|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & Bình“Salome” của Aubrey: Art Nouveau làm đau mắt người giả dối 06. 12. 13 - 6:43 amAnh Nguyễn biên soạnTiếp theo bài 1: “Salome – đã quyến rũ thì thường gây chết người” * Ở phần trước, chúng ta đã nói qua về tích Salome, về vở kịch Salome của Oscar Wilde, và về lời khen của ông dành cho họa sĩ Aubrey Beardsley khi vẽ minh họa cho vở kịch này… Aubrey Beardsley là một họa sĩ tiên phong của phong trào Art Nouveau, là người luôn bị dẫn dắt bởi sự đam mê những cái đẹp kì quặc (grotesque) và gợi tình (erotic). Có thể nói, toàn bộ mỹ học của Aubrey Beardsley xoay quanh hai điều nói trên. Aubrey có một tuyên ngôn nổi tiếng: “Tôi chỉ có một mục tiêu – sự quái đản. Nếu không quái đản thì tôi không là gì.” (“I have only one aim – the grotesque. If I am not grotesque I am nothing.”) Aubrey khởi nghiệp là nhân viên cho một hãng bảo hiểm ở London; ông chỉ vẽ chơi những khi rảnh rỗi. Khi ông đưa cho Edward Burne-Johns (một họa sĩ nổi tiếng của phong trào tiền Raphael) xem những bức tranh mình vẽ, Edward nói:”Tôi hầu như không bao giờ khuyên ai chọn hội họa làm nghề nghiệp, nhưng trong trường hợp cậu tôi thật… không còn cách nào khác.” Cuộc đời Aubrey cũng bí hiểm như hội họa của ông. Có nhiều tin đồn rằng người tình duy nhất của ông chính là chị gái ông, Mabel, người đã mang thai với ông và bị sảy thai. Aubrey Beardsley mất sớm vì bệnh lao, nhưng những tác phẩm ông để lại tạo thành nền tảng quan trọng cho phong trào Art Nouveau. Cùng với Oscar Wilde, Aubrey là đại biểu của phong trào Aestheticism – dòng nghệ thuật vị nghệ thuật. Tiêu chí của dòng nghệ thuật vị nghệ thuật là đề cao giá trị thẩm mĩ hơn là giáo dục, không nêu cao những giá trị lịch sử, đạo đức. Đây là một sự tách biệt rõ ràng khỏi truyền thống, bởi cho đến lúc đó, kể cả khi một họa sĩ vẽ một bức tranh thiếu nữ khỏa thân lồ lộ, rõ ràng là một dạng tranh kích dục nhưng vẫn phải gọi tên nàng là Venus, là Diane… Phong trào vị nghệ thuật xuất phát ở Anh, nó phủ nhận vai trò phải “đạo mạo” của nghệ thuật vị nhân sinh, và người anh em song sinh của nó ở Pháp được gọi là nghệ thuật suy đồi (Decadent movement). Khi kịch Salome mới được xuất bản thành sách, lần đầu tiên, Aubrey chỉ mới 21 tuổi. Hai năm sau, ông vẽ một bức Salome cùng tám bức khác cho số đầu tiên của tờ The Studio của London. Ông đặt tên cho bức tranh là J’ai Baisé ta Bouche, Iokanaan (Ta đã hôn miệng nhà ngươi, Iokanaan); bức tranh là sự cộng hưởng hoàn hảo với đoạn cao trào trong vở kịch của Oscar Wilde. Chính từ bức tranh này mà Oscar cảm thấy mình đã tìm được người tri kỷ và ông đặt Aubrey minh họa toàn bộ vở kịch cho mình. Lần in sau này của vở kịch gồm 18 bức tranh, tính cả tranh bìa, mục lục, trang đầu. Bức J’ai Baise ta Bouche, Iokanaan được đặt tên lại là The climax. Hãy xem một số bức trong series Salome của Aubrey Beardsley, minh họa cho vở kịch của Oscar Wilde:
Nghệ thuật của Aubrey Beardsley là gì? Là Art Nouveau. Tính biểu tượng của Art Nouveau không chỉ nằm trong vật được miêu tả, mà nằm trong đường nét. Có thể nói không ngoa, Art Nouveau gần như không có đường thẳng. Những đường cong uốn lượn chính là linh hồn của tác phấm; chính những đường cong là thứ khơi gợi cảm xúc và suy nghĩ của người xem. Những đường cong có giai điệu, có sự sống của chúng, như ngọn lửa, như đợt sóng, như nhịp đập của trái tim. Những bức tranh trong series Salome là ví dụ điển hình cho điều này.
Ngoài ra do ảnh hưởng của những bản in khắc gỗ Nhật Bản làm mưa làm gió trong hội họa phương Tây vào thời điểm đó, Aubrey Beardsley đã biến những bức tranh của Salome thành hai chiều tuyệt đối – hoàn toàn không có đổ bóng hay luật phối cảnh. Có thể nói những hình minh họa này là một sự diễn dịch về kịch nghệ dưới góc nhìn của hội họa Art Nouveau: tất cả các nhân vật như trôi lơ lửng trên một sàn diễn vô hình. Những mảng màu đen trắng sắc bén khiến đường nét – “ngôi sao” của các bức minh họa này – càng thêm thanh thoát và nổi bật. Những nhà phê bình thời bấy giờ phẫn nộ vì sự gợi dục trắng trợn trong tranh Aubrey Beardsley. Tờ The Times gọi những tác phẩm này là “không thể hiểu nổi” và “ghê rợn.” Vào thập kỉ 1890, đa phần nhà văn và họa sĩ hầu như không bao giờ hợp tác khi minh họa một tác phẩm (theo James Heffernan) và rất có khả năng Aubrey đã làm việc hoàn toàn độc lập, bởi khi nhận được những bản vẽ hoàn chỉnh, Oscar đã bị sốc. Chính Oscar Wilde cũng tuyên bố rằng mình ngưỡng mộ chứ không thích những bức minh họa này. (“I admire, I do not like Aubrey’s illustrations.”), ông còn lo rằng vì làn sóng dư luận quá mãnh liệt, phần viết của mình sẽ biến thành phần “minh họa” cho những bức tranh minh họa này chứ không phải ngược lại! Song không thể phủ nhận rằng bất chấp sự khó hiểu và kì quái của tranh Beardsley, chúng có một tính chất hấp dẫn đặc biệt đối với mắt nhìn – sự khêu gợi này không khác gì điệu nhảy của nàng Salome với Herod vậy. Làn sóng dư luận thật ra không nằm ngoài dự đoán và dự định của Aubrey Beardsley. Ông vốn căm ghét xã hội Victorian đạo đức giả và kìm hãm quyền tự do của con người. Nhiều học giả cho rằng thằng hề Harlequin đeo mặt nạ trong bức Phòng trang điểm của Salome chính là hiện thân của tác giả, người giấu bộ mặt thật đi để mua vui và tô vẽ cho sự xấu xa của xã hội. Những bức tranh của ông không có chiều sâu về không gian (hai chiều) nhưng chiều sâu về ý nghĩa của chúng làm sốc và tức giận những vị áo cao mũ dài thời đó. | Thay vì che đậy sự gợi dục bằng những câu chuyện thần thoại, lịch sử trịnh trọng, Aubrey Beardsley làm điều hoàn toàn ngược lại. Ông như đập vào mặt xã hội Victoria – một xã hội nực cười vì sự đứng đắn giả tạo của nó. Tính gợi dục trong tranh Aubrey Beardsley là sự mỉa mai những lý thuyết đạo mạo sáo rỗng của những người thời Victorian. Và ngược lại, họ ghét tranh của Aubrey Beardsley vì giống như những tấm gương, chúng phản chiếu lại những khát vọng bị kìm nén sâu trong tâm hồn họ. Có thể nói Aubrey Beardsley tuy là đại biểu của phong trào Nghệ thuật vị nghệ thuật nhưng chính những tác phẩm của ông lại “vị nhân sinh” bằng cách đả phá những tượng đài đạo đức mục ruỗng của xã hội thời ông sống. Nhưng, Trời không cho ông sống lâu để làm công việc ấy được dài hơn. Aubrey mất sớm vì bệnh lao, khi chỉ mới 26 tuổi. * Salome: - “Salome” – đã quyến rũ thì thường gây chết người (phần 1) - “Salome” của Aubrey: Art Nouveau làm đau mắt người giả dối - Điệu nhảy chết người (phần 1): - Điệu nhảy chết người (phần 2): - Opera Salome của Strauss: “kinh khủng, nổi loạn, ghê tởm”, nhưng… Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|