Bàn luận

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta? 04. 11. 11 - 7:52 am

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

(SOI: Đây là các thảo luận giữa hai họa sĩ cho bài “Nghệ thuật vùng ngoại vi: Đằng nào cũng chết?”. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn tiện theo dõi. Tên bài do Soi đặt.)

Hí họa của Garrincha

 

PHẠM HUY THÔNG trong bài viết có nói:

… Ở Việt Nam, nghệ sĩ tuy nghèo nhưng thỉnh thoảng bán được tranh cho nước ngoài với giá đô la nên vẫn tồn tại được. Tuy nhiên đơn giá cho mỗi tác phẩm (của hoạ sĩ trẻ) vì thế hơi cao (so với giá khu vực Đông Nam Á). Điều này giảm sức hấp dẫn tới người mua Việt, những người đang tò mò muốn mua nghệ thuật. Tất nhiên đây không phải lý do chính khiến họ không mua, quan trọng là cái trong đầu họ kìa? Bởi vậy việc giá cả tôi không thấy lo lắng lắm, thị trường rồi sẽ tự điều chỉnh. Cái lo về lâu về dài là nhỡ đâu các bố đại gia Việt tự nhiên chán bóng đá, hoa hậu, phi cơ chuyển sang săn lùng nghệ thuật, đẩy giá lên cao vống thì nghệ thuật Việt Nam lúc đó đã kịp bám rễ với quốc tế chưa. Các kênh quảng bá văn hoá phụ trợ như điện ảnh, du lịch ở Việt Nam thì vẫn lôm côm và rẻ tiền lắm, không làm sang nghệ thuật tạo hình lên được.

 

NGUYỄN HỒNG SƠN

Ta lo xa cũng là phải thôi, thế nhưng các đại gia nhà ta không thể so với các đại gia nhà hàng xóm được, bởi tôi chưa thấy đại gia nhà ta bỏ tiền ra sưu tầm và tìm hiểu những giá trị văn hóa, cụ thể là nghệ thuật tạo hình cho đúng với giá trị của nó bao giờ. Có chăng cũng là số ít, mà số ít đó hiểu về nghệ thuật tạo hình cũng chỉ là kiến thức abc mà thôi. Đó là điều mà tôi thực sự lấy làm đáng tiếc cho các đại gia Việt Nam. Ta cũng không thể xem thường các đại gia, nhưng cũng phải đặt ra một câu hỏi lớn là tại sao các đại gia Việt Nam lại hiểu về nghệ thuật và nghệ thuật tạo hình kém vậy?

Một là: Có lẽ là do đất nước chúng ta mới chỉ thoát nghèo, thoát thời kỳ quá độ chưa được bao nhiêu năm, nói cách khác là các đại gia Việt Nam chưa giàu có bằng các đại gia nhà hàng xóm.

Hai là: Tầm nhìn về chiến lược làm kinh tế trên lĩnh vực văn hóa cũng có hạn chăng.

Ba là: Cũng có thể văn hóa của các đại gia Viêt Nam không cao để chơi tranh. Phần lớn các đại gia Việt Nam đều giàu có lên nhờ buôn bán, xuất thân từ kẻ chợ phố hàng, nên có những phần kiến thức mang tính tổng quát yếu kém, chỉ giỏi buôn bán mà trở nên giàu có mà thôi.

Bốn là: Cũng phải nhìn nhận khách quan rằng chúng ta phải có trách nhiệm trong vấn đề phổ cập văn hóa cho các đại gia Việt Nam, bằng cách bán tranh giá thấp hơn so với các đại gia khoai tây tiêu tiền đô một chút; như thế có lẽ dần dần xẽ xóa mù về nghệ thuât tạo hình cho họ.

Tôi nói vậy nếu như có đại gia nhà ta nào ma đọc cmt này thì thông cảm cho tôi và nhìn thẳng vào sự thật này. Để chứng minh điều này tôi cho ví đụ: tôi đã từng bán tranh cho các khoai tây với giá vài ba nghìn đô-la, nhưng đối với khách Việt Nam, các đại gia Việt Nam thì hiếm thấy chi tiền nghìn đô cho các tác phẩm nghệ thuật tạo hình; có nhiều lắm chăng nữa cũng chỉ trên dưới mười triệu tiền Việt nam, cũng đã là đáng được tôn trọng rồi. Nói thật là tôi bán tranh cho các đại gia Việt Nam rất ăn khách, tất nhiên với giá như tôi đã nói trên.

Tôi tự hào rằng tôi đang làm công việc xóa mù cho các đại gia nhà ta bằng việc bán tranh với giá thấp hơn khoai Tây.

PHẠM HUY THÔNG

Gửi bạn Nguyễn Hồng Sơn. Cám ơn ý kiến của bạn.

Thực ra việc định giá sao cho hợp lý luôn là việc khó với họa sĩ. Bản thân tớ nhiều lúc cũng có những phân vân này nọ. Về việc bán cho người này rẻ hơn người kia cũng nên cân nhắc mặt trái của nó, bởi có thể nó dẫn đến hỗn loạn giá cả của chính bạn. Ví dụ các khách Tây mua của bạn một bức 2000đô, nhưng một khách Việt mua được bức cùng khổ đó giá 500đô, sau ông khách Việt bị vỡ hụi phá sản rao bán bức tranh của bạn 700đô trên mạng, lũ khách Tây mà thấy thì nó tế sống bạn lên. Nó lại viết bài trên Asian Art News giống 15 năm trước bêu xấu nghệ thuật Việt Nam thì oải lắm.

Việc bạn Sơn làm bây giờ có lẽ vẫn chưa sao đâu, vì buôn bán tranh của các họa sĩ còn sống ở Việt Nam vẫn chủ yếu ở dang “sơ cấp”, tức là họa sĩ hay Gallery bán thẳng cho khách, còn thị trường “thứ cấp” là các nhà sưu tập, nhà đấu giá mua đi bán lại chưa phát triển. Mà khi đã bán ở dạng “sơ cấp” thì họa sĩ định giá cho bức tranh như thế nào thì ai cãi được. Tất nhiên đừng để chênh lệch quá. Hoan nghênh tinh thần đào tạo đại gia của bạn Sơn.

Vừa qua có triển lãm Sale Off của nhóm Đỗ Hiệp và sự ra mắt gallery Artlink là chỉ dấu mới cho việc người mua và người bán nghệ thuật mò đường đến với nhau. Bao giờ về nước nói chuyện người thật việc thật tớ sẽ có bài viết thêm về hai “dấu hiệu” này.
Chuyện đại gia Việt Nam lớn lên từ con buôn mà Nguyễn Hồng Sơn nói là có lý. Nhưng cũng không đúng hẳn. Tớ có người quen làm cho nước ngoài, lương 5000 đô một tháng, bằng cấp hiểu biết cũng nhiều, nhà rộng tường to nhưng mỗi lần đến thăm thằng cháu toàn “có bức nào cho bác xin”. Ha ha, còn lâu bác nhé. Túm lại là việc sưu tập tranh nó còn thiếu một cú huých để trở thành trào lưu, việc móc tiền ra trả cho nghệ thuật vẫn là một động tác xa lạ cần có người làm mẫu.

Xin nhắc lại một ý mà tớ đã nói trong art talk của tớ năm ngoái:

Lối sống thưởng thức văn hoá cao trong tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam đã bị xóa sổ trong chiến tranh, trong các cuộc di tản, các cuộc đấu tố. Tầng lớp thượng lưu mới nổi không được thừa hưởng tác phong, lối sống “quý sờ tộc” xưa. Vì vậy mong thị trường nghệ thuật cao cấp ở Việt Nam được đơn phương dựng lên bởi đám trọc phú đó là điều không tưởng. Nhưng tại sao Trung Quốc, một đất nước từng có các cuộc Đại đấu tố, Đại cách mạng văn hóa, nơi những tàn dư của tư sản, tiểu tư sản đã từng bị giết sạch nay lại có một thị trường nghệ thuật sôi nổi bậc nhất, tạo lập những tên tuổi nghệ sĩ triệu đô?

Câu trả lời nằm ở làn sóng Hoa Kiều trở lại Trung Quốc đầu tư kinh tế trong hai thập niên cuối thế kỷ trước. Họ đem về các mối làm ăn và đồng thời thể hiện hiểu biết của họ với nghệ thuật. Họ làm gương cho các đối tác nội địa gốc gác nông dân lối sống “chất lượng cao”, sở thích sưu tập này nọ. Những Hoa Kiều đó đương nhiên là những nhà sưu tập đầu tiên của nghệ thuật Trung Quốc đương đại. Sau này vị thế của họ trong thị trường nghệ thuật bị đánh bại bởi các tay mua đại lục thừa tiền bạc và sự hãnh tiến.

Ở Việt Nam tớ thấy manh nha chu kỳ đầu của việc chuyển giao tình yêu nghệ thuật này. Nhiều sưu tập gia sống ở Việt Nam hiện nay là người nước ngoài đến làm việc, hoặc Việt Kiều về nước đầu tư kinh doanh. Họ là những con thuyền tiên phong, đang làm mẫu cho các nhà giàu “nhìn mà làm theo chị”. Bên cạnh đó các gallery do Tây hoặc Việt Kiều cũng đang xây dựng những hình mẫu chuẩn cho các gallery nội 100% học tập theo. Hy vọng sớm thôi Việt Nam sẽ có một thị trường ổn định làm chỗ chống lưng cho nghệ sĩ. (Việc nghệ sĩ phải làm thêm bây giờ là thắp hương cầu cho lạm phát đừng vén lên, kinh tế đừng tụt xuống, các vụ vỡ nợ trăm tỉ đừng nở hoa và Tàu nó đừng oánh mình).

PHẠM QUỐC TRUNG

Phạm Huy Thông nói rất chí lý.
Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là có một chiến lược  kích cầu phát triển thị trường nghệ thuật nội địa, giáo dục nâng cao thị hiếu thảm mỹ tầm quốc gia của nhà nước thì may ra mới có những thay đổi bề rộng thực sự. Các đại gia Việt nếu có quan tâm thì cũng chẳng là bao, chỉ như ném đá ao bèo vì khi người ta không hiểu, không “yêu” thì chẳng ai mặn mà săn tìm,nuôi dưỡng, o bế một mầm hay chồi nghệ thuật nào cả.

Bao giờ những người có trách nhiệm tự nhiên thấy chán và không cho làm hình thức tượng đài xấu xí, kềnh càng, bao giờ người dân có nhu cầu tự nhiên là đi xem bảo tàng vào các ngày rảnh rỗi, Công sở và nhân dân mua tác phẩm mỹ thuật để trang trí trong nhà (thay vì ảnh phong cảnh Thái, Tàu phóng to như hiện nay), bao giờ các nghệ sĩ tự thấy là việc làm tượng đài xấu xí, vẽ tranh nhái phải bị tẩy chay, bao giờ các nhà phê bình nghệ thuật khiêm tốn và thực sự là bạn đồng hành tin cậy của nghệ sĩ và công chúng với kiến thức đáng tin cậy, bao giờ con cháu chúng ta  không phải “được” thừa hưởng những chương trình giáo dục Văn- Thể- Mỹ như cách hiện nay… thì lúc đó may ra giá trị của nghệ thuật thị giác và các nghệ sĩ mới được… tính đến.

 

Ý kiến - Thảo luận

23:46 Friday,6.3.2020 Đăng bởi:  Hoàng phong Tuấn
Tôi không phải đại gia nhưng đọc trao đổi này thấy ngôn ngữ của các anh (nhà phê bình? Họa sĩ?) rất thiếu văn hoá và thiếu tôn trọng người khác, những người các anh gọi là “đại gia”.
 
Mua tranh hay không mua tranh đó là quyền của họ. Không phải họ không mua tranh thì họ dốt và kém văn hoá. Không phải anh vẽ được tranh hay thưởng thức, phê bình được tranh th
...xem tiếp
23:46 Friday,6.3.2020 Đăng bởi:  Hoàng phong Tuấn
Tôi không phải đại gia nhưng đọc trao đổi này thấy ngôn ngữ của các anh (nhà phê bình? Họa sĩ?) rất thiếu văn hoá và thiếu tôn trọng người khác, những người các anh gọi là “đại gia”.
 
Mua tranh hay không mua tranh đó là quyền của họ. Không phải họ không mua tranh thì họ dốt và kém văn hoá. Không phải anh vẽ được tranh hay thưởng thức, phê bình được tranh thì văn hoá anh cao hơn người khác (hơn tôi chẳng hạn, tôi thì tôi chỉ thích đọc sách, không thích xem tranh, vì tôi không có thị hiếu hội họa, tôi thích xem phim và ngắm hoa). 
 
thưởng thức tranh hay không không nói lên được văn hoá con người, nhưng qua ngôn ngữ thì có thể biết được vậy.  
17:51 Thursday,25.5.2017 Đăng bởi:  nguyen xuan cao
Đại gia Việt còn để dành tiền cưới thêm vài cô vợ trẻ nữa, như đại gia Lê Ân ấy, tậu cô vợ kém vài chục tuổi giống như có một bức tranh sinh động ngay bên mình sướng hơn bức tranh vô tri vô giác treo ở trên tường!
...xem tiếp
17:51 Thursday,25.5.2017 Đăng bởi:  nguyen xuan cao
Đại gia Việt còn để dành tiền cưới thêm vài cô vợ trẻ nữa, như đại gia Lê Ân ấy, tậu cô vợ kém vài chục tuổi giống như có một bức tranh sinh động ngay bên mình sướng hơn bức tranh vô tri vô giác treo ở trên tường! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả