Điện ảnh

Chàng thơ đã trở lại 25. 02. 14 - 7:48 pm

Lê Hồng Lâm

Trần Anh Hùng, ảnh của Robin Holland chụp năm 1993

Anh ấy đã đi một vòng suốt hơn 22 năm, với 3 bộ phim nói tiếng Việt, 1 bộ phim nói tiếng Anh, 1 bộ phim nói tiếng Nhật, mới quay trở về với tiếng Pháp, không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của anh, nhưng chắc chắn là thứ ngôn ngữ anh thông hiểu nhất, mang lại cho anh chất thơ, vẻ đẹp thẩm mỹ và cả tư duy triết học ở mỗi khuôn hình.

Sau 22 năm, cuối cùng Trần Anh Hùng cũng sẽ đạo diễn một bộ phim nói tiếng Pháp, khởi quay vào mùa hè năm nay, chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết Pháp nổi tiếng – L’élégance des Veuves của Alice Ferney, với diễn xuất chính của 3 trong những nữ diễn viên Pháp tài danh nhất hiện nay: Mélanie Laurent, Audrey Tautou và Bérénice Bejo

Tiểu thuyết L’élégance des Veuves

Với tên Eternité (Eternity), bộ phim xoay quanh chủ đề thiên chức làm mẹ, với ba người phụ nữ đối mặt với bi kịch và bất hạnh bằng lòng tự trọng.
Bộ phim có thời gian xuyên suốt một thế kỷ, từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Nghe nói riêng phần phục trang cho các nữ diễn viên và tái hiện lại bối cảnh trong một gia đình tư sản Pháp đã ngốn một số tiền khá lớn.

Đây cũng là lần thứ hai Trần Anh Hùng tự chuyển thể kịch bản phim từ một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, sau Rừng Na Uy của Haruki Murakami. Các bộ phim còn lại đều do Trần Anh Hùng tự viết kịch bản.

Ba nữ minh tinh trong phim sắp tới và Trần Anh Hùng

Phim có kinh phí 10 triệu euro (14 triệu USD), thấp hơn một chút so với I Come with the RainNorwegian Wood (khoảng 18 triệu & 16 triệu USD), nhưng vẫn là một mức kinh phí khá lớn so với một bộ phim arthouse trong thời điểm khủng hoảng kinh tế và ngày càng khó thu hút khán giả đến rạp với dòng phim này. (So sánh một chút, The Great Beauty đẹp tuyệt mỹ quay tại Ý cũng chỉ tốn khoảng 9 triệu euro).

Sản xuất phim sẽ là Christophe Rossignon của hãng Nord-Ouest đóng tại Paris, với sự góp sức của Canal+, Samsa Film của Luxembourg và Artemis của Bỉ. Hãng Pathé sẽ lo việc phát hành tại Pháp, còn Pathé International chịu trách nhiệm đi bán phim.

Thôi tiền bạc và những thứ đại loại là một chuyện, quan trọng hơn là mừng cho anh ấy đã trở lại. Báo chí quốc tế vẫn gọi anh là Vietnamese director, mình cũng luôn gọi anh là đạo diễn gốc Việt – một đạo diễn giúp điện ảnh Việt có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới và truyền cảm hứng cho không ít những đạo diễn Việt đi theo con đường này, mà điển hình nhất là Phan Đăng Di.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả