Gẫm & Bình

Khi nghệ sĩ vẫn là độc tài và người xem vẫn là dân đen 17. 05. 11 - 4:20 pm

Nick

Ai cũng biết bài viết của tiến sĩ Nguyễn Quang A mà bạn Anh Tuấn muốn Soi đăng lại là để nhắm vào ai, vào việc gì, trong những ngày gần đây. Chuyện này Nick không bàn tới, chỉ xin bàn về phạm vi ứng dụng của vấn đề bài viết này nêu, trên trang Soi.

Nhân đây chúng ta sẽ cùng xem xét liệu lý thuyết áp dụng ở đâu cũng cho kết quả như nhau không? Liệu lý thuyết của chú Quang A đúng ở lãnh vực chính trị nhưng có “khả thi” trong lãnh vực phê bình và bình luận mỹ thuật Việt?

1. Người xem là dân đen, suy ra được dùng nickname

Càng ngày đọc các trao đổi trên Soi, tôi càng thắc mắc, phải chăng trước nghệ sĩ và nghệ thuật Việt, người xem Việt luôn luôn là dân đen, luôn là tầng lớp thấp và khó có quyền chõ miệng vào bình nghệ thuật? Khen thì không sao, chê là bị mắng, mắng hoặc là ngu không hiểu, hoặc là dị không đồng, luôn luôn là hạng người chỉ được quyền ngước lên thưởng lãm.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết: “Thường những người thấp cổ bé họng và sợ cấp trên trù dập hay dùng cách nặc danh để viết các đơn tố cáo thượng cấp của mình hay những người quyền thế. Không hay, nhưng có thể hiểu được cách làm của người viết, nhất là của những ‘dân đen’”.

Cảm ơn tiến sĩ, tôi tự liệt mình vào hạng dân đen trong nghệ thuật, nên từ nay có thể an tâm dùng nickname rụt rè nói lên ý kiến của mình! Nhất là khi các bài viết ấy không “tố cáo” ai, “vu cáo” ai, chỉ bảo là “tác phẩm này không đẹp”. Vẫn biết là “cách này không hay”, nhưng như tiến sĩ đã nói, là “có thể hiểu được”.

 

2. Nghệ sĩ vẫn là thượng cấp, vẫn là độc tài, suy ra nên dùng nickname khi chê

Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết: “Các nhà hoạt động chính trị trong vòng bí mật cũng thường dùng bút danh để tránh bị nhà cầm quyền truy bức, nhưng khi thắng lợi và nắm quyền thường họ dùng tên thật”.

Đọc tranh luận trên Soi, tôi tự hỏi, một ngày kia, nếu các nghệ sĩ Việt được lọt vào bộ máy chính quyền, họ có trở thành những nhà độc tài không?

Tôi cho là có.

Độc tài là gì? Nôm na là một giọng, một chiều, là không cho chê, là truy bức, tẩy chay, triệt hạ kẻ chê mình.

Khi còn là nghệ sĩ, hình thức trừng phạt phổ biến nhất của “độc tài” là vào triển lãm không thèm chào lại nếu “nghi can” chào mình, là rình “nghi can” làm gì thì đập lại, là nói móc, nói mỉa, nói xấu “nghi can”, là không thèm rủ đi uống bia, là đang uống bia mà “nó” đến thì “ông” về.

Người đọc như Nick đây căn cứ vào lời tiến sĩ Quang A thì tự thấy mình là chiến sĩ trong vòng bí mật, có ký nick cũng là để tránh bị các nghệ sĩ truy bức. Chỉ có một thắc mắc, ngày nào thắng lợi đây để còn khai tên thật?

 

3. Không là “học giả”, chưa có uy tín thực, thôi thì cứ ký nick

Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết: “Các ‘học giả’ nếu có uy tín thực hãy dùng tên của chính mình và chịu sự phán xét của dư luận cũng như của cuộc sống đời thường”.

Với mỹ thuật, tôi chắc chắn không là học giả, lại cũng chẳng có uy tín trong nghề, sự phán xét của dư luận nếu có tung ra chắc chắn chỉ có giết chết tôi ngay tức khắc.

Ký một cái tên thật ở đây, dù chỉ chê nhẹ nhàng một bức tranh, một cái tượng, biết chắc chắn những lời phán xét rồi sẽ là:
– Nó biết chó gì mà nói thế?
– Nó bao nhiêu tuổi mà láo thế?
– Nó chơi với thằng A, con B nên mới viết thế!
– Nó ghét thằng C, con D nên mới viết thế!
– Nó tập tọe vẽ, xấu cũng như shit, thế mà dám nói
– Nó học đâu ra? Nó con nhà ai? Nó lấy đứa nào? Thảo nào hôm ấy nó bảo…

Những lời viết đến trong bài đã bị soi dưới ngọn đèn nhân thân, quy chụp. Và thế là từ nay chẳng dám đi xem. Xem rồi chẳng dám chê. Chỉ có khen, rưới nước đường đẫm đượi lên tác phẩm.

 

4. Ký nick có phải lúc nào cũng là bồi bút, ném đá?

Cuối cùng, tiến sĩ Nguyễn Quang A có viết: “Nhiều khi bút danh lại biến thành công cụ để che dấu tung tích thật của người viết. Vì họ sợ bản thân cái nội dung họ viết, sợ bạn đọc biết đích thực họ là ai. Cách dùng bút danh này đã chuyển sang thái cực xấu, sa đọa, đáng lên án của những kẻ ‘ném đá dấu tay’, những kẻ ‘bôi nhọ’ hay những tay ‘bồi bút’”.

Tôi hoàn toàn đồng ý với tiến sĩ Quang A. Riêng trên Soi, đâu là ranh giới giữa việc dùng bút danh để tránh bị trù dập, dùng bút danh để ý kiến được nghe như một ý kiến, dùng bút danh để người khác thoải mái tranh cãi lại mình…, với việc dùng bút danh để ném đá, bôi nhọ, bồi bút?

Có lẽ cái này người đọc thẩm định là rõ nhất. Một bài viết chê tranh xấu, chê tượng thô, chê phòng triển lãm bầy hầy… thì có bị gọi là một bài bôi nhọ, ném đá, hay bồi bút không? Tôi nghĩ rằng không.

Chúng khác xa với những bài viết bới móc đời tư họa sĩ, tiết lộ chuyện bí mật của nghệ sĩ, miệt thị nghệ sĩ bằng những từ vô học… Cái đấy, may thay (và hy vọng) tôi chưa thấy xuất hiện ở Soi.

Còn nếu ai cố tình gộp chung hai loại này lại với nhau, rồi nhân danh đó chụp mũ người viết là bồi bút, là hèn nhát, là ném đá…, thì người đó quả có phẩm chất làm độc tài lắm rồi, đường quan lộ của người ấy hứa hẹn còn thênh thang lắm.

 

5. Tóm lại, chính quyền nghệ sĩ còn độc tài, chiến sĩ người đọc còn nick mật

Về mặt nguyên tắc, những gì tiến sĩ Nguyễn Quang A nói đều đúng cả. Nhưng mọi điều tiến sĩ nói, nếu đọc kỹ, đều là những vế “điều kiện cách”.

Nếu “là học giả” thì “ký tên thực”
Nếu “không bị trừng trị” thì “ký tên thực”
Nếu “cách mạng thành công rồi” thì “ký tên thực”

Nhưng,
Chúng tôi không là học giả, chúng tôi là dân đen.
Chúng tôi còn bị nghệ sĩ trừng trị, lườm nguýt mỗi khi chê.
Cách mạng dân chủ trong phê bình mỹ thuật còn chưa đến ngày toàn thắng…

Do đó,
Chúng tôi còn chưa ký tên thực :-).
Miễn là những gì chúng tôi viết là chân thực – nhiều khi còn chân thực hơn những gì những người ký tên thực viết ra!

 

*

Bài liên quan:

– Sao không dám xưng danh?
– Bình dân hay cao cấp? Trương Ngọc vs Nick (cập nhật 9)
– Để Soi có được tên thật
– Lương tâm của người “phán”, hay chuyện đẻ được trứng hay không (Cập nhật 2)
– Hai phe bịt mặt trong một cái ao tù?
– “Tôi là ai…” hay ba lý do phải dùng nickname
– Chính danh, bút danh, nặc danh và mạo danh
– Khi nghệ sĩ vẫn là độc tài và người xem vẫn là dân đen

– Nick và họa sĩ, ai mới là độc tài?

 

Ý kiến - Thảo luận

0:48 Tuesday,24.5.2011 Đăng bởi:  yoyo thuy
Tôi thấy ở bài cuả Nick có sự lệch lạc về khái niệm "đối thoại", dẫn đến luận điểm khẳng định sự độc tài của họa sĩ, rồi hùa tán thêm vào là họa sĩ mà làm lãnh đạo thì độc tài đến mức nào !

Ta phải xem sự đối thoại tồn tại ở những thể nào? Ngôn ngữ của đối thoại có thể là:
- Tọa đàm trực tiếp sau đó đăng lại trên bái chí, mạng (
...xem tiếp
0:48 Tuesday,24.5.2011 Đăng bởi:  yoyo thuy
Tôi thấy ở bài cuả Nick có sự lệch lạc về khái niệm "đối thoại", dẫn đến luận điểm khẳng định sự độc tài của họa sĩ, rồi hùa tán thêm vào là họa sĩ mà làm lãnh đạo thì độc tài đến mức nào !

Ta phải xem sự đối thoại tồn tại ở những thể nào? Ngôn ngữ của đối thoại có thể là:
- Tọa đàm trực tiếp sau đó đăng lại trên bái chí, mạng (vụ này Nick đeo mặt nạ vì sợ bị đàn áp và cũng thật khó khi đối thoại trực tiếp đứng lại giới thiệu tên có độc 1 chữ Nick được!)
- Nghệ sĩ đối thoại bằng tác phẩm, với các loại hình nghệ thuật khác nhau, như SOI vẫn thường đăng ảnh tác phẩm cùng chú giải ấy (loại này chắc không phải kêng của Nick và những người đồng quan điểm vì chưa thấy tác giả tên kiểu nick nào, trừ các tác giả vẽ biếm họa!)
- Đối thoại bằng hành vi sống cũng được hiểu như thái độ quan điểm và thông điệp của chủ thể... Hành vi này cùng thông điệp cuả nó nếu làm hạnh phúc hoặc gai mắt ai đó thì sẽ được mổ sẻ, dĩ nhiên cả trên mạng (mục này thì Nick không lộ con người sinh học, đã là người ảo thì làm sao đối thoại bằng hành vi được)
- Và cuối cùng đối thoại bằng cách viết trên mạng (cách này là kêng chính của Nick, chắc chắn là phát huy dân chủ nhất, thoải mái thuận tiện nhất, đồng thời cũng phát huy sự vô trách nhiệm nhất!)
Vậy những người có các kêng đối thoại trên rồi, nhưng họ không muốn viết trên mạng (hoặc không biết viết ra suy nghĩ) thì liệu có phải là kêng kiệu, coi thường trang mạng hay không? Diễn đàn mạng chỉ là 1 kêng dẫn xuất trong các kêng đối thoại xã hội, sự năng động cuả nó có vai trò quan trọng cho phát triển, mọi người vào xem đã là tham gia và không cứ phải gửi sản phẩm lên mạng mới là có trách nhiệm. Tôi là người đọc của SOI rất thường xuyên, nhưng không có nghĩa là tôi thích xem bóng đá thì tôi phải đá bóng mới fairplay!
Đối thoại công bằng -theo cách nghĩ của Nick- là phải viết cái gì đó trên SOI! Và nếu không viết đối đáp lại thì cũng được phong cho là độc tài!
Thực chất việc khen hay chê trên SOI đều có ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình (thế là công bằng). Đứng trên góc độ dân chủ thì 1 ý kiên chê (hay khen) luôn có cả người phản đối và ủng hộ, tuỳ thuộc vào những yếu tố tri thức, cá tính và kinh nghiệm, đồng nhất hay khác nhau giữa người viết với người đọc (ôi lại động đến trình độ chuyên môn, cái mà Nick và hình như cả SOI rất ghét lôi ra vì nó không quần chúng) Những ý kiến khen chê này cùng được nói lên thì chứng tỏ xã hội lành mạnh. Một bài viết khen chỗ nào thì mọi người hùa theo khen, chê chỗ nào thì hùa theo chê, tác giả bài viết viên mãn. Liệu cộng đồng ấy có bệng không? Có biệt lập không? Một bài viết, hoặc 1 trang mạng, khi có ý kiến nhận xét ở góc độ và trình độ chuyên môn khác với mình thì ngay lập tức lấy tri thức của số đông quần chúng làm kim chỉ nam để phản bác, chụp mũ và loại trừ. Nếu tôi dùng đúng cách so sánh phóng đại của Nick mà nói rằng: Cái cách thức hồng vệ binh của dân đen này mà lãnh đạo nhân dân thì sao nhỉ ?
Tôi đã nhiều lần cười xòe đồng tình với những phê bình hay, hóm hỉnh và cũng nhiều lúc xây xẩm mặt mày về những khen ngợi hồn nhiên của SOI (và ngược lại). Nhưng luôn cảm thấy rất ít nhu cầu tranh luận trên SOI, và gần đây mới hiểu lí do sự không hứng thú là vì những key commenter rất cực đoan như Nick và hơn nữa vì luật bất thành văn của SOI là đài tiêng nói của quần chúng bình dân yêu nghệ thuật. Lỡ mà ti toe vài mẩu kiến thức rồi như từng chứng kiến những cuộc maraton múa võ, chẳng thấy nghệ thuật cao đẹp ở đâu mà chỉ có nhọc lòng.
Nick không thể là dân đen-vô danh-yêu nghệ thuật, vì là dân đen-vô danh-yêu nghệ thuật thì không có cớ gì Nick lại có kinh nghiệm: đi uống bia thì bị nghệ sĩ đứng lên bỏ đi, muốn chào thì bị họ quay đi. Chắc phải có mối liên hệ với nghệ thuật rộng thế nào, phải là thành viên một nhóm người có chung một việc, mục đích gì đó.
Thử thống kê xem trong bài của Nick dùng một loại từ ngữ ra sao: Độc tài, đàn áp, trù dập, truy bức, tẩy chay, triệt hạ, giết chết, bôi nhọ, đập lại, nói móc, nói xấu, ném đá, toàn thắng… Cho thấy Nick đang thổi phồng 1 thời kì đấu tranh sôi sục (như cách mạng văn hoá), tạo nên không khí mang tính thù hận, với cung cách và ý thức gán ghép thái độ của nghệ sĩ như thái độ chính trị (được phù phép bởi chính những bài viết của Nick). Nếu Nick là người sắc sảo, yêu nghệ thuật, có ý thức xã hội, vói cách viết mạnh chém đinh chặt sắt như thế. Thì cách đặt vấn đề của bài viết đáng ra phải lắp đối tượng khác vào mới phù hợp với hiện trạng xã hội lúc này (thay bằng đội cho Hoạ sĩ 1 chồng mũ cối lên đầu)
Quyền viết, quyền phê phán, quyền dùng nick (trên mạng) vẫn còn nguyên. Tên thật, tên giả chẳng làm cho Nghệ thuật tốt lên hay xấu đi, chỉ có chất lượng và thái độ của bài viết mới có tác động thực tế! Việc la toáng lên chỉ cho thấy sự bất lực trong tiếp cận nghệ thuật, rồi đẩy những kinh nghiệm cục bộ của mình thành hiện tượng xã hội để làm lệch lạc mối quan hệ nghệ sĩ –nghệ thuật – xã hội. Nick luôn thanh minh là không vu cáo ai, tố cáo ai.. chỉ khen chê nghệ thuật(Nick và 1 số bài viết trên SOI), nhưng không cần kể những bài viết trước kia, chỉ riêng bài viết này của Nick đã là sự vu cáo đến mức cường điệu. Điều nà có thể làm thỏa mãn một nhóm nào đấy, nhưng sau sự thoả mãn đó là gì ?
Sở dĩ tôi viết comment này, vì thấy sự bất thường trong cách đặt vấn đề của Nick và thật buồn cho môi trường của nghệ thuật Việt Nam. Thực chất thời gian qua tỉ lệ nghệ sĩ (có sáng tác thường xuyên) viết comment & bài trên SOI là rất ít! Các tranh luận và bất đồng phần nhiều giữa các commenter với nhau và với các nhà phê bình (commenter có thể là nghệ sĩ ít làm việc chuyên môn và thích nói, nhà phê bình bao gồm cả nhà báo và sinh viên học lí luận)). Khi lên mạng, thường thì các họa sĩ vẫn kí tên trùng với nghệ danh (hầu hết là tên thật). tuy nhiên tôi không loại trừ họ có Nick để để tự khen hoặc biện hộ! Dù như thế, thì việc khuấy động đề tài "họa sĩ độc tài" có mùi đố kị và khá "bệng"! 1 vài nghệ sĩ biện hộ cho tác phẩm của mình không thể đại diện và được nâng quan điểm cho cả cộng đồng những người đang làm việc. Thái độ này không cho thấy vì tình yêu nghệ thuật, vì ham học hỏi, vì muốn mổ xẻ vai trò của nghệ thuật hay chất lượng của tác phẩm cụ thể.
Bản chất của sáng tạo nghệ thuật đã có yếu tố “độc tài”, nhưng sự “độc tài” trong quan điểm sáng tạo và mỹ học này khác hẳn tính “độc tài” trong chính trị! Gán sự ”độc tài” của nghệ sĩ với độc tài trong chính trị để làm gì vậy ? Vì nghệ sĩ đẻ ra tác phẩm nghệ thuật và nghệ thuật thì luôn làm cân bằng cuộc sống và có tính nhân văn (trừ thứ nghệ thuật công cụ của chính trị).
Nhân vật kiên trì gán cho nghệ sĩ là độc tài, là toàn trị và luôn liên tưởng những từ này theo ý nghĩa chính trị là ai? từ đâu đến? mục đích gì?
He he! chả cần “truy bức” cũng có thể hiểu được nhỉ.
Tôi cũng dùng nick vì các cụ bảo đi với…-ai-…mặc áo…-nấy- !
Cảm ơn ! 
12:43 Friday,20.5.2011 Đăng bởi:  Lưu Tuyền
Tôi đã theo dõi Thảo luận về vấn đề "Xưng danh". Tranh luận vẫn chưa đi đến hồi kết. Trong bài này tôi thấy Nịck có sự liên tưởng hơi quá giữa chính trị và nghệ thuật. Mặc dầu chính trị và nghệ thuật cùng là kiến trúc thượng tầng nhưng sức mạnh và quyền lực thì khác xa nhau. Không thể so sánh một cách máy móc như vậy được. Nghệ sĩ sáng tạo ra nghệ phẩm
...xem tiếp
12:43 Friday,20.5.2011 Đăng bởi:  Lưu Tuyền
Tôi đã theo dõi Thảo luận về vấn đề "Xưng danh". Tranh luận vẫn chưa đi đến hồi kết. Trong bài này tôi thấy Nịck có sự liên tưởng hơi quá giữa chính trị và nghệ thuật. Mặc dầu chính trị và nghệ thuật cùng là kiến trúc thượng tầng nhưng sức mạnh và quyền lực thì khác xa nhau. Không thể so sánh một cách máy móc như vậy được. Nghệ sĩ sáng tạo ra nghệ phẩm cần có người thường thức. Chỉ có điều người thường thức có trình độ (chuyên môn, văn hóa, xã hội, lịch sử, triết học...) đến đâu để có thể cảm nhận và hiểu tác phẩm tới đó phù hợp với trình độ của chủ thể.
Tuy nhiên thì nghệ thuật cũng chia ra các tầng lớp cao thấp khác nhau(giống như giai tầng trong xã hội). Thử một ví dụ gần gũi như âm nhạc. Nhạc giao hưởng thính phòng thì người thông thường (có cả chúng ta) khó mà thích hay hiểu được, nhưng không vì thế mà chê nó là dở, chê nó là không dễ đi vào lòng người hay không gần với quảng đại quần chúng. Bởi một điều đơn giản là chúng ta có biết gì đâu mà khen chê.Nhạc trẻ(thị trường)dành cho những đối tượng giải trí khác(có thể đối tượng thường thức nhạc bác học họ chẳng bao giờ để tâm tới). Khi nói nghệ sĩ là độc tài là hơi làm to vấn đề. Vì từ đó sẽ nảy sinh ra một loạt các liên tưởng khác gây các hiệu ứng khác nhau. Dẫn chứng là Thầy của bạn Em_co_y_kien đã nói "Khi độc tài hóa thân thành nghệ sĩ rặn ra các rác phẩm rồi ép dân đen thành người xem giả đọc giả khen tài độc, đó mới là lúc nghệ thuật lâm nguy, văn hóa lâm chung". Vậy nên mới có câu"chọn bạn mà chơi". Nghệ thuật cũng vậy?nghệ sĩ cũng vậy?Mong rằng người sáng tạo và người thưởng thức "dân chủ và bình đẳng". Tuy vậy,không có nghĩa là "dân chủ quá trớn"? Dân chủ mà không biết mình đứng ở đâu thì có quá nguy hiểm(không những cho bản thân mà còn cho xã hội) không? Nghệ sĩ cũng không nên coi mình là thượng đẳng mà coi tất cả người xem là hạ đẳng? Người xem hãy biết trân trọng nghệ sĩ và người xem nếu khen chê thì hãy khen chê có trình độ? Đừng phân biệt đẳng cấp hay suy nghĩ hẹp hòi.Đừng ai là độc tài và không ai là dân đen. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tức quá, người ta cứ nghĩ là SOI giỏi

Bạn Thành và Soi (tranh luận với nhau :-)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả