Soi học

Huyền thoại thứ nhì: 2000 năm nếu quay lại, đất nào cũng phải là đất hoang 17. 11. 13 - 4:04 am

Sáng Ánh

(Tiếp theo huyền thoại thứ nhất: có một dân tộc Do Thái, đặc biệt không giống ai (“chọn lọc”) và muôn đời )

*

Vào cuối thế kỉ 19, người Do Thái tại Đế quốc Nga gặp khó khăn và bị kỳ thị bằng bạo lực. Bà con đồng đạo của họ đã an cư lạc nghiệp lâu đời tại Tây Âu, có người làm to như công tước Anh quốc Rothschild, mấy đời cho vua cho chúa vay tiền, hay có người đã cải đạo sang Ki-tô làm Thủ tướng (Anh quốc) như Disraeli… Đám người Do Thái mới di dân sang Tây Âu vậy là gây vấn đề cho người Do đã có tại chỗ: họ lếch nhếch, là bà con nghèo, gây tiếng xấu cho một cộng đồng nếu không quyền quí thì cũng đã ổn định.

Cựu thủ tướng Anh Benjamin Disraeli (1804 – 1881)

Đây cũng giống như trường hợp người Hồi hiện nay tại Anh. Tao đây Qatar, Emirates, mua đội bóng đá, xây tòa nhà, khách sạn, đi đâu có vấn khăn áo thụng người Anh vẫn kính nể, chạy ra ngay mở cửa xe Ferrari; còn bọn mày cũng Ả Rập mà lại khiến chúng khiếp khủng bố hay là khinh túng thiếu. Đi nơi khác là tiện nhất, đây tao dúi cho một nắm tiền, cầm lấy mà khuất mắt nơi này.

Với người Do Thái, phong trào Zion thương thuyết với chính quyền Anh, nếu không cho định cư ở Scotland hay Wales thì xin cho sang Cyprus vậy. Cyprus (đảo nằm ở Địa Trung Hải) lúc đó thuộc ảnh hưởng của Anh, nhưng khó một cái, có người da trắng (Hy Lạp) đã ở sẵn. Anh quốc đề nghị cho họ sang Uganda (thuộc địa Phi châu) mà khẩn hoang. Đại hội 6 của phong trào Zion biểu quyết (đành) chấp nhận đề nghị rộng lượng này.

Thời điểm ấy, Anh quốc là siêu cường số 1 trên thế giới, quyết định mọi chuyện nhé, từ Đông sang Tây, và trong tư duy dạo ấy của Tây phương, ngoài da trắng ra thì chẳng có dân tộc nào cả. Không có dân tộc nào ở Uganda hết, người Do sang đó mà sinh nhai. Nhưng sang Uganda thì ngại lắm, ngại chứ, phong thổ khó khăn, cọp tha ma bắt, chẳng ai muốn sang đó mà làm rẫy trồng hoa. Phong trào Zion bèn nhớ ra là 2000 năm trước mình cũng có nhà, đây là địa chỉ cũ trên CMND do Trời cấp. Ở giai đoạn này, là chuyện định cư tìm sống, không có nói đến chuyện lập quốc gia riêng gì cả.

Chú thích của trang ivarfjeld.com cho bức ảnh này: Có thể tuyệt với Uganda, nhưng không phải là đất hứa của người Do Thái.

Nếu 2000 năm trước mơ hồ thì thế kỉ 19 ta có những con số. Tại Jerusalem, tức là “thủ đô” của nhà nước Israel ngày nay, vào năm 1880 có 200.000 dân cư. Số người Do hiện diện là 5.000 trước khi phong trào Zion mộ người từ Âu châu sang Palestine sinh sống (1882). Lúc đó khu vực này dưới quyền của Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), được Anh quốc giúp giành lại được từ tay Ai Cập. Đến Thế chiến 1 thì Thổ Nhĩ Kỳ lại về phe Đức-Áo, khiến nước Anh phải phái ông Lawrence (of Arabia) sang, cỡi ngựa phi lạc đà trong sa mạc và dựng các bộ tộc Ả Rập lên khuấy phá và đòi quyền tự quyết, ai đã xem bộ phim này đều biết lãng mạn thế nào.

T. E. Lawrence với con lạc đà “Jedha” thân yêu của ông

Năm 1917, công tước Balfour (cựu Thủ tướng và lúc đó ngoại trưởng Anh quốc) chấp thuận ủng hộ sự thành lập một quốc gia Do Thái trong vùng. “Tuyên bố Balfour” này khiến phong trào Zion đưa ông lên hàng phụ tá  Đức Chúa Trời, Ngài hứa và ông Balfour thực hiện! Vào lúc đó, dân số Ả Rập chiếm từ 80 đến 90% tại Palestine.

Người Zion sang Palestine mua đất làm đồn điền, thì cũng từ tay các địa chủ Ả Rập. Địa chủ thì… có đất, họ cần tiền cưới thêm vợ bé thì họ bán, cho người Do hay ai thì cũng thế, họ không phân biệt, chỉ phân biệt là vàng 4 số 9 có phải Kim Thành hay không. Đây là chuyện bán đất bán nhà, không phải là bán nước. Người Do sang đấy lập ấp để làm ăn, không phải là để lập quốc. Trước đây, những chuyện chuyển nhượng đất đai này chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của tá điền. Chủ A hay chủ B thì họ vẫn ở đó, bám đất mà cày, phần nộp cho chủ thì vẫn thế, chẳng cần biết là ông chủ nào, tâm lý người bần nông là vậy.

(Đến đây, để giải lao, trong thập niên 70, tổng thống Ai cập Sadat đi thăm một làng quê. Ông hỏi han, thế nào, mùa màng ra sao? Một lão nông bèn đáp “Nhờ ơn của Đức Vua đây, thưa Ngài, chúng con vẫn sống được”. Đó là 20 năm sau khi chế độ quân chủ đã bị lật đổ!)

Một gia đình nông dân tại Palestine 1900-1910

Nhưng khi đất chuyển sang các tiền phương của Zion thì có phần thay đổi. Người Do lập trại cho người Do, đuổi nông dân địa phương đi để mang người Do từ Âu châu đến vui ca dựng nhà và tưới nước trên cát nở ra hoa. Tá điền Ả Rập mất đất để mà cạp, đúng ra là mất việc  và sinh kế, đâm ra bất mãn. Hai cuộc nổi loạn 1929 và 1936 bị thực dân Anh đàn áp, với phần giúp sức của cộng đồng Do Thái, và lực lượng bán quân sự của Do Thái bắt đầu từ đó thành hình, kinh nghiệm quân sự đầu tiên là tiếp tay cho chính quyền bảo hộ Anh quốc đàn áp người địa phương.

Phụ nữ Palestine trong cuộc nổi loạn 1936-39 chống thực dân Anh quốc, thành phần trung lưu phố thị thì quyên tiền…

 

… và thành phần nông dân thì cầm súng

Ngay đến ông Rothschild là ân nhân của phong trào Zion còn than phiền vì chính sách dùng nông dân Ba Lan hay Hungary thay vì nông dân Ả Rập này tuy lý tưởng Zion (người Do cầm cuốc vui ca trên Đất Hứa) nhưng không sinh lợi vì nông dân Ả Rập rẻ và hiệu quả hơn về mặt kinh tế. Ông cứ phải bù thêm tiền mãi, khiến có lúc ông dọa cắt.

Công tước Walther Rotschild, ân nhân của chủ nghĩa Zion, ở đây chơi nổi tại London với xe tứ mã ngựa vằn (Cường Đô la đâu rồi, ra mà xem)!

Đến 1947 thì thế này: người Do sở hữu 11% diện tích đất đai, và 7% diện tích canh tác. Về dân số, họ là 630.000, tức là 1/3. Số người Ả Rập là 1.300.000, sở hữu 93% diện tích canh tác và 89% diện tích đất. Nghị quyết 191 của Liên Hiệp Quốc bèn chia vùng đất này thành 2 quốc gia, (và khu vực Jerusalem) trao cho người Do 55% đất, người Ả Rập là 45%.

Chia cắt thế này, đương nhiên là trên phần đất dành cho Israel có rất nhiều người Ả Rập đang sinh sống. Chính quyền lập quốc đã có sẵn một kế hoạch  (“Plan Dahlet”) và mang ra áp dụng. Đó là khủng bố, giết chóc, các nơi này khiến người Ả Rập phải tập thể ra đi, tàn phá, đốt và san bằng các làng mạc khiến họ không có chốn để trở lại. Chính sách “tảy tộc” này có một thí dụ gần gũi khác, là khu vực Trung Âu trong thập niên 90, khi Yugoslavia tan rã và Serbia trục xuất bằng mọi cách người Croatia, Bosnia. Khác biệt là, Tây phương lên án hành động này, và NATO còn mang bom sang ném Serbia. Trong trường hợp Palestine, thì cả hai khối Tây phương và Liên Xô đều thuận lòng ủng hộ sự ra đời của Israel. Liên Xô là nước đầu tiên công nhận Israel và vũ khí từ Tiệp Khắc chuyển sang cho quân đội nước này là quyết định cơ bản cho cuộc chiến 1948.

(Lại giải lao chút xíu, tiểu liên nổi tiếng của Israel, khẩu Uzi, là copy của xê-ri tiểu liên Tiệp Cz23-24-25-26 được Liên Xô gửi sang trang bị ào ạt cho quân đội tân lập này).

Poster về nữ lao động Liên Xô hài lòng được sống ở Israel

Trong chiến tranh “dựng quốc” của Israel, 500 làng mạc phố xá Ả Rập bị xóa tên trên bản đồ và 700.000 người phải ra đi. Ngay lập tức, chỉ có 2 năm sau, quốc hội Israel ra luật cấm họ trở lại, chắc viện cớ lịch sử là ra đi 2000 năm trước thì có quyền trở về đòi còn ra đi 2 năm trước thì tao cấm mày bén mảng trở lại, chưa đủ thâm niên đâu con! Luật tịch thu đất đai sở hữu của những người “vắng mặt” (Absentees) ra đời. Một số ở lại cũng bị tịch thu nhà cửa dưới diện được gọi là “vắng mặt hiện diện” (Present Absentees)!

Bà Peled vào thời Israel lập quốc

Bà Zika Peled lúc đó là một phụ nữ trẻ, mới thành hôn và đang ẵm con. Bà kể, đầu tiên là người Do đến các nhà Ả Rập trong phố bị bỏ hoang hôi của nhẹ, rồi xe tải từng đoàn đến chở đi bàn ghế và thảm trải. Sau cùng các nhà này được chia cho người Do. Bà Peled cũng được phát cho một cái. Bà Peled là người Do. Cha của bà là thành phần “lập quốc”, có tên ký trên bản Độc lập, sau là đại sứ đầu của Israel tại LHQ. Chồng của bà là một sĩ quan trẻ đang xông pha thành tích, sau này là tướng trong chiến tranh 1967 và thống đốc Gaza. Nhưng bà nghĩ bà không thể nào ở được một căn nhà mà có một người mẹ khác đã phải bồng con ra đi và không nhận, thà bà vẫn ở với… mẹ chồng!

Khẩu hiệu giết hết người Ả Rập trên cánh cửa nhà ở Israel

(Đến 1982, tại trại tỵ nạn Sabra Chatila ở Lebanon, còn có một gia đình Do Thái bị sát hại cùng với cả ngàn người Palestine đồng hương của họ. Gia đình Do Thái này, năm 1948 đã theo người Palestine ra đi lưu vong thay vì ở lại mà hôi của và chiếm nhà hàng xóm. Có dại thì cũng dại vừa thôi nhé, đấy, thấy chưa!)

Trước khi Bảo hộ Anh quốc chấm dứt vào ngày 15. 5. 1948, Israel tuyên bố độc lập và các quốc gia Ả Rập gửi quân sang can thiệp, 325.000 người Palestine đã phải ra đi và đã xảy ra nhiều vụ tàn sát thường dân có tội chứ không phải vô tội, và tội là ở nhờ đất Do Thái từ 20 thế kỉ nay. Deir Yassin được thế giới biết đến ngay vào lúc đó (do New York Times tường thuật) nhưng những cuộc tàn sát khác phải đợi dần dà cho đến nay mới được thú nhận, thí dụ tại Al Tantura, hành quyết 230 nam giới từ 10 đến 55 tuổi. Như một tướng lãnh sau này (lúc đó làm đại đội trưởng ra lệnh hành quyết) đợi nửa thế kỉ sau phát biểu, là giờ Israel đã đủ sức mạnh và vững chãi để thừa nhận những hành động đó. Nó chẳng vô tình chút nào và nếu giữ kín với Tây phương thì lại được phổ biến rộng cho dư luận Palestine để họ còn xô nhau mà chạy chứ. Chiến dịch “Tảy tộc” đã bắt đầu trước khi các nước Ả Rập bấm bụng gửi quân sang tham chiến, một lý do làm họ quyết định là phải giữ thể diện, để bảo vệ người Palestine sau những thảm sát này.

Cuộc thảm sát Deir Yassin diễn ra vào 9. 4. 1948, và đến 15. 5, người Ả Rập trong toàn bộ các thành phố lớn của người Palestine đã bị dọn sạch. Khoảng 750,000 tới 800,000 người tị nạn Palestine đã bị xua đuổi khỏi đất họ đang sinh sống. Đây là mở đầu cho việc trục xuất dân Palestine gốc Ả Rập ra khỏi Haifa và ra khỏi Palestine.

Can thiệp quân sự này thất bại và là chiến công đầu của Israel. Xin lỗi, đây là chiến công thứ nhì chứ. Chiến công đầu là các lực lượng vũ trang Do Thái đánh bại các lực lượng địa phương Palestine. Thành tích vẫn được ca tụng này là 50.000 quân Do trong đó 30.000 là chủ lực, có kinh nghiệm, chuẩn bị và tổ chức, võ trang chiến xa, đại pháo và không hải, đơn phương đánh bại 7.000 vệ binh làng không có chỉ huy thống nhất của người Palestine; đội vệ binh này được tiếp sức trong giai đoạn này từ tháng 2.48 bởi 1.000 chí nguyện quân Ả Rập đầy nhiệt huyết nhưng không có huấn luyện. Số chí nguyện quân ấy mấy tháng sau lên đến 3.000 (từ từ chứ, còn có 50 người phải đáp xe đò từ Bosnia sang). Và như thế tương quan quân sự tại chỗ vào tháng 5. 1948 là 50.000 phía Do và 10.000 phía Palestine.

Huyền thoại một quân lực tí hon kiên cường dựng nước giữa biển người Ả Rập đến đầu thế kỉ 21 thì đã sứt mẻ và đổ vỡ. Chuyện thật ra không hẳn là như vậy theo công trình nghiên cứu của các sử gia “xét lại” tại Israel từ cuối thế kỉ 20.  Nhưng hương thừa vẫn còn vương vấn đâu đây

*

Về khu vực Trung Đông:

- Chuyện Syria: chỉ vì ở cạnh “cậu ấm”

- Chuyện Syria: anh Hai, anh Ba, anh Tư, và anh rể

- Chuyện Syria: Lắm mối tối nằm không

- Huyền thoại Do Thái trở về nhà: Đố ai dám cãi nào

- Ai mới là người Do Thái chính hiệu?

- Huyền thoại thứ nhì: 2000 năm nếu quay lại, đất nào cũng phải là đất hoang

- Tiền đề thứ ba: huyền thoại (khổng lồ) tự vệ trước hiểm họa (của tí hon)

- Ái phi Israel: nặc nô thừa thông minh nhưng thiếu công bằng

- Kỷ lục Ai Cập: Mùa xuân sang có 720 án tử hình

- ISIS giặc cờ đen (phần 1): Trên cái nền rối tinh của Hồi giáo

- ISIS giặc cờ đen (phần 2): Bởi thế giới cần có hung thần

- Người Kurd: dân tộc chỉ có núi là bạn

- Bưu thiếp Trung Đông: Ra ngõ gặp Clooney

- Bưu thiếp Trung Đông: Cô gái Chiclets

- Bưu thiếp Trung Đông: Vô địch thế giới

- Bưu thiếp Trung Đông: Hàng cơm tùy hỉ

- Bưu thiếp Trung Đông: Có sao nói vậy

- Bưu thiếp Trung Đông: Vô mao bất nghì

- Bưu thiếp Trung Đông: Bữa Pork Adobo – cơm thịt heo kho

- Bưu thiếp Trung Đông: Người ở Lebanon

- Bưu thiếp Trung Đông: Giấc trưa đất thánh

- Người tỵ nạn Syria: gánh nặng đè ngay trong xóm

- Vô lý! Tại sao Hoa Kỳ lại để cho ISIS bán dầu cho Israel qua trung gian Turkey?

- Israel giúp Al Nusra thành công,
Hoa Kỳ chống ISIL thất bại

- Tamara Chalabi, tá điền không dùng trà

- (I)Rắc Bình Vương Ahmed Chalabi, người lừa cả Mỹ

- Ginane thăm Baghdad

- Mặc burqini + đọc Syria Speaks + một quả dưa chuột = đi gặp công an

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 1): từ gợi tình xem thành đe dọa

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 2): khi không ưa nữa thì thành hà khắc và bạo chúa

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 3): cười cũng chết mà ngu ngơ cũng chết

- Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt

- Chuyện ăn mặc của phụ nữ Hồi giáo: đừng căn cứ vào trùm khăn và che mặt…

- Đời không đơn giản, thế mới phải đi tỵ nạn

- Chuyện ông Bernadotte chết ở Jerusalem

- Từ chuyện Yemen nghĩ đến phận nước bé

- Bác tài Bashar và cuốc xe Ghouta

- Vụ nhà báo bị phanh thây:
Chuyện trong nhà chơi dao với nhau

- Cao nguyên Golan (phần 1): Golan ở đâu? Golan của ai?

- Cao nguyên Golan (phần 2): Ba món quà ngon của Mỹ

- Có Do hay không có Do? Trả lời bạn hung898

- Cấm thịt heo trong đạo Do Thái

- Israel với Hamas: tiếc đã muộn rồi

Ý kiến - Thảo luận

15:35 Tuesday,5.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Văn Hùng
Thật là phục bác quá. Câu chuyện chính trị khô cứng và đẫm máu qua giọng văn của bác nghe thật là khôi hài. Làm em đọc ham quá ko bỏ dc. Chẳng hay ngoài Soi bác có làm báo ở đâu không. Chứ viết hay thế này mà ko hành nghề viết thì phí quá. he he
...xem tiếp
15:35 Tuesday,5.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Văn Hùng
Thật là phục bác quá. Câu chuyện chính trị khô cứng và đẫm máu qua giọng văn của bác nghe thật là khôi hài. Làm em đọc ham quá ko bỏ dc. Chẳng hay ngoài Soi bác có làm báo ở đâu không. Chứ viết hay thế này mà ko hành nghề viết thì phí quá. he he 
11:34 Saturday,30.11.2013 Đăng bởi:  SA
Chuyện 60 năm về trước thì còn mù mờ cần đến sử gia nhưng hiện nay "Kế hoạch Prawad" đang được thực thi tại Israel để trục xuất 70.000 tộc Bedouin ra khỏi khu vực Negev ở Israel để dành cho người Do đến định cư lập ấp.
http://www.theguardian.com/world/2013/nov/29/britons-protest-israel-plan-remove-palestinian-bedouin

...xem tiếp
11:34 Saturday,30.11.2013 Đăng bởi:  SA
Chuyện 60 năm về trước thì còn mù mờ cần đến sử gia nhưng hiện nay "Kế hoạch Prawad" đang được thực thi tại Israel để trục xuất 70.000 tộc Bedouin ra khỏi khu vực Negev ở Israel để dành cho người Do đến định cư lập ấp.
http://www.theguardian.com/world/2013/nov/29/britons-protest-israel-plan-remove-palestinian-bedouin
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả