Văn & Chữ

Với các bạn đã xem “Cuộc đời của Pi”, về câu cuối 05. 09. 13 - 8:05 am

Phó Đức Tùng

Vừa ngồi cả ngày trên máy bay, mới có dịp xem phim Cuộc đời của Pi, lại có thời gian rảnh ngồi viết. Đọc lại comment của các bạn, thấy mọi người thắc mắc nhiều về câu cuối: So it goes with God. Có người cho rằng câu đó không quan trọng, có bạn lại cho là câu đó có nghĩa là Chúa cũng nghĩ như vậy. Và có bạn đã thắc mắc rất đúng là ta có quá ngông cuồng không khi khẳng định là Chúa cũng nghĩ thế nào.

Cảnh mở đầu quay tại vườn thú trong Cuộc đời của Pi

Mình xem phim thì thấy nội dung rất mạch lạc, và câu đó rất quan trọng, là câu chốt của phim, và nó không có nghĩa là Chúa cũng nghĩ như vậy, mặc dù dịch như vậy không sai về ngữ pháp.

Có lẽ để hiểu rõ nghĩa câu đó, trong ngữ cảnh chứ không phải theo nghĩa ngữ pháp, cần nhắc lại một chút bố cục câu chuyện.

Đầu phim, Pi nói là qua câu chuyện này sẽ mang ta đến với Chúa. Nói cách khác, tham vọng của câu chuyện là muốn chứng minh sự tồn tại của Chúa. Thời niên thiếu, Pi kể là đã nhiều lần tiếp cận Chúa, ở những góc độ khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng đó là những bước dạo đầu. Người xem có thể thấy chưa thuyết phục về sự tồn tại của Chúa qua những câu chuyện đó.

Pi (tuổi trung niên) bắt đầu kể chuyện đời mình cho anh nhà văn nghe nhằm thuyết phục anh tin vào Chúa

Tiếp đó là câu chuyện đắm tàu, cả nhà chết. Đây cũng là mối quan tâm của các nhà bảo hiểm, của xã hội. Câu hỏi được xã hội đưa ra là tại sao con tàu lại đắm. Thực ra, đây là một trong những câu hỏi triết học cơ bản trong phản biện về sự tồn tại của Chúa. Tại sao Chúa nhân từ vô hạn lại tạo ra thảm họa, tai nạn, chia ly, đau khổ, cái chết v.v. Nếu quả thật có Chúa thì Chúa đó bất nhân, tựa như lời Lão Tử, và như vậy không phải hình dung của các tôn giáo phương Tây.

Trong phim, Pi khẳng định là không biết tại sao con tàu lại chìm, tại sao cậu lại phải chịu một thảm họa ghê gớm như vậy, cậu chỉ biết điều đó đã xảy ra. Như vậy, cậu tránh trả lời câu hỏi phản biện thứ nhất này. Nhưng như thế không có nghĩa là không thể chứng minh có Chúa.

Cảnh tàu chìm trong phim

Câu hỏi phản biện cơ bản thứ hai là nếu có Chúa toàn năng và nhân từ, mặt khác con người lại là kiệt tác hoàn hảo nhất của người, thì tại sao con người lại xấu, lại ác. Cái xấu, cái ác ở đâu sinh ra, lỗi kỹ thuật ư? Những người không tin Chúa trong phản biện này có một quan điểm là con người về bản chất là ác. Trong câu chuyện thứ hai mà Pi kể, toàn những cái xấu, cái ác của con người được bộc lộ trong những hoàn cảnh sống còn. Gã đầu bếp ác, không ai giải thích được lý do cho cái ác đó. Nhưng Pi nói đáng ghét nhất là gã làm thức dậy cái ác trong Pi, cái ác của bản thân ám ảnh, theo đuổi cậu suốt đời. Như vậy có nghĩa là bản thân Pi, một cậu bé ngây thơ, thánh thiện, luôn tin vào các loại Chúa, vẫn chứa mầm ác trong mình. Vậy có nghĩa là không có người tốt, không có sản phẩm hoàn mỹ của Chúa, hay nói cách khác là không có Chúa toàn năng. Con người chẳng qua là những con vật đội lốt người, không có tình yêu, không có linh hồn. Thậm chí con người còn là cái ác cô đặc hơn ác thú. Bố của Pi nói, con người nhìn thấy cái ác của ác thú, là do nhìn thấy một phần cái ác của mình trong gương.

Toàn bộ câu chuyện ác đúng với sự mong đợi của người đời, nên người đời, cụ thể là mấy ông Nhật, đã chấp nhận, mặc dù thực ra câu chuyện này cũng không thể kiểm chứng là thực, và cũng không giải thích được câu hỏi vì sao con tàu đắm. Tuy nhiên, có một chi tiết quan trọng là Pi nói mấy ông Nhật miễn cưỡng chấp nhận nó, mặc dù có vẻ không thích.

Pi kể chuyện lại cho hai ông Nhật nghe

Trong câu chuyện thứ nhất, mà Pi muốn qua đó chứng minh sự tồn tại của Chúa, vấn đề không phải là nó hấp dẫn vì có một loạt các loại thú vật. Tương tự như trong “Animal Farm”, thú vật có thể chỉ là những cái tên để chỉ nhân vật. Câu chuyện sẽ không hay hơn khi ta gọi một người là ngựa vằn, một nhân vật khác là hổ. Vấn đề là trong câu chuyện này, không có cái ác mà chỉ có cái tự nhiên. Mỗi người có một tính cách, một đặc điểm, giống như các sinh vật khác nhau trong tự nhiên. Một cậu ăn chay tương tự như một con ngựa vằn. Một lão hung dữ ăn tạp tương tự như con linh cẩu. Một người mẹ có thiên chức như một con đười ươi cái đang nuôi con. Và cái bản năng tự vệ, tiêu diệt cái xấu trong mỗi con người cũng như con hổ, đột ngột xuất hiện vào lúc sống còn, và biến đi không một lời từ biệt khi lý do không còn nữa. Ngay cả sự kiện con tàu đắm, người thân chết, cũng hiện lên trong đầu Pi dưới dạng một giấc mơ long lanh, hoành tráng của vận động vũ trụ, một sự diệu kỳ. Cùng là kết cục như nhau, nhưng nếu nhìn mọi việc như tự nhiên thì sẽ không thấy ác, không thấy xấu, thậm chí cảm nhận được tình cảm, ngay cả trong bản thân cái ác, cái hung dữ là con hổ. Khi trong cái ác, cái dữ, cái nguy hiểm tính mạng như hổ dữ cùng thuyền còn thấy có tình, có hồn, thì làm gì có cái gì không có hồn, không có tình. Nếu như cái ác của ác thú có thể là một phần phản chiếu cái ác của con người thì nếu ta nhận thấy cái tình trong ác thú thì nó cũng phải là phản xạ của cái bản tính tốt trong con người. Khi ngay cả nỗi đau chia ly tột cùng còn có thể được ngộ ra như một sự vỡ òa vào với vũ trụ tráng lệ thì còn cái gì không phải là đẹp.

Con đười ươi và ngựa vằn trong phim

Hai câu chuyện, cả hai đều có cùng kết cục, đều không thể chứng thực cái nào đã thực sự xảy ra một cách logic, và đều không trả lời được câu hỏi tại sao con tàu lại chìm, nhưng chuyện thứ nhất tạo cho ta cảm giác thích hơn, ngay cả những người vì định kiến bị buộc chỉ chấp nhận chuyện thứ hai thì cũng thấy không thích nó. Và chuyện về Chúa cũng tương tự như vậy, – so it goes with God. không ai chứng thực được có Chúa không, và dù tin có Chúa hay không có Chúa thì kết cục vẫn như nhau, câu hỏi tại sao vẫn không trả lời được. Nhưng đó là tất cả những câu hỏi về lý trí và định kiến. Còn trực giác, cảm nhận sâu thẳm thì đã có quyết định rất rõ ràng và hiển nhiên – câu chuyện thứ nhất thích hơn – nghĩa là sự tồn tại của Chúa hợp lòng người hơn, đáng tin hơn. Mặc dù rõ ràng kể về những chết chóc, chia ly, nguy hiểm, ăn thịt v.v. nhưng ấn tượng tổng thể vẫn là cái tình rung động, cái đẹp sững sờ, như Pha Lê nói, vậy thì đó chính là chứng minh trực quan nhất cho sự hiện diện của Chúa vậy.

Xét cụ thể hơn nữa, bộ phim không chỉ đem lại một cảm giác chung chung về sự có mặt của Chúa, mà còn tìm cách trả lời một số câu hỏi thần học cơ bản một cách rất cụ thể và logic:

Chúa hiển lộ trước Pi tại mấy thời điểm, luôn đi kèm với trạng thái ectasy:

1. Lúc dông bão trên tàu lớn, Pi rõ ràng cảm nhận được sự hiện diện diệu kỳ của Chúa, và cậu sướng điên lên khi một mình trên boong trong dông bão. Cậu gào lên gọi Chúa, và chúa đã trả lời bằng việc nhấn chìm con tàu. Cậu bàng hoàng, không hiểu. Nhưng thay vì một gia đình mà hàng ngày cậu chỉ toàn thấy những sự không thấu hiểu, của bố, của mẹ, của anh thì cậu có một ký ức thật diệu kỳ về tất cả mọi người, mà sau này cậu nói là điều đáng tiếc nhất là cậu không kịp nói là cậu đã nhận ra mình yêu mọi người biết bao. Như vậy, Chúa lấy đi người thân theo lẽ thông thường nhưng đã bù vào đó những người thân vĩnh viễn và sâu sắc.

2. Lần thứ hai Chúa hiển lộ cũng trong dông bão, lúc Pi ở trên tàu một mình với con hổ. Và ta mới thấy con hổ dũng mãnh, biểu tượng của sự hung dữ, mới thê thảm làm sao, hoàn toàn như một con mèo ướt bất lực bị quăng quật mà ai cũng phải thương. Vậy thì thắc mắc về chuyện tại sao Chúa tạo ra cái ác thật vớ vẩn. Trước một thế lực toàn năng như vậy, cái mà ta gọi là ác, là hung dữ như hổ mới đáng thương làm sao, vậy làm sao Chúa lại hơi sức đâu sáng tạo mấy thứ tẹp nhẹp ấy. Tình thương đối với cả con hổ, thấy thông cảm với nỗi sợ của nó, mới là thứ Chúa tạo ra, và đã chỉ cho Pi trong lần hiện mặt đó.

Pi và con cọp Richard Parker

3. Lần thứ 3 Chúa hiển lộ là khi Pi và hổ đều ngây người ngắm nhìn hình ảnh vũ trụ long lanh diệu kỳ dưới nước và trên trời. Điều đó khiến Pi ngộ ra là người và hổ đều có cùng bản chất, và là bản chất tốt, biết cảm động trước cái đẹp. Như vậy không những con người là sản phẩm tuyệt hảo, mà vạn vật cũng đều là sản phẩm tuyệt hảo của Chúa.

4. Lần thứ 4 Chúa hiện ra dưới dạng hòn đảo với những cây ăn thịt và nước axít. Với hòn đảo đó, Chúa cứu mạng sắp chết đói của Pi, nhưng đồng thời chỉ cho cậu rằng sống chết chỉ là một vận động chớp nhoáng của tự nhiên, và việc của cậu không phải là sợ cái chết, mà phải biết tận dụng thời gian sống của mình. Vì thế Pi đã quyết định rời đảo với những chuỗi ngày no đủ mà vô vị để đi tìm lại thế giới của mình.

Hòn đảo đầy Meerkat và cây ăn thịt trong phim

5. lần cuối cùng Pi gặp Chúa có lẽ là khi con hổ bỏ đi. Con hổ có thể nói là tượng trưng cho sự dũng cảm, ham sống, bản năng, là thứ đã rất cần thiết giúp Pi vượt qua những ngày trên biển. Cho dù đó là một con hổ thật, hay là một cá tính của chính mình thì Pi cũng cho rằng đó là một phép màu mà Chúa đã cử để giúp cậu thoát nạn. Sau những ngày dài, có lẽ cậu đã có cảm giác là Chúa có một sự ưu ái đặc biệt nào đó với mình chăng. Nhưng khi về đến bờ, được cứu, cậu đã mất hết sức lực, chỉ có thể khóc. Con hổ đã rời khỏi cậu. Nó không ngoái lại, khiến cậu không thể chắc là thực sự có một tình cảm giữa cậu với con hổ, với Chúa, hoặc nếu con hổ từng là khả năng của chính cậu thì nó là một đặc tính bền vững nào đó mà chúa dành cho cậu, hay chỉ là ngẫu nhiên. Đây là cân nhắc rất điển hình cho thắc mắc rằng Chúa có mục đích, có kế hoạch hay là một sự vô tư tuyệt đối. Về bề ngoài, có vẻ như vô tình, ngẫu nhiên, nhưng trong thâm tâm, rõ ràng Pi cảm thấy có gì đó. Và đó cũng lại là một đặc điểm nhận dạng của Chúa chăng.

Ý kiến - Thảo luận

2:56 Tuesday,17.9.2013 Đăng bởi:  Đào duy Triều

Lâu lắm rồi em mới đọc đươc một bài phân tích hay và cặn kẽ đến như vậy. Cách hành Văn dẩn ngươfi đọc đi thật sâu vào Bộ Phim. Cách dịch quá tuyệt. Câu cú quá chuẩn, Anh viết hay quá


...xem tiếp
2:56 Tuesday,17.9.2013 Đăng bởi:  Đào duy Triều

Lâu lắm rồi em mới đọc đươc một bài phân tích hay và cặn kẽ đến như vậy. Cách hành Văn dẩn ngươfi đọc đi thật sâu vào Bộ Phim. Cách dịch quá tuyệt. Câu cú quá chuẩn, Anh viết hay quá

 
11:52 Thursday,5.9.2013 Đăng bởi:  thach thai
lúc trước mình cũng từng viết cảm nhận về câu thoại cuối này, tuy nhiên có lẽ là một người công giáo (nhưng hoàn toàn ko ngoan đạo, và cũng hoài nghi về sự tồn tại của Chúa), nên suy nghĩ nghiêng về tôn giáo một chút, chia sẻ với bạn :D 
.
Không ai muốn tin vào một th
...xem tiếp
11:52 Thursday,5.9.2013 Đăng bởi:  thach thai
lúc trước mình cũng từng viết cảm nhận về câu thoại cuối này, tuy nhiên có lẽ là một người công giáo (nhưng hoàn toàn ko ngoan đạo, và cũng hoài nghi về sự tồn tại của Chúa), nên suy nghĩ nghiêng về tôn giáo một chút, chia sẻ với bạn :D 
.
Không ai muốn tin vào một thế giới mà con người chém giết nhau để sinh tồn. Vì vậy mà họ chọn một con hổ bengal tuyệt đẹp để tin vào.
Một đoạn khiến mình suy nghĩ là hòn đảo có hàng ngàn con chồn meerkat. Hình ảnh triệu triệu con chồn trố mắt nhìn, cùng một cử động, một sắc thái. Ở giây phút mà Pi nói rằng ‘hòn đảo này cho tôi thức ăn, nước uống, bình yên…’ , mình nhớ ra hình ảnh hàng người xếp hàng lên ăn bánh thánh trong nhà thờ, mình vẫn không hiểu ngậm miếng bánh tròn tròn trong miệng ấy làm gì, trong giây phút đó thì mình hiểu 
'Này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con, hãy ăn bánh này mà nhớ đến Thầy… này là máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội, các con hãy uống chén này mà nhớ đến Thầy'
Hình ảnh đó khác gì khi Pi đặt chân lên đảo và bứt ngay 1 ngọn cây xanh tươi bỏ vào mồm, lao vào hồ nước trong veo giữa đảo, uống ừng ực. 'Hòn đảo này cho tôi thức ăn, nước uống, và một chốn nghỉ ngơi, nhưng nếu ngủ quên trong đó, tôi sẽ bị ăn thịt, hòn đảo nuôi sống tôi, và dùng chính tôi làm thức ăn cho nó' 
Không có hòn đảo, có thể Pi đã chết vì đói khát.
Nhưng không có những kẻ tử vì đạo, tôn giáo có tồn tại không?
Và cũng tương tự như ông già noel, siêu nhân, các nàng tiên...
.
- So which story do you prefer?
- The tiger. It’s the better story.
- Thank you. And so it goes with God.
mình thích dịch như thế này hơn:
- Các anh thích câu chuyện nào hơn?
- Con hổ. Câu chuyện đó hay hơn nhiều.
- Vậy câu chuyện về Chúa cũng thế. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả