Bàn luận

Sống chung, sống đẹp với kiểm duyệt 14. 04. 13 - 2:25 pm

Lê Hà

Tôi đọc ba bài của ba bạn, Lê Hồng Lâm, Trần Quang Lu, và Thiên Lương, dù có mâu thuẫn nhau, chống lại nhau, thì điều sung sướng và an ủi lớn nhất đối với tôi vẫn là: trong xã hội này, vẫn còn những con người muốn tranh luận về những vấn đề văn hóa nghiêm túc.

Vâng,  bạn cứ thử đến một cuộc họp báo ngày nay mà xem, đâu rồi cái thời của các nhà báo, phóng viên thông minh, có chính kiến, và có cá tính trong đời thật nữa. Giờ đây, bạn gặp một đội ngũ những cô cậu tre trẻ như vừa mới tốt nghiệp trường báo chí, hoặc được gia đình gửi vào một tờ nào đấy, còn đang say mê với công nghệ Ipad, Iphone, cả buổi họp báo chỉ thấy cắm mặt vào màn hình hoặc cắm miệng vào tai nhau thủ thỉ. Thông cáo báo chí có đấy, lời phát biểu có đấy, về cắt xẻo và đưa lên, muốn câu view thì giật cái tít thật thảng thốt, “Kinh hoàng chuyện…”, “Choáng với việc…”, “Hãi hùng chuyện…”, “Rơi nước mắt trước…” Hãy nghĩ xem, hàng chục triệu dân nước này – một nước vốn thu thập kiến thức chủ yếu qua đường báo – phụ thuộc vào những nguồn tin, nguồn suy nghĩ của những con người như thế. Làm sao dân trí không thấp đi, làm sao không thực dụng dần, làm sao không cướp giết hiếp nhiều, khi mà với những người đưa tin, chỉ cướp giết hiếp mới là hấp dẫn, còn nghe xem đọc là chán, là ngán, là nản.

Vì thế, mở rộng ra, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Một hội đồng duyệt, nói như bạn Thiên Lương, tuy “có vai trò như một đoàn Bồi Thẩm do nhà nước trao quyền, với nhiệm vụ quyết định xem cuốn phim đó có phù hợp với xã hội Việt Nam hiện nay hay không, nên thậm chí họ có thể không cần biết làm phim cũng chẳng sao cả”, nhưng nếu là những người kém, hẹp hòi, luôn sợ hãi, thì những thứ mà anh/chị ấy cho qua cũng sẽ là những sản phẩm phản ánh mức độ anh/chị ấy “tiêu hóa” được, thấy “ổn” được. Ngược lại, nếu hội đồng duyệt là những người tài giỏi, có nghề, bản lĩnh chính trị vững, biết nhìn xa trông rộng…, thì cái vòng kiểm duyệt tuy vẫn phải có nhưng sẽ được nới lỏng ra, đến sát cái giới hạn tối đa mà vẫn giữ vững được an toàn chung cho xã hội.

.

Vậy thì chẳng là tốt sao, khi luôn luôn có những người như Lê Hồng Lâm, đấu tranh để cái vòng kiểm duyệt được nới lỏng ra (mà vẫn không để rơi vào phi chính phủ). Và cũng là tốt luôn, khi có một lực lượng cân bằng lại, phản biện lại, cho vai trò giữ an toàn xã hội của một nhà nước. Lý tưởng nhất, nói như Trần Quang Lu, cả hai đều phải biết hỏi “vì sao?” (why) và cả hai cùng phải học cách “làm thế nào?” (how), nhưng cái chữ “how” ấy phải hướng về sự hiểu nhau. Nhà làm phim cần học cách làm sao đi đến tối đa cái biên độ sáng tạo cho phép. Nhà kiểm duyệt thì cần học cách làm sao nới được đến tối đa cái mức cho phép. Cả hai đều phải nghĩ đến người hưởng thụ, là một đám đông không đồng đều về trình độ, khác nhau về giới tính và thành phần. Dân trí càng đồng đều cao thì dân chủ mới càng dễ áp dụng và kiểm duyệt càng vắng bóng, tôi nghĩ thế.

Đó là nói chuyện lý tưởng, và nói lý tưởng thì dễ lắm. Ở nước ta thì sao? Lúc này đây? Với bộ phim Bụi đời Chợ Lớn này?

Tôi chưa được xem phim này, nhưng theo những gì báo chí đưa, tôi thấy Hội đồng duyệt của Cục Điện ảnh đã làm một việc dại dột. Khôn ra, họ chỉ cần cấm phổ biến phim này vì đã không sửa kịch bản theo yêu cầu (phim của Việt Nam “thuần” thì không cần duyệt nếu không lấy kinh phí nhà nước, nhưng phim của người nước ngoài, Việt Kiều quốc tịch nước ngoài thì phải duyệt kịch bản trước). Họ không cần nêu những lý do tủn mủn, kiểu: “việc hàng trăm người dùng lưỡi lê đâm chém nhau ngày này qua ngày khác mà không có sự xuất hiện của dân hay bất cứ lực lượng nào là điều không thực tế” (lời bà Cục trưởng Ngô Phương Lan). Biết thế nào là thực tế, khi mà trên một đất nước Việt Nam dài dằng dặc này, có những vùng đất, những hoàn cảnh mà nếu chỉ ngồi trong văn phòng Cục, đọc báo mạng và báo cáo thôi thì không thể nào biết được. Không thể lấy cái trải nghiệm cá nhân ra để nói nó là không thực tế và phủ nhận.

Vin vào một cảm quan hạn hẹp để phủ nhận hết thì tội cho người làm phim lắm. Sao không tìm cách để mọi việc cùng vớt vát được. Đùa thôi, nôm na thôi nhé, thí dụ muốn biến một thực tế cá biệt (băng nhóm đánh nhau đông đảo mà không có dân phòng xuất hiện) thành một thực tế có tính phổ quát hơn, dễ chấp nhận hơn, có khi chỉ cần thêm một cảnh quay: từ một ngõ nhỏ (bên hông chợ vải Soái Kình Lâm chẳng hạn), một đứa bé hớt hải chạy đến, hô: “Công an, công an!”, và thế là tất cả biến hết, trên khu đèn Năm Ngọn chỉ còn lại người bị thương, máu đổ, dép rơi, và hung khí…

Viết đến đây, tôi lại nhớ lại đoạn kết trong bài của bạn Thiên Lương: “Các danh nhân văn hóa lại hay sinh ra trong những thời kỳ tăm tối nhất của lịch sử. Tư Mã Thiên, Solzhenitsyn, Lỗ Tấn, Mạc Ngôn đâu có may mắn được sống trong nền dân chủ kiểu phương Tây?” Đúng, khi nói thế, Thiên Lương đã thừa nhận một thực tế là chúng ta đang sống trong thời tăm tối? Và chính bạn cũng đã thừa nhận, nền dân chủ kiểu phương Tây là may mắn?

Hí họa của Mana Neyestani (Iran)

Thôi không trách ai cả, chỉ biết rằng, để thoát ra khỏi sự tăm tối này, để đạt đến bầu không khí may mắn kia, cần nỗ lực của tất cả mọi người: nghệ sĩ cần dũng cảm nhưng tôn trọng luật, người của bộ máy cần phải giỏi (để biết cảm thông), đúng luật, không dùng cảm giác để át chuyên môn; và hơn tất cả, toàn bộ nền truyền thông – nguồn “dinh dưỡng tinh thần” cho dân Việt Nam – cần phải có trách nhiệm hơn về vai trò của mình: nâng dân trí để tất cả cùng lên cao hơn. Trên cao không khí sẽ sạch hơn, thơm hơn, và xứng đáng hơn.

 

*

Bài liên quan:

Xứ sở sợ hãi kì cục và chốn tận cùng của thế giới?
Chỉ biết hỏi “why” mà không chịu học “how”
Đừng đổ lỗi chính quyền, đừng tấn công cá nhân, đừng lờ đi là mình ngu dốt
– Sống chung, sống đẹp với kiểm duyệt

– Các nhà làm phim Việt: liệu họ có quyền lựa chọn?

– Thử bình tĩnh hơn khi nghĩ về kiểm duyệt
 
– Kết thúc có hậu cho một vụ lùm xùm

Ý kiến - Thảo luận

13:48 Monday,15.4.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Hữu Tuấn
Cải thiện công tác kiểm duyệt phim ở VN như thế nào? Kiểm duyệt là không thể tránh được, bản thân tôi cũng cảm thấy cần phải có sự thẩm định ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên mọi người phải hiểu được rằng, các nhà làm phim và các nhà quản lý nhà nước thực chất ch
...xem tiếp
13:48 Monday,15.4.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Hữu Tuấn
Cải thiện công tác kiểm duyệt phim ở VN như thế nào? Kiểm duyệt là không thể tránh được, bản thân tôi cũng cảm thấy cần phải có sự thẩm định ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên mọi người phải hiểu được rằng, các nhà làm phim và các nhà quản lý nhà nước thực chất chỉ là 2 đội bóng. Và một trận đấu bóng đá thì cần có trọng tài và luật FIFA thì mới thật sự là một cuộc chơi đẹp và chuyên nghiệp. Đối với ngành điện ảnh, trọng tài chính là cơ quan tư pháp, Luật là Luật điện ảnh, và FIFA là Quốc Hội. Trọng tài có thể bị mua bởi một trong hai bên, nhưng Luật và FIFA thì vô cùng khó. Vậy thì mọi người sẽ tìm ra được giải pháp cho vấn đề kiểm duyệt, nếu nhìn vào chính bộ Luật điều chỉnh các nhà làm phim - Luật Điện Ảnh 2006. Luật này quy định rất rõ ràng Quyền hạn và Tránh nhiệm của các cơ quan thẩm định phim, nhưng lại không hề quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với các cơ quan này và các cá nhân tham gia thẩm định, trong trường hợp để ra sai sót. Vô hình chung đưa đến cho các hội đồng thẩm định một quyền lực gần như tuyệt đối. Nhưng chính vì mới chỉ "gần như" chứ không "hoàn toàn" mới gây ra vấn đề, tôi sẽ trình bày ở dưới. Vì vậy, để cải thiện công tác kiểm duyệt, tôi thấy cần phải đưa ra các chế tài. Nó cần thiết vì 2 điều sau:
 
1/ Quyền lực của Hội đồng thẩm định không phải là tuyệt đối vì không hề có dòng nào trong Luật nói rằng các quyết định của Hội đồng là tối thượng và không bao giờ sai. Nếu sai thì vẫn có thể bị phạt. Nhưng bản thân cá nhân tham gia thẩm định phim lại không thể biết rõ là nếu trong trường hợp phải chịu chế tài thì họ sẽ bị xử lý đến mức độ nào. Tâm lý chung của con người là sợ những gì chưa biết. Tâm lý này chính là nguyên nhân dẫn đến những quyết định làm người ta thở dài của các Hội đồng thẩm định. Bởi vì, bản thân cá nhân thẩm định không dám phạm sai lầm, không dám phạm sai lầm vì không biết mình sẽ bị phạt đến mức nào. Cần phải đặt mình vào vị trí của một người thẩm định để hiểu rõ tâm lý của họ, tránh nhiệm được quy định cho họ là rất lớn, trách nhiệm do lương tâm nghề nghiệp với đồng nghiệp là rất lớn, nhưng trách nhiệm với gia đình và bản thân thì luôn luôn là lớn nhất. Suy cho cùng khi tham gia vào Hội đồng, ngoài số tiền bồi dưỡng, họ không có bất kỳ quyền lợi đặc biệt nào cả, tại sao phải tự gây nguy hại cho bản thân bằng một thứ "quyền rơm vạ đá" bị đặt vào tay?
Khi có chế tài rồi, người thẩm định sẽ an tâm hơn. Ít nhất họ cũng biết họ sẽ bị phạt đến mức nào để có cơ sở cân nhắc. Ngoài ra, nó cũng mở ra một con đường để có thể "đi đêm cửa sau" cho các Hãng sản xuất và phát hành phim. Ví dụ như một cam kết ngầm với Hội đồng, nộp phạt thay cho họ các mức phạt hành chính mà họ có thể phải chịu chẳng hạn (trường hợp bị xử bằng Luật Hình sự đối với thẩm định phim chắc là không nhiều, chủ yếu là phạt hành chính thôi). Số tiền phạt hành chính chắc chắn sẽ chẳng bao giờ đáng kể so với chi phí đã bỏ ra để sản xuất phim, và số doanh thu có thể bị mất nếu bị cấm chiếu. Nhưng điều này lại không quan trọng bằng điều thứ 2 tiếp theo.
2/ Khi có chế tài rồi, nó sẽ mở ra cánh cửa để các Hãng khiếu nại, khiếu kiện có hiệu quả trong trường hợp không hài lòng với quyết định của Hội đồng thẩm định. Rõ ràng là, một quyết định cấm phổ biến là phương hại đến quyền lợi của doanh nghiệp, bất kỳ Hãng nào cũng có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo đúng trình tự và quy định tại Luật khiếu nại - tố cáo. Nhưng lâu nay chưa có tiền lệ cho việc này, mặc dù đã có những trường hợp thiệt hại nặng như Bẫy Cấp Ba, hoặc phim TH Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long. Nếu mà ngay bản thân những người trực tiếp bị thiệt hại còn không dám đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình, thì những người ở ngoài còn biết làm gì hơn là thở dài góp ? Nguyên nhân phần lớn là vì tâm lý "kiện củ khoai", rất dễ hiểu trong hoàn cảnh nước ta. Nhưng cũng phải kể đến một phần là do không có chế tài xử phạt Hội đồng thẩm định. Như vậy thì cơ quan tư pháp cũng rất khó để xét xử, mà bản thân doanh nghiệp cũng không có cơ sở pháp lý mạnh để tăng thêm phần thắng tại pháp đình. Các chế tài này sẽ làm tăng tính dân chủ của bộ Luật Điện Ảnh, và tăng tính dân chủ trong quan hệ giữa người làm phim và cơ quan quản lý nhà nước. Đây mới là điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, có thể nói là lớn lao đối ngành Điện ảnh, và còn có thể có ý nghĩa rộng hơn nữa. Tổng kết lại, tôi muốn nói là cái mà các nhà làm phim cần làm là kiệm toàn bộ Luật điện ảnh. Còn nhiều điều khác cần sửa đổi trong Luật này, nhưng với riêng công tác kiểm duyệt thì phải yêu cầu sửa đổi bổ xung các chế tài xử phạt các cơ quan có chức năng thẩm định phim. Để làm được thì các Hãng lớn cần dựa vào mối quan hệ vốn có với các cấp quản lý nhà nước, yêu cầu hoặc phải lobby để đưa việc này vào chương trình nghị sự của Quốc Hội, hoàn toàn có thể làm ngay trong kỳ họp Quốc Hội gần nhất sắp tới. Chỉ e là cha chung không ai khóc mà thôi. 
22:25 Sunday,14.4.2013 Đăng bởi:  Thành Lê

@diango:
Tôi xin có ý kiến khác, hy vọng là không lạc đề. Bản thân tôi từng viết bài có đoạn sau:
"Hôm nay, không phải ai khác, chính truyền thông Việt Nam đã sản sinh ra cụm từ “truy sát nhau như phim hành động” để tả cảnh giang hồ hỗn chiến ở đô thị, ngay giữa
...xem tiếp

22:25 Sunday,14.4.2013 Đăng bởi:  Thành Lê

@diango:
Tôi xin có ý kiến khác, hy vọng là không lạc đề. Bản thân tôi từng viết bài có đoạn sau:
"Hôm nay, không phải ai khác, chính truyền thông Việt Nam đã sản sinh ra cụm từ “truy sát nhau như phim hành động” để tả cảnh giang hồ hỗn chiến ở đô thị, ngay giữa ban ngày. Vậy thì tại sao việc quảng bá và công chiếu phim hành động lại “hồn nhiên”, “vô tư” đến thế, trong khi Hội đồng duyệt phim “ngày xưa” soi từng milimét phim một..."
Không phải để khoe hàng đâu, nhưng dẫn thế để nói hôm nay tôi lại đi đến một ý kiến khác hơn, về công tác của những thợ SOI trong biên chế. Đó là, không cẩn thận sẽ như các cụ nói: L... không giữ, lại giữ váy... 
Ý tôi là các thể loại Hội đồng duyệt nhăm nhăm nhìn cái khác, trong khi những thứ vô cùng đáng ngại thì cho qua. Vẫn vì các cụ  từng dạy: không ai nắm tay từ sáng đến tối. Hy vọng không lạc đề.
(Xin phép Soi cho viết tắt. Cảm ơn, ít nhất vì chữ ấy tôi không dám nói bao giờ).

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả