|
|
|
|||||||||||||
Chính trịBình luận: Philippines và lựa chọn thái độ ở Biển Đông 13. 06. 14 - 4:59 amPhạm Ngọc HưngTóm lược: Là một nước có 3 sắc tộc lớn khác nhau về văn hóa, tôn giáo lẫn chính trị, nên tiền đề an ninh đầu tiên của Philippines là duy trì sự thống nhất. Thế nhưng, vốn là một quần đảo mà nền kinh tế phụ thuộc vào biển, thì bảo đảm an ninh biển là tiền đề an ninh thứ 2. Trong gần 2 thập kỷ qua, việc ưu tiên đầu tư cho quân đội để chống ly khai đã khiến cho Hải quân Philippines thiếu thực lực. Vì thế, trước áp lực đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc, Philippnes không có lựa chọn nào khác hơn là tìm kiếm sự bảo trợ an ninh của Mỹ. Các tiền đề địa chính trị của Philippine Philippines là một quần đảo trên biển bao gồm 7,107 hòn đảo lớn nhỏ chia thành 3 cụm đảo: Cụm Luzon ở phía Bắc được cư trú bởi dân tộc Tagalog, ở giữa là cụm Visaya là nơi sinh sống của sắc dân Visayan (lớn nhất trong các sắc tộc) và phía Nam là cụm Mindanao cư trú bởi người Moro. Trong khi người Tagalog là dân Đông Nam Á di cư tới và Visayans là dân bản địa ít nhiều có điểm chung về văn hóa, thì người Moro lại theo Hồi giáo và có văn hóa gần với cư dân Indonesia và Malaysia. Do đó, Mindanao luôn luôn là điểm nóng bất ổn của Philippines. Với một đất nước bị chẻ nhỏ về địa lý, văn hóa, dân tộc và tôn giáo như Philippines, thì duy trì sự thống nhất là tiền đề địa chính trị số 1. Là một quần đảo với 22,000 km bờ biển, một phần lớn dân số sống nhờ đánh cá và toàn bộ giao thương với bên ngoài đều nhờ đường biển, thì bảo đảm an ninh biển là tiền đề địa chính trị số 2. Thế nhưng, vấn đề của Philippines kể từ khi độc lập năm 1946 là chưa lúc nào đạt được cả hai tiền đề ấy cùng một lúc. Các tiền đề trong lịch sử Ở thế kỷ thứ 16, ít lâu sau khi nhà thám hiểm Ferdinand Magellan đặt chân lên đảo Cebu (và bị giết trong trận chiến giữa các bộ lạc thổ dân), thì một cường quốc Hải quân thời ấy là Tây Ban Nha dễ dàng chiếm đóng, thuộc địa hóa Philippines và đặt ra một Phó vương để cai trị. Chính trong thời gian này, vũ lực dưới quyền của Phó vương đã thống nhất được Philippines và để lại di sản về sau là một quyền lực trung ương mạnh để giữ được tiền đề số 1. Sau cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha 1898, thì Philippines trở thành thuộc địa của Mỹ. Trong giai đoạn này – ngoại trừ thời gian ngắn là thuộc địa của Nhật trong Thế chiến thứ 2 – còn thì việc bảo đảm an ninh biển của Philippines do Mỹ gánh. Kể từ khi được trao trả độc lập vào năm 1946, do khả năng hạn chế nên Manila buộc phải tìm kiếm sự bảo trợ của Mỹ qua Hiệp ước an ninh chung mà điểm nhấn chính là việc cho Mỹ thuê căn cứ Hải quân Subic và căn cứ không quân Clark. Đến năm 1991, trong điều kiện an ninh khu vực khá yên ổn, thì cùng với sự dịch chuyển quan hệ quân sự của hai nước, cũng như phong trào phản đối sự có mặt của lính Mỹ tại Subic lên cao, Thượng viện Philippines đã bỏ phiếu không gia hạn Hiệp ước cho Mỹ thuê tiếp cảng Subic. Mặc dù Hiệp ước an ninh chung của hai nước vẫn còn hiệu lực, nhưng việc Mỹ rút chân ra khỏi Philippines khiến cho quan hệ đồng minh giữa hai nước tạm lắng xuống. Đe dọa hiện tại Trong 2 thập kỷ qua, sự bất ổn liên tục ở Mindanao buộc Manila phải ưu tiên đầu tư cho Lục quân và duy trì quân số thường trực 80,000 người – gấp ba lần so với Hải quân. Không những thế, cơ cấu chính của Hải quân lại không phải là lực lượng tuần duyên mà là lính thủy và các tàu đổ bộ – cũng nhằm phục vụ cho các chiến dịch bình định ở phía Nam. Cũng trong thời gian ấy, bức tranh an ninh khu vực đã thay đổi với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cải cách kinh tế khiến Trung Quốc phát triển nhanh chóng, và theo đó là những khoản đầu tư lớn theo từng năm cho hiện đại hóa Hải quân. Trong vòng 2 thập kỷ, Hải quân Trung Quốc trở thành Hải quân mạnh nhất trong vùng, là điểm tựa sức mạnh cho đòi hỏi lãnh hải ngay trên vùng đặc quyền kinh tế thuộc biển Đông (biển Tây Philippines) của Philippines. Trong khi đó, Philippines sống nhờ vào biển, phụ thuộc biển từ giao thương đến đánh cá – với giá trị cá đánh bắt hàng năm khoảng 400 triệu USD. Philippines đang nhập hoàn toàn dầu – chiếm tới 10% tổng giá trị nhập khẩu – nên triển vọng khai thác dầu xung quanh khu vực Luzon ở biển Đông là chiến lược quốc gia, (toàn bộ khí tự nhiên mà Philippines đang dùng là lấy từ một mỏ duy nhất ở vịnh Manila). Trong bức tranh tổng thể đó, đe dọa đối với lãnh hải có thể coi là đe dọa sống còn: sự mềm mỏng của Manila trong vấn đề lãnh hải sẽ được diễn dịch thành sự suy yếu của quyền lực trung ương, kích thích sự trỗi dậy của phong trào ly khai vốn đang âm ỉ, làm xấu đi tình trạng của tiền đề an ninh số 1. Lựa chọn của Philippines Philipines không đạt được tiền đề số 2, nên hễ có đe dọa thì Philippines phải tìm kiếm một cường quốc bảo trợ. Vì lẽ đó, hoàn toàn tự nhiên khi thấy hễ Trung Quốc tăng áp lực thì hầu như tức khắc Philippines ngả sang phía Mỹ. Nằm chắn giữa Thái Bình Dương và Biển Đông, Philippines có một vị trí chiến lược quan trọng trong ý đồ địa chính trị của cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Với Trung Quốc, Philippines là một điểm chốt trong “dãy đảo thứ nhất”, còn đối với Mỹ, thì Philippines là một mắt xích quan trọng trong trục liên minh bảo đảm hàng hải Hàn Quốc-Nhật Bản-Đài Loan-Philippines-Singapore. Vì thế, trong năm 2011, Mỹ đã chuyển cho Philippines một tàu tuần duyên và hứa hẹn sẽ trang bị thêm tàu cùng lớp Hamilton. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Mỹ cũng hứa hẹn trang bị cho Philippines một trạm radar tuần duyên để theo dõi các tàu trên biển. Ngoài các động thái tăng cường hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ Hiệp định an ninh chung, Philippines còn tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ là Singapore, Úc và Nhật Bản. Với Singapore và Úc, Philippines đạt được thỏa thuận huấn luyện Hải quân, còn với Nhật, với mối quan tâm lớn với tuyến hàng hải Biển Đông, Philipppines còn được hứa hẹn giúp tăng cường năng lực tuần duyên. Dĩ nhiên, những động thái trên đây cho thấy thái độ dứt khoát của Philippines trong tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc bất chấp nguy cơ bị trả đũa – không kể hành động quân sự thì với tư cách bạn hàng lớn thứ 3, Trung Quốc cũng đủ sức gây khó khăn cho kinh tế của Philippines.Thế nhưng, Philippines không có lựa chọn khác, vì sự dứt khoát ấy – nói cho cùng – là hoàn toàn logic với các tiền đề địa chính trị quốc gia.
Ý kiến - Thảo luận
21:37
Friday,13.6.2014
Đăng bởi:
Bi năng ko tắc
21:37
Friday,13.6.2014
Đăng bởi:
Bi năng ko tắc
Yếu mà tự nhiên phải ra nắng thì tìm một cái ô to. Ô cũ càng tốt, miễn là zin (còn hơn ô rởm - lủng mịa nó đầu).
Sự đơn giản kiểu Philippines (tôi để ý bấy nay), khá là đáng học tập, Làm dâu trăm họ thời này không có gì hay, vì bọn Sở Khanh nó bạo dâm.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Sự đơn giản kiểu Philippines (tôi để ý bấy nay), khá là đáng học tập, Làm dâu trăm họ thời này không có gì hay, vì bọn Sở Khanh nó bạo
...xem tiếp