Gẫm & Bình

Thử phân tích hai tác phẩm
“Hòa Bình” và “Thánh Gióng” của Nguyễn Hải 08. 03. 13 - 7:24 am

Họa sĩ Nguyễn Gia Hòa

(Tiếp theo bài 2)

.

 

Phê bình khi bám sát tác phẩm sẽ giúp ta tránh được lầm lạc. Quay đầu là bờ có khi ngộ ra. Dù còn kém cỏi, tôi xin trở lại với các tác phẩm của điêu khắc gia Nguyễn Hải có nhắc tới trong bài trước. Trước hết là tác phẩm Hòa bình, sau đó là Thánh Gióng.

Mỗi bức, tôi chỉ dám đưa ra một vài nhận định về ấn tượng thị giác mạnh nhất của mình, chứ tuyệt nhiên chưa phải là phê bình nghệ thuật hai tác phẩm này.

*

NHẮC LẠI VỀ VẺ ĐẸP CỦA KHỐI

Trong bài trước, tôi có dẫn lời điêu khắc gia Nguyễn Hải nói về vẻ đẹp của Khối: “Đó là khi ta bóp hết sức bình sinh mà nó không ‘VÀO’ không thay đổi được nữa.”

Nói về vẻ đẹp của khối, ta thường nói về sức căng bề mặt, rồi “tính lồi”, “tính lõm”, và “tính co”.

Một khi “lồi” hay “lõm” đã “đủ” và “đúng” độ, chúng sẽ không “VÀO” hay “RA” nữa.

Xét cho cùng, điêu khắc là nghệ thuật tạo ra tương tác lồi, lõm (với “tính co” ở giữa).

ELIE FAURE, phải rất vất vả qua 2 tập sách, mới tạm nêu được Tinh thần của Forme (L’Esprit de Forme) – (Forme là sự định dạng cơ bản bên ngoài của một khối vật chất) – trong khi A.MALRAUX đưa ra một nhận định: “Tôi gọi là Nghệ thuật khi Forme trở thành phong cách” (Forme devient Style), nằm trong các phân tích phức tạp của cả cuốn sách dày Con đường của sự im lặng (la Voie du Silence). Mới chỉ nói 2 khía cạnh của Forme đã mất công đến thế!


TÁC PHẨM “HÒA BÌNH”

Hòa bình – tượng đồng của Nguyễn Hải

Quay lại tác phẩm của Nguyễn Hải, tôi sẽ không bắt đầu bằng “tác phẩm góp phần bảo vệ Hòa bình thế giới” – Điều này tùy người xem. chỉ xin có vài nhận xét sau:

1. Xem xét một diện lớn thứ nhất

Từ xương quai chạy ra đến hai điểm núm của bầu ngực (gồm 2 diện phía trên của lồng ngực và bầu ngực), có 3 ý:

 

a. Bề mặt diện lớn này được nâng lên đến một phương gần như song song với mặt đất, trong khi ở thực tế, có lẽ nó chỉ là một bề mặt dốc hơn nhiều. Hai diện nhỏ ở phần trên của 2 bầu ngực được tác giả “ấn” vào tối đa (không thể “VÀO” hơn nữa) lép hơn nữa, sẽ ảnh hưởng đến sức căng; để phồng quá, chúng sẽ tạo ra một quỹ đạo gẫy. Cả hai trạng thái này đều tổn hại đến toàn bộ bề mặt diện lớn của lồng ngực.

b. Trọn vẹn 2 bầu ngực chiếm một vị trí ở một tọa độ không gian tối ưu nhất. Chúng cũng “RA” tối đa, không cần hơn nữa.

c. Bề mặt diện lớn của lồng ngực này, theo tôi là một ví dụ rõ của điều ta gọi là sức căng bề mặt (Force de surface hay Surface de force) như đã nói ở phần đầu một bài viết.


2. Xem xét một diện lớn thứ 2

Có 2 ý:

a. Từ 2 núm bầu ngực, buông thẳng xuống gần như phương thẳng đứng. Hai núm vú đóng vai trò đỉnh của các góc trong không gian. Các góc này – ở ấn tượng thị giác – có vẻ vuông, mặc dầu thực ra chúng là góc tù. Hai diện ngực, bụng tạo góc “vuông” này, cộng với phần thót mạnh của bụng dưới và một đường cong lớn, lõm vào của phần lưng, mông tạo ra sức căng điển hình của toàn bộ thân tượng. Cái sức căng biểu thị rõ rệt bằng đường chữ S đó sẽ là sự quy chiếu các bộ phận còn lại. Các hướng để quy chiếu được xét ở đây là: hướng trục mặt, hướng tuyến của chim bồ câu và mái tóc dài, hướng đôi cánh tay, hướng đùi.

 

b. Phần thót vào đột ngột, quá mạnh của bụng dưới đặc biệt ấn tượng. Nếu xét về khung xương sườn, điểm bắt đầu lõm vào sẽ ở cao hơn nhiều, khi bạn thót bụng để ưỡn ngực. Đây là điều hơi vô lý. Nhưng xem tượng, ta quên đi sự vô lý này do bởi tài năng nghệ thuật của tác giả. Có lẽ đó chính là một trong những điều khiến “người ta có thể giật mình” chăng?

3. Kết luận
Chỉ mới xét phần ngực, bụng, lưng, mông (cái ưỡn và cái thót) ta đã nhận thấy cái tương tác nhịp điệu lồi, lõm tài tình của tác giả. Bạn có thể phản đối mấy phân tích trên: Ai ưỡn mà chẳng vậy! Bạn đúng một nửa: bẻ cong một bề mặt, các phần tử sẽ giãn ra. Thực tế, lồng ngực càng ưỡn ra, bầu ngực càng thấp đi. Nhưng vấn đề ở đây là liều lượng, cường độ và sự đúng chỗ của ngôn ngữ khối. Vẫn ưu tiên sự phồng lên của lồng ngực, đồng thời không làm mất đi sức căng của bầu ngực. Một thợ nặn sẽ không hiểu hay không xử lý nổi mỗi quan hệ giữa cái Thực và Nghệ thuật trong trường hợp này. Anh ta sẽ bị ám ảnh bởi sự mặc định vớ vẩn “Nét đẹp phồn thực của phụ nữ” và hì hục nặn cho đôi vú phồng tướng lên. Một kết quả vô duyên là chắc chắn. Thêm nữa, ta còn phải xem xét tới sự điều tiết trong phạm vi những quy chiếu gián tiếp.

 

Bạn thử cắt ngắn mái tóc tượng còn chỉ ở ngang gáy, hay tưởng tượng bức tượng này trong tư thế đứng, xem sao?


TÁC PHẨM “THÁNH GIÓNG”

Hai ấn tượng thị giác mạnh nhất khi quan sát tượng Thánh Gióng, đó là:

1
. Toàn bộ khối lửa, đầu, thân, đuôi ngựa, được chia làm 3 đoạn có tỷ lệ khác nhau, tạo thành một khối có tính trục (axe) rất rõ – theo phương ngang – và cực kỳ quan trọng khi chi phối toàn bộ cấu trúc của khối tượng (như đã nói ở phần đầu một bài viết). Nó đón phương thẳng đứng (trọng lực) của khối Ông Gióng, nó quy tụ 4 khối chân, nó chuẩn bị cho sự xuất hiện một tam giác vững chãi mà đỉnh là chân dung Ông Gióng.

Đặc biệt cái Trục cực khỏe này không hề cứng, bởi sự điều chỉnh hạ thấp một chút toàn khối thân ngựa so với khối đuôi và khối đầu + lửa (lại một cái lõm rất dứt khoát và tài tình nữa).

Ông Gióng – tượng đồng của điêu khắc gia Nguyễn Hải

Tiếp tục thử nối 4 điểm nhô rõ trong không gian: Điểm gốc đuôi, điểm thấp nhất của mông với chót đuôi đã hạ thấp thành một tam giác. Đồng thời nối điểm gốc của bờm, điểm ức ngựa với đầu ngọn lửa hơi chúi xuống thành một tam giác khác, ta có một hình thoi hoàn hảo. Một hình có hướng chuyển động rất rõ, nhất là nó lại có cách tạo khối kiểu chuyển động xoay (rotation) và có tính chất lò xo (ressort) cũng là một dạng chuyển động xoay của Lực (Nén và Đẩy).

Khỏe mà không cứng, mềm mại mà không ẽo ợt lại tạo ra một cảm giác chuyển động. Quá giỏi!

2. Cách tạo khối chủ đạo của tượng Thánh Gióng có sự tương đồng với cách tạo khối của con vít (vis). Mũ vít và phần gắn với thân, sau đó là đường răng xoắn (pas de vis = bước răng) là những điểm đối chiếu cụ thể. Phần gắn mũ với thân có hai loại: Loại tạo thành góc tù và loại cong mềm (loại này làm cho lực phân tán đi khi vặn, khó làm đứt mũ).

So sánh ngay: Bạn hãy nhìn hai phần loe ra ở ống tay áo của ông Gióng:

Tay áo ông Gióng

Loại mũ vít cong mềm ở chân mũ này làm khối có sự chuyển tiếp rất duyên. Tôi không rõ nguồn ảnh hưởng thực của lối tạo khối này: Mũ vít hay tượng chùa? (Phần chùng xuống hay thấy ở gấu váy, áo dài trong tượng chùa). Lối tạo khối này còn phảng phất ở tượng Nguyễn Văn Trỗi và một số tác giả điêu khắc khác. Nhưng nó chưa quá đặc sắc. Phải đến phần tương đồng với đường răng xoắn mới thực đáng bàn. Pas de vis đáp ứng chuyển động xoay (rotation). Ta thấy điều đó ở đuôi – lửa – 4 chân ngựa – tay áo – sự thắt vặn ở bụng người v.v… để nhằm xử lý phong cách thống nhất.

Pas-de-vis ở đuôi, lửa, 4 chân ngựa, tay áo, bụng người thắt vặn.

Dĩ nhiên nghệ sỹ Nguyễn Hải không sao chép ốc vít (ông thậm chí có được gợi hứng từ nó hay không, tôi cũng không dám tùy tiện kết luận, bởi điêu khắc gia đã quá cố). Tôi chỉ nói sự tương đồng. Tôi chỉ nói cái “tinh thần cấu tạo khối” của nó mà tôi cảm thấy.

Cùng với các “răng xoắn” ở 4 chân – nhất là chân sau – tôi thấy con ngựa tượng này rất động (cái động của con ngựa sắt). Một cái động không phải “Kiểu động xạ ảnh” của Ngựa Từ Bi Hồng – những tuấn mã ngoài đời sải vó!

Theo tôi đây là một nét rất riêng của khối tượng này. Một ngôn ngữ điêu khắc rất hiện đại trong bối cảnh Việt Nam những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Ngựa Gióng

Khác với vẻ bề ngoài khá xuề xòa, Nguyễn Hải là một trong số ít – còn hiếm hoi – các nghệ sỹ điêu khắc thiên về trí tuệ của Việt Nam lúc đó.

Vài nhận xét nói trên của tôi về hai tác phẩm Hòa BìnhThánh Gióng mới chỉ dừng ở mức sơ sài, nhưng tôi tự thấy đã đi “nhầm giày” quá lâu, vậy xin trả lại cho các nhà điêu khắc, những người có đủ thẩm quyền phân tích hơn tôi nhiều.

*

(Kỳ sau: Phê bình mỹ thuật: là bạn hay là kẻ quấy nhiễu?)

 

*

Bài liên quan:

Tán về “Phê bình = Tán”, Bài 1 – Ông Tuấn bình cô Mai: không thấy hình, chỉ thấy chữ
– Bài 2 – Phê bình kiểu Nguyễn Quân: sự diêm dúa của từ ngữ

– Thử phân tích hai tác phẩm “Hòa Bình” và “Thánh Gióng” của Nguyễn Hải

– Phê bình mỹ thuật: là bạn hay là kẻ quấy nhiễu?
 
– Phê bình mỹ thuật: nên có nhiều cách cùng tồn tại, tùy cá tính người viết

 

Ý kiến - Thảo luận

15:20 Tuesday,12.3.2013 Đăng bởi:  phạm quang hiếu

Về tượng Thánh Gióng: Tác phẩm này, dù chi tiết thì như bác Hòa phân tích, khá "động", nhưng về tổng thể lại "tĩnh". Vì sao?
Cấu trúc chính của nó là một khối tam giác cân mà bốn móng ngựa tạo nền và đầu Gióng là đỉnh. Khối tam giác này c&oa
...xem tiếp

15:20 Tuesday,12.3.2013 Đăng bởi:  phạm quang hiếu

Về tượng Thánh Gióng: Tác phẩm này, dù chi tiết thì như bác Hòa phân tích, khá "động", nhưng về tổng thể lại "tĩnh". Vì sao?
Cấu trúc chính của nó là một khối tam giác cân mà bốn móng ngựa tạo nền và đầu Gióng là đỉnh. Khối tam giác này có thiên hướng tĩnh tại, vững chắc, nền móng. Hướng động duy nhất của nó là đỉnh nhọn nơi đầu Gióng. Thế nhưng hướng vận động này bị ngăn cản, chặn đứng bởi chính cái trục ngang từ đuôi đến đầu ngựa.
Về mặt tổng thể, tác phẩm muốn khái quát hình tượng, ý niệm về ông Gióng, chứ không đơn thuần miêu tả hình ảnh ông Gióng. Nhưng tôi tự hỏi liệu tác giả có ý niệm gì về sự "bay" của hình tượng này hay không với một cấu trúc có vẻ chắc chắn, nặng đáy như thế?
Về chi tiết, trục ngang gồm những đuôi, bờm, đầu, lửa...được tạo hình khá đẹp. Phần chân ngựa cũng tạm. Nhưng đến thân Gióng thì quả thực rườm rà, chứ không "cô đúc" hay "hào sảng" như ông Nguyễn Quân tán. Phần thân áo (giáp?) và tay áo loe ra có vẻ như muốn cách điệu áo giáp chiến binh xưa, đồng thời tạo hình khối rỗng ở hai bên nách... chỉ cho thấy sự diêm dúa trong lối tạo hình.
Cảm nhận tác phẩm là quan trọng, trước khi có bất cứ một phân tích hay bình luận nào. Khi bạn cảm nhận (bằng thị giác, cảm giác, trực giác...) một tác phẩm, điều trước tiên là hãy biết quên tác giả đi! Đừng để cho danh tiếng hay mối quan hệ này nọ làm ảnh hưởng. Bạn chỉ nên nhìn vào tác phẩm. Rồi sau, nếu có khả năng, hãy phân tích các yếu tố tạo nên những cảm nhận ấy.  

 
12:12 Tuesday,12.3.2013 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
Ái zà zà, phân tích kiểu này thì hơi bị khô! Phân tích rồi cũng phải tổng hợp chứ, phê xong cũng nên bình một tí!
Về bức Hòa Bình, có một điều dễ nhận thấy (mà chả thấy ai bàn!!!) là tính nhục cảm của nó. Sự nhấn mạnh c&aacut
...xem tiếp
12:12 Tuesday,12.3.2013 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
Ái zà zà, phân tích kiểu này thì hơi bị khô! Phân tích rồi cũng phải tổng hợp chứ, phê xong cũng nên bình một tí!
Về bức Hòa Bình, có một điều dễ nhận thấy (mà chả thấy ai bàn!!!) là tính nhục cảm của nó. Sự nhấn mạnh các yếu tố cơ thể của người nữ làm ta liên tưởng đến điêu khắc Chăm hay Ấn độ. Ấy thế mà tác phẩm mang tên "Hòa Bình". Làm thế nào để thấy sự liên kết giữa ý niệm Hòa Bình và độ nhục cảm của hình thức? Tác giả khao khát hòa bình như khao khát...đàn bà chăng? Tác phẩm, với bộ ngực hếch lên đầy khiêu khích, cố tình làm người xem muốn chạm tay vào hòa bình chăng? Ái zà zà! Hay!
Con chim câu trên đầu thiếu nữ chẳng giải quyết được việc gì ngoài cái việc cố gắng (một cách gượng ép) chuyên chở khái niệm hòa bình này nọ đầy tính biểu tượng văn học (cái này chắc ảnh hưởng lối tạo hình Xô Viết). Dù tác giả xử lý khá nhuần nhuyễn, nhưng nếu không có con chim ấy (cắt bố nó đi!!!) mà vẫn đặt tên tác phẩm là "Hòa Bình" thì sao nhỉ? A, nó sẽ khiêu khích hơn! Nhỉ?
Phân tích thì bác Hòa phân tích rồi, tôi chỉ tán thêm một tí theo cách nhìn của tôi.
Ô này, nếu như có nhiều bài phân tích thế này thì sẽ rất tốt cho nhiều người, trong đó có cả các công chúng yêu nghệ thuật, Soi ạ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Giá trị của nghệ thuật

Nguyễn Đình Đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả