Điện ảnh

Khi Roger Ebert qua đời, người bị ông chê cũng phải tiếc nuối 16. 04. 13 - 6:33 am

Pha Lê tổng hợp

Ngày 4 tháng Tư, nhà phê bình phim có ảnh hưởng nhất và được yêu mến nhất Mỹ, Roger Ebert, qua đời. Ông viết bình phim cho tờ Chicago Sun-Times, và là nhà phê bình đầu tiên được gắn sao trên đại lộ danh vọng của Hollywood.

Roger nhận sao trên đại lộ danh vọng.

Năm 2002, ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp, và tháng Tư năm nay ông mất sau một thời gian dài đối chọi với bệnh tật. Một tuần trước khi ông mất, Roger vẫn còn viết phê bình phim. Ông yêu phim, không chỉ phim Mỹ, mà còn yêu phim nước ngoài. Nhờ ông mà khán giả Mỹ biết đến những Park Chan-wook với Miyazaki.

Tôi biết tin ông mất từ sớm, nhưng không vội viết bài ngay. Tôi nghĩ rằng nếu chỉ tóm tắt sự nghiệp của Roger và đưa tin là chưa xứng đáng với những gì ông làm được. Tôi biết chắc thể nào các diễn viên, đạo diễn, nghệ sĩ điện ảnh… cũng sẽ gửi statement để tưởng nhớ Roger. Không gì nói lên tài năng lẫn phẩm chất của Roger nhiều hơn việc đọc những dòng của những nghệ sĩ từng được (hoặc bị) ông viết bài bình. Sau đây là những statement tập hợp được.

Đạo diễn lẫy lừng Steven Spielberg viết “Roger yêu phim. Chúng là cuộc đời của anh ấy. Những bài bình của anh đi sâu hơn (vào phim) chứ không chỉ đơn giản là kể lại rằng phim đó hay (thumbs up) hay dở (thumbs down). Qua kiến thức về phim và lịch sử phim, Roger viết với lòng đam mê; nhờ vậy, anh đã giúp nhiều tác phẩm tìm được khán giả.”

Roger và Steven, năm 1996

Tổng thống Obama cũng nói về Roger như sau “Roger chính là phim. Khi  không thích một bộ phim nào đấy, ông sẽ nói thật lòng; còn khi  thích một bộ phim, ông sẽ dành hết tình cảm cho nó – ông nắm bắt được sức mạnh đặc biệt của phim để dẫn dắt chúng ta đến một nơi vô cùng kỳ diệu. Ngay cả trong lúc chiến đấu với bệnh ung thư, ông vẫn làm việc hiệu quả và bền bỉ – tiếp tục chia sẻ đam mê lẫn cách suy nghĩ của mình cho thế giới. Các bộ phim sẽ không được như xưa nữa khi thiếu Roger, và chúng tôi dành những suy nghĩ cũng như lời cầu nguyện cho Chaz (vợ của Roger) cùng những thành viên còn lại trong gia đình Ebert.”

Roger và vợ Chaz trong ngày cưới. Một mặt thì ông rất phóng khoáng, ủng hộ bình đẳng giới, bình đẳng chủng tộc, kêu gọi quyền lợi cho người đồng tính; Nhưng một mặt ông cũng muốn Mỹ kìm hãm sự phát triển theo kiểu Tư bản, xã hội hóa Y tế, thắt chặt luật sử dụng súng. Ông cũng không thích phim 3-D cho lắm.

Diễn viên tài năng Robert Redford (cũng là người sáng lập nên Liên hoan phim Sundance) tiếc thương Roger bằng những dòng này “Roger Ebert là một trong các nhà vô địch của (công cuộc đấu tranh cho) quyền tự do thể hiện của nghệ sĩ. Khi chưa ai biết đến sức mạnh của phim độc lập và ít người dám ủng hộ chúng, Roger đã có mặt để giúp đỡ nghệ sĩ chúng tôi.”

Robert Redford cũng luôn là người đầu tiên đứng lên yêu những tác phẩm mà người thường lẫn các nhà phê bình ít biết đến hoặc không yêu. Lúc Mike Leigh mới ra mắt tác phẩm đầu tay, gần như chả ai hiểu nổi bộ phim này trừ Roger. Từ  Anh Quốc, Mike gửi statement về Roger: “Roger Ebert không giống với các nhà bình phim khác; ông ấm áp, có lòng bao dung, rất nhiệt huyết và có cái nhìn vô cùng chính xác. Không cay cú, không phán xét vô cớ, ông luôn nắm bắt được bản chất của việc bạn đang làm… Ông còn là người phỏng vấn rất tuyệt, quyến rũ và dí dỏm, ngay cả sau khi mắc bệnh ung thư, lúc thanh quản đã bị cắt, ông vẫn kiên cường dùng máy nói chuyện.”

Hình chụp Roger sau khi điều trị ung thư. Ông phải cắt một phần hàm, cắt thanh quản. Roger không nói được nữa mà phải dùng máy, và ăn uống bằng cách hút chắt lỏng bằng ống, nhưng ông vẫn phê bình phim đều đặn.

Ngay cả những người có phim Roger không thích cũng phải tiếc nuối. Đạo diễn phim hoạt hình “Câu chuyện đồ chơi phần 3” (Toy Story 3), Lee Unkrich, viết: “Bạn có thể đo đếm được tôi tôn trọng Roger Ebert đến dường nào, tôi đã vô cùng thất vọng khi biết rằng Roger không thích Toy Story 3 hơn (tôi tưởng)”.

Bạn có thể đến trang rogerebert.com để tìm những bài bình phim của ông. Tôi đặc biệt thích những bài phỏng vấn Roger thực hiện; thể nào cũng sẽ dịch một số cho mọi người cùng đọc.

 

*

Bài liên quan:

– Khi Roger Ebert qua đời, người bị ông chê cũng phải tiếc nuối 
– Ebert và Ang Lee – phần 1: Tây phỏng vấn Đông về phim và cọp

– Ebert và Ang Lee – phần 2: Khi người hiền lành thích làm phim xung đột
 
– Roger Ebert phỏng vấn Miyazaki: Những cảnh “ma” để phim hoạt họa còn “thở”

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Luật của comment

RaumuongNoigian & SOI

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả