Soi học

Bài học Chủ nhật: Chỉ vì đàn ông dại khờ, phụ nữ biến nhau thành quái vật 14. 10. 12 - 7:12 am

Pha Lê - Nguyễn Đình Đăng

 

Sau bài học về con Chimera lai tạp, mọi người còn hứng học về quái thú nữa không? Kỳ này, xin kể một câu chuyện tình… kinh khủng khiếp, đúng với gu ghen tuông và giết chóc của tích Hy Lạp cổ.

Hai nhân vật chính trong tích này là chàng Glaucus và nàng Scylla. Sơ yếu lý lịch của hai người rất lòng vòng, túm cái bản phổ biến nhất kể thì khởi sự thế này: Glaucus là một chàng ngư dân bình thường. Một hôm, khi lôi mẻ cá lên bờ, Glaucus bỗng thấy một số con cá đã chết bỗng dưng… sống lại, vùng thoát khỏi lưới và nhảy xuống biển. Mới đầu, Glaucus tưởng mình bị điên, nhưng khi quan sát kỹ thì chàng thấy chỗ đám cá hồi sinh từng nằm có một loài cỏ lạ. Tò mò, chàng hái cỏ lên ăn.

Khi ăn xong, bỗng dưng Glaucus có “bản năng mới”, thôi thúc chàng xuống biển. Khi chạm vào làn nước mặn, chân của Glaucus biến thành đuôi cá và chàng bắt đầu thở được dưới nước, thế là “chàng tiên cá” đầu tiên ra đời. Các vị thần trên đỉnh Olypia tuy bối rối nhưng họ cũng biết chấp nhận vài trục trặc của cuộc sống, thế là họ phong chức thần cho Glaucus để chàng cai quản vùng biển của mình.

Thế là Glaucus vui vẻ quậy phá, cặp bồ với vô số em “đuôi dài”, cho đến ngày nọ, chàng chạm mặt Scylla.

Scylla là một tiên biển, là đứa con gái đẹp nhất trong đám con của thần biển Phorcys (theo tích cổ thì Scylla là một yêu quái, nhưng các tích sau này kể rằng mới đầu nàng Scylla rất đẹp, ăn đứt Kiều). Glaucus vừa nhìn thấy nàng tiên thì mắt nổ đom đóm, mê mẩn chạy theo tán tỉnh. Nhưng nàng này lại chẳng thích Glaucus, nên cứ thấy mặt Glaucus là nàng lườm nguýt đuổi đi.

Tác phẩm “Scylla và Glaucus”, Jacques Dumont, 1726. Họa sĩ vẽ cảnh Glaucus buông lời ong bướm để tán Scylla nhưng nàng tiên có vẻ không quan tâm lắm. Cupid cũng chĩa cung vào mỗi Glaucus thôi, chắc ngụ ý rằng chàng này chỉ có thể yêu đơn phương. Mà Glaucus trông già khú, râu ria xồm xoàm, ai mà yêu nổi?

 

“Glaucus và Scylla”, Laurent de la Hyre, thế kỷ 17. Không hiểu sao khi nhìn chàng tiên cá Glaucus tỏ tình với Scylla ngồi vắt vẻo trên bờ đá, tôi lại nhớ tới cảnh Romeo tỏ tình với Juliet trên ban công. Nhưng Glaucus này xấu quá, không phải Romeo, mà Scylla lại chẳng yêu Glaucus nên cũng không thể là Juliet. Tranh này cũng có Cupid, nhưng yêu đơn phương mà, chẳng tình cảm như truyện Shakespears (nhưng sẽ bi đát không kém!).

 

“Glaucus và Scylla”, Bartholomaus Spranger, 1581. Nhìn thì thấy mặt giải phẫu học của bức này hơi có vấn đề. Mà họa sĩ vẽ tranh tỏ tình – dù là tình đơn phương – sao giống tranh kinh dị quá. Trời thì tối u ám, Glaucus già khú, đuôi cá trông y như đuôi rắn.

 

“Glaucus và Scylla”, J.M. William Turner, 1841. Turner chuyên vẽ tranh phong cảnh bằng màu nước, thật thú vị khi thấy một tác phẩm về tích Hy Lạp của Turner. Càng ngắm thì tôi càng thấy buồn cười, Glaucus lấp ló như một tên nhìn trộm, Scylla phát hiện thấy Glaucus đang dòm mình tắm thì hốt hoảng chạy.

 

Tỏ tình mãi không xong, Glaucus buồn quá, chạy tới chỗ bà bạn Circe để tám giải sầu. Ai thuộc tích thì sẽ nhớ tới bài học thứ Tư anh Gigi kể về Circe – một người hơi bị nham hiểm. Bà Circe này sống một mình trên hòn đảo (nghe là thấy đáng nghi rồi. Ai mà sống một mình trên đảo? Người đàng hoàng sẽ có bạn bè chớ?). Glaucus cứ thế xả buồn, nào là mình “đang yêu”, nào là không thể yêu ai khác ngoài Scylla, nhưng nàng cứ thế từ chối mãi, khổ ơi là khổ.

Glaucus rõ đần, vì Circe lại… yêu Glaucus mà chàng không biết, chàng cứ tám miết về Scylla thì chẳng khác nào tát nước vào mặt Circe, một khi người đàn bà đầy quyền năng như Circe tức vì ghen thì hậu quả thật khó lường.

Tác phẩm “Circe”, Waterhouse. Bức tranh này từng đăng trong bài học thứ Tư về Circe của anh Gigi. Bà này nổi tiếng là pha độc dược rất tài, nên Waterhouse vẽ cảnh Circe đổ thứ thuốc gì đó xanh lè xuống biển.

 

Ghen tức, Circe làm gì? Mụ chạy đến chỗ Scylla sống (ở Sicily), canh lúc nàng đi tắm rồi thả một loại thuốc độc vào hồ tắm của nàng. Thế là Scylla tội nghiệp bị ếm suốt đời, thuốc của Circe biến Scylla thành yêu quái, chân nàng biến thành đuôi nửa cá nửa rắn, hai bên hông mọc 6 đầu chó với ranh nanh nhọn hoắt. 6 đầu chó này sẽ nhai nát bất cứ ai dám tới gần Scylla. Nàng buồn khổ quá, nên lẩn đến eo biển của thành phố Messina trốn. Bất cứ ai xui xẻo đi ngang qua eo biển này sẽ bị Scylla xơi tái.

Tác phẩm “Circe và Scylla”, 1886, John Strudwick. Scylla xinh xắn như thiên thần mặc áo trắng, chuẩn bị đi tắm, còn Circe nham hiểm thì mặc áo đen, đang thả thuốc độc để làm ô nhiểm sông. Xem tranh tự nhiên nhớ tới vụ sông Việt Nam bị nhiễm chì từ nhà máy, không biết ăn cá sông rồi sau này có bị biến dạng như Scylla không cà? Nghi quá!

 

Hình vẽ Scylla trên một chiếc vại Hy Lạp thuộc thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên. Với đuôi dài ngoằng và đầu chó, Scylla trông còn khiếp đảm hơn cả con Chimera.

 

Tác phẩm “Circe biến Scylla thành yêu quái”, Eglon van der Neer, 1695. Tác phẩm hơi lạc đề, vẽ Circe ếm Scylla công khai, với Glaucus đứng ngay đó (?). Mà Scylla khi bị ếm thì cũng chỉ có ếm từ phần bụng trở xuống thôi, làm gì có chuyện già đi rồi tóc biến thành rắn như trong tranh? Scylla chứ có phải Medusa đâu?

 

“Scylla và Glaucus”, Rubens. Rubens vẽ thì đẹp đấy, nhưng tại sao lại vẽ Scylla bị… chó cắn thay vì mọc đầu chó nhỉ?

 

Nghe đồn rằng nàng Scylla vẫn còn sống ở eo biển Messina. Nếu bạn dũng cảm và tính làm một chuyến du lịch đến Sicily, hãy ghé qua Messina xem thực hư thế nào nhé!

*

Phần bổ sung của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng

Theo truyền thuyết Hy Lạp, hai bờ eo biển Messina là hai con quái vật: Con Scylla nằm ở phần bán đảo Ý, như Pha Lê đã kể rất dí dỏm, còn con Charybdis – nguyên là con gái thần biển Poseidon (tên La Mã là Neptune) và Gaia (Tellus) – nằm ở đỉnh bên phải đảo Sicily. Tên đảo Sicily không liên quan gì tới tên Scylla, mà do người Sicels di cư tới đó vào t.k. 11 tr. CN mà có tên.

Alessandro Allori (1535 – 1607), Tàu của Odysseus giữa Charybdis và Scylla, (trích đoạn bích hoạ vẽ năm 1575 tại Palazzo Cepparello ở Florence)

 
Con Charybdis hút nước biển vào mồm rồi khạc ra ồng ộc 3 lần trong ngày, tạo ra một xoáy nước khổng lồ sâu thẳm nhấn chìm cả tàu bè. Trong truyện Odyssey (tức cuộc phiêu lưu của Odysseus), Odysseus (tên La Mã là Ulysses) và các bạn, trên đường trở về quê hương sau khi chiến tranh Troy kết thúc, đã bị lạc đường tới tận eo Messina và phải đi qua eo biển này, tức giữa Charybdis và Scylla tới 2 lần. Lần đầu Odysseus chọn đi sát Scylla và vì thế bị Scylla xơi 6 thủy thủ. Lượt về Odysseus đi sát Charybdis, và bị nó nuốt cả tàu vào bụng, nhưng Odysseus thoát chết nhờ bám được vào cây. Khi Charybdis khạc nước, tàu cũng bị khạc ra theo và Odysseus lấy lại được tàu đi tiếp.
 
Ngày nay thành ngữ “Between Charybdis and Scylla” (giữa Charybdis và Scylla) hàm ý “Giữa hai cái hoạ. Tránh cái này thì đụng phải cái kia“, diễn nôm là “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa“, nhưng thành ngữ “Giữa Charybdis và Scylla” chứa đựng một truyền thuyết Hy Lạp lâu đời. Cho nên, khi bạn làm diễn văn trước thính giả châu Âu – châu Mỹ mà bạn nói “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” thì đại đa số sẽ không ai hiểu gì cả, nếu không được nghe giải thích lằng nhằng một hồi, nhưng nếu bạn nói “Between Charybdis and Scylla” thì thính giả sẽ được phen lác mắt rửa tai trước … học vấn uyên thâm của bạn.
 
Tôi may mắn hơn Odysseus vì đã từng đi qua eo Messina vài lần trong thời gian tôi ở Sicily cách đây 20 năm, mà không bị con quái vật nào khạc nhổ cả.
 
Eo biển Messina tuy hẹp nhưng sâu và nước chảy xiết. Cho đến nay vẫn chưa có một cây cầu nào được bắc qua để nối đảo Sicily với bán đảo Ý. Từ nhiều năm nay đã có một dự án định xài một món tiền thuế khổng lồ của dân để xây cầu qua eo Messia nhưng bị phản đối. Lý do là trước khi xây cầu cần dùng tiền để nâng cấp đường xá và cơ sở hạ tầng tại đảo Sicily lên đã. Cho đến nay, tàu hoả tới đó phải dừng lại, cắt thành toa xếp lên phà để vượt qua eo biển (mất khoảng 1 giờ  – 1 giờ rưỡi đồng hồ). Trong khi phà vượt qua eo biển bạn có thể ngồi nguyên trong tàu, hoặc lên boong phà hóng gió, uống cà fê ăn kem Ý trong bar và ngắm Địa Trung Hải. Sau khi sang tới bờ bên kia, các toa lại được nối lại và tàu lại chạy tiếp.

 

Ý kiến - Thảo luận

21:23 Friday,18.7.2014 Đăng bởi:  phale
@Nguyễn Hạnh Quyên: Bó tay bạn luôn rồi, từ đầu mình đã nói tích Hy Lạp có nhiều bản, mình thích kể bạn phổ biến, bản giật gân, chứ không thể kể một lô lốc biến thể từ Plato đến Homer đến Hesiod đến Apollodorus được. 
Phổ biến thì là bản Glaucus biến thành tiên cá sau khi ăn
...xem tiếp
21:23 Friday,18.7.2014 Đăng bởi:  phale
@Nguyễn Hạnh Quyên: Bó tay bạn luôn rồi, từ đầu mình đã nói tích Hy Lạp có nhiều bản, mình thích kể bạn phổ biến, bản giật gân, chứ không thể kể một lô lốc biến thể từ Plato đến Homer đến Hesiod đến Apollodorus được. 
Phổ biến thì là bản Glaucus biến thành tiên cá sau khi ăn loài cỏ lạ như mình đã kể, hoạ sĩ cũng hay vẽ bản này nên mình chọn nó luôn; chứ tranh vẽ toàn Glaucus có đuôi cá mà mình đi kể bản Glaucus là người thì không được ton sur ton :)
Pausanias, Description of Greece 9. 22. 7 :"By the sea [at Anthedon in Boiotia] is what is called the Leap of Glaukos (Glaucus). That Glaukos was a fisherman, who, on eating of the grass, turned into a deity of the sea. 
Plato, Republic 611d (trans. Shorey) : The sea-god Glaukos (Glaucus) whose first nature [i.e. the man] can hardly be made out by those who catch glimpses of him, because the original members of his body are broken off and mutilated and crushed and in every way marred by the waves, and other parts have attached themselves to him, accretions of shells and sea-weed and rocks, so that he is more like any wild creature than what he was by nature."
Bản nói scylla là tiên biển, con gái thần biển Phorcys có rất nhiều, bạn thích có thể tìm thêm đọc. Thông cảm là mình chẳng thể để đủ mọi bản ở đây nhé, như vậy rất rối. 
 
20:12 Friday,18.7.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Có tích nào kể về Glaucus mà buồn cười thế ? Glaucus biến thành tiên cá cơ à ? Theo Liveakute biết thì Glaucus là một chàng ngư dân sống gần biển (để tiện đánh cá). Chàng ta say mê nàng Scylla yêu kiều, coi nàng như tất cả sự sống của mình. Nhưng có khi SOI nhầm tích rồi
...xem tiếp
20:12 Friday,18.7.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Có tích nào kể về Glaucus mà buồn cười thế ? Glaucus biến thành tiên cá cơ à ? Theo Liveakute biết thì Glaucus là một chàng ngư dân sống gần biển (để tiện đánh cá). Chàng ta say mê nàng Scylla yêu kiều, coi nàng như tất cả sự sống của mình. Nhưng có khi SOI nhầm tích rồi .Scylla đâu phải tiên nữ ? Nàng ấy là người thường mà. Là tiên thì làm sao dễ bị biến thành quái vật như thế được ? Mà Circe không phải bạn của Glaucus đâu. Circe là một tiên nữ mà cũng là một phù thuỷ. Chính vì là phù thuỷ nên bà ấy không có duyên với tình yêu đôi lứa, cho nên bà đem lòng yêu tất cả những người đàn ông nào đến tìm gặp bà và bà mong họ sẽ nhận lời, Glaucus cũng nằm trong số đó. Nhưng không ai muốn yêu một phù thuỷ cả nên Circe mới cô độc như thế cho đến bây giờ. Vì Glaucus không chấp nhận tình yêu của Circe mà nói rằng Scylla là tình yêu duy nhất của mình trên đời. Thế cho nên Circe mới phát ghen như thế.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả