Ở Đâu - Làm Gì

“Đo thế giới” với Huy An, Yuichiro và Kumpei 16. 12. 12 - 1:46 pm

Bài và ảnh: Tịch Ru

 

Tờ chương trình của dự án “Những chân trời có người bay” giới thiệu về “Đo thế giới”:

Ba nghệ sĩ, với các phương tiện và chất liệu nghệ thuật khác nhau, nhưng sự sáng tạo của họ cùng đi chung một con đường: đo đạc, nắm bắt thế giới và xây dựng lại nó theo cách của riêng mình.

Nguyễn Huy An đo chiều cao của tòa nhà cao nhất Hà Nội bằng những mảnh giấy được gấp lại theo các hình đơn giản. Một sắp đặt mới bằng giấy cũng sẽ được triển lãm.

Kumpei Miyata, trong khi đó, lại cố gắng cảm nhận thế giới thông qua cặp mắt và cơ thể của mình. Vào ngày 31. 10. 2010, anh rời quê nhà là tỉnh Fukuoka đến thành phố Lulea, Thụy Điển, gọi điện cho bạn mình ở Lulea rằng anh đang đến Lulea. Cuối cùng, vào ngày 3. 12. 2010, sau khi đi qua 18 quốc gia khác nhau bằng máy bay, anh đã đến đích cuối. Kumpei Miyata sẽ chia sẻ với quý vị và các bạn chuyến đi dài kỳ của anh thông qua sắp đặt video: “Xin lỗi, tôi đến muộn”.

Yuichiro Tamura, mặt khác, tạo nên một tác phẩm video mà không cần phải tự mình ghi lại bất cứ hình ảnh nào ngoài việc sử dụng các hình ảnh lấy từ Google Street View. Đoạn phim ngắn dành giải thưởng “Đêm không ngủ” của anh sẽ được trình chiếu.

Các tác phẩm tiêu biểu trước đây của 3 nghệ sĩ này chắc chắn sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại về thế giới xung quanh chúng ta.”

*

Hôm nay đồng diễn ra cả triển lãm Utopia của Tuấn Mami nữa, thế nên triển lãm “Đo thế giới” được khai mạc và giới thiệu khá ngắn gọn.

 

Toàn cảnh phòng triển lãm trưng bày các tác phẩm của Nguyễn Huy An và Kumpei Miyata.

 

Nguyễn Huy An có hai tác phẩm. Từ cửa vào, bên tay phải, trên tường, là một tác phẩm nói việc Huy An đi đo cầu Vĩnh Tuy bằng bụi. Cầu Vĩnh Tuy có 78 nhịp, Huy An sưu tầm được 78 mẫu bụi. Hai đầu cầu gần nơi dân cư sinh sống thì bụi có màu đậm. Những nhịp cầu quãng giữa, gần nước, bụi cũng sạch sẽ và màu sắc nhạt hơn. Tác phẩm là một đường thẳng (tượng trưng cho cầu Vĩnh Tuy), được chia làm 78 ô nhỏ (tương ứng 78 nhịp), mỗi ô được lưu giữ 78 mẫu bụi tương ứng.

 

Trên tác phẩm có ghi chú thích: 78 nhịp cầu Vĩnh Tuy. Bụi, không khí, khói. (4. 11 đến 2. 12) – 2012.

 

Tác phẩm thứ hai có tên gọi là “1120 bậc KN”, Nguyễn Huy An đo chiều cao của một trong những tòa nhà cao nhất Hà Nội. “Khu đô thị Keangnam của Hàn Quốc trở nên nổi tiếng với tòa nhà cao ốc chọc trời bộc lộ rõ tính lý trí, lối sống hiện đại, biểu tượng kinh tế có tầm vóc vững chắc, đầy quyền lực”. Chúng xa lạ và khó hiểu với Huy An. Thế nên, bằng hành động chậm rãi là đo đạc đúng 1120 bậc thang, anh muốn tìm cách tiếp cận với tầm vóc quyền lực này.

 

Đây là một tác phẩm sắp đặt mà theo lời giới thiệu thì “bằng giấy trắng, có vẻ dễ bị tổn thương, rất đơn giản, nhỏ bé và im lặng, nhưng mang tính thiền định, tạo ra sự cân bằng và thật có độ dài đúng bằng chiều cao của từng bậc cầu thang trong tòa cao ốc.” Thiết nghĩ thì, nếu quả thật tác giả đi đúng 1120 bậc (và bậc nào cũng cao như thế này)thì cũng kinh khủng thật.

 

Bên cạnh là tác phẩm “Xin lỗi, tôi đến muộn” của Kumpei Miyata. Có hai màn hình chiếu hai video. Bên tay phải là ghi lại hình ảnh của Kumpei Miyata, bên trái là hình ảnh bạn anh ở Lulea Thụy Điển. Trong ảnh là hình chụp tĩnh chụp từ màn hình, quay lại ngày 31 tháng 10 năm 2010 khi anh bắt đầu chuẩn bị rời quê hương là Fukuoka đến Lulea.

 

Video thứ hai là ngày 3 tháng 12 năm 2010. Kumpei Miyata đi qua 18 quốc gia khác nhau bằng máy bay, và đã đến đích cuối cùng ở Lulea. Anh chia sẻ chuyến đi dài kì của mình qua tác phẩm này.

 

Bên cạnh đó là một cái loa phát nhạc bài hát “It is a small world”. Bên cạnh là một khối hình hộp chữ nhật được làm bằng bìa cứng. Bên trên có một dấu mực đậm.

 

Soi kĩ vào hóa ra là bản thu cực kì nhỏ của bản đồ thế giới. Rất tỉ mỉ và chính xác.

 

Sau đó là chiếu phim của Yuichiro Tamura. Đây là một đoạn phim ngắn từng giành được giải thưởng, dài 11 phút 32 giây, có tên là “Đêm không ngủ”.

 

Là tác phẩm video nhưng tác giả không cần phải tự mình ghi lại bất kì hình ảnh nào. Anh chỉ sử dụng các hình ảnh lấy từ Google Street View.

 

Lời thoại của bộ phim kể về một người đàn ông sinh năm 1977 ở một thị trấn nhỏ tên là “Miller”, bang Nebraska Trung Mỹ. Sau đó anh ta đi đến “Chiba” ở Nhật Bản, ở khu vực “Danchi” và thấy các tòa nhà ở đây đều giống nhau. Người đàn ông này có vấn đề về nơi mình ở, và luôn có giấc mơ với ba cảnh tượng khu phố ở thị trấn ấm áp.

 

Bộ phim phần lớn là những câu thoại rời rạc lan man của nhân vật “tôi” và kèm đó là những hình ảnh trên Google Street View được cắt ghép và dựng lại thành phim.

 

Nguyễn Huy An và Yuichiro Tamura.

 

Còn đây là Kumpei Miyata. Cuối giờ, anh có một màn trình diễn nho nhỏ.

 

Đó là màn nhảy ngựa. Mỗi ngày Kumpei sẽ nâng chiều cao của “cái tháp” nhảy ngựa lên một bậc.

 

Dĩ nhiên có tấm nệm bảo hộ, nhưng cái tháp hôm nay cũng phải cao đến 1m3.

 

Kumpei thực hiện màn nhảy ngựa. Nghe bảo đến hôm cuối cùng kết thúc triển lãm có thể “cái tháp”sẽ cao hơn 2m.

 

*
Thông tin triển lãm:

ĐO THẾ GIỚI
Triển lãm video art, sắp đặt, trình diễn của Nguyễn Huy An, Yuichiro Tamura, Kumpei Miyata
Thuộc dự án “Những chân trời có người bay

Khai mạc: 18:00 – thứ Ba ngày 11. 12. 2012, có nghệ sĩ trò chuyện
Thời gian: thứ Tư, 12. 12. 2012 – Chủ nhật 6. 1. 2013
Giờ mở cửa: 09:00 – 18:00 (đóng cửa Chủ Nhật và các ngày từ 28. 12 – 3.1. 2013)
Địa điểm: Nhà Triển lãm, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hà Nội)

 

Ý kiến - Thảo luận

14:13 Tuesday,18.12.2012 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
Anh Tùng. Làm thế nào mà, trong mấy cái còm ngắn tũn của tôi, anh lại có thể moi ra được cái ý tưởng "...lươm nhươm là bản chất mang tính định nghĩa của nghệ thuật ý niệm..."?! Tài thật!
...xem tiếp
14:13 Tuesday,18.12.2012 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
Anh Tùng. Làm thế nào mà, trong mấy cái còm ngắn tũn của tôi, anh lại có thể moi ra được cái ý tưởng "...lươm nhươm là bản chất mang tính định nghĩa của nghệ thuật ý niệm..."?! Tài thật! 
23:00 Monday,17.12.2012 Đăng bởi:  ngodang
Tôi có xem tác phẩm này thấy cũng "ke cẩm", cẩn thận, gọn gàng phết rồi đấy chứ (nhất là trong tương quan với các tác phẩm khác trong triển lãm này)! Chẳng lẽ còn phải tuyệt đối như dùng máy để xén?! Nếu thế thì đâu còn cảm giác được quá trình thủ công của
...xem tiếp
23:00 Monday,17.12.2012 Đăng bởi:  ngodang
Tôi có xem tác phẩm này thấy cũng "ke cẩm", cẩn thận, gọn gàng phết rồi đấy chứ (nhất là trong tương quan với các tác phẩm khác trong triển lãm này)! Chẳng lẽ còn phải tuyệt đối như dùng máy để xén?! Nếu thế thì đâu còn cảm giác được quá trình thủ công của tác giả nữa chứ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả