Chính trị

Chuyện Thái Lan: được làm vua mà thua thì thành giặc! 03. 12. 13 - 7:53 pm

Lâm Toàn

Trong bài “Suthep giơ nắm đấm bên tác phẩm của Feroci…”, có cái ảnh lãnh tụ đối lập chính quyền Thái Lan hiện tại, ông Suthep Thaugsuban, đứng giơ nắm đấm cùng ông Abhishit Vejjajiva, một đồng minh (tạm thời) của ông Suthep, cũng từng là Thủ tướng Thái; bạn TNXP hỏi “Sao đã có hai lịnh bắt giữ người của tòa án mà Su-chén và A-bị-thịt vẫn lơ thơ ngoài đường là làm sao?”

BANGKOK – Lãnh tụ đối lập Thái Suthep Thaugsuban (giữa) và cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva (trái, ngoài cùng) giơ nắm đấm khi xuất hiện trong một cuộc tuần hành tại tượng đài Dân chủ ở Bangkok hôm 24. 11. 2013. Hàng chục ngàn người chống đối chính phủ Thái hiện tại đã xuống đường và bao vây các cơ sở của chính phủ. Quân đội hiện vẫn chỉ dùng các biện pháp “nhè nhẹ” để giải tán đám đông. Ảnh: Christophe Archambault

Rất đơn giản, TNXP ạ. Đấy là bức ảnh chụp hôm 24-11, có nghĩa mới là hôm đầu tiên nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ của bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Khi ấy tòa án Thái Lan chưa có trát lệnh bắt giữ ông Suthep Thaugsuban nên ông có thể thoải mái giơ nắm đấm chụp hình bao lâu cũng được.

Nhưng câu hỏi này vẫn không mất đi tính thời sự bởi cho đến nay, đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ hôm đó, và tòa án Thái đã có không phải 1 mà tới 2 trát lệnh bắt giữ ông Suthep, vậy nhưng ông này vẫn đường hoàng đăng đàn diễn thuyết, lên truyền hình hô hào lật đổ chính phủ, thậm chí còn gặp bà Thủ tướng đương nhiệm xinh đẹp Yingluck Shinawatra ở một địa điểm bí mật để… ra tối hậu thư buộc bà này phải rời khỏi chức vụ, nếu không sẽ biết tay!

Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra ngó lại Tổng thống Mỹ Barack Obama khi bước khỏi diễn đàn, trong cuộc hội đàm chung tại Thai Government House ở Bangkok, Thailand. Ảnh chụp ngày 18. 11. 2012, của AP/Pablo Martinez Monsivais

Để trả lời cho câu hỏi vì sao khoác trên vai hai trát lệnh bắt giữ mà ông Suthep vẫn không bị bắt, thì lại nảy sinh một câu hỏi khác: ai bắt? Theo đúng logique, câu trả lời là: cảnh sát. Nhưng cảnh sát nào vào mà bắt ông Suthep?

Đây mới là vấn đề thú vị và nó khá đặc trưng cho chính trường Thái Lan: được làm vua mà thua thì làm giặc.

Khó có thể phủ nhận được Thái Lan là một trong những quốc gia mà các giá trị dân chủ được phổ cập rộng rãi vào bậc nhất ở khu vực. Thế nhưng một thực tế là lịch sử Thái Lan được viết nên chủ yếu bởi các cuộc “đảo chính”, tính sơ sơ từ năm 1932 đến nay có chừng vài chục cuộc! Hầu như không có nhà viết sử nào viết về lịch sử Thái Lan cận đại lại có thể liệt một phong trào lật đổ chính quyền nào vào hai chữ “cách mạng”, bởi vì thực chất, nó luôn là những sự thay đổi mang tính hình thức, một nhóm này lên thay một nhóm khác (không khác mấy về bản chất) và cái vòng luẩn quẩn đó đã tiếp diễn trong nhiều thập niên qua.

Thường thì mỗi khi chính trường Thái Lan nổi sóng về một vụ việc gì đó, người ta lại nghĩ đến “đảo chính”; người dân chấp nhận nó như một lẽ hiển nhiên để thay đổi hiện trạng xã hội ở từng thời điểm.

Quay lại hiện tình Thái Lan lúc này, có một nhân vật trung tâm trong những xung đột: cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Cựu thủ tướng Thaksin và con gái.đi xem Manchester City thi đấu cùng West Ham. Ông đã mua lại câu lạc bộ Manchester City khi còn tại chức.

Có cái hay là ông này đã vắng mặt ở Thái Lan nhiều năm rồi, không có một chức vụ nào nữa, thế nhưng lại luôn là tâm điểm của những cuộc tranh cãi và xung đột trên chính trường Thái mấy năm trở lại đây.

Ông Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính êm dịu năm 2006, chỉ diễn ra trong có vài giờ, do quân đội Thái tiến hành, trong khi ông này còn đang bận họp Đại hội đồng LHQ để bàn về “tương lai dân chủ” ở châu Á!

Thất thế, ngay lập tức ông này bị khoác cái án tù 2 năm vì tội tham nhũng và đành phải lưu vong ở nước ngoài kể từ năm 2008.

Bà Yingluck Shinawatra là em gái ông Thaksin Shinawatra được dân bầu lên một cách hợp hiến, bởi vì những người ủng hộ ông anh trai bà, đặc biệt là tầng lớp nông dân nghèo ở các vùng nông thôn nghèo của Thái Lan, vẫn chiếm số đông trong số cử tri Thái đi bầu.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và anh trai – cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra (Ảnh: THE NATION)

Thế nhưng lực lượng này lại không mấy có ảnh hưởng ở các thành thị, đặc biệt là tại Bangkok, nơi tầng lớp trung lưu và giàu có đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Thế nên khi bà Yingluck Shinawatra, trên cương vị Thủ tướng Thái, trình dự luật ân xá để quốc hội thông qua, mở đường cho đường về cố quốc của ông anh trai, thì lập tức các lực lượng đối lập phản đối rầm rầm. Thoạt đầu là họ kêu gọi xuống đường để phản đối dự luật này, nhưng rồi nhanh chóng biến những cuộc biểu tình chống dự luật miễn tội cho ông Thaksin thành vũ khí để thay đổi chính quyền.

Có một điều là chính phủ của thời Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, người đứng cùng với ông Suthep trong bức ảnh, cũng đã cho phép quân đội dùng vũ lực đàn áp những người “áo đỏ”, năm 2010 biểu tình ủng hộ ông Thaksin Shinawatra và chiếm giữ một số địa điểm ở Bangkok. Khi ấy, ông Suthep, với cương vị là Phó Thủ tướng trong chính phủ, là người ký phê chuẩn quyết định này! Khoảng 90 mạng đã chết trong những vụ đàn áp đó. Cả hai ông, sau này khi đã mất chức, đều bị cáo buộc tội giết người, nhưng cho rằng những cáo buộc đó “mang động cơ chính trị” nên vô can.

Một cuộc biểu tình của phe áo đỏ năm 2010

Tình thế của bà Yingluck Shinawatra đang ở dạng “chỉ mành treo chuông”, bởi quân đội, mà bà là Bộ trưởng quốc phòng (kiêm Thủ tướng), tuyên bố “trung lập”! Lo cho mình còn chưa xong nên khó có chuyện bà đủ khả năng xuống tay bắt giữ ông Suthep theo trát lệnh của Tòa. Hơn nữa, theo “truyền thống” chính trị ở Thái thì nếu giả sử như cánh ông Suthep thành công trong việc lật đổ chính quyền của bà Yingluck thì rất có thể mấy ông tòa đã ra mấy cái trát kia sẽ…ra tòa vì một tội danh ất ơ nào đó.

Ở đây, có hai điểm rất đáng lưu ý khi xem xét những diễn biến trên chính trường Thái mỗi khi có biến.

Thứ nhất là nhà Vua. Vua Thái Lan là một trong ba biểu tượng của dân tộc (hai biểu tượng kia là “Phật giáo” và “Đất nước”). Nhà Vua luôn đứng trên mọi cuộc xung đột trong xã hội và thường không lên tiếng trừ khi tình hình đất nước quá rối ren hoặc lâm nguy vì… lộn xộn.

Vua Bhumibol Adulyadej, ảnh chụp khi ngài vừa trở lại điện Anatasamakom sau khi rời bệnh viện Siriraj, Bangkok, hôm 5. 12. 2012

Nhà Vua Bhumibol Adulyadej hiện nay của Thái Lan sẽ tròn 86 tuổi vào ngày 5-12 này, và trong số 86 năm trên đời, ông trị vì đất nước mới có… 67 năm! Mặc dù trong hệ thống chính trị, nhà Vua chỉ mang tính biểu tượng và không có mấy thực quyền, thế nhưng ở Thái Lan, nhà Vua lại có một thứ quyền lực bất thành văn vô cùng mạnh mẽ chỉ bởi dân chúng yêu mến nhà Vua, thậm chí coi như thánh sống.

Nhiều người cho rằng không có một cuộc đảo chính nào có thể thành công nếu như không có sự chuẩn thuận (ngầm) của nhà Vua. Bởi thế mà tình hình hiện tại ở Thái Lan sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của nhà Vua (nếu như ông chịu lên tiếng).

Phe áo vàng tập trung tại Royal Plaza để đón chờ vua Thái King Bhumibol Adulyadej xuất hiện ở ban-công điện Ananta Samakhom trong lễ sinh nhật lần thứ 85, ngày 5. 12. 2012

Yếu tố thứ hai là quân đội. Quân đội Thái Lan đóng vai trò khá đậm nét, nếu không nói là nhân vật chủ chốt “vẽ” nên lịch sử Thái Lan. Hầu hết các chính phủ ở Thái Lan trong thế kỷ trước đều do các viên tướng chấp chính, chỉ trừ giai đoạn bắt đầu từ mươi năm cuối thế kỷ 20 cho đến nay.

Mặc dù đã rút lui vào sau rèm nhưng không có một lực lượng chính trị nào ở Thái Lan đủ sức thách thức vị thế của quân đội. Cứ mỗi khi tình hình Thái Lan quá rối ren là quân đội lại ra tay “dẹp loạn”, bởi gần như người ta mặc nhiên coi rằng một khi chính phủ (ngay cả được bầu hợp pháp) mà không còn đủ khả năng kiểm soát tình hình, để đất nước xáo trộn thì quân đội có trách nhiệm đứng ra làm “trọng tài” tối cao để duy trì ổn định…

Thủ tướng Thái Yingluck cũng kiêm nhiệm luôn chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thế cho nên nếu quân đội mà đứng về phía bà Yingluck thì có lẽ ông Suthep sẽ bị bắt trong…3 giây, nhưng vì quân đội tuyên bố “trung lập” nên ông Suthep mới có thể khơi khơi đi lại ngoài đường là vì thế.

Nếu nhìn nhận vị thế của các bên như trên thì để dự đoán diễn biến trên chính trường Thái, có lẽ chẳng nên nhìn vào bà Thủ tướng Yingluck hay ông thủ lĩnh đối lập Suthep, mà nên nhìn vào quân đội và Nhà Vua. Mà cho đến nay, hai nhân tố này vẫn chưa có những động thái rõ rệt biểu thị lập trường của mình. Đành phải chờ vậy! 

*

Về Thái Lan:

- THAWEESAK SRITHONGDEE: cố thoát khỏi truyền thống

- Hí họa: Sẽ không ai phải đi tù cả

- Hí họa: Trong mưa bão, Chanel hơn Burberry, vẫn còn thua Ferragamo

- Manit Sriwanichpoom dùng khỏa thân nói chuyện chính trị

- Chuyện Thái Lan: được làm vua mà thua thì thành giặc!

- Thái Lan: đỏ và vàng, da phấn với mặt hoa

- Trẻ người và non dạ hơn Yingluck, nhưng hot hơn là cái chắc

- Đời Rama số bù

- Làm món “xụm tăm” nhớ bà ngoại

- Ẩm thực Bangkok (bài 1) : Nguyên tắc vàng là tránh xa Tây

- Ẩm thực Bangkok (bài 2): Vì sao Tom Yam Kung thơm lừng?

- Có mặn-ngọt-chua-cay… mới là món Thái

- Ở Hoa Kỳ, muốn tiết kiệm thì sang Thái chữa xổ mũi?

- Lời nguyền của đá (quí)

Ý kiến - Thảo luận

13:00 Wednesday,4.12.2013 Đăng bởi:  Lâm Toàn

@Nghiêm Toàn: biết bạn dỡn mà; không lẽ mình ngố đến nỗi không phân biệt được ai dỡn ai thiệt! Chỉ là nhân cớ (như bạn cmt về Z9) để nói thêm chút ít về tình hình Thái Lan có liên can chút xíu tới Việt Nam thôi mà.


...xem tiếp
13:00 Wednesday,4.12.2013 Đăng bởi:  Lâm Toàn

@Nghiêm Toàn: biết bạn dỡn mà; không lẽ mình ngố đến nỗi không phân biệt được ai dỡn ai thiệt! Chỉ là nhân cớ (như bạn cmt về Z9) để nói thêm chút ít về tình hình Thái Lan có liên can chút xíu tới Việt Nam thôi mà.

 
12:22 Wednesday,4.12.2013 Đăng bởi:  TNXP

Cám ơn bác Lâm Toàn, bác SA nhiều nhé, chúng em không biết nên phát biểu gì hay ho hơn :)
Dĩ nhiên phải cám ơn đặc biệt đến các bạn SOI nữa, mặc dù còn hơn 1% nữa mới đạt 100. :p  
 


...xem tiếp
12:22 Wednesday,4.12.2013 Đăng bởi:  TNXP

Cám ơn bác Lâm Toàn, bác SA nhiều nhé, chúng em không biết nên phát biểu gì hay ho hơn :)
Dĩ nhiên phải cám ơn đặc biệt đến các bạn SOI nữa, mặc dù còn hơn 1% nữa mới đạt 100. :p  
 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả