Gẫm & Bình

Hãy quẳng thanh kiếm toàn trị đi, ngài curator! 23. 07. 10 - 8:24 am

NICK

 

Đúng 7h tối, khoảng 50 người ngồi kín tầng 2 của Bùi Gallery cùng bắt đầu buổi art talk với curator Trần Lương và 4 nghệ sĩ trẻ: Nguyễn Trần Nam, Vũ Hồng Ninh, Vũ Huy An, Nguyễn Văn Phúc. Đúng hơn là nói chuyện với Trần Lương.

Nghệ sĩ – curator này quả thực nói rất hay, khúc chiết, nhưng căn phòng kín của Bùi Gallery không rõ vì lý do gì mà âm thanh bị nhòe, khán giả lại không phải luôn luôn im lặng nên thành ra hơi khó nghe. Cứ chốc chốc lại có người đứng lên ra về khiến không khí cứ chốc chốc lại loãng ra.

Tôi đến dự và nhận thấy người Việt Nam có đặc điểm là hay dùng câu hỏi lớn cho những việc nhỏ, dường như họ ít quan tâm đến quá trình hình thành ý tưởng và thực hiện tác phẩm; họ có vẻ quan tâm đến vai trò chung chung của nghệ sĩ trong một xã hội Việt Nam những năm 2000,  khiến không ít lần curator Trần Lương phải nhắc nhở là người hỏi đã đi lạc đề.

Trần Lương nói ông khác các curator thông thường, chỉ nhặt tác phẩm để làm triển lãm: ông có một sự quen biết lâu ngày với bốn nghệ sĩ, đã có một quãng thời gian cùng sống, cùng trải nghiệm. Nhìn các nghệ sĩ trẻ thu lại bên ông, người ta không thể nghi ngờ lời ông nói: họ là một “đội”, nhưng đồng thời hình ảnh này khiến nhớ lại những đoàn vận động viên Việt Nam ra nước ngoài, có một ông trưởng đoàn giữ hộ chiếu của toàn đoàn và thay cả đoàn đứng lên phát biểu và tranh luận với những câu hỏi gai góc của Việt kiều.

Nhưng ở đây không có câu hỏi nào gai góc.

Các câu hỏi “có vẻ” gai góc trên mạng cũng không thấy được đặt ra tại đây. Nói chung khi đã được nhắc nhở đừng lạc đề, các câu hỏi thu về mức độ quan tâm đáng yêu đến tác phẩm, thí  dụ,
– “Vì sao lại tên Tầm Tã?” (vì thích thế chứ không liên quan đến mưa),
– “Vì sao không đặt Tễu xà phòng ra không gian công cộng hơn để tương tác hơn?” (Đã định đặt trên chùa Hương nhưng bị mắng té tát ngay khi trình bày ý tưởng – Tôi nghĩ, chẳng lẽ nghệ sĩ này thiếu nhạy cảm đến độ vậy sao? Chẳng lẽ anh ấy chưa từng nghe về những bức biếm họa “trêu tức” Hồi giáo sao?);
– “Sao không làm đèn ông sao toàn bằng nạng?” (Vì thế lộ liễu, không diễn tả được nỗi đau ẩn giấu)…

Nhưng sao trong một căn phòng đẹp của Bùi Gallery, với người tham dự có khi ngồi bệt dưới sàn thoải mái như trong các buổi thảo luận tại các art talk nước ngoài, tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác ngột ngạt và cứng nhắc của một xã hội toàn trị. Và càng đến cuối buổi, tôi càng hiểu cảm giác đó đến từ đâu: từ curator Trần Lương.

Đã từng tham dự một vài buổi art talk bên Nhà Sàn – một nơi được biết công đầu khai sinh cũng của Trần Lương – nhưng không khí đối thoại bên Nhà Sàn khác rất nhiều, nếu không nói là khác hẳn.

Một phép so sánh có thể bị coi là thiếu tế nhị, nhưng quả thật bên Nhà Sàn, dù không gian có cẩu thả hơn tôi vẫn thấy thoải mái như ở nhà. Vắng một “đoàn trưởng” ngồi cạnh và đỡ đần như ở đây, các nghệ sĩ bên ấy khiến ta thấy tương lai nghệ thuật họ còn xa, từ phong cách đứng ngồi, nói năng, tới… phát âm tiếng Anh.

Trong khi đó tại cuộc art talk này, một không khí nghiêm trọng và phòng thủ phảng phất toát ra, như chống lại một kẻ thù mơ hồ nào đấy. Và kẻ ấy, cuối cùng cũng lộ diện: những kẻ có ý kiến negative hay “có vẻ” negative về tác phẩm – một bài chê đăng trên báo mạng mà tác giả hôm nay vắng mặt, một độc giả đặt ra những câu hỏi (cũng trên mạng) và cũng vắng mặt.

“Họ ẩn danh, có dám đến đâu, còn chúng ta mới là những người dám nói, dám làm…” đại ý của curator là thế khi kèm một nụ cười khẩy. Một nữ khán giả xoa dịu, “Để ý đến bọn họ làm gì, họ nói gì kệ họ!”

Tôi chắc là một số khán giả ngơ ngác, cũng như tôi thôi, vì một điều ít ai ngờ là trong một thời đại như ngày nay mà còn có những đòi hỏi mặt đối mặt để bàn về một tác phẩm. Lui lại thời chưa có tin học ư? Tôi e là lui xa hơn, về tận thời còn thách nhau ra đồng đấu kiếm. Choang! Choang! Choang! Ai bảo mi dám hỏi móc ta? Choang! một nhát cho mi chết. Choang! A, ta đã đâm vào đùi ta!…

Tôi sợ Hà Nội sẽ là một thành phố khó mà sống được nữa trong vòng ba năm tới. Xe cộ đi ở một mức độ khiến ta chỉ biết tin vào thần linh. Những người đã đến xem triển lãm này một lần, các nghệ sĩ hãy nghĩ xem, họ có đáng “tưởng thưởng” không? (Một chữ hay của họa sĩ Nguyễn Văn Phúc mà có người bắt bẻ – về điều này khi nào tiện sẽ bàn thêm). Họ về nhà, ngẫm nghĩ thấy có những điều cần hỏi. Có thể họ cẩn trọng hay trí não của họ chưa sẵn sàng để hỏi lúc đứng trong gallery… Thế nhưng curator đòi hỏi họ phải có mặt lần nữa mới trả lời.

Quả là một sản phẩm điển hình của một thứ xã hội chủ nghĩa thoái hóa: quan liêu và hách dịch. Tôi thử tưởng tượng một bà giám đốc bảo tàng của Anh chỉ xem ảnh thôi nhưng viết thư qua đặt vài câu hỏi, curator Trần Lương có cặm cụi trả lời bằng tiếng Anh không? Tôi e là có. Và e rằng sẽ có một cái cớ đẹp đẽ được nêu ra: đó là vì cơ hội của các nghệ sĩ trẻ kia mà ông đang bảo bọc.

Quan trọng nữa, curator sẽ giải thích: bà giám đốc đó có tên có tuổi rõ ràng.

Mấu chốt đây, cái gì khác nhau giữa ý kiến của một người có tên tuổi rõ ràng với một người bình thường bạn không biết là ai? Trước khi trả lời câu này, có lẽ chúng ta đều biết nick là một từ thuần Anh, là một sản phẩm của xã hội phương Tây mà nhiều người các bạn đang vươn tới (đừng phản đối, điều này chúng ta sẽ bàn thêm khi có thời gian). Nick khởi thủy không phải để bảo vệ người phát ngôn mà để bảo vệ ý kiến được phát ngôn: ý kiến sẽ được nhìn nhận như chính nó, không bị bóp méo bởi những định kiến gán với người phát ngôn. Nick sau đó bị lạm dụng, để đánh nhau, để lăng nhục…

 “Phải có tên rõ ràng”, trái lại, ngoài mặt tốt của nó để bảo vệ sự trong lành của xã hội, lại là một công cụ hữu hiệu của các nhà độc tài. Điểm mặt để sau đó có biện pháp thích hợp là một mục đích của “điểm danh”.

Quay lại câu chuyện của Tầm Tã, vấn đề như vậy là xác định xem nick trong trường hợp đặt câu hỏi cho các tác phẩm là thuộc loại nào? Có phải để “lăng nhục” không? (Tôi e rằng không). Có phải vì đó là người quen của curator và sợ bị “trừng trị” không? (Tôi se rằng có, và nếu thế kẻ đáng trách chính là curator). Có phải là một biện pháp PR của nhóm làm triển lãm không? (Tôi e rằng không, vì những câu hỏi của độc giả Viết Tâm đã chẳng ai trả lời; thật tiếc, một cơ hội để nói về tác phẩm!). 

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi, những cuộc tranh luận thậm chí đấu khẩu trên mạng, nhưng chúng tôi không trả lời… Nghệ sĩ tranh luận bằng tác phẩm,” curator Trần Lương nói. Chữ “nhưng” của ông đã chặn đứng con đường của các nghệ sĩ trẻ. Ông không để họ tự lớn lên, tự chân thành mà trải lòng và cọ xát với dư luận. Ông như một người cha oai hùng nhưng lỗi thời, sợ con mình thất bại vì chúng chính là vinh quang kế tiếp của mình. Ông dàn trận họ ra nhìn ông nghênh chiến với những con người mà ông cho là ảo. Nhưng ông không hiểu rằng những vấn đề trong câu hỏi kia không hề ảo, và các họa sĩ trẻ thừa thông minh để xoay sở mọi việc tốt hơn ông. Ông vẫn nhiều tư chất của một võ sĩ hơn một nghệ sĩ: ông làm conceptual art mà không thích tranh luận với khái niệm. Ông cần nhìn bắp tay.

Và tôi lại ngạc nhiên lần nữa khi ở Việt Nam, một triển lãm lớn với dự định đi cả các vùng miền như thế mà không có một trang web cho riêng nó. Thường thì với qui mô ấy người ta sẽ có một trang, khởi từ những ngày họa sĩ còn chuẩn bị vật liệu cho đến mãi lâu sau, cho đến khi bước vào dự án mới. Đó là một cách để người xem được tương tác với tác phẩm. Nhưng tôi cảm giác ở đây “tương tác” là một khái niệm rất thô sơ, vật lý (sờ vào đầu, quệt vào tượng rồi rửa tay, kể cả bẻ ngón tay…), còn người ta không thích những sự tương tác về ý kiến, về khái niệm. Lại là một sản phẩm nữa của một xã hội đầy nghi ngờ và sợ ma.

Tôi ngồi trong phòng này mà nhớ đến không gian, không khí tranh luận của Nhà Sàn xiết bao. Nhớ hôm ấy, khi Phương Linh nhận là mình ngớ ngẩn không hiểu rõ về thực vật để cái cây phải chết quá nhanh, nào có ai cười nhạo cô đâu, người ta nghe cô nói về một trải nghiệm và đều dễ dàng thông cảm với sự đang trưởng thành của cô; qua cô và các đồng nghiệp trẻ thư giãn ngồi bên cô, tôi thấy một thế hệ các nghệ sĩ trẻ đang sẵn sàng ra biển lớn trên những con tàu thử nghiệm như Nhà Sàn, khi không có một curator đằng đằng sát khí đầu mũi tàu với thanh kiếm mang tên toàn trị.
 

(Tên bài do SOI đặt)

 

*

Bài liên quan:

Tường thuật khai mạc Tầm Tã
Nhà báo ơi, tại Mỹ thuật không vui à?
– Luôn không mệt mỏi nhưng đôi khi quá cố gắng
– Hãy quẳng thanh kiếm toàn trị đi, ngài curator
– Vài điểu tôi muốn hỏi Tầm Tã

Ý kiến - Thảo luận

9:40 Sunday,25.7.2010 Đăng bởi:  Lê Hà
Hoa Nguyen ơi bài viết rất hoành tráng, tiếc rằng bạn đang phạm vào phải đúng lỗi chính của tranh luận là LẠC ĐỀ. Ngoài ra bài bạn gửi chắc lạc diễn đàn, bạn gửi nó sang trang của Viện Ngôn ngữ học thì đúng và xứng tầm với nó hơn. Còn Soi, Soi khen bài này lý thú có lẽ là Soi đang đi ngược lại một trong những nguyên tắc của mình (mà có lần Soi đã tuyên bố r
...xem tiếp
9:40 Sunday,25.7.2010 Đăng bởi:  Lê Hà
Hoa Nguyen ơi bài viết rất hoành tráng, tiếc rằng bạn đang phạm vào phải đúng lỗi chính của tranh luận là LẠC ĐỀ. Ngoài ra bài bạn gửi chắc lạc diễn đàn, bạn gửi nó sang trang của Viện Ngôn ngữ học thì đúng và xứng tầm với nó hơn. Còn Soi, Soi khen bài này lý thú có lẽ là Soi đang đi ngược lại một trong những nguyên tắc của mình (mà có lần Soi đã tuyên bố rất hoành tráng) là không "đĩ mồm" đấy. 
2:53 Sunday,25.7.2010 Đăng bởi:  thuytop 1412
“Tầm tã”, đối diện với những bóng ma

Tôi là nghệ sĩ trẻ, cũng là người dự cuộc tọa đàm Tầm Tã ở bùi gallery. Tôi thường tham gia tọa đàm để trau dồi kiến thức và học hỏi, và cũng đọc tin, bình luận về mỹ thuật nhưng hầu như không bao giờ tham gia bình luận. Qua những tranh luận trên soi thời gian vừa qua tôi thấy cần phải lên tiếng (mặc dù còn nghi ng
...xem tiếp
2:53 Sunday,25.7.2010 Đăng bởi:  thuytop 1412
“Tầm tã”, đối diện với những bóng ma

Tôi là nghệ sĩ trẻ, cũng là người dự cuộc tọa đàm Tầm Tã ở bùi gallery. Tôi thường tham gia tọa đàm để trau dồi kiến thức và học hỏi, và cũng đọc tin, bình luận về mỹ thuật nhưng hầu như không bao giờ tham gia bình luận. Qua những tranh luận trên soi thời gian vừa qua tôi thấy cần phải lên tiếng (mặc dù còn nghi ngờ điều này đã sai với kinh nghiệm của mình là cứ chứng kiến, rồi thời gian luôn trả lời cho mình đâu là lẽ phải)
Sau khi đọc cmt của Nick vài ngày tôi đã nhận ra những điều khuất phía sau không giống như những cmt đồng tình với Nick là “tích cực” và “công bằng”
Trong cuộc tranh luận này, nghệ sĩ và những người tổ chức luôn xuất hiện cụ thể trước công chúng (cả con người, danh hiệu lẫn tác phẩm) Họ là người tạo ra lí do cho cuộc tranh luận. Họ là số ít ! Sẽ là rất bất nhẫn khi thấy họ phơi mình ra để được ứng xử bằng cách thả chuột ra rỉa họ mà không phải là cuộc tranh đua thể thao thượng võ.
Trong cuộc toạ đàm, tôi có nghe curator Trần Lương nói là đã mời ai có thư gửi câu hỏi (sau khi trực tiếp đến xem) đến gặp trực tiếp ở cuộc tọa đàm, rồi Ninh Vũ cũng mời ai đó có cmt đến tham gia tọa đàm. Nhưng thực tế họ đều không ra mặt, có thể họ bận!
Nick thì có dến tọa đàm, tôi muốn hỏi: trong cuộc toạ đàm có rất nhiều câu hỏi từ người tham dự, với tôi thông tin là bổ ích và hấp dẫn, cuộc toạ đàm thành công hay không là do cả 2 phía nghệ sĩ + curator và phía người dự xây dựng nên. Quyền điều chỉnh là cho mọi người tham dự, có quyền đặt câu hỏi chỉ định các nghệ sĩ cụ thể với vấn đề cụ thể. Nếu đến dự vì tình yêu nghệ thuật và tích cực xây dựng thì lúc đó Nick ở đâu mà không trực tiếp nói ra những ý kiến và cảm nhận của mình (bằng cả thẳng thừng hoặc can thiệp tế nhị)
Nick viết cả 1 cmt dài mà không hề bàn về triển lãm, về tác phẩm về cuộc đời nghệ sĩ . Nick chê trách curator, chê trách nghệ sĩ, chê trách không khí cuộc tọa đàm, nhưng lại không nói luôn ra, để về post lên mạng mới hiệu quả chăng? Tôi liên hệ vụ Nick với việc những người mời mà không đến, và tôi không tin họ có việc bận nữa! Đây là kiểu du kích: ta ở trong bóng tối! Mục đích rõ là không vì nghệ thuật gì hết! Lựa lấy những điểm có thể khai thác để thổi bùng lên, mồt cách rình mồi của thú ăn thịt! Và vì thế nên họ sợ lộ mặt?
Hoa Nguyễn nói là có ý đồ chia rẽ nghệ sĩ với curator: chắc là có!
Tôi đã được dự cuộc nói chuyện của curator David Ross ở tp HCM mấy năm về trước (người curate hầu hết các show của Yoko Ono gần đây) và cả curator Rirkrit Tiravanija. Curator hầu như trình bày về tác phẩm về nghệ sĩ, nghệ sĩ nói rất ít, chắc rằng họ không nên tự nói nhiều về mình, đôi lúc họ cũng không có khiếu nói đâu !
Thân mến 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả