|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhPhim từ đĩa: RANGO – Phim viễn tây dưới lốt hoạt hình 15. 03. 12 - 6:49 amPha Lê tổng hợp
Vì phim nào muốn được đề cử Oscar phải đạt đủ một số yêu cầu (chiếu ở Mỹ trước ngày nào, chiếu bao nhiêu ngày) thành ra quanh đi quẩn lại chỉ có những hãng như Pixar hoặc Dreamworks ‘ôm tượng’ đi về. Nhưng năm nay bà con được đổi khẩu vị, phim hoạt hình thắng giải Oscar 2012 là Rango – một sản phẩm của Blind Wink Picture, GK Films và Nickelodeon Movies. Mở đầu phim, một gia đình đi mua chú tắc kè hoa (Johnny Depp lồng tiếng) về làm thú cưng, nhưng trên đường về thì họ gặp tai nạn, chú tắc kè bị rớt ra khỏi xe. Đang lúng túng không biết đi đâu, chú tắc kè gặp một con tatu, và con tatu chỉ cho chú biết rằng có một thành phố tên Dirt (Bụi bặm) ở giữa sa mạc, với đủ loài gặm nhấm như chuột hoang, kỳ nhông, giông mào*… sống ở đấy. Thế là chú tắc kè hoa mò đến Dirt. Nhưng Dirt không phải là một nơi hiếu khách, thành phố này thiếu nước trầm trọng, thậm chí còn bị một con diều hâu đuôi đỏ dòm ngó, ai sơ hở là nó sẽ bắt về làm thịt. Những tên xã hội đen thì lợi dụng sự yếu đuối của thành phố để hành hạ người dân. Sợ bị côn đồ bắn chết, chú tắc kè tự xưng mình là Rango, một tay súng cừ khôi đến từ phương xa.
Dĩ nhiên, mới đầu chả ai tin chú, nhưng sau khi (vô tình) giết được con diều hâu, đám xã hội đen sợ Rango ra mặt. Ông thị trưởng của Dirt phong cho Rango chức cảnh sát trưởng, và Beans – cô giông mào* xinh xắn sống ở thành phố này (Ishla Fisher lồng tiếng) – cũng bắt đầu mến Rango.
Nhưng vấn nạn thiếu nước của thành phố vẫn chưa được giải quyết, và đám xã hội đen quyết phục thù bằng cách thuê tên rắn chuông Jake giết Rango. Chàng anh hùng ‘dỏm’ sẽ đối phó ra sao? Đây quả thực là một phim hài viễn tây đúng nghĩa, một thành phố nằm ở nơi khỉ ho cò gáy, một đám côn đồ vai u thịt bắp, một nhà băng hay bị trộm dòm ngó (nhà băng này giữ nước nhé, không phải tiền), một quán rượu, một cô nàng xinh đẹp, một tên ngốc hóa anh hùng, cộng với các màn đấu súng, cưỡi… gà (thay vì ngựa) rượt đuổi trên sa mạc, và các bài nhạc gảy bằng gi-ta cũng như banjo, bộ phim này gợi cho người xem nhớ đến những phim cao bồi viễn tây thời xưa mà hiện nay ít ai còn làm*.
Nhưng nếu chỉ đơn giản vậy thì phim này chẳng được Oscar. Ngoài yếu tố ‘viễn tây’, Rango còn là một phim hành động đúng nghĩa. Để đạt được yếu tố hấp dẫn đó, kỹ thuật hoạt hình cực kỳ quan trọng. Tôi vốn chẳng phải fan cuồng của 3-D, nhưng Rango lại làm được điều không tưởng: khiến chuyển động của các con vật trong phim cực kỳ mềm mại. Từ đoạn chú diều hâu đuôi đỏ dí Rango chạy đến đoạn các tên côn đồ choảng nhau trong quán rượu, mỗi cử động cũng như nét mặt của các loài gặm nhấm đều rất uyển chuyển và biểu cảm. Ai từng bỏ thời gian quan sát các con vật thì sẽ thích mê chuyển động trong Rango, ngoài tính ‘hữu cơ’ ra, các chuyển động này còn mang chút dí dỏm hài hước theo y kiểu hoạt hình. Chưa bao giờ tôi thấy phim hoạt hình 3-D lại đẹp và mềm đến thế này, ngay cả những phim của Pixar và Dreamswork.
Nhưng lợi thế tối ưu của Rango nằm ở cách phim dẫn người xem đến ý nghĩa chính của câu chuyện. Thực chất thì đây là một phim về môi trường, nhưng nó không nhắc trực tiếp đến vấn đề này mà bắt người xem phải suy ngẫm; trái với các phim hoạt hình khác (vốn né tính ẩn dụ vì sợ trẻ con không hiểu), thường lộ liễu hóa phần bài học, Rango không nói gì về chuyện đốn cây hoặc những mặt trái của sự phát triển. Nó chỉ có một đoạn nhỏ, cho người xem thấy cảnh các tòa nhà bơm nước xài vô tư trong khi các con côn trùng sắp chết khát. Hình như không phải ai cũng hiểu rằng trái đất đang ngày càng cạn kiệt nước sạch, và trước khi loài người chết vì thiếu nước, các con vật sẽ là loài chịu khổ đầu tiên, nhưng các công ty xây dựng dường như chẳng màng đến vấn nạn trên. Cảnh các tòa nhà bơm nước vô tội vạ không khiến người xem phải cảm động rơi nước mắt, mà khiến họ phải cảm thấy khó chịu vì xấu hổ. Chỉ trong vài giây, Rango cho ta thấy rằng chúng ta hơi bị ích kỷ; bộ phim thực sự rất mạnh dạn trong việc phê phán lối sống vô tư của con người, chính điều này đã đem về cho phim giải Oscar. Rango được như vậy cũng là nhờ đạo diễn Gore Verbinski. Ông không phải là một đạo diễn hoạt hình, phim nổi tiếng nhất của ông là phim ma The Ring và phim hành động hài Cướp biển Ca-ri-bê (phần 1). Nhưng tình tiết liền mạch hấp dẫn và các chuyển động khéo léo trong phim chứng minh rằng đạo diễn không cần phải chuyên về mảng hoạt hình để làm một phim hoạt hình hay. Có lẽ vì Gore làm nhiều phim điện ảnh nên bài học của “Rango” mới được diễn giải một cách tinh tế như vậy? Và điểm mạnh cũng chính là điểm yếu của Rango, đây không phải là một phim phù hợp với các em nhỏ cho lắm, ít ra là những em khoảng dưới 10 tuổi, vì nó đậm chất châm biếm và khá phức tạp; nhưng cái suy nghĩ “hoạt hình là chỉ dành cho trẻ con” hơi bị lỗi thời. Tôi cho rằng người trưởng thành sẽ thích và hiểu phim này hơn trẻ em. Dĩ nhiên, các bé chỉ cần đủ lớn để thích truyện cao bồi Lucky Luck là có thể thích phim này rồi. Bé nào thích nhạc thì cũng nên xem Rango, vì nhà soạn nhạc của phim chính là Hans Zimmer. Anh từng được một Oscar cho nhạc nền của Vua sư tử, rồi hàng tá đề cử cho những bản nhạc phim cực kỳ nổi tiếng hiện nay, trong đó có Cướp biển Ca-ri-bê *, The Dark Knight, Inception, Gladiator v.v… Nghe tiếng đàn đậm chất cao bồi vang vọng, người xem như được trở về với thập niên 60s, khi các phim viễn tây thống trị màn ảnh Hollywood.
* CHÚ THÍCH Giông mào sa mạc: Tên tiếng Anh là Dessert Iguana, một họ của thằn lằn. Những phim cao bồi gần đây có “True Grit” (thực chất là phim làm lại), rồi “Meek’s Cutoff” (không có đĩa ở Việt Nam), còn những phim như “Cao bồi và người ngoài hành tinh” là phim lai tạp. Nhạc phim “Cướp biển Ca-ri-bê” rất hay bị ‘mượn’ vô tội vạ, một số hãng thuốc hay hãng dụng cụ thể dục ở Việt Nam cứ hay lôi bản nhạc này ra để quảng cáo sản phẩm. Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|