Bàn luận

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm 29. 09. 11 - 6:50 am

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

.

Khi trò chuyện về tượng đài, tôi bảo tượng về cá nhân ở ta nhiều quá và tốn kém quá. Sao chiến tranh biên giới hàng vạn quân và dân ngã xuống mà không có lấy một đài kỉ niệm tưởng nhớ? Chỉ trong một đêm, Khơ-me đỏ cắt cổ gần 300 người dân đảo Thổ Chu, hỏi có cái đài kỉ niệm nào không? Cơn bão Chan Chu vùi dập trên ba trăm nhân mạng dân miền Trung sao không có một đài tưởng nhớ?

Nghe vậy, một chức sắc quản lí nghệ thuật nói với tôi, “Suỵt! ông đừng nói chuyện ấy nhiều quá nhé… Bây giờ hội chứng a dua, đám đông khiếp lắm, tượng mẹ Việt Nam là công trình có từ lâu rồi, hiện nay tiền là của tác giả bỏ ra là chính đấy chứ…”

Thôi thì không bàn chuyện tốn kém vội. Chỉ bàn riêng lẻ chuyện không hiểu từ đâu vai trò chính trị lại “trĩu vai” các tác phẩm nghệ thuật đến vậy? Tại sao lâu nay nói chuyện làm nghệ thuật, một số ý kiến lại cho rằng tượng đài, đài kỷ niệm cũng cần cẩn trọng vì e rằng sẽ trở thành phương tiện khiêu khích đối phương, hạ nhục đối thủ? Nếu chỉ gánh vác vai trò chính trị thì tuổi thọ của tượng đài, đài kỷ niệm sẽ rất ngắn.

Ðể đến nỗi lâu nay có nhiều nơi cần những đài kỉ niệm hoặc tượng đài mà lờ đi không dám làm. Và có những dự án được đầu tư hoành tráng thì lại cồn lên phản ứng trong dư luận.

Tôi nghĩ rằng tượng đài, đài kỷ niệm chứa đựng tư tưởng triết học hơn là gánh vác vai trò chính trị. Nếu chỉ gánh vác vai trò chính trị thì tuổi thọ của tượng đài, đài kỉ niệm sẽ rất ngắn. Chỉ những người thiển cận thì mới cho đó là phương tiện khiêu khích đối phương hay là để gây hận thù. Cho nên không có chuyện nhậy cảm mà các nhà chính trị ở ta quá lo xa, để đến nỗi có nhiều nơi cần những đài kỷ niệm hoặc tượng đài mà phải lờ đi không dám làm. Lịch sử là lịch sử, không nhắc lại thì nó vẫn tồn tại đó, không bao giờ và không ai có thể xóa được. (Xin nói thêm, nếu nhìn nhận đúng vai trò triết học của của tượng đài, đài kỷ niệm thì chúng ta cần đặt lại vấn đề thể hiện, sẽ có lối nhìn khác, sâu sắc và truyền cảm hơn.)

Ðài kỉ niệm 30 dân thường bị Phát xít Ðức bắt đi ở Bordeaux

... cận cảnh

Vùng ven Bordeaux, Pháp, có một đài tưởng niệm khiêm nhường cao chỉ hơn 2 mét, mô tả những cánh tay như mọc lên từ đất, bê đỡ một tảng đá trên đó gắn tên hơn ba chục người dân bị lính Đức bắt trong thế chiến thứ 2 và chết trong trại tù phát xít. Vâng, đó chỉ là dân thường. Ngày nào cũng có những vòng hoa đặt dưới chân đài kỉ niệm để mọi người tưởng nhớ.

Bên dòng sông Ga-rôn chảy qua vùng đất này có một tượng thép cao 12 mét, gá vào tường một công xưởng. Dưới chân tượng có một phiến đá ghi tên 13 người trong đó 2 trẻ em, hai người thợ và 9 dân thường bị phát xít Đức giết hại. Người Đức sang Bordeaux bây giờ đến đó đều cúi đầu ngả mũ tưởng niệm. Những con người ấy chắc về Đức không thể tuyên truyền cho chiến tranh.

Tượng đài nơi 13 người dân ngã dưới họng súng

Lại nói, dọc bờ sông có đến mười mấy cái tượng thép hàn làm theo lối hiện đại. Tượng không có bệ, như chui ra từ cỏ dại, hỏi mới biết mỗi bức tượng là một huyền tích dòng sông. Hàng năm, ngày 12.6 là ngày lễ hội cho dòng sông. Người ta tự hào với dòng sông bồi đắp phù sa cho họ mảnh đất hôm nay như vậy đấy.

Tượng bên dòng sông

Tượng dân chài bên dòng sông

Càng nghĩ càng buồn cho Hồng Hà mà cha ông mình vẫn gọi là sông Cái-Sông Mẹ; hỏi có cái tượng nào vinh danh dòng sông tạo nên châu thổ Bắc Bộ không? Có một ngày lễ cho dòng sông Mẹ không? Không có. Trong khi đó lại ngồi bàn về cây cầu do người Pháp xây cách đây trăm năm như một báu vật ôm trọn lòng tự hào!

Đúng là ở các nước, tượng, đài kỉ niệm, tượng đài nhiều hơn ta vạn lần, tính chi phí thì không thể so sánh nhưng nó gắn với đời sống nhân quần, không như ta chỉ tập trung ca ngợi lãnh tụ hoặc những tượng đài chiến thắng chung chung làm rất to, tốn rất nhiều tiền mà chỉ chung chung, mông lung mà không gợi lên nhiều xúc cảm, thậm chí tệ hơn, vô cảm.

Riêng với tượng đài hoặc đài kỉ niệm chúng ta nên có sự nhìn nhận đánh giá lại quan niệm và cách nhìn để những công trình văn hóa ấy gắn bó với tình cảm người dân. Bây giờ tượng đài, đài kỉ niệm ở ta vẫn thể hiện ý chí của lãnh đạo hơn là công trình văn hóa dân tộc. Mà mỗi thế hệ lãnh đạo lại muốn thể hiện ý chí của mình tạo dấu ấn thì không biết tượng đài, đài kỉ niệm đó sẽ tiếp tục trôi nổi về đâu.

Tượng người câu cá

 

*

Bài liên quan:

– Vô cảm đến mức này thì bỏ xừ cái nền Mỹ thuật Việt
– Gửi những quan chức đã lâu không làm nghệ sĩ

– Đọc báo cuối tuần 27. 9. 2011: Thủ tướng ơi, cẩn thận!

– Tản mạn chuyện tượng đài và đài kỷ niệm

– Hóa ra chúng mình bị lừa à?


Ý kiến - Thảo luận

20:24 Saturday,1.10.2011 Đăng bởi:  Cây Đồng Bằng
Cám ơn về bài viết của bác.
Bức xúc cái vụ tượng đài bà mẹ VN quá bác ạ.
...xem tiếp
20:24 Saturday,1.10.2011 Đăng bởi:  Cây Đồng Bằng
Cám ơn về bài viết của bác.
Bức xúc cái vụ tượng đài bà mẹ VN quá bác ạ. 
16:38 Friday,30.9.2011 Đăng bởi:  Nguyễn MInh
Cám ơn họa sĩ Đỗ Đức đã chia sẻ những tâm sự rất đáng suy nghĩ! Mọi người mới bàn đến khía cạnh chi phí là nhiều mà chưa nhìn thấy cục diện chung của các tượng đài VN mình.
Một lần nữa cám ơn bác.

Cháu vẫn thường đọc các bài báo của bác và blog nữa đấy ah.
...xem tiếp
16:38 Friday,30.9.2011 Đăng bởi:  Nguyễn MInh
Cám ơn họa sĩ Đỗ Đức đã chia sẻ những tâm sự rất đáng suy nghĩ! Mọi người mới bàn đến khía cạnh chi phí là nhiều mà chưa nhìn thấy cục diện chung của các tượng đài VN mình.
Một lần nữa cám ơn bác.

Cháu vẫn thường đọc các bài báo của bác và blog nữa đấy ah. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả