Bàn luận

Nếu không biết xài dấu phẩy, có nên xài tiếng Anh (thay tiếng Việt)? 07. 08. 11 - 9:43 am

Võ Thanh Lâm

Tuy nhìn có vẻ lạc đề, xin mọi người tham khảo hai công thức:

Bò bít tết thông thường:
– Một miếng thịt bò
– Ướp muối, tiêu, tí tỏi
– Chiên đều hai mặt trên chảo nóng
– 30 giây trước khi lấy ra, bỏ vào chảo 10-20g bơ và đảo đều

Bò Wellington:
– Một khúc phi-lê bò dài 20 cm, ướp muối tiêu, đem chiên áp chảo sơ, rồi lấy ra, để nguội
– Bỏ ra 2 tiếng làm bột puff pastry (giống bột bánh mì sừng trâu croissant, làm bằng cách gấp bột với bơ, cứ gấp rồi cán khoảng 3, 4 lần)
– Cắt nhỏ nấm rồi đem xào cho đến khi nước bốc hơi hết
– Trải bột puff pastry ra bàn, đặt lên trên miếng bột (đã cán thành hình chữ nhật) vài lát thịt nguội của Ý, rồi trét nấm xào lên trên
– Đặt miếng thịt bò vào giữa, gấp miếng bột lại để bọc thịt bò, dùng trứng đánh tan để dán miếng bột
– Đem nướng trong lò 200 độ C

Món thứ hai không phải là món ai cũng làm được, và nếu muốn làm món thứ hai thì ít ra phải biết làm món thứ nhất cái đã. Món thứ nhất không khó để thực hành tại gia, còn bò Wellington thường chỉ dành cho nhà hàng Tây. Nhưng không có nghĩa cái gì ở nhà hàng cũng “nhất”. Mỗi thứ có giá trị riêng của nó. Tôi chẳng bao giờ phàn nàn khi ăn một miếng bít tết ngon, đơn giản; hay xơi một đĩa gà luộc. Cái tôi sợ là thứ nửa mùa, Tây không ra Tây, ta không ra ta, bình dân không ra bình dân, cao cấp không ra cao cấp.

Đôi lúc cũng gặp phải vài ba nhà hàng thích khoe mẽ, thích màu mè, và cầu kỳ hóa với những món nặng phần trình diễn hơn là ngon hay có hồn. Cái cảm giác này tưởng chỉ có trong ẩm thực, nhưng giờ thì có cả ở… trang web gallery nghệ thuật.

*

Bài Dùng tiếng Anh để… biến đổi/biến dạng cái mặt Mỹ thuật Việt Nam vấp phải lắm ý kiến trái chiều; từ đồng ý ủng hộ, đến “Giỏ Mây không nên cho mình cái tư cách giễu cợt”, thậm chí còn khiến một số đọc giả tranh luận về vấn đề học tiếng Anh. Tính tò mò khiến tôi phải mon men lên cái website Contemporary Art Gallery – Cactus đấy để xem tận mắt. Sau khi lượn một vòng, tôi có cảm giác như mình vừa ăn xong một món bò Wellington cầu kỳ do một đầu bếp không biết nấu bít tết mời ăn.

Y như Giỏ Mây đã “tố cáo”, tiếng Anh ở đây là theo kiểu tự chế, chấm phẩy lung tung, tính từ dùng loạn xạ. Nhưng hình như không chỉ là tiếng Anh, mà bản năng ngôn ngữ của tác giả của cái web này có vấn đề. Ví dụ như câu “Contemporary Art Gallery Cactus wishes to become a playground for local and international young, passionate and talented artists to connect…“, tự nhiên có dấu phẩy sau chữ “young“, làm lủng củng cả đoạn. “… local and international young” nghe chướng không chịu được, đáng lẽ ra phải viết “local and international; young, passionate and talented artists…“. Xin thưa: nếu không biết dùng dấu phẩy, thì trước khi nói tiếng Anh, nên học lại tiếng Việt.

Mà Cactus cũng đâu cần dùng tiếng Anh màu mè làm chi cho nó sai ngữ pháp? Muốn giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh một cách mạch lạc không khó, nếu sử dụng những câu đơn giản, hà cớ mà phải: “the gallery is an ideal place for your emotions to emerge in order for you to enjoy new art works and a considerably complete collection of art works” dài dòng văn tự? Đến nỗi người viết ra câu này còn không biết phẩy chỗ nào, đọc muốn hụt hơi. Dịch câu này ra: “phòng trưng bày là nơi lý tưởng để xúc cảm bạn trỗi dậy nhằm giúp bạn thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật mới và một bộ sưu tập nghệ thuật khá hoàn chỉnh”. “Giúp bạn” thưởng thức, dĩ nhiên rồi, chẳng lẽ giúp tôi? giúp chị ấy? giúp anh ta? Rồi đã “hoàn chỉnh” rồi lại còn “khá”, tiếng Việt thì có thể dùng như thế, nhưng tiếng Anh thì không ai dùng thế cả. Cả một câu tiếng Anh này rõ ràng là dịch mot à mot từ tiếng Việt ra.

Đoạn giới thiệu buổi triển lãm “To be or…” thì đầy những những câu thần chú như: “Most artists of the 7x and 8x generation belong to this trend, of whom the five above artists of this to be or…“, đã “of whom” rồi còn lặp lại “artists“. “Of whom” cũng chẳng phải thứ dễ dùng, cái từ “whom” bây giờ chỉ còn thấy ở nước Anh Quốc cổ hủ (thậm chí thế hệ trẻ ở Anh hiện nay cũng ít dùng whom), tự hành hạ mình với cấu trúc câu quý tộc đó làm gì? Buồn cười ở chỗ, trong khi ngữ pháp thì theo quý tộc Anh Quốc; chính tả lại theo thằng Mỹ, viết “organise” thành “organize“.

Mà chưa đụng đến chuyện ngữ pháp, câu cú của tiếng Anh, tiếng em; mới sờ đến thông điệp của trang này thôi là đã thấy ý này đánh lộn với ý kia. Một đằng thì hô hào “Thay đổi diện mạo của Mỹ thuật Việt Nam“, đằng khác thì phán “Phòng trưng bày nghệ thuật đương đại Cactus muốn trở thành sân chơi cho các nghệ sĩ trong nước cũng như quốc tế; những nghệ sĩ trẻ, tâm huyết và tài năng…” (Câu này là tôi dịch hộ, chứ dịch đúng theo cái dấu phẩy kia thì sẽ ra: Cactus muốn trở thành sân chơi cho các nghệ sĩ trong nước cũng như quốc tế trẻ, tâm huyết và tài năng…). Với cái quảng cáo “thay đổi diện mạo của Mỹ thuật Việt Nam”, không lẽ Cactus còn muốn câu nệ chuyện già trẻ? Phải “young” (trẻ) thì mới thay đổi được hay sao? Còn bọn già thì không có đóng góp gì cho nền Mỹ thuật Việt Nam ư?

Suy ra, vấn đề ở đây không chỉ gói gọn trong mấy câu tiếng Anh lủng củng, mà Cactus dường như không biết mình muốn gì. Vậy làm sao “thay đổi diện mạo” được?. Theo ý kiến riêng của tôi, cái chuyện tiếng Anh không quan trọng lắm, đối với một gallery thì cái quan trọng là những tác phẩm nó bày. Nếu tác phẩm mà xấu thì có thêm tiếng Sao Hỏa hay tiếng Sao Kim cũng không giúp gì được. Picasso không rành tiếng Anh, và bạn cũng chẳng cần học tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Pháp thì mới thích được tranh ông vẽ. Nhưng cái website này, ngoài vài ba tấm hình lèo tèo trên trang chủ, thì phần Bộ sưu tập (Collection) thì không thấy mặt mũi của bất cứ một tác phẩm nào. Đa số hình ảnh nằm trong phần Nghệ sĩ (Artist), y như thể rằng cả gallery chỉ có tác phẩm của mấy nghệ sĩ này vậy. Thậm chí còn hô rằng (qua cái tiếng Anh sứt sẹo) theo Cactus, đây là những nghệ sĩ xuất sắc của Nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Chẳng biết Cactus có bằng cấp (chẳng thấy nói đến), hay có hội đồng giám khảo gồm toàn chuyên gia (chẳng thấy khoe) hay không mà đã phán những câu xanh rờn. Dĩ nhiên họ nói gì là quyền của họ, nhưng nếu tôi thấy không đủ bằng chứng cũng như lý lẽ thì tôi có quyền nghi ngờ. Nếu bố tôi (một người mù tịt chuyện cơm nước) tuyên bố rằng trên thế giới chỉ có vài đầu bếp này là giỏi, thì tôi sẽ nghĩ ông đang nói đùa.

Tóm lại, với cái khẩu hiệu “thay đổi diện mạo Mỹ thuật Việt Nam“, Cactus hứa dọn cho tôi một món khó làm, cầu kỳ; nhưng tới lúc Cactus bưng thức ăn ra thì tôi thấy rằng tới món bò bít tết mà còn không nấu nổi. Cứ tưởng tượng Cactus như một nhà hàng, hô rằng sẽ thay đổi diện mạo của ẩm thực Việt Nam; có điều trong thực đơn lại toàn món Tây, mà các món Tây đó được nấu một cách ú ớ, không ra Tây, thì trách sao thiên hạ không mắng? Chẳng lẽ lại biện hộ cho nó theo kiểu, ừ thì cũng có cố gắng học món Tây, giờ nấu chưa được, sau này sẽ… nấu lại. “Thay đổi diện mạo” kiểu gì ỡm ờ thế?

Tóm lại, nếu chỉ “sính tiếng Anh” thì kết quả đã không tệ như vậy. “sính” không có nghĩa là “xoàng”. Đây là bệnh “sính màu mè”, hậu quả của nó là một thành phẩm nửa mùa, lai tạp. Nếu trách tôi sao mắng mỏ nặng thế thì tôi cũng chịu, làm cách nào bây giờ? Tôi vốn không ưa những thứ màu mè giả tạo, cũng không thích đưa ra các tuyên bố trầm trọng để rồi làm không tới nơi tới chốn. Mà bình dân thì có gì sai nhỉ? Một gallery nho nhỏ xinh xinh, góp phần làm phong phú cho Nghệ thuật Việt Nam cũng giá trị lắm chứ. Trước khi Cactus tuyên bố họ có thể nấu món bò Wellington, tôi nghĩ họ nên tập nấu món bít tết cái đã.

 

*

Bài liên quan:

– Dùng tiếng Anh để… biến đổi /biến dạng cái mặt Mỹ thuật Việt Nam?!
– Nếu không biết xài dấu phẩy, có nên xài tiếng Anh (thay tiếng Việt)?

– Dùng tranh chép hòng “tát lệch mặt” nền mỹ thuật Việt

PHẠM HUY THÔNG đối thoại với BÙI QUANG THẮNG

– Shit gửi Phạm Huy Thông: Nói ăn cắp có dễ thế?

– Tranh luận trên Soi: phong cách “người dưng lạc lối”?

– PHƯƠNG QUỐC TRÍ: Làm việc với tôi, các họa sĩ sẽ thấy nhiều cái khác

Ý kiến - Thảo luận

22:55 Sunday,7.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Cái tệ nhất của một nghệ sĩ là bôi nhọ văn hóa của dân tộc mình, bằng cách chép trắng trợn tranh của các họa sĩ, chép sao cho giống tranh gốc nhưng không đạt, và bán với giá trị như tranh gốc của họa sĩ, "thay đổi diện mạo nghệ thuật Việt Nam". Điều này tôi cực ghét. Có thể nói là "MỘT BỌN ĂN CẮP".
...xem tiếp
22:55 Sunday,7.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Cái tệ nhất của một nghệ sĩ là bôi nhọ văn hóa của dân tộc mình, bằng cách chép trắng trợn tranh của các họa sĩ, chép sao cho giống tranh gốc nhưng không đạt, và bán với giá trị như tranh gốc của họa sĩ, "thay đổi diện mạo nghệ thuật Việt Nam". Điều này tôi cực ghét. Có thể nói là "MỘT BỌN ĂN CẮP". 
13:19 Sunday,7.8.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
1. Có đoạn tiếng Anh mà tớ dịch tạm như sau: "...chúng tôi có đa dạng các tác phẩm với các chất liệu, kích cỡ, màu sắc và kỹ thuật khác nhau. Điều này giúp quý khách tiết kiệm được thời gian mà vẫn tìm được cái mình cần". Ái chà, như vậy "dịch vụ" nghệ thuật của Cactus Gallery quả là hoàn hảo, có đủ chất liệu và mầu sắc cho khách chọn. Cứ y như một cửa
...xem tiếp
13:19 Sunday,7.8.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
1. Có đoạn tiếng Anh mà tớ dịch tạm như sau: "...chúng tôi có đa dạng các tác phẩm với các chất liệu, kích cỡ, màu sắc và kỹ thuật khác nhau. Điều này giúp quý khách tiết kiệm được thời gian mà vẫn tìm được cái mình cần". Ái chà, như vậy "dịch vụ" nghệ thuật của Cactus Gallery quả là hoàn hảo, có đủ chất liệu và mầu sắc cho khách chọn. Cứ y như một cửa hàng nội thất cao cấp vậy. Tớ thấy Cactus gallery đang nỗ lực bán tranh thôi, nhưng nỗ lực này có vẻ hơi thô và tội nghiệp. Tôi nghĩ vấn đề gốc không phải do tiếng Anh tồi mà do định hướng của người điều hành có vấn đề.
2. Điều làm tôi ghét nhất trong website của Cactus Gallery không phải tiếng Anh lủng củng mà ở các tác phẩm của "các hoạ sĩ tài năng" có nguy cơ "thay đổi diện mạo nghệ thuật Việt Nam". Xin không nói đến các hoạ sĩ khác cùng hợp tác với Cactus Gallery vì có thể họ cũng không muốn phát ngôn đao to búa lớn như vậy. Xin chỉ tập trung công kích Phương Quốc Trí. Ngay tác phẩm đầu tiên là một sản phẩm sao chép sống sượng tranh Doãn Hoàng Lâm, nhẩy sang bức thứ hai và thứ ba là biến thể từ Lê Quý Tông và Yan Pei Ming với phong cách hoàn toàn khác bức đầu tiên, đến bức thứ tư thì quay thẳng về phong cách Yan Pei Ming. Tôi nhớ khi xưa đã từng viết một bài dài về sự giống nhau và khác nhau giữa ba ông Phương Quốc Trí, Lê Quý Tông và Yan Pei Ming nhưng rồi lại đề nghị Soi không đăng nữa. Tôi hay đi qua các cửa hàng chép tranh ở Hàng Hành, Hàng Trống, đứng nhìn các thợ vẽ mưu sinh, không yêu cũng không ghét họ. Họ biết thân phận thợ sao chép nên không phát ngôn đao to búa lớn bao giờ. Tôi nghĩ các anh thợ chép tranh ở mọi trình độ đều nên biết phận mình, đừng nhăm nhe lôi mấy cái tranh chép ra để hòng "tát lệch mặt nền mỹ thuật Việt Nam".
3. Comment này được viết bởi Phạm Huy Thông (một người có đủ tên họ, một hoạ sĩ từng bị nghi chép tranh Hà Mạnh Thắng và cũng có một vài tác phẩm bị các hoạ sĩ khác ăn theo, một người đang rất bực khi thấy cái tranh của Doãn Hoàng Lâm bị chép trắng trợn). Bực lắm. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả