|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhTranh LÝ TRỰC SƠN: Giọt nước mắt đàn ông 21. 12. 11 - 6:59 amVũ Lâm
Mấy năm trước, tôi đi tập lái xe hơi, trên cái xe tập lái có mỗi một cái đĩa nhạc trẻ. “Thầy” dạy lái ít hơn tôi vài tuổi, đang thất tình hay sao thì phải, cứ lên xe là chàng ta bật cái đĩa nhạc trẻ đó, và nghe đúng một bài. Các bạn có tưởng tượng suốt ba tháng giời tôi phải nghe đi nghe lại một bài hát là bài Tình yêu nào phải trò chơi 2 thì lời hát nó dính nhằng vào óc tôi cỡ nào; trong đó có nhớ câu; “Giọt nước mắt đàn ông/ Thấm sâu tận đáy lòng/ Thương tình mình long đong,…”. Hôm nay, viết bài về việc thưởng ngoạn tranh của họa sĩ Lý Trực Sơn trong triển lãm Giả thiết (bày tại Âu Cơ Gallery từ 5 – 25. 12), tự nhiên mấy câu hát sầu đời của các “giai trẻ” đó lại bật lên trong đầu tôi, để tôi “khởi tứ”… 1.
Từng được có một vài chuyến du hành cùng ông, nghe ông nói chuyện, tôi nảy ra một ý thế này: trong truyện chưởng Kim Dung có nhân vật Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông khi buồn nghĩ ra phép “phân thân nhị dụng” lấy tay mặt đánh nhau với tay trái để giải buồn (từ sau đó sáng chế ra môn võ công Song thủ hỗ bác có một không hai). Thì, nếu như họa sĩ Lý Trực Sơn có… hai cái miệng, hẳn hai cái miệng của ông cũng tranh nhau biện luận nghệ thuật suốt ngày để giải khuây. Vì cãi nhau với người khác ông rất chóng nhận thua. Với chiến hữu sắc sảo giỏi biện bác, với đàn em nanh nọc, với thế hệ con cháu láu cá… ông thường giữ thế thua, gật đầu khen phải để giữ hòa khí là chính. Còn tôi nghĩ thầm (nghĩ thầm thế thôi), hai ba dòng tâm tư trong ông đã “cãi” nhau đủ mệt, cãi nhau với bên ngoài làm gì. Ông liên tục phát kiến, biện bác, và rồi tự phủ định, hoặc quên. Trong mớ những phát kiến hoặc chiêm nghiệm (có lẫn cả vào những tán tụng nhầm) mà ông phát ngôn được ra thi thoảng có những nhận định cực kỳ độc đáo (thậm chí có những nhận định mang tính phương pháp luận hết sức thú) mà tôi có liệt kê ra đây thì cũng nhiều vô thiên lủng… Bạn bè, đàn em, đàn học trò cứ vô tư trích lại những phát kiến hay ho ấy của ông trong các cuộc trò chuyện khác. Người tự trọng thì có “trích nguồn” hẳn hoi, còn đa số vô tư nhắc lại lời ông Sơn như là mình nghĩ ra (hiện tượng này tôi thấy như một đặc trưng nào đó trong các câu chuyện nghệ thuật ở ta. Người “phun” được ra các câu hay, ý hay, nhận định thông minh bằng tư duy độc lập thì rất ít. Còn cánh nghe hóng, xài lại, nói y như của mình nghĩ ra lâu thành quen, thì rất nhiều). Một vài lần tôi cũng có ghi lại ý của ông Sơn vào sổ, ở đây nhớ tạm một câu thế này: “Những người bán bánh mì (dù ở bất cứ đâu trên thế giới) thường rất lành, tươi; vì họ ngửi mùi bánh mì suốt ngày. Còn những kẻ lưu manh thì sợ hãi văn hóa. Vì chúng cảm thấy thấp hơn và không hiểu được”.
2. Nhìn qua giá trị quy ước của thế hệ, thì thấy dường như thế hệ “thiếu sinh quân mỹ thuật” này nhận về mình nhiều thất bại hơn là thành công (bởi họ phải làm trụ cầu nối tới Đổi Mới). Thời gian họ sinh ra và trưởng thành trọn vẹn trong hai cuộc kháng chiến. Thời gian trước Đổi Mới, tác phẩm của họ là những nhân tố tiền đề cho hội họa Đổi Mới, nhưng đến những năm 90, thì họ cũng đã đến tuổi “tứ thập bất hoặc’. Tuy sung sức và có độ chín bản lĩnh để sáng tác, nhưng phải chịu quá nhiều hệ lụy cũng như quy ước thẩm mỹ và trách nhiệm xã hội ở thời điểm ấy. Trẻ vừa qua, nhưng già chưa tới, cái sự già lão xơ cứng thì chưa, nhưng cái liều lĩnh mạo hiểm “ôm bộc phá” của tuổi 30 như nhóm “Gang of five” lúc đó cũng không còn. Những người tạo dựng được tên tuổi trong thế hệ ấy tự bứt phá mỗi người một cách thế nào đó để nhìn lại có được một “nhân thân nghệ thuật” tự đào luyện tri thức và cách thám hiểm cuộc sống để đi đến tự do cá nhân. Lý Trực Sơn là một họa sĩ như thế, và đời nghệ thuật của ông có nhiều giai thoại phát sinh từ cái “nhân thân nghệ thuật” của riêng ông. Ông sinh ra ở Huế, nhưng lớn lên trong kháng chiến và ở Hà Nội, hấp thu hoàn toàn từ cái phông “văn hóa Bắc hà”. Có một quãng đời sinh tử lính chiến. Có một quãng đời làm thầy thực thụ. Rồi một quãng dài phiêu bạt ở châu Âu… Thế là khá đủ vốn sống cho một người làm nghệ thuật. Về bản lĩnh chuyên môn, ông đắc thủ ở hai thể loại sơn mài và giấy dó. Triển lãm sơn mài “Chốn này” năm 2009 xác định ông là một họa sĩ vẽ sơn mài xuất sắc của thế hệ mình, đẩy cái hội họa “biểu hiện duy tình” trên sơn mài đạt độ thăng hoa – như một “trái chín muộn” của Mỹ thuật Đổi Mới. Và hai năm nay, ông chuyên tập vào mảng tranh giấy dó. Một chất liệu nền được chính ông cùng họa sĩ – nhà bình luận nghệ thuật Nguyễn Quân khai mở thành một chất liệu hội họa thực thụ trong một triển lãm năm 1989 ở số 7 Hàng Khay (giấy dó ta thời xưa dùng trong đồ họa cổ. Sau đó được các họa sĩ dùng như một chất liệu để vẽ phác thảo là chính).
3. Cuối năm 2010, trong triển lãm đặc sắc Không vô can và Ballad Biển Đông cùng nhà điêu khắc Đào Châu Hải sau chuyến hải hành ra Trường Sa, những tác phẩm Lý Trực Sơn – dó “phình” to thêm về khổ và được đẩy sâu hơn về bút pháp trừu tượng từng lẻ tẻ xuất hiện trước đây trong sơn dầu và sơn mài của ông, cùng kỹ thuật “nhuộm thấm” trên giấy dó, một kỹ thuật vẽ theo tôi sẽ trở thành kinh điển cho mỗi ai “động” vào giấy dó sau này, tạm gọi là nhuộm dó hay dó nhuộm (tương tự như vẽ lụa thì rửa, sơn thì mài, còn dó thì thấm nhuộm). Có họa sĩ nói “trong giấy dó có hồn người Việt” thì rất hay, nhưng khi vẽ xong thì “hồn Việt” có còn hay bốc hơi lại là chuyện khác. Giấy dó nếu chỉ được coi là chất liệu nền, vẽ tùy bằng bất cứ chất màu nào lên đó thì hỏng. Trước đây các họa sĩ thường dùng màu nước vẽ giấy dó. Sau thì lung tung, có người vẽ chì chạt bột màu, acrylic lên nền giấy dó, chẳng thấy cảm giác nền đâu mà chỉ thấy một sự “cưỡng bức” thô bạo đối với dó. Nếu vẽ dó mà không chạm được đến linh hồn của nó thì vẽ trên bìa hay trên tờ giấy báo cũng không khác gì…
Họa sĩ Lý Trực Sơn nêu ra những đặc điểm sau khi ông “đắm đuối” với dó: phải tận dụng hết sức biểu hiện của nền giấy, kể cả khoảng trống không vẽ, độ thấm màu và cả những độ “lờm xờm” của góc cạnh tờ giấy. Giống như bề mặt chưa vẽ của tấm vóc (sơn mài) có sự trừu tượng, tấm lụa có sự mịn màng mờ ảo, thì bề mặt tờ giấy dó chưa vẽ cũng có nét đẹp đặc trưng là cảm giác ấm, mịn, đằm mắt, đầy đặn (hoặc thô xước nhưng vẫn ấm cúng) như một món ăn ngon rất hấp dẫn thị giác vậy. Họa sĩ dùng cách vẽ có chỗ độc đáo là tiết kiệm dùng bút vẽ nét, dùng cách thấm nhuộm từ từ để quan sát độ no màu và những hiệu ứng loang có kiểm soát. Kết hợp với những đường cong ngoằng khoáng đạt, khe màu “thủng”, hình như chữ “nhân” đứng và những ký tự, ký hiệu loằng ngoằng không có nghĩa cụ thể… Trong một số điển cố của hiền giả Osho có nêu chuyện một người nọ một mình mà ngả được cái cây rất to, vần được hòn đá rất lớn. Mọi người ngạc nhiên hỏi, tại sao anh có thể làm được việc phi thường thế, mà đáng ra phải nhiều người mới làm nổi? Anh ta trả lời: Đơn giản thôi, trước khi ngả một cái cây, tôi đến trân trọng hỏi cây rằng cây ơi, cây có đồng ý cho tôi đốn cây để làm nhà không? Nếu cây đồng ý thì tôi mới chặt. Trước khi vần một hòn đá, tôi nâng niu hỏi đá rằng: Đá ơi, đá có đồng ý cho tôi lăn đá đi không? Đá đồng ý thì tôi mới lăn… Dịch chuyện này sang chuyện Lý Sơn vẽ dó. Tôi có cảm giác như trước khi vẽ ông cũng thầm thì: Dó ơi, Dó có đồng ý cho tôi thấm tình tôi lên thân Dó không? Tôi có ý nghĩ này bởi nghe họa sĩ miêu tả việc vẽ dó của ông như một cuộc tình vậy. Ông dùng lý trí chuẩn bị rất kỹ lưỡng, hoạch định, khúc dạo đầu chán chê mê mỏi, nhưng khi đã bắt đầu “vào cuộc” thì say đắm mê man không biết đâu là bến bờ. Không định trước rằng sẽ dừng ở đâu… Cái tên triển lãm Giả thiết cũng có ý nghĩa từ một trạng thái không được định trước như thế. Khi sáng tác, họa sĩ không đoan quyết điều gì mà đặt mình vào một thế “phập phù bất định”, như ‘bỏ đói” tình yêu, như một “thức giả thiết”. “Chỉ cố gắng làm việc thật chăm chỉ, đi đến tận cùng khả năng thì có được cảm giác giả thiết sắp biết vẽ...”.
4. Nếu như trừu tượng là các trạng thái thì đứng trước trừu tượng dó nhuộm lãng đãng duy tình và “nghi vấn” của Lý Sơn tôi thưởng ngoạn được gì? Đi qua ba mươi sáu bức cả thảy, tôi được bồng bềnh rơi qua những quãng trời khác nhau và nhiều trục thời gian lẫn lộn. Có lúc, như tôi đứng trước nhiều loại hình ảnh chồng lấn các “kỳ thư”, “mật ngữ’, sách trời… các văn bản cổ viết bằng giấy papyrus (giấy cói, hoặc còn gọi là giấy chỉ thảo của người Ai Cập cổ); hoặc trước Dịch ngữ viết trên tre lụa ngàn năm đã ngả màu… Tôi lấn quấn và bối rối giữa những “ẩn ngữ của phôi pha” ấy (từ trong tên một triển lãm của họa sĩ Nguyễn Sơn). Có lúc tôi như đứng một mình trong đêm nhìn trời Bắc cực quang huyền ảo. Có lúc như tôi một mình ngồi trên đài cao ngắm trăng uống rượu. Có lúc tôi lênh đênh giữa trời nước mênh mông trên bể cả. Có lúc nằm khàn trên bờ đê ngắm một cánh diều vút bay lên vào buổi chiều xanh lộng gió. Có buổi tôi ngồi trước một bình cá vàng vào một ngày chủ nhật thanh nhàn. Có khi tôi ngồi trên bờ đầm ngó một cuộng lá sen non vừa chuẩn bị duỗi ra đầy “dâm tình” một cách tự nhiên và thanh khiết. Một cánh bướm nhỏ vẫy từ ký ức trở thành cánh bướm khổng lồ trong giấc mơ… Chứng kiến những hiện tượng vừa giản dị, vừa kỳ ảo của trời đất cây cỏ ấy, tôi chỉ biết rung động toàn thân và mấp máy môi vì cảm giác tôi vừa nhỏ bé, vừa sinh động và hạnh phúc đến đau đớn…
Tôi đánh giá triển lãm cá nhân dó nhuộm Giả thiết của họa sĩ Lý Trực Sơn là một triển lãm cá nhân có ý nghĩa xuất sắc nhất trong năm 2011, vì những lý do sau: – Là một trong những họa sĩ có công đầu trong việc đưa dó lên thành một chất liệu nền hội họa của dân tộc, ông vẫn đang trên đường tìm đến đích khi tìm những chất liệu mầu dân tộc khác tương hợp cho giấy dó (giống như toan tìm được sơn dầu) từ chất liệu màu tự chế từ tự nhiên. (Một họa sĩ khác ý thức về việc này từ lâu là họa sĩ Phan Cẩm Thượng, khi ông đi tìm các màu khoáng chất để vẽ giấy dó nhưng chắc ông không đủ thời gian, vì ông chuyên việc nghiên cứu hơn). Tuy việc khảo nghiệm tính chất bền vững của màu sắc còn là một thang để tính điểm nữa, nhưng đó là một con đường độc đáo và đúng đắn của cá nhân một nghệ sĩ, nằm trọn trong con đường lớn quay về khai mở và tạo dựng những giá trị mới sẵn có mạch nguồn trong lòng truyền thống dân tộc. – Thành công từ sơn mài, và bút pháp biểu hiện–trừu tượng, Lý Trực Sơn tiếp tục tiến vào trừu tượng một cách tiệm tiến, đẩy sâu và có hệ thống. Ông sử dụng ngôn ngữ trừu tượng từ cá tính thẩm mỹ bâng quơ, duy mỹ duy tình lãng đãng và muốn thúc đẩy nó đến triệt để. Trong nghệ thuật, từ “một” đến “chín” đã không dễ. Nhưng để dịch chuyển từ “chín” cho đến “mười” là việc còn khó khăn hơn vô vàn, nhất là với “cá tính dân tộc” trong máu chúng ta dường như là hay ưa thích cái sự “nửa chừng xuân”. Lý Trực Sơn đang bước từ tốn trên con đường từ “chín” đến “mười” trong giấy dó với việc khuếch trương khả năng biểu hiện đạt tới tầm mức hé mở được sức chất chứa vô hạn từ một chất liệu giản dị này. – Những việc làm và thành quả của họa sĩ là một sự gợi ý rất hay cho các họa sĩ trẻ. Với những ai khôn ngoan và tương hợp để nhận ra điều đó, bất kể thẩm mỹ của họ rồi sẽ “thoát ly hiện thực” hay chìm vào đời mà trồi ngụp, sự gợi ý xảy ra đúng lúc giữa tình hình “bí cờ tổng thể” hiện nay về ngôn ngữ nghệ thuật xảy ra ở cả người vẽ giỏi lẫn người vẽ kém, kể cả người vẽ rất tốn sơn toan lẫn người vẽ mỏng tang trong một loạt triển lãm liên tục vừa diễn ra trong Nam ngoài Bắc thời gian nửa cuối năm nay.
5. Tôi cũng là đàn ông, sinh sau họa sĩ hơn một thế hệ. Cuộc đời cũng đã vài lần làm tôi ứa ra một vài “giọt nước mắt đàn ông, thấm sâu tận đáy lòng”. Nhưng giọt nước mắt của tôi vẫn còn đang lăn. Điều đó làm tôi cám cảnh. Chẳng biết “chúng nó” rồi có lăn được về đến bến bờ nào đó để trôi ra, rơi và hòa tan một cách trọn vẹn và tử tế được hay không?
* GIẢ THIẾT Khai mạc: 17g00, thứ Hai 5. 12. 2011
* Bài liên quan: – 5. 12: GIẢ THIẾT của Lý Trực Sơn Ý kiến - Thảo luận
11:36
Thursday,22.12.2011
Đăng bởi:
AI LÀ THỨ NHÌ
11:36
Thursday,22.12.2011
Đăng bởi:
AI LÀ THỨ NHÌ
HỪM HỪM.
Cứ tranh nhau lên làm người đầu tiên, người thứ nhất,đi đầu tiên phong, "Mở đường" chỉ lối thì ai là người về nhì bây giờ. Trong khi việc chính là nghệ thuật có là hay, là đẹp không mới quan trọng. Không làm được điều đó thì "đi đầu" là vô nghĩa. giấy Dó là cái thứ mà các cụ ta chơi lâu rồi, từ thời Đông Dương, các cụ coi là thứ giấy để vẽ ghi nháp chơi, về sau bao cấp các cụ nghèo quá không có giấy Croquy nên khi lấy ký họa thì các cụ cũng dùng. dùng nhiều nhưng chỉ khi cụ Sĩ Tốt vẽ nhiều và bày triển lãm thì sau đó mọi người mới thấy là Dó cũng hay, Ai cũng dùng theo. Khi Cụ Sĩ Tốt vẽ Dó bằng nước chè, mực cửu long thì các vị "đi đầu" tóc còn để chỏm. Mà vẽ đến cỡ Bác Nguyễn XUân Tiệp cách đây 20 năm thì Dó còn oách hơn nữa , đợi gì đến sự tìm kiếm "đi đầu" của ai bây giừ. Rõ là khéo Vẽ vời.
3:39
Thursday,22.12.2011
Đăng bởi:
chuyên gia chép tranh
Bao giờ người Việt hết tính soi (mói) đồng nghiệp, đồng liêu, đồng bạn, đồng bào, đồng...chí? hay vì đây là trang web tên SOI? :) nhớ chuyện thả 3 người Do Thái (hoặc Tàu) xuống hố thì họ sẽ lên được vì đủn đít và kéo nhau, thả 3 người Việt xuống thì không bao giờ lên được vì thằng này đang leo lên thằng khác kéo xuống. Trong tay lăm lăm hòn đá: "Cao chê ng
...xem tiếp
3:39
Thursday,22.12.2011
Đăng bởi:
chuyên gia chép tranh
Bao giờ người Việt hết tính soi (mói) đồng nghiệp, đồng liêu, đồng bạn, đồng bào, đồng...chí? hay vì đây là trang web tên SOI? :) nhớ chuyện thả 3 người Do Thái (hoặc Tàu) xuống hố thì họ sẽ lên được vì đủn đít và kéo nhau, thả 3 người Việt xuống thì không bao giờ lên được vì thằng này đang leo lên thằng khác kéo xuống. Trong tay lăm lăm hòn đá: "Cao chê ngỏng, thấp chê lùn; béo chê béo trục béo tròn; gầy chê xương sống xương sườn bày ra"
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Cứ tranh nhau lên làm người đầu tiên, người thứ nhất,đi đầu tiên phong, "Mở đường" chỉ lối thì ai là người về nhì bây giờ.
Trong khi việc chính là nghệ thuật có là hay, là đẹp không mới quan trọng. Không làm được điều đó thì "đi đầu" là vô nghĩa.
giấy Dó là cái thứ mà các cụ ta chơi lâu rồi, từ thời Đông Dương, các cụ coi là thứ giấy đ
...xem tiếp