Gẫm & Bình

“Sinh vật lạ” của Quỷ – Lạ mà thân, giấc mơ của chàng nông dân 27. 01. 13 - 12:00 pm

Tịch Ru & Người Xem Hà Nội

Sắp đặt của Trần Đức Quỷ

Triển lãm sẽ khai mạc: 18h00 ngày 16. 1. 2013
Sắp đặt kéo dài từ: 16. 1 đến 15. 2. 2013
Địa điểm: tại sảnh L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội)

Sắp đặt “Những con mắt nguyên thủy” của Trần Đức Quỷ đã diễn ra từ ngày 16. 1. 2013 tại L’Espace, Hà Nội.

 

Tác phẩm là một “sinh vật lạ” cao 2,6m dài 8,5m, được làm bằng composite, trông giống một con hươu nhiều đầu nhiều chân, trên đầu mọc ra vô số những con mắt. Khi hỏi tại sao lại dùng hình tượng con hươu, Trần Đức Quỷ nói rằng vì hươu là một động vật luôn có cái nhìn rất đề phòng và e dè.

 

Những con mắt được làm bằng các gương cầu lồi lớn bé khác nhau. Trần Đức Quỷ cho biết tác phẩm dùng khoảng 600 gương cầu lồi.

 

Sinh vật này có một bầu vú ở cuối bụng, và 44 đôi chân. Đôi chân cuối cùng có dáng đứng e dè, cong cong đúng chân hươu nai, còn 43 đôi chân kia thì thẳng tắp, song song.

 

8 cái đầu hươu to. Khoảng cách giữa các đầu không đều nhau.

 

Riêng cái đầu chính (đầu đàn) còn mọc thêm chi chít những cái đầu con nho nhỏ nữa.

 

Trên cái đầu nhỏ trên cùng mọc ra hai cái sừng nhìn như cái “ăng ten” vô tuyến.

 

Ở phần đuôi của “sinh vật lạ” này có cắm một bông hoa hồng. Trần Đức Quỷ nói rằng cắm bông hoa cho vui… trông nó hay hay, coi như đó là phần thưởng tự thưởng cho mình hôm triển lãm.

 

Trần Đức Quỷ cũng nói thêm, rằng tắc phẩm này không có nhiều ý niệm sâu xa. Quan điểm đầu tiên của anh về nghệ thuật là phải đẹp, phải có nhiều gợi mở và khiến cho khán giả có nhiều liên tưởng. Nghĩ ra sinh vật này thì không tốn thời gian, nhưng lại tốn rất nhiều thời gian vào việc suy nghĩ, làm đi làm lại cho đẹp, cho có “ép phê”.

 

Nhưng Trần Đức Quỷ cũng chia sẻ thêm, bản thân anh thấy tác phẩm lần này chưa “phê” bằng tác phẩm sắp đặt “Hợp Thể” gồm những con lợn có đuôi hai đầu cũng được triển lãm tại L’Espace cách đây hơn 2 năm. (Ảnh: Dino Trung)

 

Đây là một bản viết tay của Trần Đức Quỷ có tiêu đề là “Chân dung cuộc sống – Tập 3: Những con mắt nguyên thủy”. Trong đó viết: “Cách đây hơn 2 năm tôi có được nhiều người quen cho tôi xem bức tranh của một họa sĩ nào đó. Bức tranh vẽ cảnh hai người. Kẻ nào bụng cũng chứa đầy kinh luân giáo lý của các bậc thánh hiền. Tay phải họ bắt nhau, tay trái người nào cũng giấu sau lưng con dao nhọn…

 

“Bức tranh ấy khiến lòng tôi xúc động. Tôi nghĩ đến những chuyện của loài người, về những điều ở phía sau cái chúng ta nhìn thấy.

 

“Nên tôi tin: xưa kia tạo hóa sinh ra muôn loài thì chắc hẳn ngài đã ban cho chúng ta rất nhiều con mắt để mưu sinh và tồn tại. Nhưng trong quá trình tiến hóa, loài người đã trở nên văn minh thì những con mắt đấy không cần dùng đến nữa. Chúng đã dần dần teo biến và trở thành các lỗ chân lông.

 

“Ngày nay, thiết nghĩ: con người có thể lại cần dùng đến nó. Nên tôi muốn phục hưng những con mắt ấy dưới hình ảnh một sinh vật lạ lộng lẫy đi giữa chúng ta như là đi trong giấc mộng.”

*
Sau khi đi khai mạc triển lãm về, như có một nỗi ám ảnh đã kéo tôi lại xem tác phẩm của Trần Đức Quỷ một lần nữa.

Khi lần đầu đến xem, giữa đông khách khứa trong ngày khai mạc, tôi chỉ có cảm giác đây là một tác phẩm đẹp, thích mắt, và giữa đám đông kia, nó mang lại một không khí hội hè. Thế nhưng, đêm về, ấn tượng về tác phẩm cứ ám ảnh tôi mãi, nó cho tôi một cảm giác rất gần gũi, thân quen. Mặc dù Quỷ đã dẫn dụ mọi người đến xem một sinh vật “lạ”, nhưng con vật không hề mang lại cho tôi cảm giác một con vật “lạ”. Nó tuy có nhiều đầu, nhiều mắt, nhiều chân, to lớn, lộng lẫy, nhưng lại khiến tôi nhớ về những câu chuyện cổ tích, nhớ lại tuổi thơ với câu thơ của Trần Đăng Khoa thoạt nghe thì chẳng liên quan:

Thấy trời xanh biếc mênh mông,
Cánh cò chớp nắng trên sông Kinh Thầy

Đúng rồi, chính là cảm giác ấy! Trần Đức Quỷ đã mang về giữa trung tâm Hà Nội cả một hồn quê, như một người nông dân mang ra giữa phố một con cá khổng lồ mới bắt được ở sông, một củ khoai dị thường mới đào được dưới đất. Tác phẩm này là một sự hồn nhiên, mộc mạc lớn lao – một sự giải lao đúng lúc và hiệu quả đến không ngờ, sau biết bao nhiêu là triển lãm điêu khắc, sắp đặt gần đây ở Hà Nội khiến người xem bị bội thực bởi sự “lên gân”, bởi chứng minh ý niệm vừa nông vừa mệt mỏi.

Còn sinh vật lạ của Trần Đức Quỷ thì thật hồn nhiên, và đẹp, như thể sinh ra đã đẹp thế. Chả thấy Trần Đức Quỷ tìm cách diễn khối, cũng chả thấy cố tình tìm cách tạo nhịp điệu. Một thân hình con vật được kéo dài đuồn đuỗn, chỗ nào trống thì có chân mọc ra, vài cái đầu mọc lên ngỡ như rất tùy tiện, những cái gương được cắm chen chúc như đang cố gắng chen nhau để nhìn. Toàn thân con vật được quét một lớp cánh gián vàng có thếp những miếng bạc, và đến cả sự chen màu này cũng rất tự nhiên và thoải mái, như thể vừa làm, tác giả vừa hỉ hả: lạ chưa này, đã có ai nhìn thấy con vật nào thế này chưa?

Đúng, nếu xét vào số đầu, số chân, số mắt, kết cấu, thì “lạ” thật đấy. Thế nhưng cái tinh thần của Trần Đức Quỷ đổ vào đó lại là một sự ấm áp, thân thuộc. Đó là tinh thần làm việc của một người nông dân, muốn có một quả bí thật to, thật ngon, một con cá thật oách. Hãy xem lại các tác phẩm trước của Trần Đức Quỷ, luôn luôn là một sự phồn thực, đầy tràn. Đó là ước mong bình dị của những con người tin vào thế giới của các ông Hoàng, bà Chúa, cô Bơ, cô Chín, mong làm sao cái gì cũng phải thật đủ đầy, mùa phải bội thu, đồng thì nhiều lúa, nhiều khoai, heo, gà, vịt phải thật đầy đàn, và đến cả con vật của rừng thì cũng phải thật nhiều “vũ khí”: nhiều mắt để nhìn ngó, nhiều chân để chạy, nhiều đầu để nghe ngóng…Mọi thứ phải nhiều. Nhiều đến quá ngưỡng. Đó cũng là ước mơ và quan điểm “lạ” của dân gian, chẳng phải ta đã coi voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao là những thứ chỉ có thần mới có thôi sao? Và với sinh vật lạ này, Quỷ đã tái hiện được ước mơ thân quen đó.

Có người tiếc rằng, tác phẩm của Trần Đức Quỷ đặt vào không gian của L’Espace chưa đắc địa. Tôi không nghĩ vậy, trong cái không gian thị thành có vẻ bóng bảy này, tác phẩm của anh càng mang tính gợi mở và liên tưởng nhiều hơn. Ngắm nhìn nó, tôi tự nhiên muốn nghe tiếng sên phách của điệu chầu văn. Cũng chả lâu nữa, sắp Tết rồi, lác đác hoa đào đã nở. Các đền, phủ lại sắp ngát khói hương…

 

*

Bài liên quan:

– “Những con mắt nguyên thủy”: Một sinh vật lạ của Trần Đức Quỷ 
– Trần Đức Quỷ đưa sinh vật lạ về Hà Nội như thế nào?

– Khai mạc “Những con mắt nguyên thủy”: Đông giữa trời đông  
– “Sinh vật lạ” của Quỷ – Lạ mà thân, giấc mơ của chàng nông dân

– Có sai không khi gọi tác phẩm của Trần Đức Quỷ là “sắp đặt”?

 

**

Đọc thêm về Trần Đức Quỷ:

– Đàn lợn mất đầu của Quỷ 
– Tại sao Quý lại thành… Quỷ?
 
– Trần Đức Quỷ: Tôi nghĩ gì khi làm NHỮNG CÁI ĐUÔI

– HỢP THỂ: Vui thật là vui
 
– 7 thú vị và 1 đề nghị
 
– Delvoye có giống Quỷ không?
 
– DELVOYE – QUỶ: Khác hay không khác?
 
– Vịt nhà ai lưu lạc nhà ai?
        
– TRẦN ĐỨC QUỶ – DELVOYE: Mong sớm có câu trả lời
– Trần Đức Quỷ trả lời: Lời nào cũng quý

– Trả lời Trần Đức Quỷ: cả hai ta cùng Eureka!


Ý kiến - Thảo luận

9:43 Tuesday,29.1.2013 Đăng bởi:  nhung
"Sinh vật lạ" của anh Quỷ đẹp. Nhờ nó, tôi xem lại các tác phẩm trước đó của anh- trong đó có "Đàn vịt" tôi cũng rất thích. Chúc anh Quỷ luôn kiên định trên con đường làm nghệ thuật của mình.
...xem tiếp
9:43 Tuesday,29.1.2013 Đăng bởi:  nhung
"Sinh vật lạ" của anh Quỷ đẹp. Nhờ nó, tôi xem lại các tác phẩm trước đó của anh- trong đó có "Đàn vịt" tôi cũng rất thích. Chúc anh Quỷ luôn kiên định trên con đường làm nghệ thuật của mình. 
20:36 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  Trần Trong Linh

Thân gửi bạn đọc và nghệ sỹ Trần Đức Quý,


Là một người bạn đồng môn và biết Quý từ hơn chục năm nay, về khía cạnh nghề nghiệp thì không bàn tới, vì với riêng Quý tôi luôn dành sự yêu quý và ngưỡng mộ. Anh có một tình yêu dành cho nghệ thuật
...xem tiếp

20:36 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  Trần Trong Linh

Thân gửi bạn đọc và nghệ sỹ Trần Đức Quý,


Là một người bạn đồng môn và biết Quý từ hơn chục năm nay, về khía cạnh nghề nghiệp thì không bàn tới, vì với riêng Quý tôi luôn dành sự yêu quý và ngưỡng mộ. Anh có một tình yêu dành cho nghệ thuật có thể gọi là vô biên giới, đôi khi là gàn dở và nhiều khi đưa anh đến cái cõi hoang tưởng. Nhưng tôi nghĩ chính cái sự hoang tưởng đó cho anh cái men sống, có cái cớ vô hình để anh bám vào cuộc sống này. Nói tóm lại là anh tìm ra cái lý do tồn tại cho bản thân mình. Điều đó luôn được thể hiện trong mỗi sáng tác của anh. Cuộc sống có bao nhiêu là những sự hoang tưởng mà chúng ta vẫn hàng ngay say mê kiếm tìm. Liệu rằng đem ra so sánh với cái hoang tưởng của Quý thì cái nào được gọi là phù du? Mỗi câu hỏi đều có lời giải đáp nhưng ở câu hỏi cụ thể này Quý đã đưa ra lựa chọn cho bản thân mình, chính vì lẽ đó trong mỗi sáng tác Quý luôn giữ một ngọn lửa cho tình yêu nghệ thuật của riêng anh.Có thể cuộc sống hiện thực của bản thân Quý như một đống cứt, người ngoài xem anh như một kẻ say mộng và ảo tưởng.


Với riêng cá nhân tôi, Quý không chỉ là một người bạn đồng môn, đồng nghiệp mà còn hơn thế nữa…tôi luôn dành cho Quý một vị trí tình cảm đặc biệt trong tâm hồn mình vậy nên cho dù Quý có sáng tác ra cục gì thì tôi cũng luôn coi nó được nặn ra bởi chính tình yêu và tâm hồn thực sự của Quý. Trong cái nội dung ngắn ngủi này tôi chỉ muốn đem ra chia sẻ một khía cạnh nhỏ cùng với các bạn, đó là cụm từ “nghệ thuật sắp đặt”


Mượn tạm tác phẩm “Những con mắt nguyên thủy” của Quý để cùng bàn luận, tôi thấy trước và sau khi diễn ra khai mạc triển lãm “Những con mắt nguyên thủy” của Quý một số trang báo chính thống, và thậm chí cả Soi, có chuyên mục riêng về nghệ thuật luôn dùng cụm từ: “Triển lãm sắp đặt của Trần Đức Quý”. Dĩ nhiên cách phân loại các loại hình nghệ thuật với tôi không ảnh hưởng đến nội dung của tác phẩm, bởi mọi loại hình nghệ thuật thị giác như sắp đặt, videoart, tranh giá vẽ, trình diễn… đều có giá trị cống hiến như nhau, tùy vào nội dung cụ thể của mỗi tác phẩm. Điều đó để nói lên rằng không phải anh làm sắp đặt, video, hay trình diễn thì tác phẩm của anh có giá trị đương đại hơn một tác phẩm điêu khắc ba chiều hay một bức tranh.


Tôi muốn đưa ra ở đây một số khái niệm về nghệ thuật sắp đặt mà trong quá trình tìm hiểu tôi vô tình nhặt nhạnh và thu gom được, tránh trường hợp nhầm lẫn giữa cải lương, chèo và nghệ thuật tuồng, mặc dù cả ba loại hình này đều có giá trị ngang nhau về loại hình biểu diễn nghệ thuật sân khấu. Hay như chầu văn, đờn ca tài tử hay nhạc thính phòng giao hưởng, mặc dù đều là loại hình ca múa nhạc, nhưng về bản chất và đối tượng thưởng thức hoàn toàn khác nhau.


Nói đến nghệ thuật sắp đặt, không thể bỏ qua vấn đề không gian. Không gian địa điểm và hoàn cảnh lịch sử góp một phần ý nghĩa quan trọng trong một tác phẩm sắp đặt. Sự dàn xếp không gian của người nghệ sỹ là cốt lõi tạo ra tác phẩm, chính sự sắp đặt ấy tạo ra một phần tư tưởng của tác giả. Nghệ thuật sắp đặt được phân biệt với các loại hình nghệ thuật khác bởi môi trường, không gian, địa điểm và bối cảnh xã hội, nói tóm lại là “địa điểm nguyên gốc”. Ví dụ: với một tác phẩm điêu khắc hay một bức tranh, việc hoán đổi vị trí trưng bày tác phẩm gần như không ảnh hưởng đến nội dung tác phẩm. Dĩ nhiên trong quá trình sắp xếp cho một triển lãm tranh hay tượng người ta vẫn cần phải có “sự sắp đặt” sao cho phù hợp với không gian trưng bày như tầm nhìn, khoảng cách hay ánh sáng cho mỗi tác phẩm, nhưng hai cái hành động “sắp đặt” này về bản chất hoàn toàn khác nhau. Trong một tác phẩm sắp đặt thì “địa điểm nguyên gốc” tạo ra tính thống nhất và tổng thể trong một sáng tạo không gian ba chiều. Nghĩa là trong một không gian cụ thể nào đó người nghệ sỹ sắp đặt sẽ dùng không gian này để áp đặt lên đó một nội dung hay tư tưởng.Và trong một không gian cụ thể đó cái yếu tố địa điểm nguyên gốc (bao gồm môi trường, không gian, bối cảnh xã hội) không được phép tách rời và hoàn toàn không thích hợp khi bị di chuyển. Đôi khi việc di chuyển làm phá vỡ nội dung cơ bản và yếu tố thống nhất trong nội dung tác phẩm.


Một đặc trưng khác nữa để phân biệt giữa nghệ thuật sắp đặt với các loại hình nghệ thuật khác là người làm nghệ sỹ sáng tạo ra một tác phẩm sắp đặt và sử dụng cái không gian mà mình áp đặt như một thực thể quan trọng. Họ sáng tạo ra một không gian mà khi người thưởng ngoạn đặt mình vào trong đó sẽ bị chủ động cuốn hút vào đó, nói cách khác người xem vừa là khách thể và có thể tự biến mình thành chủ thể để kiến giải nội dung tác phẩm hay tao ra một không gian trải nghiệm thực tế với người thưởng ngoạn. Và chính sự tác động của người thưởng ngoạn đôi khi tạo ra sự hoàn thiện ý đồ tác phẩm, trong khi các loại hình như một bức tranh hay một bức tượng tự nó đã là một bản thể hoàn chỉnh, người thưởng ngoạn có thể đắm mình trong câu chuyện của người nghệ sỹ, nhưng thứ nhất, sự trải nghiệm đó không góp phần cấu thành tác phẩm; Thứ hai: nó đưa đến cho người thưởng ngoạn cái kiến giải duy nhất mà người nghệ sỹ áp đặt khi xây dựng tác phẩm. Trong khi đó, ở một tác phẩm sắp đặt, thông qua sự trải nghiệm, nó đưa đến cho người xem nhiều kiến giải khác nhau tùy vào nhận thức và hiểu biết, quá trình và hoàn cảnh trải nghiệm, cảm xúc và kinh nghiệm hiểu biết. Tóm lại, tác phẩm sắp đặt không áp đặt người xem vào một nội dung kiến giải duy nhất.


Chính từ hai đặc trưng cơ bản trên, một tác phẩm sắp đặt tốt sẽ đưa đến một yếu tố khác nữa là: trong mỗi tác phẩm sắp đặt sẽ tiềm ẩn một khả năng kích thích nhận thức. Nó không chỉ có phản hồi từ thị giác thuần túy như các loại hình nghệ thuật khác. Người nghệ sỹ tự do hơn trong quá trình thiết lập và xây dựng tác phẩm không chỉ thông qua thị giác mà có thể thông qua ngũ quan để rút ngắn khả năng tư duy với thông điệp nghệ thuật.


Trên đây là những kiến thức góp nhặt trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu từ thực tế về loại hình nghệ thuật sắp đặt của cá nhân tôi.Dĩ nhiên nó không phải là cái chuẩn để đem ra tham chiếu thực tế vào tác phẩm “Những con mắt nguyên thuỷ” của Trần Đức Quý. Nó chỉ đơn giản là một ý kiến thu lượm lộn xộn của cá nhân tôi vậy nên tôi muốn đưa ra đây để chúng ta cùng trao đổi và chia sẻ tránh trường hợp nhầm lẫn buồn cười mà gọi nghệ thuật sân khấu cải lương là nghệ thuật tuồng truyền thống. Tôi cũng xin khẳng định lại với nghệ sỹ Trần Đức Quý và các bạn rằng đây không chỉ đơn thuần là sự bắt lỗi câu chữ thuần túy, hơn nữa chúng ta cùng hiểu với nhau rằng mọi loại hình nghệ thuật đều có giá trị ngang nhau trong đời sống nghệ thuật nói chung; mỗi cái đều có những giá trị đặc thù và đối tượng hướng đến khác nhau.Với tôi mọi sự chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nghệ thuật dù là nhỏ đều có những giá trị nhất định đóng góp chung cho cộng đồng để xây dựng lên một nền nghệ thuật có đầy đủ yếu tố lý luận lý thuyết cho đến thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp.


Nhân dịp năm mới sắp đến, gửi các bạn một bức ảnh (thay cho hình minh hoạ) được con gái tôi (Mélody Trần 4 tuổi ghi lại mùa hè năm 2012) khi hai bố con đi dạo bên một đoạn của bức tường lịch sử của Berlin, bức từng được phủ lên bởi những bức tranh của những nghệ sỹ vẽ Graffiti, nơi mà giờ đây là một địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Berlin. Chính nơi chụp bức hình này các bạn Đông và Tây Đức đã bắt nhau úp mặt vào tường và tặng nhau những viên kẹo đồng. Phải chăng so sánh những thực tế này hay những gánh nặng cơm áo hàng ngày thì nghệ thuật hay những khái niệm ấu trĩ trên chỉ là là những cái vớ vẩn hay là… cứt chẳng hạn? Phải chăng nghệ thuật là một trò chơi? Chúc Trần Đức Quý và các bạn một năm mới bình yên và hạnh phúc.Còn một bức khác nữa nhưng hơi phản cảm thái quá  (đang đứng đái) nên tôi giữ lại cho riêng mình.


Thân ái, Linh.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả