Đi & Ở

Biến phòng ký túc xá thành triển lãm tương tác mở 12. 04. 13 - 6:08 am

Bùi Trà My

Thư cảm ơn dán ngoài ngõ.

Mới đây, ở trường tôi1 các bạn sinh viên sau đại học có tổ chức một triển lãm mở nho nhỏ có tên là Flat 34 tại một trong những khu ký túc xá sinh viên gần trường. Không gian triển lãm là một mặt bằng căn hộ có 5 phòng ngủ đơn, một hành lang tương đối dài, một phòng kỹ thuật nhỏ và một căn bếp sinh hoạt chung rộng rãi. Trên diện tích 90 mét vuông được xẻ nhỏ đó có 12 tác phẩm bao gồm ảnh, trình diễn thị giác, phim tài liệu, sắp đặt và tương tác đa phương tiện.

Trong số những tác phẩm đó, tôi ấn tượng nhất là đoạn phim được chiếu trên màn hình máy tính xách tay 15 inch đặt trong phòng kỹ thuật tối om trống trải, chỉ có một cây lau nhà và mấy đường ống nước dựng đứng. Phim là phim câm, có nghĩa là có một vài tiếng động lạch cạch của máy quay, của băng chạy nhưng người thì im không nói. Trong phim, một cô gái trẻ mặc quần áo ở nhà ngồi bên máy giặt và lò nướng. Cảnh thì cô ngồi im lặng với mấy con cá chết ngắc ngứ xếp trên sàn bếp. Cảnh thì cô trải ra xếp sắp thứ vật liệu gì đó nhìn tương tự như cát và giả vờ làm động tác bơi. Sau đó , không hiểu thế nào mà đầu cô ấy chui tọt vào máy giặt, ngủ mơ trong đấy, đèn tóm tắt dần tối thui. Cuối cùng, cái ô tròn của máy giặt bỗng nhiên sáng bừng, cô gái đầu không thấy ở trong máy giặt nữa, lại bình thản “ngồi tựa mạn thuyền”, trên đầu lơ lửng mây bay, …

 

Kể ra thì kể cho vui vậy, thật tình tôi không định nhận xét về các tác phẩm, bởi vì dù hay hay dở (mà có cái tôi cũng chẳng hiểu gì), thì tôi vẫn thấy cách tổ chức triển lãm như vậy rất hay. Hay bởi hai lẽ.

Một là, các bạn sinh viên tự nhiên lại có việc để làm. Một sự lao động nghiêm túc tử tế vì cái tôi và vì nghệ thuật (tôi đoán thế), chứ không mang chút xíu nào đong đếm tiền nong thương mại. Vì mới đây thôi tôi cũng là sinh viên ở Việt Nam nên vụ này rất là thấm thía.

Hai là, đây là một trải nghiệm, một kinh nghiệm đời sống và nghệ thuật tuyệt vời cho người xem. Bởi các bạn sinh viên trưng bày tác phẩm trong chính các căn phòng nơi ngày ngày họ sinh hoạt, rất dễ để chúng tôi lẫn lộn coi tác phẩm là đồ cá nhân, vật dụng cá nhân là tác phẩm, dù các bạn đã có chú thích rất rõ ràng. Ví dụ như Anne, cô bạn người Hà Lan cho nghệ sĩ mượn bàn học để trưng bày một cuốn sách. Cuốn sách triển lãm tất nhiên có đính kèm cùng lời chú giải, tuy nhiên, trên giá sách ngay cạnh đó của cô còn nhiều cuốn khác nữa. Vậy thì, giới hạn của tác phẩm và của không gian triển lãm nằm ở đâu? Điều này kích thích trí tưởng tượng của chúng tôi vô cùng. Tôi ngờ rằng, trong lúc lục tìm tác phẩm bằng cách tự huyễn ý tưởng của chính mình vào các đồ vật, chúng tôi đã vô tình tạo ra những tác phẩm mới. Đây chẳng phải là cách kết nối, tương tác tuyệt vời hay sao?

Tờ giới thiệu kèm bản đồ triển lãm.

Không phải chỉ có tôi, mà cả những bạn khác khi trao đổi cũng đều bày tỏ rằng họ vô vùng bối rối khi đường đột bước vào phòng ngủ của một người khác, nhất lại là hoàn toàn xa lạ, có cảm giác như mình là kẻ phá bĩnh, là kẻ đang đi xâm chiếm không gian riêng tư của người khác. Ở một đất nước mà tính cá nhân và quyền riêng tư được coi nặng như ở Anh, cảm giác này thực sự rất nghiêm trọng.

Vượt qua được bước “xâm lấn” đó, trong chúng tôi bỗng quên bẵng nó để bắt đầu trỗi dậy một đức tính hết sức con người khác, đó là tò mò. Xem xong tác phẩm (hoặc chưa xem xong / chưa thèm xem), chúng tôi nhất định phải ngó thêm lên giá sách, lên bàn học, giấy nhớ, lên giường, thậm chí toa lét của chủ nhân, trong đầu không khỏi hiện lên những đánh giá mà tôi không dám chắc là không có nhiều chủ quan, định kiến.

Gọi là triển lãm sinh viên nhưng thật tình vì đều đang làm thạc sỹ hoặc tiến sỹ, nên các bạn cũng có ít nhiều kinh nghiệm thực tế. Có bạn còn triển lãm mấy quyển sách ảnh có tiếng đã được xuất bản. Thêm vào đó, vì trong ký túc xá các bạn đến từ nhiều nước khác nhau nên còn nấu rất nhiều món ngon để người xem thưởng thức với giá rẻ hoặc hứng lên thì miễn phí. Bởi vậy, tựu chung lại, dù có người khen người chê, tôi vẫn thấy triển lãm kiểu này hết sức là sinh viên, khả thi và “con người”.

Vì còn ở với nhau đến hết năm học nên các bạn cũng có dự định tổ chức một số buổi như thế hàng tháng kéo dài tới mùa hè. Vậy nên, nếu có ai ở London muốn tới xem qua thì có thể tìm đường đi ở trang web này: www.flat34.org. Tiếc là các bạn ấy không đưa tác phẩm lên đây mà chỉ có giới thiệu chung chung sơ qua mà thôi.

Một vài góc nhỏ của không gian trưng bày.

*
Chú thích:

1. Goldsmiths College, University of London: www.gold.ac.uk

Ý kiến - Thảo luận

22:25 Friday,12.4.2013 Đăng bởi:  Bùi Trà My

Bởi vậy em đã email từ nãy, để tránh nói chuyện lạc đề trên Soi. Nghi là bị đưa vào hộp Spam thư rác, nên anh còn chưa đọc. Thôi ạ, chuyện hẹn hò không phiền Soi cứ phải duyệt xuất bản nữa nha. 


...xem tiếp
22:25 Friday,12.4.2013 Đăng bởi:  Bùi Trà My

Bởi vậy em đã email từ nãy, để tránh nói chuyện lạc đề trên Soi. Nghi là bị đưa vào hộp Spam thư rác, nên anh còn chưa đọc. Thôi ạ, chuyện hẹn hò không phiền Soi cứ phải duyệt xuất bản nữa nha. 

 
22:00 Friday,12.4.2013 Đăng bởi:  tran trong linh

Quan trọng là gặp nhau thôi. Đã gặp được rồi thì anh thích bóng bàn thì cứ chơi bóng bàn, em thích cầu lông thì cứ đánh cầu lông, có sao đâu.


...xem tiếp
22:00 Friday,12.4.2013 Đăng bởi:  tran trong linh

Quan trọng là gặp nhau thôi. Đã gặp được rồi thì anh thích bóng bàn thì cứ chơi bóng bàn, em thích cầu lông thì cứ đánh cầu lông, có sao đâu.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả