Ở Đâu - Làm Gì

Nên đi xem: KỊCH BẢN ĐƯƠNG ĐẠI 25. 11. 11 - 11:36 pm

Thông tin từ BTC

 

.

 

KỊCH BẢN ĐƯƠNG ĐẠI
Triển lãm khắc gỗ

Khai mạc: 17h30 Chủ nhật ngày 27. 11. 2011
Thời gian trưng bày: từ  27. 11  đến 4. 12. 2011
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Số 66 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội

 

Triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ đồ họa Phạm Khắc Quang với sự tài trợ của Quỹ phát triển và giao lưu văn hóa (The Cultural Development and Exchanges Fund – CDEF) thuộc Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội.

Lần đầu tiên, có một triển lãm mỹ thuật với chất liệu khắc gỗ truyền thống nhưng đề cập trực diện đến cuộc sống của người nông dân Việt Nam hôm nay.

Giới thiệu một sáng tác nghệ thuật sắp đặt với 1.000 bản khắc gỗ chân dung người nông dân.

Triển lãm Kịch bản đương đại được chia làm hai phần. Phần thứ nhất là chùm 10 bức tranh khắc gỗ màu với kỹ thuật khắc phá bản, thể hiện suy ngẫm của tác giả trước nhiều vấn đề xã hội trong cuộc sống nông thôn hiện nay. Tác giả đã đưa chú Tễu – nhân vật dẫn chuyện trong các tích trò rối nước dân gian – đến với cuộc sống đương đại, làm nhân vật chính trong các câu chuyện thời cuộc. Tễu có khi là một thương lái, một doanh nhân lừng lững và viên mãn giữa chợ người – chợ đời. Cũng có khi, Tễu lại vẫn là người nông dân hóm hỉnh, ý vị trong mối quan hệ cộng đồng làng xã, cùng nhau làm mùa, cùng nhau vui chơi. Nhưng cũng là người nông dân ấy với nụ cười vô ưu đang bày bán một góc tài sản tinh thần của làng mình, của chính mình – hình ảnh “cây đa bến nước sân đình” – ngay nơi chợ quê. Cái cười vô ưu của Tễu là để che giấu nỗi đau, sự bất lực trước sức cám dỗ và sự xô ép của nhu cầu vật chất hay cũng là cái cười tự bằng lòng? Bên cạnh việc sử dụng thủ pháp đa nhân cách hóa nhân vật chính – chú Tễu một cách thông minh, họa sĩ cũng cẩn trọng và tỉ mỉ trong kỹ thuật khắc gỗ. Bố cục tạo hình chặt chẽ giúp biểu đạt rõ ràng thông điệp xã hội của tác giả.

“Chợ người”, 2010, 60 x 90cm


“Chợ quê”, 2011, 60 x 90cm

Phần tiếp theo là một sáng tác sắp đặt tiêu đề Thở. Trên 30m2 nền với một số chất liệu được xử lý tinh tế, đem lại cảm giác về một mảnh ruộng quê, tác giả đặt lên 1.000 bản khắc chân dung người nông dân ở đa dạng lứa tuổi, trong đó chân dung người phụ nữ chiếm đa số một cách ngẫu nhiên. Các chân dung được khắc trên bề mặt rộng nhất (7cm x 9cm) của chiếc xẻng gỗ – vật dụng quen thuộc trong căn bếp gia đình; những nét khắc tỉ mỉ, giàu cảm xúc đã giúp thể hiện một cách sống động chân dung người nông dân hôm nay. Tuy bị hạn chế về diện tích nhưng có lẽ, đây là một tác phẩm có khả năng gợi mở câu chuyện rộng lớn hơn về số phận của cánh đồng – cũng là số phận người nông dân trong một bối cảnh xã hội đang đổi thay từng ngày.

Sắp đặt khắc gỗ “Thở”, 2011, 450 x 650cm


Sắp đặt khắc gỗ “Thở” (nhìn gần)


Muôi gỗ khắc chân dung người nông dân trong sắp đặt “Thở”


Muôi gỗ khắc chân dung người nông dân trong sắp đặt “Thở”

Hai phần triển lãm không hoàn toàn tách rời nhau bởi bao trùm lên đó là những suy ngẫm khá sâu sắc của nghệ sĩ trước biết bao đổi thay trong cuộc sống của người nông dân quê hương anh, một vùng thuần nông Hải Dương có nghề rối nước truyền thống. Triển lãm cũng cho thấy sự tâm huyết của nghệ sĩ trong việc sử dụng nghệ thuật khắc gỗ truyền thống để kể với khán giả hôm nay những câu chuyện thời cuộc – một cách thức thú vị trong việc kết nối các yếu tố truyền thống và đương đại trong nghệ thuật.

*

“Chợ vùng cao”, 2011, 60 x 90cm

 

Sau khi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là ĐH MT Việt Nam) chuyên ngành đồ họa tạo hình, tôi đi làm mọi việc có liên quan đến mỹ thuật, bên cạnh đó,  từng bước tìm kiếm những chi tiết cần thiết để tự dựng một chiếc máy in kẽm và sắm sửa một số vật dụng tối cần thiết để làm đồ họa. Trở về với đồ họa, tôi mày mò với kỹ thuật và chất liệu dễ tìm trên cơ sở kiến thức đã có, trong đó, khắc gỗ là chất liệu tôi gắn bó hơn cả.

Năm 2008, tôi tham gia triển lãm đồ họa quốc tế ở Vân Nam (Trung Quốc), được mở rộng thêm tầm mắt khi xem rất nhiều hình thức, chất liệu đồ họa. Đặc biệt ấn tượng với tôi là những sáng tác khắc gỗ màu có khả năng diễn tả vô cùng tinh tế. Sau, tôi được biết đó là nhờ kỹ thuật khắc phá bản. Kỹ thuật này chỉ sử dụng một bản gỗ cho nhiều lần khắc và in; mỗi lượt màu tương ứng với một lần khắc. Do vậy, khi sáng tác với kỹ thuật khắc phá bản, họa sĩ phải xác định cụ thể ý tưởng thể hiện cũng như số lượng bản in và màu sắc cho từng bản in vì bản khắc sẽ bị phá bỏ gần như hoàn toàn sau lượt in cuối.  Tính ưu việt của khắc phá bản là có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu thị giác nhờ vào sự thay đổi mật độ của nét khắc cũng như số lượng màu sắc sau mỗi lần tách bản.

“Làng văn hóa”, 2009, 70 x 100cm

 

Kỹ thuật khắc phá bản thực sự làm tôi hứng thú trong chùm sáng tác có sử dụng nhân vật Tễu của nghệ thuật rối nước dân gian làm hình ảnh trung tâm. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê có truyền thống múa rối nước nên từ nhỏ, đã được xem nghệ nhân của làng thổi hồn vào những khúc gỗ, cục tre, biến chúng trở thành những nhân vật có tích, có trò và gây ấn tượng sâu sắc. Từ dáng vẻ đến tinh thần, con rối như là hình ảnh rút gọn, đặc trưng rất Việt. Trong sân khấu nước, qua sự liên kết cơ học, người nghệ nhân đã điều khiển con rối vào vai những người lao động, danh nhân, nhân vật huyền thoại… nhằm ca ngợi cũng như giáo dục truyền thống. Điều đó cùng thực tế cuộc sống hôm nay gợi liên tưởng cho tôi rằng, phải chăng, trong cuộc sống đương đại, rối cũng đã, đang và sẽ vào vai nhiều “nhân vật” ở nhiều khía cạnh xã hội?

“Mùa gặt”, 2011, 100 x 70cm

 

Trên con đường quốc lộ 5 từ Hà Nội về quê mà tôi vẫn thường đi lại, theo năm tháng, tôi và bao người khác chứng kiến cảnh một phần không nhỏ ruộng đất, làng mạc dần dần được thay bằng những công trường nhà máy, đẩy người nông dân xa dần với công việc ruộng đồng thường nhật. Bức tranh về cánh đồng thẳng cánh cò bay giờ đây phải phác họa thêm vào đó những tòa nhà công nghiệp lạnh lùng đứng lù lù như dọa dẫm những thửa ruộng yếu đuối mong manh. Tỷ lệ thuận với sự phát triển công nghiệp là sự ô nhiễm, trong đó có cả ô nhiễm môi trường tự nhiên và ô nhiễm về tâm hồn của không ít người…. Tôi đã chụp ảnh chân dung những người nông dân mà tôi tình cờ gặp ở quanh làng trong mỗi dịp về quê, và rồi khắc lại chân dung đó trên một cây xẻng gỗ – vật dụng trong nhà bếp gia đình. Một nghìn bức chân dung khắc gỗ đen trắng, mỗi chân dung mỗi vẻ, hòa vào thành bản hợp ca chất chứa đủ vui buồn cất lên từ những thửa ruộng.

Phạm Khắc Quang

 

 

*

Bài liên quan:

– Nên đi xem: KỊCH BẢN ĐƯƠNG ĐẠI
– Khai mạc KỊCH BẢN ĐƯƠNG ĐẠI: Đừng tin vào ảnh, đến xem thôi!

– PHẠM KHẮC QUANG: Bị ám ảnh bởi cuộc sống của người nông dân

Ý kiến - Thảo luận

23:10 Monday,28.11.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Tớ đố cả pikachu luôn, nói được có thưởng hai cốc trà nóng, một cái kẹo lạc quán chị Hà.
...xem tiếp
23:10 Monday,28.11.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Tớ đố cả pikachu luôn, nói được có thưởng hai cốc trà nóng, một cái kẹo lạc quán chị Hà. 
22:21 Monday,28.11.2011 Đăng bởi:  pikachu
anh "giá trị thực" ơi em đố anh giải thích được: tranh anh Thông khác tranh minh họa ở chỗ nào đấy. Ngắn gọn thôi anh nhé.
...xem tiếp
22:21 Monday,28.11.2011 Đăng bởi:  pikachu
anh "giá trị thực" ơi em đố anh giải thích được: tranh anh Thông khác tranh minh họa ở chỗ nào đấy. Ngắn gọn thôi anh nhé. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả