Nghệ sĩ thế giới

Kuroda Seiki: không vĩ đại nhưng công to 11. 04. 14 - 6:18 am

Anh Nguyễn

Đối với Nhật Bản, Kuroda Seiki luôn được nhớ đến như người có công mang những lý thuyết của hội họa phương Tây đến với một nền mỹ thuật trước đấy vốn bị cô lập. Khi những tấm khắc gỗ Nhật đã vượt biển để truyền cảm hứng cho Van Gogh, Monet, Manet, Whistler, sự ảnh hưởng ấy được gọi là Japonisme. Ngược lại, khi Kuroda Seiki đem mỹ thuật phương Tây về Nhật, phong trào ấy được gọi là yõga, để đối lập với nihonga – hội họa Nhật truyền thống.

Chân dung Kuroda Seiki

Kuroda Seiki sinh ngày 29 tháng 6 năm 1866, là con trai trưởng của một samurai. Tuy nhiên, cha ông đã để ông làm con nuôi của anh cả mình, một nhân vật quan trọng trong chính phủ thời kì Meiji , một Tử tước.

Tuổi thành niên trải qua trong danh vọng và giàu có ảnh hưởng lớn đến mỹ học của Kuroda. Bước đầu vào đời của Kuroda là học tiếng Pháp để học Luật (bấy giờ hệ thống pháp luật Meiji của Nhật hoàn toàn dựa theo Pháp, do đó tiếng Pháp là yêu cầu bắt buộc.) 1884, Kuroda đặt chân đến Paris, nơi đang hồi sinh sau cuộc chiến tranh với Phổ và bắt đầu trở thành thành phố hiện đại như ta thấy bây giờ.

Kuroda ở Pháp đúng 10 năm. Khi rời khỏi Nhật, mẹ nuôi ông, nữ tử tước đã tặng ông một bộ màu nước để ông giải trí trên đường đến châu Âu, hy vọng nó sẽ giúp ông “mua vui cũng được một vài trống canh.” Bà không thể ngờ được nó sẽ gieo mầm trong con trai mình sự gắn bó suốt đời với hội họa. Vào năm 1886, ở một buổi tiệc ở đại sứ quán Nhật Bản, ông đã gặp gỡ hai họa sĩ Yamamoto Hosui, Fuji Maszo, và nhà buôn tranh Hayashi Tadamasa. Sau này trong bức thư gửi cha nuôi, ông có viết:

“Ai ai cũng nói với con hội họa Nhật chưa bằng hội họa phương Tây, và đều giục con học vẽ. Ngoài ra, người ta còn bảo rằng con có đủ những kĩ năng cơ bản để học hội họa, rằng nếu con học hội họa con sẽ trở thành một họa sĩ giỏi, và rằng sự nghiệp mỹ thuật của con sẽ có ý nghĩa hơn cho Tổ quốc hơn là sự nghiệp luật gia.”

Kuroda Seiki, “Mr. Kume in the studio”

Đó là lúc ông bắt đầu học cả hai môn – luật và vẽ. Bức thư tiếp theo ông gửi cho cha nuôi bày tỏ chính kiến rõ ràng hơn:

“Con đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này, và con nghĩ sẽ rất khó trở thành một luật gia để giúp cho Tổ quốc. Dựa vào những tài năng trời phú, con quyết định sẽ học mỹ thuật. Mỹ thuật không như những ngành khác, không có một số lượng năm tháng cụ thể để tốt nghiệp, nó phụ thuộc vào tài năng từng người. Con sẽ học với tất cả ý chí, và kết quả xin để các vị thần quyết định.”

Kuroda Seiki, “Girl of Bréhat”, 1891

Đương nhiên cha ông phản đối dữ dội, nhưng Kurado không nghiêng ngả. Vào 1887, ông rút khỏi viện Luật và tập trung vào hội họa. Thầy của ông là Raphael Collins, người có công mài giũa những tài năng trẻ mà sau này sẽ trở thành cầu nối của hai nền hội họa Đông Tây.

“Floreal”, của Raphael Collins, 1886

Ngày nay tên tuổi của Collins đã gần như bị lãng quên hoàn toàn, nhưng vào thời điểm đó ông là một ngôi sao đang lên. Bức tranh trên là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được chính phủ Pháp mua trưng bày trong bảo tàng Luxembourg. Chủ đề của nó không có gì đột phá – một người đẹp lý tưởng khỏa thân nằm giữa một không gian lãng mạn. Song chính từ những bức tranh tương tự  – những yếu tố của hội họa Ấn tượng (Impressionism) và Hiện thực (Realism) trong tranh Collins giúp Kurado tìm được phương tiện để hoàn toàn làm mới hội họa Nhật Bản.

“Bên hồ”, của Kurado Seiki, 1897

Một bức tranh của Kurado Seiki cho thấy ảnh hưởng rõ ràng từ Collins: người đẹp lý tưởng, không gian ngoài trời êm đẹp, phong cách Impressionism với những nét bút nhỏ khắc họa độ sâu, độ sáng tối.

Trong năm 1890, Kurado đến thăm ngôi làng Grez-sur-Loing, một nơi đẹp như tranh vẽ – “Bất kể anh nhìn đâu, cũng có một thứ gì đó có thể biến thành tranh.” Quan trọng hơn, ông tìm được một người mẫu ưa thích – Maria Billault.

“Đan len”, của Kuroda Seiki, 1890, một phác thảo của Kuroda Seiki với người mẫu Maria Billault. Trong thời gian hai người cộng tác, Kuroda trở nên thân thiết với gia đình Maria và ông thuê một túp lều nhỏ trên đất của họ.

 

Kuroda Seiki, “Prayer”

Một họa sĩ nữa có ảnh hưởng lớn với Kuroda Seiki là Jules-Sebastien Lepage. Phong cách Impressionism do Monet khởi xướng sử dụng những đường cọ, chấm, và màu sắc rực rỡ để miêu tả thiên nhiên gói trong một không gian và ánh sáng nặng về “ấn tượng” hơn là thực tế. Lepage và Kuroda trung hòa yếu tố Impressionism và Realism, kết hợp với việc vẽ ngoài trời (plein-air) để tạo ra một phong cách mới – Pleinairism.

Tranh của Jules-Sebastien Lepage

Hai ví dụ tiêu biểu của khía cạnh trên trong tranh Kuroda:

 

“Đồng cỏ úa”, Kuroda Seiki, 1891

 

“Cô gái tóc đỏ”, Kuroda Seiki, 1892

Trở về từ Paris, bức tranh đầu tiên của Kuroda đã gây nên một làn sóng chấn động. Cho triển lãm Công nghiệp lần thứ 4, Kuroda nộp bức “Morning toilette”. Bức tranh đã được giải nhì khi ông nộp nó cho hội đồng nghệ thuật của đại học Mỹ thuật Paris. Nhưng dư luận Nhật Bản sốc vì một bức tranh khỏa thân được bày công khai, coi nó là một biểu hiện băng hoại đạo đức. (Liệu có ai nhớ đến tình trạng tương tự khi Olympia của Manet được trưng bày ở Paris mấy chục năm trước đó không nhỉ?) Tiếc thay nguyên bản của nó đã bị phá hủy hoặc đánh cắp trong thế chiến thứ Hai.

“Trang điểm buổi sáng”, ảnh chụp lại, Kuroda Seiki, 1893

Lúc mới về Nhật sau bao năm xa quê, đối với Kuroda, những quận vui chơi truyền thống của Nhật với các nàng geisha hấp dẫn ông như thể ông là một người ngoại quốc. Cảm hứng đến từ những cuộc vui chơi khi mới về nước đã tạo ra những tác phẩm như Maiko (maiko có nghĩa là một geisha tập sự)

”Maiko”, của Kuroda Seiki, 1893

Đúng như nguyện vọng Kuroda Seiki đã tự đề ra khi chuyển hướng sang hội họa, ông khao khát không chỉ trở thành một họa sĩ tài ba mà còn muốn giáo dục một thế hệ họa sĩ Nhật Bản mới.

Cùng Yamamoto Hosui – một trong ba người thúc giục ông làm họa sĩ khi ông còn ở Paris, Kuroda Seiki mở trường dạy vẽ theo phong cách phương Tây. Những màu sắc thực và cách miêu tả ánh sáng trong tranh ông được coi là một cuộc cách mạng đối với nihonga. Không những thế, cách dạy vẽ của ông cũng hoàn toàn dựa trên nền giáo dục ông được tiếp nhận ở Paris. Ví dụ, thay vì vẽ lại từ ảnh chụp hoặc những bản in, các học sinh của ông sẽ luyện tập dựa trên các mẫu thạch cao và người thật. Ông còn giới thiệu than chì – một chất liệu hiệu quả trong việc khắc họa hình ảnh ba chiều và sáng tối. Một học sinh của ông, Yuasa Ichiro nhớ lại Kuroda từng nói: “Con rất giỏi, nhưng vì con phải mất năm năm để đạt tới điều mà một người chỉ mất một năm ở Paris là làm được, con đã bị yếu thế.”

Kuroda Seiki, “Cá và lá trên bàn”

Vào buổi triển lãm lần thứ bảy của Meiji Bijutsukai – nhóm nghệ thuật phương Tây duy nhất ở Nhật lúc đó, Kuroda đóng góp 21 bức tranh. Sự khác biệt rõ ràng của tranh Kuroda và những người cùng chí hướng so với các bức tranh còn lại tạo ra một cuộc tranh cãi sôi nổi trên báo chí. Ông được tôn vinh như người đi đầu của cuộc cách mạng, song cũng bị phê bình và chê trách. Không hài lòng với những quy củ nghiêm ngặt của Meiji Bijutsukai, ông và những người bạn lập ra Hakubakai – “ngựa trắng”, dựa theo một loại sake yêu thích của họ. Tôn chỉ của Hakubakai rất giống với nhóm Impressionism trước đó. Khoa Hội họa phương Tây của đại học Mỹ thuật cũng mời Kuroda làm trưởng khoa và ảnh hưởng của ông càng lan rộng.

Một tác phẩm quan trọng của Kuroda trong những năm tháng đó là “Talk on ancient romance” (Kệ lại chuyện xưa)– một bức tranh được thai nghén khi Kuroda lắng nghe một nhà sư nói về tình yêu ở lăng tẩm hoàng đế Takakura. Ngoài ra sau quá trình học tập ở Paris dưới sự dìu dắt của Collins, Kuroda luôn muốn được thử sức trong những đề tài lịch sử, truyền thuyết, huyền thoại. “Talk on ancient romance” là kết quả của hai hoàn cảnh đó. Tiếc thay cũng như “Morning toilette”, nó cũng bị phá hủy/thất lạc trong Thế chiến thứ hai.

“Kể lại chuyện xưa”, bản phác, của Kuroda Seiki, 1896

 
Và đây, ba bức tranh mô tả cùng một người phụ nữ với ba tư thế và kiểu tóc khác nhau, trên nền dát vàng (ảnh hưởng của Klimt?) được coi là đỉnh cao của sự nghiệp Kuroda. “Trí tuệ”, một tay chạm vào trán, một tay đặt ngang bụng; “Ấn tượng” với hai bàn tay ở hai bên đầu; “Tình cảm” vuốt mái tóc dài, tay kia che đi cơ thể. Cách sử dụng người phụ nữ khỏa thân là biểu tượng cho những khái niệm trừu tượng làm nhớ đến tác phẩm Beethoven Frieze của Klimt, một lần nữa.

Bộ tam bình “Tình cảm, Ấn tượng, Trí tuệ” của Kuroda Seiki, 1897

Từ sau bộ ba này, sự nghiệp của Kuroda rẽ sang bước khác. Ông không cho ra lò những tác phẩm hoàn chỉnh, mà chủ yếu vẽ phác, và tập trung vào những khía cạnh “quản trị” của việc đào tạo nhân tài cũng như quản lý nền mỹ thuật Nhật Bản. Ông được bổ nhiệm vào vai trò họa sĩ Hoàng gia cho gia đình Hoàng tộc – họa sĩ “phương Tây” đầu tiên ở vị trí đó. Kume, bạn thân của ông nhận xét:

“Đời của Kuroda như một họa sĩ đã chấm dứt lúc đó. Ông trở thành một nhà chính trị, tập trung vào nghệ thuật tổng thể của xã hội và những mối quan hệ quốc tế. Tôi nghĩ không còn nhiều sáng tạo nghệ thuật thuần túy kể từ lúc đó nữa; đời họa sĩ của Kuroda kéo dài khoảng 20 năm kể từ khi về lại Nhật.”

Kuroda Seiki, “Cây anh đào dại”, 1903, sơn dầu trên bảng

Chính bản thân Kuroda cũng có một cuộc tranh đấu nội tâm lớn, một sự thất vọng không hề nhẹ với những giới hạn cá nhân và hoàn cảnh khiến ông không thể hoàn thành những ước vọng trở thành một danh họa vĩ đại. Nhưng khi nhìn lại, những ý tưởng mới mẻ và tinh thần tự do ông đem lại những thay đổi lớn là một phần không thể tách rời trong hội họa Nhật Bản. Chính di sản đó khiến ông được tôn thờ và vinh danh như cha đẻ của mỹ thuật Nhật Bản hiện đại.

Ý kiến - Thảo luận

18:02 Friday,11.4.2014 Đăng bởi:  admin
@hieniemic: Cảm ơn bạn nhé, bọn mình sửa lại rồi 

...xem tiếp
18:02 Friday,11.4.2014 Đăng bởi:  admin
@hieniemic: Cảm ơn bạn nhé, bọn mình sửa lại rồi 
 
17:41 Friday,11.4.2014 Đăng bởi:  hieniemic
Chỉ một góp ý nhỏ về việc dịch tên tranh: “Talk on ancient romance”, chữ romance đây nên hiểu là câu chuyện, chứ không phải hiểu theo nghĩa hẹp của chữ romance là sự lãng mạn (không ăn nhập gì với hình ảnh một nhà sư đứng kể chuyện trong tranh cả). Tên tiếng Nhật của bức họa l&agr
...xem tiếp
17:41 Friday,11.4.2014 Đăng bởi:  hieniemic
Chỉ một góp ý nhỏ về việc dịch tên tranh: “Talk on ancient romance”, chữ romance đây nên hiểu là câu chuyện, chứ không phải hiểu theo nghĩa hẹp của chữ romance là sự lãng mạn (không ăn nhập gì với hình ảnh một nhà sư đứng kể chuyện trong tranh cả). Tên tiếng Nhật của bức họa là 昔語り (mukashigatari) - nghĩa là hành động kể lại chuyện xưa tích cũ. Có thể hiểu bức họa là một nhà sư vào làng thuyết pháp, kể lại một câu chuyện cổ gì đó cho dân chúng nghe. Có thể dịch là "(Kể) Chuyện xưa tích cũ" (nhỉ?)
Còn bức tam bình tên gốc dùng ba chữ Hán rất hay, được dịch sang tiếng Anh theo kiểu dùng trong bài: Trí (Wisdom - bài dịch là Trí tuệ), Cảm (Impression - bài dịch là Ấn tượng), và Tình (Sentiment - bài dịch là Tình Cảm).
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Lời thầy dạy có khi cũng thiếu logic

Phó Đức Tùng - Nguyễn Đình Đăng - Nguyên Tánh

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả