Gẫm & Bình

Chuyện bản sắc: “tiếp biến” hay là “tạo dựng”? 12. 07. 13 - 5:50 pm

Phạm Quang Hiếu

Trong chuỗi tranh luận về bản sắc, với các bài: Thái độ kiến trúc Việt: tinh giản, hòa hợp, chứ không cầu kỳ, áp chế (Trịnh Lữ), Đi tìm cái khác biệt để đạt được cái hòa đồng (Phó Đức Tùng), Làm sao nói chuyện bản sắc, hay tranh luận với anh Tùng vài điểm (Meo Architecto – Phó Đức Tùng), bạn Phạm Quang Hiếu có một ý kiến, Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi. Tên bài do Soi đặt.

 

 

Theo tôi, Việt Nam là một dân tộc thiên về tiếp biến hơn là tạo dựng. Và chẳng thể nào tìm thấy cái gọi là bản sắc theo kiểu một cái gì riêng biệt, độc đáo ở Việt Nam.

Nhìn lại trong văn hóa Việt, từ những gì còn được tìm thấy, bảo tồn, chúng ta không thể không thấy những dấu ấn văn hóa của nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) bao giờ cũng là những nét chính, đại cương, mang tính tư tưởng, hệ thống. Cái mà người Việt có thể nói là của mình chỉ là những nét nhỏ, phụ trợ, thêm thắt vào do biến tấu để phù hợp với đặc điểm địa phương hay thời cuộc. Từ chữ Nôm cho đến nhà thờ đá Ninh Bình; từ sân khấu Tuồng cho đến Truyện Kiều- Nguyễn Du; từ cách hành xử cho đến lối sống, lối nghĩ của con người.

Tính “tiếp biến” này có thể thấy trong hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) những gì được gọi là mếch in Việt Nam. Tuy nhiên/tất nhiên, nó không phải là sản phẩm đặc trưng riêng của Việt Nam.

Hai chục năm trước trong giới nghệ sĩ, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc được nhắc đến với một vẻ gì rất nghiêm trọng, rất cấp thiết. Rồi sau thì chìm nghỉm, tắt lịm! Lý do, theo tôi, là bởi các vị ấy cứ muốn tìm thấy một cái gì độc đáo chỉ riêng Việt Nam có hay ít nhất thì không có sự tương đồng lớn với ai. Và rồi không thể vượt qua được mâu thuẫn: Khi đặt cho bản sắc những yếu tố cụ thể (kiểu hình thức, công năng, tập quán như anh Tùng nói ở trên) thì thứ nhất thấy nó biến đổi không biết đâu mà lường, thứ hai thấy nó, của đáng tội, dây đầy những dấu vết ngoại lai, vay mượn. Ngược lại, đặt bản sắc vào những ý niệm rộng lớn hơn, trừu tượng hơn, như “linh hoạt” hay “tiếp biến” chẳng hạn, thì lại thấy nó phổ quát quá, dân tộc nào mà chả có ít hay nhiều!

Tôi không nghĩ khả năng tiếp biến là một cái gì riêng của người Việt. Và lại càng không cho nó là xấu xa.

Về mặt lịch sử khách quan, khả năng tiếp biến này có lẽ là do chúng ta ở cạnh anh Tàu và bị anh ta hành hạ một vài ngàn năm! Cả cái tính thụ động của người Việt nữa, hẳn là cũng do thói quen chờ anh ta đến đánh (chả có ông vua ông tướng nào, trừ Lý Thường Kiệt, dám đánh sang Tàu cả)! Và nhân dịp sang giao lưu với dân Viêt, anh ta cũng đem tư tưởng Nho gia tống vào mồm bắt chúng ta ăn, trong khi thẳng tay phá hủy những món ngon nghẻ khác mà trước đó dân Việt (có thể) đã sáng tạo được.

Nói về cái hay của khả năng tiếp biến thi có thể đưa ra ví dụ: Nhà thờ đá Ninh Bình. Đó là sự kết hợp của kiến trúc Việt vốn mang nặng ảnh hưởng của Tàu và tư tưởng, đức tin đến từ Phương Tây. Kết quả là nó chả giống kiến trúc Tàu-Việt đặc trưng và có đi khắp thế giới cũng chả có cái nhà thờ nào như thế! Mà lại đẹp! Chỉ tiếc là mô hình này không được nhân rộng và phát triển để hôm nay có thể trở thành một đặc trưng kiến trúc và góp phần vào cái gọi là bản sắc Việt!

Một ví dụ khác là người Nhật. Người Nhật có phải là một dân tộc tạo dựng ra những tư tưởng phi thời, có tầm ảnh hưởng toàn thế giới? Có phải là một dân tộc sản sinh ra những tôn giáo lớn? Có phải là một dân tộc có những phát minh khoa học nền tảng vĩ đại làm thay đổi thế giới? Tôi cho rằng câu trả lời là “không”. Ngược lại, người Nhật cũng là một dân tộc tiếp biến. Người Nhật cũng bị ảnh hưởng của Trung Hoa. Nhưng dường như họ đã tiếp nhận nó bằng một thái độ hết sức tự trọng và chủ động biến hóa nó thành những vật phẩm, tư tưởng đặc sắc của riêng mình. Phật giáo cũng được người Nhật tiếp thu từ Trung Quốc. Nhưng người nhật đã hành xử với nó theo một lối khác với người Trung Quốc, khác với người Ấn Độ, để rồi sáng tạo ra các thứ Kiếm Đạo, Trà Đạo, Cung thuật, bonsai, vườn cảnh mang phong vị Thiền…! Đến cuối thế kỉ 19, Nhật Bản cũng chỉ là một nước vớ vẩn như Trung Quốc và Việt Nam cùng thời kì. Nhưng họ khác hai quốc gia này, họ nhận thức được sự ngu dốt của mình trong tương quan với người Phương Tây (khi đó đã tràn ra khắp Thế giới). Họ cử người đi học. Họ tiếp thu các phát kiến khoa học của Phương Tây, dù thời đó họ chưa thoát ra khỏi tư tưởng phong kiến. Và kết quả thì như ta đã biết, Nhật trở thành một quốc gia có công nghệ bậc nhất, một nền dân chủ thực sự, và bản sắc của họ không những không mất đi mà còn được cả Thế giới ca ngợi. Phải nói rằng, người Nhật cực đoan nhưng không bảo thủ!

Về căn bản, tiếp biến luôn phải dựa vào một hệ thống có trước. Những phát kiến, sáng chế của nó chủ yếu là bồi da, đắp thịt, thay đổi, biến hóa trên một khung xương có sẵn. Nó không tạo ra một hệ thống mới. Trong khi đó, tạo dựng có khả năng nhặt nhạnh những yếu tố nhỏ lẻ chưa thành hệ thống, hay tách rời một vài phần tử của một hệ thống cũ tích hợp với một quan điểm mới để xây dựng một hệ thống mới. Newton chẳng hạn, ông ta xây dựng lý thuyết về lực hấp dẫn nhờ một quả táo rơi vào đầu!

Những gì tôi nói ở trên không phải kiến thức gì mới mẻ. Văn hóa tiếp biến của người Việt cũng không phải khó nhận thấy. Dấu vết Trung Hoa trong văn hóa Việt chẳng phải điều gì gây ngạc nhiên. Cái đáng ngạc nhiên là tại sao chúng ta không chấp nhận những điều thật lòng chúng ta thấy và nghĩ, để rồi cứ phải giả vờ đi tìm bản sắc như thể một cái gì đó sâu xa lắm, khó nhận thấy lắm, mơ hồ lắm lắm lắm?!

Vâng ạ, trong bất cứ yếu tố cấu thành nào của văn hóa Việt, chỉ cần mở mắt ra là thấy những tính chất kể trên. Không hiểu chúng ta cứ mỏi mắt đi tìm cái bản sắc bí hiểm kia ở đẩu đâu đâu để làm cái quái gì cơ chứ?

Tại sao chúng ta không tắt đi cái luận điệu sặc mùi tự sướng rằng chúng ta có một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc”?!

Tại sao chúng ta không thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng văn hóa Việt, trong tương quan với các nền văn hóa khác, là một nền văn hóa nghèo nàn, mờ nhạt, chẳng có chi độc đáo, đa phần là vay mượn?

Tại sao chúng ta không thể chấp nhận một thực tế là văn hóa truyền thống của Việt Nam là một nhánh nhỏ của nền văn minh Trung Hoa, hay nói một cách phũ phàng hơn như người Phương Tây đã nói: văn hóa Việt chỉ là một dạng văn hóa Trung Hoa thứ cấp?!

Trong hoàn cảnh lịch sử của mình, cha ông ta giữ được nước đã là giỏi lắm rồi! Ước mơ một đất nước phồn thịnh, một nền văn hóa giàu sang, sáng tạo, đạt tới trí tuệ, văn minh… làm gì có được trong bối cảnh lúc nào cũng tay cày tay mác, lòng nơm nớp lo không biết thằng Tàu nó đánh mình lúc nào!

Cái ước mơ ấy chỉ có thể thực hiện được bây giờ và tương lai, chứ không phải quá khứ.

Quay trở lại quá khứ kiếm tìm bản sắc, nhìn nhận nền tảng, gốc rễ của mình cũng rất ok! Tuy nhiên, bản sắc nó không phải là cái gì mờ mịt vô hạn lắm đâu, ngược lại, nó hữu hạn và biến đổi. Và quan trọng là khả năng chấp nhận sự thật, dù sự thật ấy có phũ phàng đến đâu đi nữa. Chấp nhận quá khứ để có thể thay đổi hiện tại và tương lai, để có thể đặt ra một câu hỏi khác: Tại sao phải là “tìm kiếm bản sắc” mà không phải là “tạo dựng bản sắc”?

(có thể còn nữa  :-D)

 

*

 Bài liên quan:

– Đi tìm cái khác biệt để đạt được cái hòa đồng  
– Thái độ kiến trúc Việt: tinh giản, hòa hợp, chứ không cầu kỳ, áp chế
 
– Làm sao nói chuyện bản sắc, hay tranh luận với anh Tùng vài điểm     
– Chuyện bản sắc: “tiếp biến” hay là “tạo dựng”?  

– Đừng nhầm bản tính với bản sắc  
– Muốn giản thì phải tinh, muốn tinh thì phải cầu kỳ. Ta thì không tinh…   
Chuyện bản sắc: “tiếp biến” hay là “tạo dựng”?   

Ý kiến - Thảo luận

9:38 Friday,28.2.2014 Đăng bởi:  Ha Anh Tu
Chào cả 2 anh!
Tôi đã đọc rất kỹ bài viết cùng với những chiêm nghiệm cá nhân! Thú thực tôi không dám chắc về "bản sắc" Việt có hay không, nhưng ít ra tôi đọc bài viết còn thấy hiểu. Với bình luận của anh TL thì thú thực là như đi ngang 1 cái chuồng lợn đang bu
...xem tiếp
9:38 Friday,28.2.2014 Đăng bởi:  Ha Anh Tu
Chào cả 2 anh!
Tôi đã đọc rất kỹ bài viết cùng với những chiêm nghiệm cá nhân! Thú thực tôi không dám chắc về "bản sắc" Việt có hay không, nhưng ít ra tôi đọc bài viết còn thấy hiểu. Với bình luận của anh TL thì thú thực là như đi ngang 1 cái chuồng lợn đang buổi chờ ăn cám!!
 
1:22 Monday,15.7.2013 Đăng bởi:  Tùng Lâm

Trong dân gian và cũng chính trong diễn đàn này mình có từng đọc được 1 câu “nói như vẹt” tìm hiểu mãi thì mới hiểu được nó ám chỉ những người chỉ biết nói theo mà chẳng hiểu gì. Trong trường hợp này thì không đúng như thế, bạn vẫn hiểu nhưng cái
...xem tiếp

1:22 Monday,15.7.2013 Đăng bởi:  Tùng Lâm

Trong dân gian và cũng chính trong diễn đàn này mình có từng đọc được 1 câu “nói như vẹt” tìm hiểu mãi thì mới hiểu được nó ám chỉ những người chỉ biết nói theo mà chẳng hiểu gì. Trong trường hợp này thì không đúng như thế, bạn vẫn hiểu nhưng cái hiểu của bạn chưa căn cơ lắm, dẫn đến việc ngộ nhận trong quan điểm nhận xét cũng là điều dễ hiểu.
Đúng ra tác giả bài viết phải là người nắm rõ, biết rõ mình viết cái gì hơn bất kỳ người nào khác nhưng ở bài viết này thì gần như là ngược lại, nên mình đành phải dông dài thêm tí nữa vậy.
Việc phân chia một hình vẽ là hết sức dễ dàng và tùy ý, nó không như 1 cơ thể sống muốn chia sao thì chia. Trong bất cứ vật thể hữu cơ hoặc vô cơ nào cũng đều có tỉ tỉ những chi tiết, bộ phận nhưng để dễ quản lý cũng như nắm bắt, thông thường vẫn phải được chia ra thành những phần lớn tùy vào tính chất và cách hiểu của người chia sao cho nó hợp lý, nhưng điều quan trọng là vẫn phải hiểu rằng. nó chính là một. Chia ra rồi cho rằng nó là 2 hay nhiều hơn một cách độc lập thì anh chính là 1 trong 5 thầy bói mù xem voi.
Mình chẳng có nhầm lẫn gì ở đây khi các khái niệm này là khá rõ ràng, chỉ tiếc cho tác giả vẫn còn mơ hồ kiểu thầy bói xem voi khi tách vấn đề thành 2 bộ phận riêng rẽ mà vẫn không nhận thức rằng chúng nó chỉ là 1.
“Tiếp biến” theo bạn là tiếp nhận và biến đổi, vậy sau khi biến đổi thì nó phải tạo ra cái gì chứ nhỉ? Chẳng lẽ chỉ biến đổi rồi dừng à? Bạn đã biến đổi thì kết thúc quá trình biến đổi là bạn phải tạo ra cái mới khác cái cũ và cái mới này chính là cái bạn “tạo dựng” được qua quá trình “tiếp biến” chứ còn gì nữa.
VD: bạn mua 1 chiếc xe máy rồi “độ” lên, chế thêm vào những bộ phận khác mà chiếc xe nguyên bản không có, để làm gì? Dĩ nhiên là để tạo ra 1 cái xe mới khác với cái xe cũ rồi. Đây chính là quá trình “tiếp biến” và kết quả cuối cùng là để tạo ra 1 cái xe mới khác với cái xe cũ, đây không phải là “tiếp biến” để tạo dựng ra cái mới thì là cái gì(?)
“Tạo dựng” tức là sáng tạo, tạo tác, xậy dựng, dựng lên. Đọc xong mà muốn té ghế, từ nào bạn cũng cứ tự tiện tách ra để giải thích như thế này thì … bạn xem ngôn ngữ Việt Nam tầm thường đến thế cơ à. Mình tạo ra 1 tác phẩm nhưng mình không hề sáng tạo vì mình sao chép của người khác, nên “tạo” ở đây không phải là sáng tạo đâu HIếu ơi.
VD: Bạn nhìn thấy 1 con ngựa. Bạn mong muốn tạo ra 1 phương tiện đi lại nhanh như nó. Bạn có trong tay sắt, thép, cao su, dầu khí…bạn có kỹ thuật hàn, cắt, khoanBạn tìm tòi rồi hiểu biết phương pháp chế tạo động cơ…Sau những nỗ lực nhất định, bạn sáng tạo ra 1 chiếc xe máy. Hãy nhìn những dòng bôi đen xem bạn đã cố gắng lèo lái để hợp thức hóa “tạo dựng” theo suy nghĩ của bạn nó mâu thuẩn và ngây ngô như thế nào(?) “sáng tạo” là dùng để chỉ ý tưởng không thể sờ mó bằng tay được, để đúng từ, đúng nghĩa bạn nên nói rằng sau những nổ lực nhất định, bạn “tạo” ra 1 chiếc xe máy thì nghe nó thuận và hợp lý hơn là “sáng tạo” bạn nhỉ.
“Bạn tìm tòi rồi hiểu biết phương pháp”  há đây chẳng phải là quá trình tiếp nhận hay sao?
“Từ sắt, thép, cao su, dầu khí…bạn sáng tạo ra 1 chiếc xe máy” từ những cái vô tri bạn tạo nên 1 chiếc xe máy hữu dụng đây chẳng phải là quá trình biến đổi hay sao? Kết thúc của quá trình biến đổi này là gì? 1 chiếc xe máy ra đời. Sản phẩm cuối cùng là chiếc xe máy được tạo ra không phải là kết quả cuối cùng của quá trình “tiếp biến” à(?)
Nếu đã hiểu thế nào là “tiếp biến” thì chắc bạn cũng không còn phải tự phân nó thành là hệ thống hay là nhỏ lẽ nữa chứ nhỉ.
Ông Picasso tạo ra tranh lập thể là do quá trình tiếp thu và biến đổi những cái vụn vặt để tạo thành tác phẩm lập thể, chứ chẳng phải tự nhiên ông tạo dựng được tranh lập thể như thế mà không qua quá trình tiếp thu và biến đổi tức là “tiếp biến” để tạo dựng nên trường phái tranh lập thể.
VD: khi bước vào 1 căn biệt thự với nhà cửa, nội thất, tài sản, vườn tược… khi được khách tán dương tỏ vẻ khâm phục trước sự giàu có của chủ nhân nhưng có tí thắc mắc về cấu trúc của căn nhà, thì chủ nhân có học thức, hiểu biết sẽ dõng dạc tiên bố rằng cơ ngơi này là do 1 tay tôi tạo ra, nhưng ngôi nhà này là do công ty abc gì đấy xây dựng.
Qua ví dụ trên rõ ràng “tạo dựng” có tính bao quát hơn “xậy dựng” nhưng nó vẫn là kết quả của một quá trình chứ không phải từ dưới đất chui lên như cách hiểu của tác giả HIếu.
Hy vọng với giải thích căn kẻ, thấu đáo như thế này tác giả sẽ không còn nhầm lẫn và hiểu rõ hơn về ngôn ngữ Việt trên con đường viết lách của mình. Nguyên tắc của Tùng Lâm là chỉ bảo và giải thích cho bất kỳ đối tượng nào cũng chỉ 3 lần thôi, sau 3 lần mà không hiểu thì xem như vấn đề đi đến vô tận, tốt nhất không nên tranh luận vấn đề này nữa để giữa hòa khí anh em trong diễn đàn.
 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả