Bàn luận

Trừu tượng = trừu cái tượng?
hay tượng nó trừu? (Cập nhật 1) 08. 11. 12 - 5:40 pm

 SOI: Trong cmt của bài Hội họa Trừu tượng: người đẹp trăm tuổi, ở phần cmt có tranh luận về chữ “trừu tượng”. Soi xin đưa thành bài để các bạn theo dõi. Rất bổ ích đấy!

“Rose” của Serge Poliakoff

NGUYỄN QUÂN

Theo chiết tự Hán-Việt, trừu tượng có thể được hiểu như sau: trừu, nghĩa là giữ lại; tượng, nghĩa là hình ảnh; vậy thì hội họa trừu tượng là một kỹ thuật, một thao tác nhằm “giữ lại” những hình ảnh để nó “không đi vào” trong tác phẩm. Những hình ảnh này có thể đến từ bất cứ thứ gì: thiên nhiên, hiện thực, tư tưởng, tình cảm…  (Hội họa Trừu tượng: người đẹp trăm tuổi)

 

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG
 
Theo chiết tự Hán-Việt, trừu tượng có thể được hiểu như sau: trừu, nghĩa là giữ lại; tượng, nghĩa là hình ảnh; vậy thì hội họa trừu tượng là một kỹ thuật, một thao tác nhằm “giữ lại” những hình ảnh để nó “không đi vào” trong tác phẩm. Những hình ảnh này có thể đến từ bất cứ thứ gì: thiên nhiên, hiện thực, tư tưởng, tình cảm… ” (sic)

Trừu 抽 không phải là giữ lại mà là rút ra, kéo ra, lôi ra, trích ra.
Trừu tượng 抽象 có nghĩa là hình ảnh đã bị rút ra, không còn hình nữa.
 

IKB 93 của Yves Klein

PHÓ ĐỨC TÙNG

Theo mình, cả nghĩa trừu tượng của chú Quân và anh Đăng đều có chỗ chưa ổn. Vấn đề là ở ngữ pháp. Chữ trừu ở đây được dịch là động từ, tượng là danh từ, và ta có hành động “trừu” cái “tượng.

Theo chú Quân, “trừu” có nghĩa là giữ lại, theo nghĩa như “lọc”, có nghĩa là chặn cái “tượng” không cho nó vào tranh.

Theo anh Đăng thì “trừu” có nghĩa là “rút ra”, có nghĩa là “hút” cái “tượng” ra khỏi bức tranh.

Dù theo nghĩa nào thì cái “tượng” cũng là phần tử không nằm trong tranh nữa.

Cả hai khái niệm đều sẽ là dạng negative, tức là tranh sẽ được định nghĩa là thực thể nào đó sau khi bỏ đi phần hình. Nói cách khác, đó là định nghĩa tranh trừu tượng “không phải là cái gì” chứ không phải “tranh là cái gì”.

Tuy nhiên, thực ra chữ Trừu Tượng theo tôi là một khái niệm positive, tức là nói về bản thân tranh đấy là gì. Theo đúng ngữ pháp Hán Việt, và cũng đúng với những khái niệm abstract painting, thì chữ “tượng” là chủ thể, tức là chỉ bản thân hình tượng được vẽ trong tranh. Và chữ “trừu” là tính từ hóa động từ, nhằm bổ nghĩa cho chữ tượng.

Chữ trừu ít thông dụng trong tiếng Việt, nhưng nghĩa chữ abstract tiếng Anh rất rõ. Nó là sự tinh lọc, chiết xuất. Như vậy nói là giữ lại cũng đúng, mà rút ra cũng đúng. Giữ lại theo nghĩa là vứt hết cái rườm rà, giữ lại cái cốt lõi, tinh chất. Rút ra theo nghĩa là chọn lọc trong tổng thể lấy ra cái cốt lõi. Tóm lại là vừa phải giữ được cái chính, vừa phải vứt được cái không cần thiết. Ví dụ ta lấy tinh chất hoa hồng từ bông hồng, tóm tắt nội dung của một cuốn sách, đều gọi là abstract.

Trừu tượng là hình ảnh còn lại sau quá trình chắt lọc đó. Vì nó là tranh nên vẫn gọi là tượng, nhưng nó không giống một thực thể nào ngoài đời, kiểu như rượu không giống gạo, vì đã qua chưng cất. Tuy nhiên, kiểu gì nó cũng phải có được một essence nào đó rất cô đọng, nồng độ cao thì mới được. Nếu chỉ là vứt hình đi không thôi thì chưa làm rõ được điều này. Một bức tranh không có hình thể gì, nhưng không có độ cô đặc của thông điệp, kiểu như voi hay hải cẩu vẽ thì không đáng tên trừu tượng.

 

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

1. Cmt trước của tôi không bàn tới định nghĩa hội họa trừu tượng, mà chỉ bàn tới nghĩa đen của hai chữ Hán trừu tượng 抽象, trong đó trừu đóng vai trò tính từ và có nghĩa đã bị rút ra, tượng là danh từ có nghĩa là hình ảnh.

Trừu tượng có nghĩa là hình ảnh đã bị rút ra.

Ví dụ của chữ tượng: 卓文君象 = Trác Văn Quân tượng có nghĩa là “Hình ảnh Trác Văn Quân” – tên một bức họa vẽ chân dung người đẹp Trác Văn Quân của họa sĩ thời Edo Shiba Kokan (司馬江漢 = Tư Mã Giang Hán).

Trác Văn Quân tượng

Trác Văn Quân là mỹ nữ đã say mê tiếng đàn của Tư Mã Tương Như đến độ đang đêm bỏ nhà đi theo chàng. Nguyễn Du từng có đoạn tả Kiều chơi đàn:

Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau
Khúc đâu Tư mã Phượng cầu
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng?

trong đó Tư Mã Phượng Cầu chính là khúc Phượng Cầu Hoàng (Chim phượng trống tìm chim phượng mái) mà Tư Mã Tương Như đã gảy để quyến rũ Trác Văn Quân.
 
2. Tinh dầu hoa hồng trong tiếng Anh là rose extract trong đó rose là hoa hồng, còn danh từ extract (chứ không phải abstract) là phần được chiết ra, tinh dầu. Abstract và extract là hai từ khác nhau.

 

PHÓ ĐỨC TÙNG

Anh Đăng,

Đúng là em dùng chữ tinh chất hoa hồng dễ dẫn đến hiểu lầm. Ngôn ngữ thông dụng hay dùng khái niệm Rose extract như anh nói. Nhưng cũng có khái niệm abstract, đúng hơn gọi là abstractum, là thuật ngữ chuyên ngành dược, dùng cho các chiết xuất thực vật.

Đúng như anh nói, có sự khác nhau giữa extractabstract. Em không phải nhà ngôn ngữ, nhưng có cảm nhận là extract tức là việc tách một chất ra khỏi những thứ khác, theo nghĩa rút ra. Nhưng abstract thì cũng là nghĩa rút ra, nhưng cái được rút ra phải là bản chất, tinh túy của cái ban đầu. Khi tách bơ khỏi sữa, người ta cũng dùng khái niệm abstract, chứ không phải extract. Có lẽ đó là vì họ không coi bơ là một chất khác, nằm lẫn trong sữa cần được tách ra, kiểu tách dầu khỏi nước, mà là tinh túy của sữa.

Anh Đăng cũng giải thích chữ trừu tượng theo nghĩa là hình ảnh được (hay bị cũng vậy) chiết xuất. chỉ có điều anh suy ra tranh trừu tượng là phần còn lại sau khi đã bỏ đi hình ảnh. còn mình thì cho rằng nó chính là hình ảnh được chiết xuất từ những thứ khác. Bởi lẽ nếu hiểu là sau khi bỏ đi hình ảnh thì có thể hình dung đối với một cảnh quan trừu tượng, nhân vật trừu tượng, nhưng nếu cái định mô tả trừu tượng lại là một thứ vốn không có ảnh, như một cảm giác chẳng hạn, thì sẽ không hiểu được.

Con công, mực trắng và acrylic trên giấy xuyến, tranh của Wei Ligang (Trung Quốc)

 

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

1.  Động từ, danh từ và tính từ là 3 thứ khác nhau.
Abstract được bàn đến ở đây là danh từ hoặc tính từ trong nghĩa là một bản tóm tắt (danh từ) như abstract of an article: tóm tắt một bài báo [Xem ví dụ tại đây  , trong đó phần text 5 dòng bên dưới địa chỉ là abstract của bài báo], hay abstract painting (hội họa trừu tượng) mà abstract đóng vai trò của tính từ.
Còn “to abstract something” (chiết ra, rút cái gì ra) là động từ, như trong ví dụ tách bơ từ sữa. Khi biến thành tính từ thì phải viết là abstracted butter tức bơ đã được tách, chứ không phải là abstract butter.
 
2. Hội họa trừu tượng dịch sát nghĩa là hội họa không hình (trừu tượng = hình ảnh đã bị rút ra) tương đương với thuật ngữ tiếng Anh nonfigurtaive painting, tức abstract painting theo nghĩa thứ hội họa không nhằm mô phỏng hay biểu trưng sự vật cụ thể của thế giới khách quan (như ngườí, vật, cây cối, v.v.).
 
3. Trong thuyết âm dương của Kinh Dịch, tứ tượng là 4 hình ảnh (Tứbốn, tượnghình ảnh): Thái Dương, Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Âm, thực chất là các tổ hợp đôi của đường liền và đường đứt đoạn. Tổ hợp chập ba sinh ra bát quái. Tứ tượng còn là 4 hình ảnh trong Thái cực đồ. Trong phong thủy tứ tượng hay tứ thánh thú là 4 con vật (4 hình tượng) rùa đen, rồng xanh, hổ trắng, chim tước đỏ tượng trưng cho 4 chòm sao. Tượng ở đây cũng vẫn là hình ảnh
 

“Frelon Brun” của Josh Dove.

 

PHÓ ĐỨC TÙNG

Anh Đăng,

Đúng là bản thân chữ  abstract có thể hiểu theo cả nghĩa anh nói hay như em nói. Chỉ có điều là về thực tế hình dung thế nào thì dễ hiểu thôi.

Chú Quân nói: hội họa trừu tượng là một loại “kỹ thuật” ngăn hình ảnh không cho vào tranh. Thực tế kỹ thuật đó như thế nào, có giải thích được không, có học được không?

Anh nói là rút hình khỏi tranh, vậy cụ thể là làm thế nào để rút hình khỏi tranh? Hay rút hình khỏi một sự vật trước khi đưa vào tranh thì làm thế nào? Có còn gì sau khi rút hình không, hay miễn là cứ rút hình là được?

Có mối liên hệ rất gần giữa những trường phái hội họa như nonfigurative, minimalistic, abstract v.v… nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau, vì nếu hoàn toàn giống nhau thì người ta đã không dùng từ khác nhau, mỗi từ khác nhau nhằm chỉ một khía cạnh đặc biệt nào đó. Trong bài của chú Quân cũng trộn lẫn rất nhiều khái niệm, làm rối không biết thế nào là abstract. Xét về biểu hiện phi hình thể bên ngoài thì nonfigurativeabstract có thể là giống nhau, nhưng rõ ràng abstract không chỉ là phi hình thể.

Tóm lại cho dù rút ra rút vào, nhưng ta phải thấy là abstract có liên quan đến một sự tinh chế (có lẽ từ này đúng hơn là chiết xuất, vì chiết xuất là extract). Sản phẩm được giữ lại sau quá trình tinh chế đó (chứ không phải phần rác bị vứt đi) sẽ là thứ phải vào trong tranh trừu tượng. Ta có thể gọi cái tinh chất đó là đã bị rút bỏ tượng như anh nói, hay là nó vẫn là tượng, chỉ không phải cái tượng ban đầu, mà là tượng của cái tượng ban đầu như ý em nói.

Như vậy nói bơ không phải sữa, vì đã bị rút bỏ sữa (theo nghĩa anh nói) cũng đúng, mà nói bơ vẫn là sữa, là tinh của sữa (như ý em) đều được cả. Quan trọng là trong tranh trừu tượng phải còn bơ.

 

*

Bài liên quan:

– Hội họa Trừu tượng: người đẹp trăm tuổi 
– Trừu tượng = trừu cái tượng? hay tượng nó trừu ? (cập nhật 1)
 
– Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (cập nhật 2 và kết thúc)

– Bạn chọn lối nào: Không còn hình nữa là trừu tượng? Chắt được tinh chất là trừu tượng?

– Nếu không có “essence”, Pollock hơn hải cẩu Tuần Châu ở chỗ nào?

Ý kiến - Thảo luận

1:11 Monday,3.6.2013 Đăng bởi:  Lê Hiếu
Ôi bác NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG nội công thâm hậu quá. Đọc bài viết của bác chi tiết, rõ ràng và dẫn chứng rất dễ hiểu. Cảm ơn bác rất nhiều và luôn hi vọng nhận được thêm sự chia sẻ của bác trong các vấn đề khác ở SOI.
...xem tiếp
1:11 Monday,3.6.2013 Đăng bởi:  Lê Hiếu
Ôi bác NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG nội công thâm hậu quá. Đọc bài viết của bác chi tiết, rõ ràng và dẫn chứng rất dễ hiểu. Cảm ơn bác rất nhiều và luôn hi vọng nhận được thêm sự chia sẻ của bác trong các vấn đề khác ở SOI. 
0:40 Sunday,11.11.2012 Đăng bởi:  Nguyễn.T.Trung

Xin phép được nhảy vào cuộc trao đổi nhân danh hai góc độ:
1. Hiểu từ Abstract theo góc độ thực tiễn kỹ nghệ
2. Giải thích từ Tượng theo lý học và tiếng Việt

Phần dễ trước:
1. Trong kỹ nghệ, đặc biệt trong kiến trúc, abstract được dùng để thể hiện một mức độ thiế
...xem tiếp

0:40 Sunday,11.11.2012 Đăng bởi:  Nguyễn.T.Trung

Xin phép được nhảy vào cuộc trao đổi nhân danh hai góc độ:
1. Hiểu từ Abstract theo góc độ thực tiễn kỹ nghệ
2. Giải thích từ Tượng theo lý học và tiếng Việt

Phần dễ trước:
1. Trong kỹ nghệ, đặc biệt trong kiến trúc, abstract được dùng để thể hiện một mức độ thiết kế trong đó dù không (không cần thiết) có cụ thể về cách thức nó sẽ được làm ra (to hay nhỏ, nặng hay nhẹ, bền hay chóng...) thì nó vẫn đủ để những đối tượng ngoài nó hiểu nó là gì mà biết cách tương tác với nó.

2. Trong lý học không giống như được giải thích ở đây " Trong thuyết âm dương của Kinh Dịch, tứ tượng là 4 hình ảnh (Tứ là bốn, tượng là hình ảnh): Thái Dương, Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Âm, thực chất là các tổ hợp đôi của đường liền và đường đứt đoạn. Tổ hợp chập ba sinh ra bát quái. Tứ tượng còn là 4 hình ảnh trong Thái cực đồ. Trong phong thủy tứ tượng hay tứ thánh thú là 4 con vật (4 hình tượng) rùa đen, rồng xanh, hổ trắng, chim tước đỏ tượng trưng cho 4 chòm sao. Tượng ở đây cũng vẫn là hình ảnh"
Tứ tượng không hề liên quan đến hình ảnh, nó là tên gọi của một giai đoạn đầu tiên của hình thành (lưỡng nghi sinh tứ tượng - lưỡng nghi đó tương tác với nhau theo 4 cách) và mang tính bao quát toàn bộ về sau của sự tương tác (tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ), những giải thích như ở trên chỉ là những gán ghép cho dễ hiểu. Như vậy tứ tượng là phân loại cơ bản của tương tác.

Nay xét sang tiếng Việt (hoàn toàn thuần Việt - mặc dù có thể là Việt-Hán (bị Hán hóa 1000 năm)-Việt:
Tưởng, Tương, Tượng, Tướng, Tường
Tưởng: "nó" có thể có thật - tỉnh dậy buổi sáng, hôm nay sao hơi uể oải
Tương: tương tác với "nó" - cảm thấy không khí có vẻ u ám, âm ẩm
Tượng: Rõ nét ra sự tương tác với "nó" - Mây là tượng của mưa - nhìn ra ngoài trời thấy nhiều mây.
Tướng: Nắm được rõ hình tướng của "nó" - biết trời sẽ mưa cả ngày do ảnh hưởng của bão
Tường: Tiếp xúc cụ thể, biết rõ "nó" - đi bộ trong mưa
Trong phạm trù này tiếng Việt là vô địch (hãy xét thêm các từ khác ví dụ: hoa, họa, hòa, hóa, hỏa) - đây là ý nghĩa của "Nôm na là cha mách qué" - Tiếng Nôm là nguồn gốc của các quái (quẻ dịch)
Với 3 góc nhìn trên, hi vọng đóng góp một góc nhìn thêm về từ trừu tượng trong đó từ trừu (trong âm Việt) phải chăng là từ "trào" - đừng vội tin các từ điển.
Cá nhân tôi thấy cách hiểu này rất phù hợp với những gì "trừu" ra trong tôi khi "tương tác" với tranh của Nguyễn Trung hay Vũ Hòa.

Trân trọng,

Trung

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?)

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả