Gẫm & Bình

Xem tranh để đón Phục sinh – phần 1: Sáu bước đến Đồi Sọ 18. 04. 14 - 8:11 am

Anh Nguyễn biên soạn

(SOI: Hôm 17. 4, tại nhiều nhà thờ Thiên Chúa giáo đã diễn ra lễ Rửa chân (của Chúa cho 12 tông đồ trong Tiệc Ly). Chiều 18. 4 là tái hiện cảnh Chúa bị giải lên đồi để đóng đanh. Sau đó, đến tối là tái hiện cảnh tượng hạ Chúa xuống từ thập giá. Ngày 19. 4 là lễ hôn chân Chúa: các em nhỏ sẽ đi theo phụ huynh đến, vừa hôn chân (tượng) Chúa, vừa hốt bỏng ngô về. Và sau đó là lễ Phục sinh – Chúa sống lại…
Cảm ơn bạn Anh Nguyễn đã kịp làm loạt bài này cho mùa lễ Phục Sinh.)

.

Trước khi có Thiên Chúa giáo, những tôn giáo thờ các thần linh coi mùa xuân là một khoảng thời gian đặc biệt, khi thiên nhiên tỉnh dậy, cây cối nảy nở, trăm hoa đâm chồi sau một mùa ngủ đông lạnh lẽo. Đó cũng là lúc diễn ra những lễ hội tôn vinh sự sống lại của thiên nhiên. Ví dụ, ở Hy Lạp cổ đại, tín ngưỡng thờ Persephone coi mùa xuân là hiện thân của việc nàng được trả về từ địa ngục tăm tối. Quanh ngày Xuân Phân thì có Lễ Phục sinh với những hoạt động tươi vui, gắn liền với sự sinh sản.

Tên tiếng Anh của lễ Phục sinh – Easter, được coi là bắt nguồn từ tên nữ thần Babylon Ishtar. Không phải ngẫu nhiên mà có tục săn tìm những quả trứng – biểu tượng của sự sống đang thành hình, hay việc loài thỏ – một loài động vật mắn đẻ, được coi là biểu tượng của lễ Phục sinh.

Khi Thiên Chúa giáo trở nên lớn mạnh, những tín ngưỡng cũ bị coi là tà giáo, nhưng những kẻ cầm quyền đã rất khôn ngoan: bằng cách kết hợp những tục lễ đã có sẵn với những câu chuyện trong thần học của Thiên Chúa giáo, họ khiến những người dân dễ dàng chấp nhận những đức tin mới hơn. Sự phục sinh của Chúa và lễ Phục sinh do đó được cử hành cùng một thời điểm, giữa những người theo đạo và cả không theo đạo. Lễ Phục sinh của Thiên Chúa giáo có nhiều điểm giống Lễ vượt qua của Do thái giáo, khi Moses chỉ bảo cho những người Do Thái đánh dấu lên cửa để thoát vạ chết con trai. Trong tiếng Hy Lạp và Latin, lễ Phục sinh có tên là Pascha, lấy từ tên của Lễ vượt qua (Passover).

Lễ Phục sinh trong Thiên Chúa giáo có liên quan mật thiết đến toàn bộ những sự kiện diễn ra trước, giữa, và sau sự khổ hình của chúa Jesus. Trong bài này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những sự kiện quan trọng này dưới lăng kính của hội họa.

Số một: Sự hấp hối trong vườn

Gethsamane (ép dầu) là một khu vườn ở chân núi Olives, là nơi Chúa Jesus cầu nguyện đêm trước ngày lên Thập giá. Ngày nay, khu vườn là một điểm hành hương quan trọng. Ngay sau bữa tiệc chia ly, Jesus và các tông đồ Peter, John, và James đi dạo trong vườn. Trong khi các tông đồ ngủ say, Jesus trải qua nỗi đau khổ cùng cực và cầu khẩn Đức Chúa cha trong những giờ phút cuối cùng. Theo phúc âm Luke, những giọt mồ hôi của ngài giống như những giọt máu lớn rơi xuống đất. Một thiên thần phải bay tới để nâng đỡ tinh thần ngài.

“Agony in the garden”, của Andrea Mantegna, 1458-1460

Trong bức tranh, thành phố có tường bao bọc chính là Jerusalem. Lúc đó vùng đất thánh đang ở dưới ách thống trị của La Mã, do đó những tòa nhà đều mai hơi hướng kiến trúc La Mã cổ (có thể thấy một nhà hát giống như phiên bản mini của đấu trường Colosseum). Ba vị tông đồ ngủ ngon lành dưới đất, chồng chất lên nhau. Thay vì một thiên thần, trong tranh có nhiều thiên thần nhỏ mang đến cho Jesus cây thánh giá. Ở phía xa xa, Judas và những tên lính đang trên đường tới để bắt giữ Chúa. Trên cành cây góc phải là một con kền kền đang chờ ăn xác chết, nhưng ở bên trái của tranh, dưới các thiên thần lại là những chú thỏ của sự sinh sôi nảy nở.

Số hai: Judas Iscariot phản Chúa

Sau khi được tiếp thêm sức mạnh tinh thần từ thiên thần, Chúa Jesus đã có đủ bình thản để đi những bước cuối cùng đến cái chết. Judas biết rõ khu vườn Chúa hay đi dạo và hắn đã dẫn những tên lính đến bắt ngài, tất cả chỉ vì 30 đồng bạc trắng. Nụ hôn của Judas dành cho Chúa có mục đích để những tên lính biết ai là người chúng cần bắt.

Trong bức tranh này của Caravaggio, gương mặt Chúa tỏ rõ sự chấp nhận, chú ý đôi bàn tay người đan chặt vào nhau. Khác với thường lệ, Caravaggio bắt đầu vẽ tranh trên một tấm toan màu tối. Ánh sáng chiếu vào những gương mặt và bàn tay làm nổi rõ tình cảm của các nhân vật. Người đàn ông ở mé ngoài cùng bên phải giơ tay cầm đèn lồng chiếu sáng chính là họa sĩ Caravaggio.

“The betrayal of Christ”, của Caravaggio, 1603

Trong cuộc vật lộn giằng co, thánh Peter dùng kiếm cắt tai của tên tùy tòng Malchus, hòng bảo vệ Chúa. Chi tiết này có thể được thấy trong bức sau:

“The betrayal of Christ”, của Ugnolio di Nerio, 1325. Thánh Peter ở bên phải tranh, mặc áo xanh. Judas áo đỏ, giả vờ hôn Chúa cho lính đến bắt.

Hoặc rõ hơn trong bức sau:

“The capture of Christ”, vô danh

Tuy nhiên chứng kiến cảnh đổ máu, đức Chúa đã chạm vào chỗ đứt và khiến cái tai lành lại như cũ. Đây là phép màu cuối cùng trước khi Chúa bị đóng đinh.

Số ba: Ecce Homo

Cụm từ Latin Ecce Homo có thể dịch nôm na là “Hãy nhìn người này”. Đây là câu nói của Pontius Pilate trong phúc âm của John. Pontius Pilate là tổng trấn La Mã, quan tòa trong tòa Công luận xử tội Jesus, và là người đã thông qua việc đóng đinh câu rút, dù trong cả bốn phúc âm, Pilate đều không muốn Jesus phải chết.

Khi Pilate đưa Jesus ra trình diện trước đám đông, thân Chúa bị trói chặt, trên đầu người đội mão gai, các trưởng lão thúc giục dân chúng đòi hỏi Pilate xử tử Chúa và tuyên bố rằng Ceasar là vị vua duy nhất trị vì được họ. Trong phúc âm của Matthew, Pilate đã rửa tay để chứng tỏ mình không nhúng vào kế hoạch hãm hại Jesus.

“Ecce Homo”, của Rembrandt, 1634

Trong bức “grisaille” (bản vẽ phác không màu để chuẩn bị cho một bức họa hoàn chỉnh) này, có thể trông thấy bức tượng bán thân của Ceasar ở phía tay phải – biểu tượng của Đế quốc La Mã. Những tên trưởng lão được Rembrandt miêu tả méo mó, biến dạng, xấu xa. Giống như những tác phẩm miêu tả Ecce Homo khác, trong bức tranh này, đôi mắt của Jesus nhìn xuống, dáng vẻ chấp nhận. Tư thế của tổng trấn Pilate diễn tả sự đấu tranh nội tâm quyết liệt và bất lực mà ông phải trải qua.

Số bốn: Thần khí Cơ đốc giáo chiêm ngắm Chúa

”Christ contemplated by the Christian soul”, của Velasquez, 1628

Đây là một cảnh hiếm khi được diễn tả trong hội họa. Theo lệnh của Pilate, Jesus bị trói tay vào cột, bị quân lính đánh đập bằng roi và cành củi khô. Trong tranh ta có thể thấy những dụng cụ tra tấn thấm máu vương vãi trên sàn nhà. Theo lời khẩn cầu của thiên thần bảo hộ (áo đỏ), thần khí Cơ đốc giáo đã kết thành một đứa trẻ, quỳ bên cạnh để chiêm ngắm sự thống khổ của Jesus.

Số năm: Con đường khổ nạn

Đồi Sọ, hay còn gọi là đồi Can-vê (Calvary) là nơi cây thập giá đóng đinh Chúa được dựng nên cách đây hơn 2000 năm. Vết tích duy nhất còn lại là một cái lỗ tròn, hiện tại nằm dưới bàn thờ thuộc quyền cai quản của Chính thống giáo Đông Phương, một khu vực tôn giáo nhạy cảm vì dễ xảy ra tranh cãi giữa các phe phái đối lập. Theo ghi chép của các Phúc âm, Đức Chúa tự vác cây thập giá trên vai. Ở bên trái có ba người phụ nữ trên đầu tỏa hào quang, đó chính là ba Mary:

– Đức Mẹ Mary, mặc áo xanh ở ngoài cùng, cạnh trái tranh, gương mặt hoảng loạn

– Mary Magdalene, cúi đầu buồn rầu

– Mary, vợ của Clopas, anh ruột thánh Joseph, không rõ mặt
 

“Procession to Calvary”, của Andrea di Bartolo, 1415

Sau khi vác cây thánh giá lên vai, Chúa Jesus đã ngã một lần, rồi mới gặp lại Đức Mẹ. Tổng cộng trên con đường tới Can-vê, Đức Chúa ngã cả thảy ba lần. Người đàn ông đỡ cây thập giá giúp Chúa tên là Simon xứ Cyrene. Trong bộ phim Passion of Christ của Mel Gibson, Simon tuy không thích nhưng bị quân lính bắt ép phải nâng cây thập giá, nhưng dần dần y đã tỏ lòng thương mến Jesus và giúp ngài mang nó lên tới đỉnh đồi.

Số sáu: Đóng đinh

Đóng đinh là hình phạt của đế quốc La Mã dành cho những người Do Thái chống đối. Tuy nhiên trong bức tranh của Raphael, cảnh tượng lại yên bình, thơ mộng với các tông màu đậm nhạt của hồng và xanh lá.

“The Mond Crcifixion”, của Raphael, 1502

Hai thiên thần cầm những chén rượu lễ hứng máu nhỏ ra từ người Jesus – chính là rượu thánh dùng trong lễ Mass. Gương mặt của Chúa bình thản như đang ngủ.

Như trong truyền thống, hai người đứng hai bên Jesus là Đức Mẹ (áo xanh lam đậm) và thánh John, Tông đồ thánh sứ, người sẽ đón Đức Mẹ về chăm sóc theo lời trăn trối của Jesus, một trong bảy lời trăn trối cuối cùng của ngài trước khi chết. (Theo Phúc âm của John, Jesus đã nói với Đức Mẹ về John: “Này bà ơi, kia là con của bà.”)

Quỳ dưới đất là Mary Magdalene, và thánh Jerome.

Bức họa này nằm trong tổng thể bàn thờ do nhà Mond đặt hàng, dâng tặng thánh Jerome, giải thích cho sự có mặt của Jerome trong bức tranh. Mặt trăng và mặt trời trong tranh vẫn hiện diện mặc dù Hội đồng Constantinople đã cấm việc miêu tả chúng trong nghệ thuật (vì dễ làm liên tưởng đến các tôn giáo thờ trăng sao.)

Hẹn gặp lại các bạn vào bài sau với Sự phục sinh của Chúa!

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bàn về gái đẹp

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả