đó là điều mà một trường phái như Expressionism muốn vượt qua. Trường phái này không những không cho yếu tố chủ quan (subjective) là nghi vấn, mà cho rằng nó là thực tại duy nhất quan trọng. Chính vì mọi nhận thức thực tại đều là hệ quả của nó, mà cái individuum (cá thể) mới có giá trị. Khi tôi thể hiện tình cảm riêng, gọi là cá nhân, cá thể, hay chủ quan đều được, đồng nghĩa với tôi thể hiện sự thật, bởi lẽ không có sự thật khách quan cảm nhận được, mà chỉ có các sự thật chủ quan thôi.

 

Ý kiến - Thảo luận

23:37 Friday,28.12.2012 Đăng bởi: 
1 - Đặc trưng đơn giản là sự lặp lặp lại một đặc tính mang tính mấu chốt. Chuyện trùng lắp với đặc trưng của sự vật khác có thể xảy ra, và điều đó chẳng có gì mâu thuẫn về logic cả, chưa kể có những sự trùng lắp chỉ mang ý nghĩa vỏ bọc ngôn từ, đi sâu vào bản chất chú
...xem tiếp
23:37 Friday,28.12.2012 Đăng bởi: 
1 - Đặc trưng đơn giản là sự lặp lặp lại một đặc tính mang tính mấu chốt. Chuyện trùng lắp với đặc trưng của sự vật khác có thể xảy ra, và điều đó chẳng có gì mâu thuẫn về logic cả, chưa kể có những sự trùng lắp chỉ mang ý nghĩa vỏ bọc ngôn từ, đi sâu vào bản chất chúng vẫn có những khác biệt.
2- Về nhịp điệu nét bút của nghệ thuật Ấn tượng tôi đã có gợi mở nhất định: sự đồng điệu giữa các nét (các nét song song, hoặc các chấm) với nhau tạo thành đặc thù riêng về giai điệu, và giai điệu này có mối liên hệ với cảm xúc, sự tương phản của đặc thù giai điệu Ấn tượng với những nghệ sỹ liên quan như Cezanne và Van Gogh. Nếu bạn cho rằng gợi mở này vô nghĩa, chẳng có gì gọi là đặc thù riêng của Ấn tượng, thì ta cũng không cần bàn kỹ hơn. Cũng lưu ý rằng tôi không hề nói bạn không biết gì về Ấn tượng nhé, còn bạn thì thường xuyên nói rằng tôi không hiểu Ấn tượng, đơn giản vì cái tội nói không khớp với định nghĩa mà bạn biết.
3- Cái này liên quan tới phần 1 phía trên. Ta có thể nói rằng nó không phải là đặc trưng đặc sắc, nhưng nó vẫn là đặc trưng. Tôi cũng không nói tả tình cảm là mục đích, mà tôi nói nó liên quan ít nhiều tới sự sáng tạo nghệ thuật (mục đích thì vô cùng lắm, vẽ theo đặt hàng cũng có thể coi là mục đích). Và lý do tôi bàn về đặc trưng đó không phải vì nó đặc sắc, mà vì nó là quy luật chung để hiểu nghệ thuật, đồng thời nó là một phần trong lý do đầu tiên dẫn chúng ta đến cuộc trao đổi này.
4- Tôi chưa hiểu câu hỏi của bạn sẽ đóng góp điều gì hữu ích cho vấn đề ta đang bàn?
5- Trường phái nào cũng có thời điểm của nó. Trong bối cảnh mà nó ra đời thì nó là quan trọng, đáp ứng đúng nhu cầu đang bị thiếu hụt của con người (trong đúng thời kỳ đó). Nhưng khi người ta (ta hoặc người khác) đã am hiểu về nó, đi đủ xa để khám phá cơ bản về nó rồi, thì vai trò của nó chỉ còn là thủ pháp, và không còn chuyện cái gì tốt hơn cái gì. Nếu tôi thích vẽ tranh thủy mặc, có nội tâm thôi thúc tôi vẽ thủy mặc, thì tôi sẽ vẽ thủy mặc và chẳng cần phải lăn tăn rằng làm trình diễn thì mới cấp tiến, mới tự do.  
6- Chúng ta có thể dừng trao đổi về đề tài Ấn tượng ở đây, với tinh thần như ở phần 2 phía trên. 
22:56 Friday,28.12.2012 Đăng bởi:  phó đức tùng
bạn M.Cóc
mình có thể nói ngay cái "ẩn ức" cho bạn rõ.
sau 15 năm sống với bọn tây, tìm mọi cách hòa đồng, học hỏi, hiểu chúng nó, mình nhận thấy là về cơ bản, đông tây là 2 giống khác nhau. Mình không bao giờ thực sự "đồng cảm" với bọn nó được. Chẳng hạn nghe m
...xem tiếp
22:56 Friday,28.12.2012 Đăng bởi:  phó đức tùng
bạn M.Cóc
mình có thể nói ngay cái "ẩn ức" cho bạn rõ.
sau 15 năm sống với bọn tây, tìm mọi cách hòa đồng, học hỏi, hiểu chúng nó, mình nhận thấy là về cơ bản, đông tây là 2 giống khác nhau. Mình không bao giờ thực sự "đồng cảm" với bọn nó được. Chẳng hạn nghe một chuyện cười, dù hiểu hết nhưng mình không thấy buồn cười. Nghe một câu thơ, hay một lời hát, cho dù hiểu hết lời mình vẫn không thấy thấm thía như nghe tiếng việt. Từ đó cho thấy, khả năng cảm nhận nghệ thuật phương tây của mình là rất kém, cho dù mình đủ kiến thức để biết chúng nó định nói gì, nhưng đơn giản nó không làm mình rung động. 
Từ đó có thể nói cho nhanh, mình không phải là người có năng lực thực sự hiểu và đồng cảm với nghệ thuật phương tây. Nhưng mà kinh nghiệm cho thấy, sự đồng cảm này vô cùng khó. và trong đời mình chưa gặp một người việt nào có khả năng đồng cảm đó. (điều đó không có nghĩa là không có ai) Vì thế, nếu nói về cảm nhận nghệ thuật phương tây trực quan, mình không bao giờ tự tin.
Ngoài vấn đề trực quan đó ra, những thứ thuộc loại kiến thức, tại sao có trường phái này, họ có mục đích gì, kỹ thuật gì v.v. thì lý thuyết phương Tây vô cùng kỹ càng và mạch lạc. Tuy mình cũng không phải chuyên gia về điều đó, nhưng về cơ bản sơ lược nhất có thể tự tin là nắm được logic, và từ logic tổng thể có thể tra cứu những thứ cụ thể. Những kiến thức này không thay thế được cảm nhận, nhưng cũng giúp ta có thể có một số đánh giá nhất định. Nó không cho phép ta nói tại sao tác phẩm này đắt hơn tác phẩm kia, thành công hơn tác phẩm kia của cùng trường phái, cùng nghệ sỹ, nhưng có thể cho ta biết tác phẩm này thuộc dòng nào và họ định nói gì.
Điều mình muốn trao đổi với mọi người về nghệ thuật phương Tây do đó bao giờ cũng là khía cạnh lý luận. Và đó cũng là điều mà theo mình duy nhất có sự bổ ích cho đại đa số người Việt. vì như đã nói, một sự đồng cảm trực quan là gần như không thể có đối với đa số người, kể cả nghệ sỹ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả