Nghệ sĩ Việt Nam

Không cần thông điệp. Đó chỉ là cuộc sống, đang trôi. 14. 05. 12 - 10:56 pm

Mai Chi

 

Jo Ha Kyu, triển lãm video – ảnh của cặp vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi và Jamie Maxtone-Graham tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản có một điều dễ chịu là nó không ấn ngay vào tay người xem một thông điệp nặng trịch. Nhiều triển lãm nghệ thuật gần đây có xu hướng làm ta có cảm giác đang nghe một bài giảng đạo đức. Môi trường thì xuống cấp, các đô thị thì bị phá hủy, người nghèo thì nghèo, người giàu thì văn hóa lùn. Tới những lễ khai mạc của các triển lãm này ta có cảm giác mặc cảm tự ti, bởi ở đó ta thấy những khách tham dự, trong và ngoài nước, một tay cốc rượu vang, tay kia IPhone, lúc nào cũng bàn tán hết sức sôi nổi. Hẳn họ đang bàn xem phải thay đổi thế giới như thế nào. Ta tự ti vì chả biết có cách nào để thay đổi thế giới cả.

Jo Ha Kyu, như Wikipedia cho biết, là một kỹ thuật được ứng dụng cho nhiều bộ môn nghệ thuật Nhật Bản như âm nhạc, kịch Noh, trà đạo và võ thuật. Trong Jo Ha Kyu, mọi hành động hay cố gắng đều có ba phần: bắt đầu chậm rãi, tăng tốc, và kết thúc đột ngột. Nghe giống như một cuộc làm tình – ít nhất là từ cái nhìn của đàn ông. Thông cáo báo chí của Trung tâm Văn hóa Nhật Bản chọn một cách diễn đạt ít lãng mạn hơn, và trích dẫn nhà mỹ học thế kỷ 14 của Nhật Bản, Zeami, người ví nó như một dòng suối, dẫn tới một dòng sông chảy xiết trước khi là thác nước đổ xuống một mặt hồ tĩnh lặng. Zeami cũng coi Jo Ha Kyu là một khái niệm phổ quát, nằm trong sự vận hành của vạn vật (và như vậy so sánh trên kia của ta hẳn sẽ nhận được sự đồng tình của ông.)

Tuy nhiên, bộ phim dài 12 phút của Nguyễn Trinh Thi không quá bám sát kết cấu ba phần đặc trưng cho Jo Ha Kyu, và những ai muốn qua bộ phim tìm hiểu về Nhật Bản sẽ phải thất vọng. Nó không có một cốt chuyện rõ ràng, mà là tập hợp của những tích tắc thị giác ngắn ngủi. Đầu phim, một cô bé 8 tuổi (con gái tác giả) xuất hiện như trong vai trò người dẫn chuyện, mời chúng ta vào một cuộc lang thang không mục đích ở trong không gian Tokyo. Cuối phim, cô bé lại xuất hiện báo hiệu cho hồi kết. Trừ cảnh một số người phụ nữ mặc kimono đi guốc gỗ chạy những bước ngắn trên trên phố hay đứng đợi ở ga tàu, và cảnh biển người đi bộ trùng điệp băng qua đường ở khu Shibuya, hầu như không có hình ảnh nào đặc trưng cho Nhật Bản. Bộ phim nói nhiều về tác giả của nó hơn là nói về Tokyo, và nó thể hiện một trạng thái hơn là một câu chuyện. Những cư dân vô danh của thành phố xuất hiện ngắn ngủi trong vài giây, phần lớn trong trạng thái ngủ, chờ đợi, một mình, hay chỉ đơn giản nhìn vào camera. Thang cuốn chạy trong sân ga không bóng người, một biển hiệu quảng cáo nhấp nháy trong đêm, tập hợp những cảnh ngắn ngủi, không mục đích rõ ràng và bị cắt đột ngột này tạo ra một cảm giác cô đơn, căng thẳng, chờ đợi cái gì đó xuất hiện. Cảnh mấy trẻ em chơi đu quay trong đêm cạnh vòm cây lớn sáng rực trong ánh đèn cao áp bí hiểm và ẩn chứa bạo lực sắp ập xuống, như trong phim của David Lynch. Cái gắn kết tất cả những hình ảnh đứt đoạn này là âm thanh. Âm thanh được sử dụng tài tình để tăng thêm sự hồi hộp, bứt rứt bất an. Ở cuối phim, cái duy nhất còn lại rất lâu sau khi hình ảnh cuối cùng đã tắt là tiếng rền rĩ, lục bục, âm ỉ, rất trầm và đáng sợ (tác giả để kéo dài gần 2 phút). Đó là âm thanh của những trận động đất, được thu từ sâu bên dưới lòng đất. Ở đây, sự tĩnh lặng kết thúc của Jo Ha Kyu có vẻ như là cái mở đầu cho một thảm kịch lớn.

Jamie Maxtone-Graham đóng góp với 60 bức ảnh mà anh gọi là “60 chỗ đứng”. Cũng giống như trong phim của Trinh Thi, không có gì đặc trưng Tokyo trong chúng cả, chúng có thể là ảnh của bất cứ một thành phố châu Á nào. Jamie Graham trung thành với phong cách của anh. Một phần của series này là các ảnh chân dung cả người chụp trong một studio: các cá nhân hay tốp người nhiều lứa tuổi khác nhau, đứng cạnh hay ngồi trong một chiếc ghế bành, trước một thảm nhung xẫm mầu nuốt hết ánh sáng nền. Đây là một studio di động mà Bảo tàng Nhiếp ảnh Tokyo dựng nên để người xem có thể tự chụp bản thân. Anh đã “tận dụng” nó để chụp các chủ thể của mình. Tuy nhiên, khác với các cư dân Long Biên trong triển lãm cuối của anh tại Bui Gallery ở Hà Nội, kích cỡ nhỏ của các chân dung này và sự u ám của phông nền làm chúng thiếu sức lôi cuốn.

Phần còn lại của series thú vị hơn. Chúng nắm bắt những tình huống hàng ngày và một số phong cảnh. Tuy được chụp ngay sau trận động đất tháng 3. 2011, nhưng người xem sẽ khó nhận thấy tác động tâm lý của thảm họa trong các bức ảnh. Jamie Graham quan tâm tới những con người nhỏ bé và những tình huống giản dị: mấy người đàn ông trong công viên, một cậu bé đang mở cửa nhà, hành khách trong tầu điện ngầm. Đó là cuộc sống, đang xảy ra hàng ngày hàng giờ trên khắp mọi nơi. Các bức ảnh được in trên plastic mỏng trong suốt, lồng khung mầu đen và được chiếu sáng từ đằng sau bằng đèn LED, làm ta có cảm giác đang đứng trước những chiếc IPad cỡ lớn. Có lẽ cái cảm giác công nghệ này thích hợp với Nhật Bản. Một số có bố cục bất ngờ và thú vị, như các ảnh đám đông trên phố, tuy nhiên một số khác lại tương đối dễ dãi: mấy cái xe đạp, con mèo đi trên tường hay sân tennis buổi sáng. Có lẽ có thể giảm 60 ảnh xuống còn 40 mà không làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của series. Tác phẩm tôi thích nhất chụp một người đàn ông trung niên đang uống bia một mình ở một góc hẻm tồi tàn. Ông ta mặc áo kẻ caro cổ cồn nhét trong quần, để ria con kiến và có một mái tóc ép sát vào đầu một cách kỳ cục. Ông ta toát lên tất cả những gì chúng ta không hình dung về nước Nhật.

*

“Jo Ha Kyū” by Nguyen Trinh Thi và Jamie Maxtone-Graham
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, 27 Quang Trung, Hà Nội
Triển lãm còn mở cửa tới 24.5

 

Ý kiến - Thảo luận

17:15 Tuesday,15.5.2012 Đăng bởi:  Jamie Maxtone-Graham
Những người xem những vũ công không bao giờ biết sàn cảm thấy như thế nào.
...xem tiếp
17:15 Tuesday,15.5.2012 Đăng bởi:  Jamie Maxtone-Graham
Những người xem những vũ công không bao giờ biết sàn cảm thấy như thế nào. 
17:12 Tuesday,15.5.2012 Đăng bởi:  Jamie Maxtone-Graham
People who watch dancers never know how the floor feels.
...xem tiếp
17:12 Tuesday,15.5.2012 Đăng bởi:  Jamie Maxtone-Graham
People who watch dancers never know how the floor feels. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thông báo số 1 và 9 cái băn khoăn

Thông tin từ Cục Mỹ thuật–Nhiếp ảnh–Triển lãm và NGUYỄN THỊ HOÀI BÃO

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả