Soi học

Bài học Chủ nhật: Sự ra đời của Adonis – và tại sao Hy Lạp nghĩ đàn ông phải kiểm soát đàn bà 26. 02. 12 - 7:22 am

Pha Lê

 

.

 

Kỳ trước chúng ta bàn về vấn đề tình dục (cho nam giới) ở xã hội Hy Lạp cổ. Còn phụ nữ thì sao nhỉ?

Khổ cái, đa số ghi chép/sách vở hồi đó là do mấy ông viết, mà mấy ông thì thường không quan tâm tới đời sống của mấy bà, thành ra chuyện giường chiếu của các bà không có nhiều tư liệu để nghiên cứu. Chuyện quan hệ nữ/nữ giữa các bà hãy bàn sau, còn chuyện nam/nữ thì sao?

Khác với đàn ông, đàn bà Hy Lạp phải ở trong nhà, không được chung chạ lung tung. Cái lý do chính cho việc này cũng xưa như trái đất: vấn đề nòi giống. Mấy ông hay tự ti, chẳng biết ‘con vợ mình đẻ ra’ có phải ‘con mình’ không, mà luật thừa kế của Hy Lạp cực kì khắt khe. Lỡ một ngày nào đó, ông chồng phát hiện ra vợ mình léng phéng với ‘thằng nào’, thì ông ấy phải lôi đám con ra, xăm soi xem đứa nào sẽ bị gạch tên khỏi di chúc. Bởi vậy mà đàn ông phải có ‘nhiệm vụ’  kiểm soát đàn bà, và phải là người ‘chủ’ gia đình. Đối với họ, đàn bà là thứ dễ bị cám dỗ, dễ sa ngã, hay làm chuyện bậy (nhà biên kịch Aristophanes có viết một vở kịch hài về vấn đề này, tên là Thesmophoriazousae). Các ông cũng phải ‘chủ động’ trong chuyện giường chiếu, nếu các bà ‘chủ động’, chuyện gì sẽ xảy ra?

Tác phẩm “Sự chào đời của Adonis”, Sebastiano del Piombo, thế kỷ 16. Tại sao có một đứa bé chui ra từ cái cây thế nhỉ? Xin đọc tiếp, sẽ biết ngay mà.

 

Hy Lạp có một tích phản ánh rất rõ điều này, liên quan tới sự chào đời của chàng trai Adonis. Tích có khá nhiều bản chọi nhau, nhưng chung quy là như vầy: Ở một vương quốc nọ (nhà thơ Apollodorus phán là vương quốc Assyria), vua Theias và hoàng hậu Cenchreis có một cô con gái tên Myrrha (tên gọi khác: Smyrna) rất xinh xắn. Cả hai mê con lắm, nhưng Cenchreis – vì là đàn bà nên hay ‘mất kiểm soát’ – lỡ mồm phán rằng con mình còn đẹp hơn cả nữ thần Venus. Ôi thôi, xúc phạm ai chứ xúc phạm bà thần này thì coi như tàn đời, vì Venus (giống Artemis) đã ghét ai thì sẽ rất sáng tạo trong chuyện hành hạ người đấy.

Venus bỏ bùa, ếm cho Myrrha yêu… bố đẻ của mình. Thế là Myrrha tối ngày chỉ biết có chuyện làm sao quyến rũ được bố. Vụ lọan luân trong tích nghe muốn ói nên xin phép kể ngắn gọn thôi: Myrrha canh lúc tối, khi bố mệt quá lăn ra ngủ, rón rén tiến đến giường của bố để ‘hành sự’. Ông vua không hay biết gì cả, nên Myrrha được thể làm tới, nhưng một thời gian sau thì nàng mang thai.

Khi phụ nữ ‘chủ động’ kiểu này, kết cục sẽ chẳng hay ho gì. Thấy con gái không chồng mà chửa, vua cũng như hoàng hậu lôi con ra hỏi cung, Myrrha đành phải khai sự thật. Thế là bố Theias nổi điên, xách kiếm ra giết con gái cưng. Myrrha thấy bố cầm kiếm hùng hổ đi tới thì sợ quá, vắt giò chạy trốn. Nhưng Theias cứ thế dí theo, làm Myrrha vừa chạy vừa khóc lóc thảm thiết.

Từ trên trời nhìn xuống, Venus tự nhiên động lòng thương nạn nhân của mình, nên biến Myrrha thành cây sim (tiếng Anh gọi là Myrtle). Chuyện gì xảy ra tiếp theo thì có nhiều bản khác nhau.

Bản 1: Bố Theias thấy con bị biến thành cây nhưng vẫn chưa nguôi giận, cầm kiếm chém cây ra làm hai, và từ trong thân cây, bé Adonis chào đời.

Bản 2: Mười tháng* sau, bé Adonis tự chui ra khỏi cây.

Bản 3: Một con heo rừng chạy tới húc đổ cây sim, để lộ bé Adonis đang nằm bên trong.

Tác phẩm “Adonis chào đời”, Bonifacio di Pitati, thế kỷ 16. Ông Pitati chắc là vẽ theo bản thứ 2. Nhưng nếu thế thì Adonis tự chui ra khỏi bụng mẹ, chứ đâu mà lắm bà mụ thế? Cây đâu biết rặn? Vả lại, 10 tháng đã trôi qua, sao Myrrha còn chưa hoàn toàn biến thành cây sim nhỉ?


Tác phẩm “Adonis chào đời”, Marcantonio Franceschini, 1685. Bức này có gì đó hơi ghê ghê rờn rợn, không hẳn vì hình ảnh nàng Myrrha bị biến thành cây sim đen thui, mà vì hai tiên nữ (theo hầu Artemis) đang tò mò chỉ trỏ sờ mó chỗ nhạy cảm của “cây” Myrrha; thấy hơi giống hành động sờ mó xác chết, nhất là khi vẻ mặt của Myrrha còn lộ vẻ đau đớn. Bên trái là hai thần dê Satyr. Còn bên phải là thần Artemis (đeo vương miện mặt trăng) trao Adonis cho em trai Apollo (đội vòng nguyệt quế). Rõ khổ, các nàng tiên đi theo hầu Artemis sợ đàn ông lắm, nhất là đám Satyr vốn hay giở trò sàm sỡ, tự nhiên bỏ chung mấy người này vào tranh, chán quá đi mất.


Tác phẩm “Sự chào đời của Adonis”, Titans, vẽ từ năm 1505 đến 1510. Nếu không phải vì bé Adonis chui ra từ cây thì bức tranh này giống tranh tả cảnh vùng quê. Xa xa có vài ngôi nhà, có đồng cỏ, núi rừng. Bên trái là hai cặp nam nữ ôm nhau (cô gái hình như cũng đang mang bầu thì phải?), ở giữa là hai chú nai và một chú thỏ. Bên phải, một ông đang vịn cây để các bà mụ gỡ Adonis ra khỏi ‘bụng mẹ’. Cảnh ‘chung nhau lôi em bé’ xô bồ này làm tôi nhớ đến truyện “nhổ củ cải” hơn là tích Hy Lạp.


Chiếc đĩa này có gốc từ Ý, được làm vào khoảng năm 1550, và hiện nằm tại bảo tàng Quốc gia Victoria ở Melbourne. Trên đĩa có vẽ tích về sự ra đời của Adonis. Ba bà mụ ‘đỡ đẻ’ cho Myrrha, bên trái hình như là Cupid thì phải (hoặc có thể 3 người này là Venus, Artemis, Persephone? Vì họ có liên quan tới quá trình khôn lớn của Adonis. Nhưng bắp thịt của ba nàng cuồn cuộn quá, hơi giống Lý Đức). Đây không biết là đĩa để trưng cho đẹp hay để đựng tách trà? Nhìn thì giống đĩa đựng tách trà lắm. Nhưng tích này sao có thể hợp với một thú vui tao nhã như uống trà nhỉ?

 

Thực ra thì chính Venus ám Myrrha làm bậy, nhưng tại sao Venus không ám Theias yêu con gái? Vì để Myrrha ‘chủ động’ trong chuyện yêu đương sẽ đáng sợ hơn, ít ra là đối với dân Hy Lạp cổ. Đàn ông Hy Lạp cứ nghĩ rằng vì đàn bà mà cơ thể của mình ‘không chịu nghe lời bổn chủ’. Như đã giải thích ở bài học trước, việc không kiểm soát được cơ thể của bản thân là nỗi nhục của đàn ông. Thế nên chuyện Myrrha ‘tấn công’ Theias (mà ông chẳng hay biết gì) rất đáng sợ. Đối với họ, ‘cọc đi tìm trâu’ là điều không thể chấp nhận được. Lật lại tích về Hylas, cậu “bị” các nàng tiên sông mồi chài, và kết quả của việc ‘đàn ông thụ động trong tình yêu’ luôn bi thảm, Hylas biến đi đâu mất, không ai nhìn thấy cậu nữa. Sau này, nếu nghe thấy một tích Hy Lạp mà trong đó nhân vật nữ hùng hổ đi tán nhân vật nam, thì 99% kết cục sẽ chẳng hay ho gì cho cả nam lẫn nữ.

Nghe thì thấy Hy Lạp cổ có suy nghĩ cổ hủ, nhưng vấn đề tình dục của nữ giới vẫn còn khá phức tạp, xin hẹn kể tiếp vào bài học tuần sau. Rồi còn Adonis nữa? Số phận của chàng sẽ ra sao? Nó dính gì tới vai vế của phụ nữ thời xưa?

*

Cách tính tháng hồi đó ngắn hơn bây giờ, nên 10 tháng trong lịch Hy Lạp cổ chỉ bằng khoảng 9 tháng 10 ngày.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – tàng hình trong đêm động phòng (kỳ 2)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – giặc bên Ngô không bằng hai cô chị vợ (kỳ 3)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng (kỳ 4)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – khổ rồi cuối cùng cũng sướng (kỳ 5)

– Bài học Chủ nhật: Hermes – Thần của ngoại giao, nhưng lại hay nói dối

– Bài học thứ Tư: “Con ngựa gỗ thành Troy” hay cả thành bang tiêu tùng vì một tên lính quèn

– Bài học Chủ nhật: Hyacinth và tình dục ở xã hội Hy Lạp cổ

– Bài học thứ Tư: Athena giận khiến một rừng đàn ông khốn khổ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả