Soi học

Lịch sử Hoàng gia Anh: Con hoang thì được làm vua 06. 10. 13 - 6:25 am

Pha Lê

Trong bài trước, vua “Giáo sĩ Edward” trước khi ngắc ngoải thì nhường ngôi cho Harold đẹp trai thay vì cho Williams – Công tước xứ Normandy – như đã hứa. Sự tình sau đấy ra sao?

Để trận choảng nhau giành ngôi vua thêm phần chi tiết, hấp dẫn, chúng ta hãy tìm hiểu một chút về ông Williams của xứ Normandy nào.

Bây giờ thì nhiều người biết đến William với biệt danh “William kẻ chinh phục” (William The Conquerer), nhưng cái biệt danh đấy là mãi sau này ông mới có, lúc đầu ai cũng gọi ông là “Thằng con hoang William”.

Hình minh hoạ vua William với biệt danh “Bastard” (con hoang) bằng tiếng Anglo cổ ở trên, lấy từ một cuốn sách sử xưa không rõ gốc gác.

Vào năm 1066, chức vụ Công tước xứ Normandy chẳng khác gì vua xứ Normandy. Như đã biết trong bài về Alfred vĩ đại,  người Vikings chiếm vùng đất này trên lãnh thổ nước Pháp. Vua Pháp lúc đó cũng chẳng phải… vua Pháp. Mãi đến năm 1181, Philippe Auguste mới bắt đầu lấy danh hiệu “Rex Franciae” (King of France – vua Pháp), chứ trước đấy thì vua Pháp chỉ là “Rex Francorum” (King of the Franks – vua của người Franks). Bởi vậy, người Normandy chả có lý do gì để khoái người Franks, người Burgundians, người Lorraines…cả, dù về sau mấy xứ này đều thống nhất thành Pháp.

Còn đây là chân dung vua William, nhìn hoành tráng, ra dáng vua, và không có chữ “con hoang” ghẹo ở trên. Tra hoài không biết ai đã vẽ bức này vào năm nào. Bạn đọc biết thì bổ sung giùm nhé!

Robert – Công tước xứ Normandy và cũng là bố của William – thuộc dạng “thích là phải nhào vô túm lấy”. Ngày đẹp trời nọ, ông “vi hành” và bắt gặp một cô gái xinh xắn. Tên cô này khác nhau tùy theo sách sử mà bạn đọc (có sách nói cô tên là Herleva, có sách đề tên Harlotta, có sách lại ghi Arlot… để tiện thì cứ gọi cô là Herleva cho rồi). Theo truyền thuyết do người Anglo-saxon bịa ra để chọc tức dân Norman, Robert bắt cóc Herleva và giở trò đồi bại. Còn thực tế hơn thì Robert có đến thưa chuyện với bố của Herleva. Ông bố đòi Robert phải cưới con gái mình, nhưng Robert không chịu. Lý do vì cô gái đẹp này làm nghề thuộc da, mà nghề đó thời bấy giờ là nghề thấp hèn nhất (vì lúc ấy bạn phải dùng hỗn hợp pha từ nước tiểu, mỡ động vật, phân chó… để thuộc); nên Robert không cưới Herleva được, chỉ có thể đem cô vào lâu đài dưới danh nghĩa thê thiếp.

Ông bố hậm hực, “Thôi thì đành làm thiếp”.

Hố thuộc da cổ tại khu khai quật. Người xưa đổ một hỗn hợp nước tiểu, phân chó, óc động vật… vô đây để thuộc da, nghe là thấy kinh rồi!

 

Hình chụp hai người đàn ông thuộc da theo kiểu truyền thống.

Herleva hạ sinh cho Robert thằng con trai William. Do bố mẹ không kết hôn theo pháp luật nên từ nhỏ William đã chết biệt danh “con hoang”. Chính vì William bị người đời ghẹo nên đến khi bố Robert mất và không có con chính thức, William thừa kế danh hiệu Công tước xứ Normandy, ông luôn muốn chứng tỏ cho toàn dân biết rằng đứa con hoang cũng có thể thành người vĩ đại.

Thành thử, lúc bị Edward giáo sĩ cho leo cây vụ ngai vàng nước Anh, ông hằn học đem quân tới xứ sương mù đòi đánh chiếm (chứ ông khác là chỉ cau có ngồi yên vị ở Normandy rồi rủa thầm, đi đánh đám người Franks cho gần, đánh chi tới nước Anh xa lắc).

Tuy William hung hăng nhưng ông rất khôn, không hề suy nghĩ theo kiểu lôi lính đi đánh cho đến khi nào “chúng nó” chết mới thôi. Khi biết William và Harold gầm gừ nhau, một vị vua người Viking tên Hardrada thừa nước đục, đòi cầm quân chiếm nước Anh. Thế là Williams đổ bộ lên bờ biển phía Nam của xứ sương mù, gần thị trấn Hasting, và… ngồi đó chờ. Quân của vua Harold Goodwinson hùng hổ đi đánh Hardrada trước, Harold thắng; chưa kịp nghỉ, đoàn quân phải lũ lượt kéo đến Hasting để uýnh William tiếp.

Hình vẽ minh hoạ trận đánh giữa Harold Goodwinson và Vua Viking Hardrada. Quân Hardrada mang màu xanh, còn Harold là màu đỏ. Hình lấy từ cuốn sách sử in từ thế kỷ 13th

Phe của William thì quá khỏe, vừa chẳng đánh ai vừa ngồi vắt vẻo mấy ngày, còn lính tráng của Harold thì mệt đứt hơi sau trận chiến với Hardrada. Khỏi nói cũng biết, William chiến thắng, lên làm vua nước Anh. Triều đại Anglo-Saxon chấm dứt, thay vào đó là triều đại Normandy.

Tranh vẽ trận đánh giữa Harold và William tại Hasting của Francois Hyppolyte. Quân William đang thắng thế còn quân của Harold thì nằm phơi xác.

 

Tranh minh hoạ trận đánh Hasting từ sách “Lịch sử nước Anh qua tranh”, xuất bản năm 1868. Quân của William luôn cưỡi ngựa, vì người Normand nổi tiếng là thuần ngựa giỏi, sau này người Normand cũng truyền kỹ năng thuần ngựa cho dân Anglo.

“William kẻ chinh phục” không phải là một vị vua được dân chúng yêu mến. Dân của xứ sở này đã quen với triều đại Anglo-saxon, Vua Harold Goodwinson thì vừa đẹp trai vừa tốt bụng, nên họ căm thù ông vua mới đến từ Normandy kinh khủng. Thế là William phải liên tục dùng vũ lực để ép người dân y lệnh của mình. Người xưa còn ghi chép lại rằng, cư dân của nhiều làng mạc đã rủ nhau trốn vào rừng, chấp nhận sống trong đói kém chứ quyết không chịu trả thuế cho ông “con hoang” kia.

Tuy nhiên, nếu nhìn theo con mắt của thời nay, thì William làm được hai việc tốt:

1. Nhằm giảm tối đa các trường hợp trốn thuế, khai gian của cải vì “ghét thằng Vua mới”, William ra lệnh cho “các ban ngành đoàn thể” của mình đi tới từng nhà, ghi chép lại toàn bộ của cải của một gia đình (ví dụ như: số lượng nô lệ, cừu, ngựa, bò, gia vị mắm muối, vải vóc quần áo…); phải lùng sục hết những chỗ “có khả năng giấu của”. Sau đó lên danh sách rồi bắt đầu dựa vô đấy để mà đánh thuế. Ngày nay, những ghi chép ấy trở thành các tài liệu vô cùng giá trị.

Cuốn sách ghi chép tài sản của từng hộ dân kể trên, nó hiện nằm tại kho lưu trữ Quốc gia của Anh. Dân xứ sương mù gọi cuốn sách này là “Sách ngày tận thế” (Doomsday book), vì nó chi tiết như cuốn sách Chúa sẽ dùng để phán xét từng người khi ngày tận thế đến.

2. William đem ngôn ngữ vùng Normandy (tiếng Viking cổ lai tiếng Pháp, gọi là Franco-Norman) đến Anh. Nhưng người dân xứ này đã quen nói tiếng Anglo, nên họ không nói được tiếng mới; William cố học tiếng bản địa nhưng cũng không thành. Người Anglo và người Norman cùng nhất quyết không chịu chuyển hẳn sang một thứ tiếng. Tuy nhiên, sống riết với nhau thì hai bên cũng bập bẹ được đôi chữ để trao đổi buôn bán, tiếng Anglo từ từ lai tiếng Franco-Norman, trở thành một ngôn ngữ mới, dễ học hơn,dễ điều chỉnh hơn, và dặc biệt là có ngữ pháp đơn giản hơn. Đó là tiếng Anh mà con nít nước ta đang phải è cổ học thêm.

Vài nhà ngôn ngữ (nhất là mấy ông Pháp), hay chê rằng tiếng Anh không phải là thứ tiếng quý-xờ-tộc, là ngôn ngữ có gốc từ một đứa con hoang. Quả thực, tiêng Anh ít rườm rà, ít câu nệ hơn, chính vì vậy mà nó dần chiếm thế thượng phong. Dù mắng William hay tiếng Anh là con hoang cỡ nào đi nữa thì giờ đây nhiều người phải xài tới nó, cuối cùng, William vẫn thắng thế!

*

(Bài tiếp theo: “Tặng ông con hoang, bức tranh thêu quý nhất“)

 

*

Về hoàng gia Anh:

- Nhóc 12 tuổi là thành viên chính thức của Hội Ảnh Hoàng gia

- Ai sẽ vẽ chân dung hoàng gia cho Kate Middleton? ARTINFO đề xuất 5 ứng viên

- Philip Treacy: mũ kiểu cọ cho
hoàng gia

- Một tuần săn tin em bé Hoàng Gia

- Lịch sử Hoàng Gia Anh: Có người La Mã, có Bê Đê, trước khi có vua

- Lịch sử Hoàng gia Anh: nhiều ông ‘chấm mút’ để có một ông vĩ đại

- Lịch sử Hoàng gia Anh: sau “vĩ đại” là “cừ khôi”

- Lịch sử Hoàng gia Anh: Vua Anh cũng giết nhau như vua Tàu

- Lịch sử Hoàng gia Anh: Vua thú tội gì?

- Lịch sử Hoàng gia Anh: Con hoang thì được làm vua

Ý kiến - Thảo luận

8:30 Wednesday,9.10.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Hoàng Nghĩa
Đọc xong bài này của Lê, tò mò quá nên có vào Google thì cũng biết thêm và biết mấy vị vua sau, hóa ra còn dài và thăng trầm lắm. Nhưng đọc trên wiki thì dĩ nhiên không hay và dí dỏm như Pha Lê viết nên lại chờ ký kế tiếp.
...xem tiếp
8:30 Wednesday,9.10.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Hoàng Nghĩa
Đọc xong bài này của Lê, tò mò quá nên có vào Google thì cũng biết thêm và biết mấy vị vua sau, hóa ra còn dài và thăng trầm lắm. Nhưng đọc trên wiki thì dĩ nhiên không hay và dí dỏm như Pha Lê viết nên lại chờ ký kế tiếp. 
23:07 Sunday,6.10.2013 Đăng bởi:  phale

@Quovadis: Thời trong Ivanhoe cũng là thời của triều đại Norman nhưng nằm sau những năm William cai trị khá lâu, vì vua trong truyện Ivanhoe là ông Richard I. Từ William I tới Richard I cũng còn vài bài nữa :)


...xem tiếp
23:07 Sunday,6.10.2013 Đăng bởi:  phale

@Quovadis: Thời trong Ivanhoe cũng là thời của triều đại Norman nhưng nằm sau những năm William cai trị khá lâu, vì vua trong truyện Ivanhoe là ông Richard I. Từ William I tới Richard I cũng còn vài bài nữa :)

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả