Ở Đâu - Làm Gì

Nôn nóng đợi KHÔNG THỜI GIAN 23. 10. 11 - 6:56 am

Thông tin từ BTC

 

.

KHÔNG THỜI GIAN

Khai mạc: 18h thứ Hai ngày 24. 10. 2011
Từ 24. 10 đến 30. 10. 2011
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 – Nguyễn Thái Học, Hà Nội)
Thảo luận: 14h ngày 25. 10. 2011

*

Ba nghệ sĩ Hải Phòng chung con đường hội họa giàu tinh thần hiện thực.
Giới thiệu bức tranh sơn dầu có kích thước lớn nhất được trưng bày ở Việt Nam trong năm 2011.

*

Không thời gian là tiêu đề triển lãm tranh của nhóm 3+ gồm ba tác giả cùng quê Hải Phòng: Bùi Duy Khánh, Vũ Ngọc Vĩnh và Mai Duy Minh.

Ba thành viên của 3+ đều có những lý do riêng để đi với nghệ thuật hội họa trong cuộc sống của mình.

Bùi Duy Khánh (sinh năm 1972) yêu thích hội họa từ nhỏ và đã học cơ bản từ một giáo viên phổ thông. Cuộc sống với rất nhiều khúc quanh cả trong công việc lẫn đời riêng khiến cho anh từng có một quãng thời gian dài không còn chú tâm với hội họa nữa. Nhưng cái gì vốn là niềm yêu thích từ thuở nhỏ thì đôi khi lại giống như một phần thuộc vào bản thể. Cuộc sống không thể cứ thăng trầm, quanh co mãi, cũng như là hội họa không thể biến mất khỏi tâm hồn anh. Giờ đây, cuộc sống an bình hơn đã đem lại cho anh nhiều thời gian thư nhàn, tạo điều kiện cho niềm yêu thích vẽ từ thơ bé trở lại. Học vẽ màu nước từ đầu năm 2010 nhưng chút tài hoa bản năng và sự say mê chân thành đã khiến cho các bức tranh màu nước tả cảnh biển quê hương của anh thấm đượm cảm xúc cá nhân, thể hiện được phần nào vẻ an bình trong cuộc sống, thứ vừa là hiện thực vừa là mơ ước của cá nhân anh. Cho dù còn có ít nhiều thiếu sót về mặt kỹ thuật hội họa nhưng phải nói rằng những bức tranh đặc tả sóng của anh thực sự hấp dẫn bởi sự bay bổng của màu sắc và đường nét. Tả phong cảnh biển là nội dung chính trong các bức vẽ giới thiệu lần này của Bùi Duy Khánh.

“Sóng”, Bùi Duy Khánh, màu nước trên giấy, 71 x 53cm, 2010

 

Vũ Ngọc Vĩnh (sinh năm 1978) là người duy nhất trong nhóm còn làm việc tại Hà Nội. Anh từng theo học khoa Sư phạm Mỹ thuật – Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh có thời gian khá dài bận tâm với kiếm sống bằng việc vẽ nhưng anh vẫn luôn nghĩ đó không thể là cách gắn bó tốt nhất với công việc này. Bởi vì cuối cùng, nghệ thuật là sự sáng tạo. Những bức tranh được giới thiệu trong triển lãm lần này là kết quả từ lần đầu tiên anh tách bản thân hoàn toàn khỏi những ràng buộc của thị trường. Chúng cho thấy mối quan tâm của anh đến hiện thực cuộc sống xã hội với nhiều giằng co, mất mát và cả hi vọng.

“Trở về từ một đám tang”, Vũ Ngọc Vĩnh, sơn dầu, 400 x 170cm, 2011

 

Mai Duy Minh (sinh năm 1976) được xem là thành viên có bề dày hoạt động nghệ thuật hơn cả trong nhóm. Anh từng bày hai triển lãm cá nhân và triển lãm thứ hai, tiêu đề Bụi đời (năm 2006, Viện Goethe Hà Nội) được xem là một triển lãm để lại dấu ấn nghề nghiệp đáng kể của Minh. Khi đó, ông X. Augustin, giám đốc Viện Goethe, nhận xét: “Không chạy theo những cầu kỳ, phá cách của nghệ thuật đương đại, Mai Duy Minh là một gương mặt độc đáo rất đáng chú ý trong thế hệ họa sĩ trẻ ở Hà Nội”. Tiếp theo dấu ấn của các sáng tác mang phong cách hiện thực pha hòa siêu thực từ Bụi đời, trong triển lãm không thời gian lần này, anh giới thiệu bức tranh lớn nhất (tính cho đến thời điểm hiện tại của anh): Miền đất hứa, kích thước 540cm (chiều ngang) x 200cm. Đây chắc chắn là bức tranh lớn nhất trong các chương trình triển lãm mỹ thuật ở Việt Nam năm 2011. Bức tranh dẫn người xem đến một vấn đề căn bản của con người mà hàng trăm năm qua, nhân loại, dù tự cho là đang kiến tạo một đời sống văn minh toàn cầu, vẫn chưa thể giải quyết trọn vẹn: vấn đề miếng cơm manh áo. Không chỉ là nỗi ám ảnh thường nhật của người nghèo, ngay cả với những người đã sống sang giàu, vấn đề đó đôi khi vẫn len lỏi trong tiềm thức, chi phối đời sống tinh thần của họ và làm cho họ mất tự do vui sống.

“Đôi bàn tay của bà”, Mai Duy Minh, sơn dầu, 50 x 120cm, 2010

Tuy mỗi người có một lý do riêng để đến với hội họa nhưng ba thành viên của nhóm 3+ đều có điểm chung là hướng sáng tạo của mình đến hiện thực cuộc sống với đa dạng chủ đề, từ triết lý nhân sinh phổ quát, chuyện thời cuộc cho tới những khung cảnh giản dị, tươi đẹp của cuộc sống thường nhật. Họ hy vọng không chỉ đi theo khuynh hướng này mà còn lôi cuốn được thêm nhiều đồng nghiệp khác nữa, tạo nên một xu hướng hội họa hiện thực mới ở Việt Nam: Đó là một hiện thực đã thoát khỏi sự mô tả duy ý chí để vươn tới một hiện thực của “tâm tưởng” (Thái Bá Vân).

Nhóm nghệ sĩ hi vọng nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí, truyền thông dành cho triển lãm.

 

*

Bài liên quan:

– KHÔNG THỜI GIAN – Hiện thực vĩnh hằng (Bản đầy đủ)
– Nôn nóng đợi KHÔNG THỜI GIAN

– Khai mạc KHÔNG THỜI GIAN: Thật là đông và đủ cái để xem lâu

– Mong sao bảo tàng và ước gì đại gia…

– Về KHÔNG THỜI GIAN: Hiện thực của hư cấu

Ý kiến - Thảo luận

22:11 Monday,24.10.2011 Đăng bởi:  nobita
art talk 2 giờ chiều ngày 25/10/2011
...xem tiếp
22:11 Monday,24.10.2011 Đăng bởi:  nobita
art talk 2 giờ chiều ngày 25/10/2011 
17:17 Monday,24.10.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
NÓNG MÁY quá rùi tam đại ca ơi!
Không thời gian - sao vẫn lâu những phút chờ đợi...
...xem tiếp
17:17 Monday,24.10.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
NÓNG MÁY quá rùi tam đại ca ơi!
Không thời gian - sao vẫn lâu những phút chờ đợi... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả