Gẫm & Bình

Từ con mắt trần tới con mắt thần! 18. 04. 11 - 4:07 pm

Vũ Lâm

 Trong triển lãm Hợp thể của ba tác giả Đào Châu Hải, Văn Ngọc và Phan Phương Đông, tôi có viết một bài “tán” ngăn ngắn dán ở cửa triển lãm. Sau triển lãm đó, cũng thấy có nhiều chuyện định viết dài thêm. Nhưng do bận, nên mãi giờ mới viết xong. Tính ra, bài viết của tôi mất gần một tháng. Cho nên những chuyện gì đó “thời sự” thì cũng đã qua. Chỉ còn lại một chút gì đó để đọc “nhâm nhi”. Kính và vui!!!

Sơ đồ tác phẩm “Thùng rỗng” chỉ có một gạch chéo

1.
Trong những ngày qua, chuyện nội chiến ở Lybia, chuyện sóng thần – động đất bi thảm và nguy cơ rò rỉ hạt nhân ở Nhật Bản; chuyện “cô Lượm” dựng chuyện và những hành xử úi xùi của những người làm truyền hình sau đó; chuyện bắt ba ba cụ khổng lồ… đang lấp đầy những trang thông tin “hot” cả chính thức lẫn vỉa hè. Thì mặt trăng “lượn” qua gần trái đất gần hơn trung bình 28.000km, to hơn 14% so với bình thường (đó là cơ quan thiên văn báo vậy, chứ nhìn bằng mắt thường thì chịu), đi ngoài đường, tôi tự hỏi: Có thực việc mặt trăng tiến gần trái đất thế không liên quan đến động đất gây sóng thần ở một nước khá gần chúng ta như vậy? Thông tin trên mạng thì người có, kẻ không, chẳng biết thế nào…

Hỏi thế thì nghe còn tạm được, dù chẳng có lời đáp. Chứ nếu tôi đặt câu hỏi, việc mặt trăng “siêu to”, động đất liên tục ở Nhật và Đông Nam Á đến giờ, sóng thần nữa, thì có liên quan gì đến việc ba nhà điêu khắc từ ba phương trời trên đất Việt hội tụ lại làm một cái “hợp thể” triển lãm, người kia tiến đến thì người này lùi, không khai mạc đầu nhưng có chuyện trò cuối… thì chắc người bình thường nào cũng cho tôi là “có vấn đề”!

Thế nhưng tại sao tôi lại không có quyền đặt ra một thứ giả thiết “nếu” như vậy, với những điều hoàn toàn chẳng gì liên quan đến nhau? Bởi có phải cuộc đời của mỗi cá nhân chúng ta chẳng phải cứ sượt đi len lỏi qua một rừng chữ “nếu” để đến cái kết quả “như thế này” mà ta chẳng hề biết đó sao? Và con đường để mỗi cá nhân bước tới việc làm nghệ thuật cũng như vậy. Đã có bao sự lựa chọn khác trước khi con người ta bước đến với nghệ thuật. Và mọi sự “nếu thế” ấy thành hiện thực tuốt thì “đã không” có nghệ thuật, hoặc không có những con người cứ say đắm làm những điều tưởng chừng như vô bổ, nhưng lại là để cứu rỗi cho con người. Hay ít nhất là chẳng cứu rỗi được ai thì cũng cứu rỗi được cho chính họ cái đã.

Vào thời điểm triển lãm này, vì những chuyện thời sự quá khủng khiếp đe dọa mạng sống của nhiều sinh mạng ngay ở khá gần chúng ta làm ảnh hưởng đến tâm trí của tôi, đến mức tôi cảm thấy chính mình và những sự quan tâm của mình quá nhỏ bé, nên tôi không băn khoăn, tìm hiểu hay đặt vấn đề thưởng thức những tác phẩm trong triển lãm của ba nhà điêu khắc. Tôi chỉ cảm thấy vui sướng khi được gặp chính họ, hỏi han trò chuyện với họ về tình đời, cho thấy sự may mắn sung sướng nhất của sự tồn tại là như thế. Trong đầu tôi chỉ đặt ra một câu hỏi, không về tác phẩm họ đã nhọc công bấy lâu nay làm ra, mà về chính sự nghiệp họ đã chọn. Rằng nếu không làm điêu khắc, thì ba ông Đào Châu Hải, Văn Ngọc và Phan Phương Đông sẽ thành nghiệp gì? Có thể Đào Châu Hải sẽ trở thành một nhà văn chăng, vì ông khoái khẩu với ngôn ngữ, và vui thú vô cùng khi tìm được một từ, ngữ chính xác gọi tên những sự vật con người mâu thuẫn và phức tạp. Có thể Văn Ngọc sẽ trở thành một kỹ sư kết cấu xây dựng chăng, hoặc đơn giản là một ông phó cả mộc tinh nghề, vì cái sự tạo ra một công trình cá biệt, in đậm “mùi” của ông và vững chắc, từ những vật liệu rời rã và bỏ đi, là rất đáng nể. Có thể Phan Phương Đông sẽ thành một thầy địa lý phong thủy, hoặc một thầy lang, bốc quẻ, kê đơn tỷ mỉ tiểu ly các tư tưởng và các triết thuyết tạo hình với một sự chậm rãi chân thành… đáng kinh. Liệu có thế được chăng?

Ông Đào Châu Hải và sinh viên Khoa Lý Luận trò chuyện về điêu khắc hiện đại

2.
Dù sao, cả ba vị trên cuối cùng đã được định danh như hiện nay là những người làm điêu khắc. Còng lưng ra “duy trì nòi giống” cho cái lõi sở trường của đời sống tạo hình dông dài mấy nghìn năm nay của người Việt. Mỗi người thậm chí còn lưu lạc làm “đại vương” ở mỗi nơi. Tác phẩm mà họ thích thú nhất có khi còn chẳng liên quan gì lắm đến cái nghĩa “điêu khắc” bình thường nữa mấy. Tất cả những gì về “kỹ thuật chuyên môn”, chất liệu, hay hay dở thì đều cũng đã trượt qua… Đào Châu Hải thì đưa ra bốn cái đe đồ sộ, phỏng nguyên từ cái đe công nghiệp, dịch chuyển từ sắt hàn sang thủy tinh xếp lớp. Tôi chợt nhớ đến việc Picasso vẽ bò tót mãi chán, một hôm ông nghịch lấy cái ghi đông xe đạp chắp lại với cái yên, thế cũng ra hình một cái đầu bò. Có thể hiểu sự thích thú của ông khi ông chợt nhận ra rằng, tại sao phải cất công tạo hình vẽ nặn rất lâu, trong khi chỉ chắp nối một số đồ vật có công năng gia dụng bình thường, dịch chuyển ý nghĩa đi, là có thể tạo ra một ý đồ mong muốn, vừa giản dị, vừa thú vị bởi nó rất giản dị. Có lẽ một hôm nào đó trong mớ bận tâm của Đào Châu Hải về thân phận nhân sinh, bắt đầu từ chính bản thân ông, ông chợt nhận ra cái đơn giản là con người sinh ra theo ông (và theo quan niệm nhà Phật, nên cũng chẳng mới gì) thì đa số là khổ, là thân phận “trên đe dưới búa”, tại sao không phóng thật to một cái đe thật ra, thêm tí da trâu nguyên lông vào, thêm tí ánh sáng dưới chồng thủy tinh, thêm tí nước… là cũng ra một câu chuyện về đe-người-người-đe thịt đó sao?

Còn Văn Ngọc, lại là một hy hữu thú vị khác của điêu khắc. Năm 2005, Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật đã có một quyết định có tính cách mạng. Đó là việc trao giải (trao qua ảnh) cho một tác phẩm điêu khắc-sắp đặt kỳ lạ có tên là Dư chấn. Tác phẩm thể hiện nỗi xúc động chia sẻ trước hàng trăm ngàn sinh mạng thiệt thòi trước cơn tsunami vừa tràn qua một loạt nước Đông Nam Á. Đó là một khung gỗ chiều 7m x 12m, bên trong chứa 40 tấm gỗ nhỏ 40 x 50cm. Mỗi tấm gỗ nhỏ là một câu chuyện bằng sắt, vải bố, gỗ cũ, xương… dán, đính lên. Ngoài khung gỗ lớn ấy là 1000 bông hoa hồng xếp xung quanh. Tất cả vật liệu đều lấy từ gỗ cũ, và các vật dụng của con người đã bị sóng biển đánh dạt vào bờ biển Vũng Tàu. Tác phẩm là một sự tưởng niệm, đơn giản, dễ hiểu về một thảm họa vừa xảy ra, nhưng cách thể hiện thì rất trừu tượng và mới lạ. Tác giả của tác phẩm khó đọc tên thể loại ấy là họa sĩ Văn Ngọc. Sinh năm 1959 ở Phú Thọ, ông từng thoát chết khỏi sự thảm khốc ở chiến tranh biên giới khi là một quân nhân trẻ, sau đó mới về trường Mỹ thuật học khóa 87–92, thuộc loại những sinh viên già nhất lớp. Ra trường, lận đận đủ vành vẻ, mặc dù thời đó đang là thời hoàng kim bán tranh sau Đổi mới. Năm 1997, Văn Ngọc đem theo gia đình với vài trăm nghìn cùng mấy chiếc bánh mì, quyết Nam tiến lập nghiệp. Long đong Sài Gòn một thời gian cũng mãi chẳng đâu vào đâu, mãi sau ông mới tìm được chốn định cư ở Vũng Tàu. Sáng tác điêu khắc của ông làm thuần từ một loại chất liệu, đó là gỗ cũ, đồ vật cũ bỏ đi mua lại từ một xưởng đóng tàu gần nhà…

Văn Ngọc dựng cảnh chiếc gương khung cóp pha bắt bu long

Văn Ngọc tự gọi cái nhà ông ở Vũng Tàu là “nhà tù Văn Ngọc”. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng viết thế này: “Có lẽ chúng ta chẳng hiểu được ông bao nhiêu qua vài thứ bầy ở phòng triển lãm mà cần vào tận nhà ông ở Vũng Tàu, chiêm ngưỡng cái Nhà tù Văn Ngọc, như tên ông đặt cho ngôi nhà của mình, được phân chia thành nhiều phòng nhỏ u tối và chật ních những chuồng, những cũi và những hình thể gì đó. Văn Ngọc nói: Các anh mua một tấm toan về, vẽ kín vào đó rồi gọi là hội họa, mua một khúc gỗ đẽo nhẵn một cái tượng rồi gọi là điêu khắc. Hình như nghệ thuật không phải là như thế, ta chỉ nên can thiệp chút ít vào vật chất, còn lại để cho sáng tạo tự thân.

Lần triển lãm này, Văn Ngọc đem từ Vũng Tàu ra một chuyến xe 5 tấn chở toàn “những chuồng, những cũi” bằng sắt gỗ cốp-pha. Cái thì để không như một khung gỗ, trong nhét lỉnh kỉnh đủ thứ bỏ đi. Cái thì dán đũa dừa kín bề mặt như cái quan tài. Cái thì kín mít, thì thoảng trổ thủng vài lỗ. Trên tường để vài khung gương to, viền khung cũng bằng gỗ cốp-pha đổ bê tông cũ. Ở giữa phòng là “bối cảnh” của một cái xưởng làm ra những cái hộp, chuồng, cũi.., đó. Tên phần triển lãm của Văn Ngọc là Những cái hộp rỗng. Ai vào xem cũng lắc đầu lắc đuôi chẳng hiểu gì cả. Có người còn hỏi, triển lãm đã dựng xong chưa? Vẫn còn dựng dở à? Đã thế, tác giả của nó còn nói với báo chí ngang ngược thế này: Tác phẩm của tôi chẳng có ý tưởng gì cả. Tôi có bày cái gì ra đâu mà xem? Tôi mong người ta đến đây là để nghĩ điều gì đó, chứ không phải để xem!

Thực là cực đoan và trêu ngươi khán giả quá thể. Nhất là đối với những người đã quen đến một “triển lãm” để xem một trò khéo hay một số đồ vật có ngữ nghĩa cụ thể gì đó! Họ tỏ ra khá đơn giản hoặc là bàng quan phớt lờ, hoặc là khá hậm hực! Đây có lẽ là một thử thách đối với người xem hơn là đối với nghệ sĩ!

Những vết trổ khung khéo léo

3.
Chính sự thách thức người xem qua tác phẩm của họa sĩ Văn Ngọc, cũng làm cho tôi nẩy ra ý định viết bài này “lâu lâu nhiều chữ” hơn một chút. Tôi không phân tích tác phẩm theo một ngữ nghĩa cụ thể nào đó, mà cho phép tôi phân tích tôi – với vị trí của một người xem. Tôi không thể nói thêm gì nữa về tác phẩm của ông Đào Châu Hải, một sự gói tròn trong chữ điêu khắc của một người có “mắt xanh” nhìn vào “nội giới” điêu khắc. Tôi cũng không thể nói thêm gì về tác phẩm của ông Phan Phương Đông – một sự bất lực trước chính mình ở thời điểm triển lãm này diễn ra. Với hành trình nghệ thuật từ trước đến giờ, thì tôi ví Phan Phương Đông giống như đã leo cau đến gần buồng rồi mà lại rơi dao thành thử không xẻo được cả buồng, mà chỉ bứt được trái cau non rồi tuột xuống làm ví dụ. Đâm ra tác phẩm trở thành sự lồ lộ bản thân hơn là thể hiện được cảnh giới tinh thần như ông hằng mong muốn trong một “tác phẩm” phá cách thể. Các bậc thầy nói, từ một đến chín đã là rất khó, có thể “cố gắng lên” cũng xuôi. Từ chín mà tới mười thì là do “Chúa thương” mà thôi! Có lẽ tác giả Phan Phương Đông cần có thời gian để “thử thêm” cũng như “Thiền thêm” để “Phật thương” chăng?

Cũng cần nói thêm là khi tôi chưa viết xong bài này, thì có một bài viết của bạn lấy nick là Canvas – Nghệ thuật thứ thiệt, ở đâu và đến mấy giờ? Phải nói thật là tôi thấy thích bài viết đó. Người viết ra với thái độ của một người xem trung bình, có quan tâm, nhưng đến xem không thấy mình “xem” được gì nên về hục hặc. Và họ viết lại một bài đọc rất vui, vả trái vả phải tác phẩm rất mát mẻ. Viết để ghi nhận lại một thái độ (thái độ thứ hai, trong hai loại thái độ xem tôi vừa nhắc trước), là “khá hậm hực” một cách nhã nhặn. Đây có lẽ là đại diện cho một thái độ xem đa số của người trót thuộc giới tạo hình. Có người còn có tên tuổi, có biết vẽ, thậm chí một số là “cao thủ” trong làng nghệ thuật tạo hình hẳn hoi. Nhưng cũng vì do cái lịch sự đáng yêu của “tính cách Việt”, cho nên họ không nói được (hoặc không viết được) ra, ký một cái nick khác, như Canvas thôi!

Tôi muốn lấy một vài ý trong bài viết ra để làm dẫn chứng để phát triển nhận định, chứ không phải có ý phản bác bài viết này. Bởi “quan điểm” và “lập trường” của người phát ngôn ra là rất đúng chỗ của họ, không có gì mâu thuẫn với tôi để tôi phải bàn cãi tranh luận. Điều tôi nói là những điều tôi muốn từ đó mà mở rộng, xoay quanh, để chính tôi khi viết cũng vỡ ra đôi điều về điều gọi là “nghệ thuật” và để các bạn trẻ hơn, đang học nghệ thuật, thấy có điểm nào ích lợi thú vị nghe được chăng? Mong muốn giản dị của tôi là như thế!

Ý thứ nhất tôi muốn mở rộng, được nhắc trong bài viết trên là: “với người bình thường như mình, nghệ thuật cũng giản đơn là nếu thích thì tối thiểu mình cũng nảy ra ý định rinh nó về gần để sống với nó.” Tôi đồng ý với nhận xét trên. Chỉ mở rộng ra rằng với mỗi cá nhân, thì có thể thích nghệ thuật này, hoặc không thích nghệ thuật kia. Nhưng nghệ thuật có nhiều cấp độ và quy mô. Người bình thường thì có vô vàn loại nghệ thuật bình thường dành cho họ. Họ có thể mua, xin, ăn trộm, nhặt… về mà chơi. Nghệ thuật ở bậc phổ thông là một trò vui, một món đồ giải trí có công năng nhất định và “có lý do” để hiểu, để thích thú. Ở bậc thượng thừa là sự chứng ngộ cảnh giới, không có lý do để hiểu hoặc ngược lại, có thể lấy bất kỳ ví dụ nào để làm lý do. Khi đó, đồ vật nghệ thuật chỉ là cái cớ để làm đối vật cho thái độ-trạng thái. Lấy hai ví dụ tác phẩm nghệ thuật này cho nó dễ hiểu? Một là cái Kim tự tháp Ai Cập. Hai là cái bồn tiểu Duchamp (lại bồn tiểu). Một cái rất to, và một cái khá nhỏ. Cái Kim tự tháp thì không ai có thể “rinh” được, phải tốn tiền đến đấy mà chui vào, hoặc chạy xung quanh mà nhìn ngó, chụp ảnh. Còn cái bồn tiểu Duchamp, bạn có thích được không? Dù bạn phủ nhận với danh nghĩa cá nhân kiểu gì, thì nó cũng được thế giới công nhận từ lâu rồi. Còn nếu bạn thích, bạn có dám “rinh” cái bồn tiểu đó về, treo giữa phòng khách nhà bạn không? (Điều này là giả tưởng thôi, vì dù muốn thì cũng đừng có hòng mà đụng được vào nó). Cái bồn tiểu này, bản thân nó chẳng có giá trị gì hơn các cái bồn tiểu nam khác mà chúng ta tè vào mỗi ngày. Nhưng nó là bằng chứng cho một “thái độ nghệ thuật” rất cao của ông Duchamp ở thời điểm ấy. Và nó cũng chỉ có giá trị cũng bởi cái tính “bằng chứng lịch sử – cụ thể” như vậy thôi.

Cách dựng gương của Văn Ngọc


Có thể đi qua tấm gương này để bước sang căn phòng khác được không?


Không thể chụp ảnh gương chính diện mà không bị hình ảnh mình lẫn vào gương


Nhìn qua gương cứ như nhìn qua một ô cửa sổ sang không gian khác

4.
Ý thứ hai tôi muốn mở rộng từ đó là ý này: “Những cái hộp, cái thùng tôn của Văn Ngọc mà để ở vệ đường thì có ai biết đấy là tác phẩm nghệ thuật không, có ai muốn rinh cái đó về nhà mà bày không, hay các chị chè chai lại nhanh tay tháo ra để bán… Thế nhưng chỉ cần đi qua ngưỡng cửa cái phòng có tên là phòng triển lãm thì cả đống hỗn độn ấy đã được gọi là “tác phẩm”. Tưởng nghệ thuật “thứ thiệt” thì ở đâu cũng phải là nghệ thuật! (thí dụ những tượng cụt tay vớt dưới biển lên vẫn là nghệ thuật)”. Tôi cũng đồng ý với nửa đầu ý này. Những cái hộp bằng sắt cốp pha của ông Văn Ngọc nếu bị vứt ngoài đường thì chắc chắn sẽ là món bở của mấy bà đồng nát, vì nó đã bị tước đi giá trị nghệ thuật trong không gian được khu biệt, chỉ còn lại giá trị ít cân sắt. Nhưng nửa sau thì tôi không thể đồng ý được. Tôi lại giả sử tiếp, nếu cái bồn tiểu Duchamp bị vứt ra ngoài vỉa hè, không còn nằm ở trong bảo tàng danh giá, đóng hộp kính búa đập không thủng. Thì liệu nó có giá trị gì với cả mấy chị ve chai đồng nát không? Mà ngay cả tranh của Leonardo da Vinci, hay “tượng vớt dưới biển” mà bạn Canvas ví dụ, vứt ở ngoài lề đường Việt Nam, thì cũng chưa chắc đã có mấy ai thèm nhặt đâu ạ. Cái nhận định “Tưởng nghệ thuật “thứ thiệt” thì ở đâu cũng phải là nghệ thuật!” là nhận định thiếu thốn hiểu biết và “bừa bãi” không thể tả. Nghệ thuật dù cao hay thấp, cũng phải có chỗ riêng của nó, có lý do riêng của việc sinh ra nó, mới thành nghệ thuật được. Cả đứa trẻ mới lớn nó cũng hiểu là gặp ai thì phải khoanh tay chào, gặp ai thì đừng có chửi mà nên lẳng lặng bỏ đi, như thế!

Vậy thì thế nào là nghệ thuật và thế nào là không phải nghệ thuật? Thế nào là nghệ thuật kiểu ‘tự nhiên chủ nghĩa” và thế nào là nghệ thuật “có ý thức, có trình độ phát triển cao”? Những ý kiến của tôi dưới đây chính là trả lời cho hai câu hỏi tôi tự hỏi tôi.

Một tác phẩm nghệ thuật thì chưa bao giờ để dành cho tất cả số đông tiêu dùng. Bởi thế nghệ thuật nó mới sinh ra ở rất nhiều dạng vẻ, thể loại, số lượng, trình độ để chia đều cho tất cả chúng ta. Ngay từ khi học đại học, chúng tôi đã được học một bài sơ đẳng về một tác phẩm như thế này: Tác phẩm nghệ thuật ấy, nó là “Thân em như nước giếng làng/ Người sang rửa mặt, người quàng rửa chân”. Đối với cái tai bình thường, thì nhạc vàng, nhạc sến mới hay, còn nhạc cổ điển, với cái tai đó là vô giá trị, là “đàn gảy tai trâu” ngay. Vậy nên mới phải học nghệ thuật, học văn hóa xem, học văn hóa nghe, rất kỳ công chứ không phải tự nhiên nó đã được như “con mèo mới đẻ đã có ria”. Để có thể nghe, xem thấu mọi thứ và phân biệt, thưởng thức.

Cái phân biệt đầu tiên là một tác phẩm có tính nghệ thuật hay không nghệ thuật? Điều này chắc hẳn có nhiều thước đo khác nhau, tùy nhận thức và kinh nghiệm. Với tôi, tôi có một kinh nghiệm thế này. Để nhìn nhận một tác phẩm có tính nghệ thuật hay không, có hai điểm. Thứ nhất, cái tác phẩm đó có “giấu” hay “không giấu diếm” gì. Có “giấu diếm” đi với một ý đồ hẳn hoi để khơi gợi dẫn dắt trí tò mò (dù là giấu theo cách “trần trụi” đến mấy) tức là đã có tính nghệ thuật. Giả dụ một cô gái trút bỏ quần áo không thôi thì là một việc chưa nghệ thuật lắm. Cô gái ấy đơn giản là cởi quần áo ra cho mát hoặc đi tắm. Cũng cô gái đó, khỏa thân với chiếc khăn mỏng tang quấn lên người là một chuyện khác (có giấu). Một cô gái khỏa thân nhưng nhúng qua nước cũng đã khác (có “giấu” bằng nước). Một cô gái khỏa thân mà khoác chéo lên người một sợi dây thôi, thì cũng coi như là có “giấu”. Chưa kể dáng uốn éo nọ tư thế vặn vẹo kia… Ví dụ đại khái thế! 

Thứ hai, cái tác phẩm đó phải được đặt trong một không gian-thời gian xác định, với hoàn cảnh khu biệt, thì mới tạo nên nghệ thuật. Không có ý đồ “giấu diếm”, hoặc bị tước bỏ không gian-thời gian, hoàn cảnh khu biệt, thì trạng thái nghệ thuật cũng bị tước bỏ đi luôn.

Văn học, sân khấu, điện ảnh,.. là nghệ thuật diễn ra trong một quãng thời gian xác định. Thì nó giấu cấu trúc cũng như được khu biệt hoàn cảnh trong thứ tự thời gian. Nói cách khác, nghệ thuật thời gian là nghệ thuật kiểu chơi bài (giấu quân đi). Còn tạo hình (kiến trúc, hội họa, điêu khắc… nghệ thuật thị giác) dùng “địa bàn” là không gian làm ngôn ngữ thì nó phơi bày cấu trúc ra gần như toàn bộ đồng thời điểm, giống như chơi cờ vậy (lộ quân hết). Nhưng nó ẩn cấu trúc trong một không gian khu biệt xác định (ví dụ quân chỉ có thể đi trong các nước cờ, trong chu vi bàn cờ đó thôi)

5.
Nghệ thuật “tự nhiên chủ nghĩa” phổ thông khác với nghệ thuật “có ý thức cao” là ở chỗ nào? Thường thì tâm trí bất cứ con người bình thường nào cũng đã có chút ít kiến thức nghệ thuật nhất định do thời đại sống ấy (hoặc cộng đồng không gian-thời gian ấy) ban cho ít nhiều. Nên bao giờ con người bình thường cũng biết thích trạng thái nghệ thuật có “giấu diếm” hơi hơi một chút. Nhưng nếu chỉ dùng được cái trình nghệ thuật của cộng đồng không gian-thời gian ấy cho sẵn (vốn tự nhiên có) thì có thể coi là một dạng “tự nhiên chủ nghĩa” ở mức phổ thông. Ví dụ như ở thời này hầu như ai cũng biết thế nào là một cái ô tô xịn, một cái ví da hay điện thoại đắt tiền thì đẹp hơn. Một cô gái chân dài, da trắng, mặt khả ái, ngực và mông “chỗ Lào ra chỗ Ý” thì được đa số người xung quanh nhìn thấy thích hơn. Cũng cần nói thêm cái đẹp “tự nhiên chủ nghĩa” ở mỗi thời đại là khác nhau. Cái đẹp tự nhiên chủ nghĩa ở thời nguyên thủy là “cởi truồng” tất, thì ở thời nay là che đi vài chỗ có một tý thôi. Biết thêm tí ánh sáng, nước vào, cho nó mọng mẩy lên như trong các cuộc thi hoa hậu người ta thường lôi các cô gái đẹp ra biển chụp ảnh quay phim vậy. Một trong những yếu tố dễ nhận ra nhất của cái đẹp “tự nhiên chủ nghĩa” trong tạo hình là việc chụp ảnh thông thường. Đi tìm cái đẹp “tự nhiên chủ nghĩa” sẵn có mà “vồ”, mà “chộp” lấy. Chỉ cần kiên nhẫn một tí (ví dụ tạm vậy, chứ còn khi nhiếp ảnh đạt đến trình độ cao là một việc rất khác).

Nhưng khi một con người nghệ thuật nào đó ý thức được trò chơi giấu diếm của nghệ thuật tạo hình, họ sẽ làm khác đi cái trình tự nhiên ngay lập tức. Và lúc đó sự chủ động nằm hoàn toàn trong tay người sáng tạo. Họ bắt đầu trên con đường loại bỏ cái đẹp tự nhiên chủ nghĩa nhìn bằng “nhãn thức” mắt thịt trần tục. Họ kiến tạo nên những vẻ đẹp của đối tượng tinh thần không cần bằng những vật liệu tự thân đã “ngon”, đã đẹp, đã đắt tiền. Họ nhìn đối tượng – cái “vật tinh thần” ấy trong một hành trình vận động và họ biết khi nào nó lòi đuôi ra, thò đầu ra, lộ mình ra trong khoảnh khắc với vẻ đẹp khác nhau. Những vật liệu hay “con chữ” của họ khi đó trở thành các đồ vật dùng để “giấu”, để làm cái “bẫy” cho “vật tinh thần” hiện thân theo một cách thức nào đó! Kiểu như khi ta phân tích văn học rằng có những thứ “ý ở ngoài lời” hoặc là phải đọc cái gì đó “giữa những con chữ”…

Tuy nhiên, ngay cả với người sáng tạo, đôi khi cũng bị nhầm lẫn, hoặc là bất lực, hoặc là không may mắn, hoặc là “chưa đủ tuổi”. Tôi rất thích ví dụ này trong truyện Harry Potter. Sau một mùa nghỉ, Harrry trở lại trường pháp thuật và cậu nhìn thấy chiếc xe kéo do một con ngựa có cánh đầu chim rất xấu xí như từ địa ngục hiện lên kéo xe. Trong khi các bạn thân Ron và Hermione không nhìn thấy con quái vật kéo xe đó, bảo là cái xe nó vẫn tự chạy như năm ngoái đấy chứ. Một cô bạn mới ngồi trên xe giải thích cho Harry là bởi cậu đã từng phải chứng kiến cái chết diễn ra trước mắt (và cô bạn ấy cũng thế) nên mới nhìn thấy con ngựa quái đó. Còn những người chưa chứng kiến cái chết thì không thể thấy được. Đơn giản là vậy, có những điều trong cuộc đời vô cùng này, ta chưa thể thấy được, vì do ta “chưa đủ tuổi”, hoặc là chưa kinh qua một trạng thái nào đó để “khai nhãn” được. Vì trạng huống nhìn cũng có rất nhiều loại mắt. Có cái nhìn được bằng mắt thường, có cái nhìn được bằng ý niệm, có cái nhìn bằng tâm tưởng, có cái thì phải nện vào sọ, thì mới ra… Đó là chưa kể đến việc “nhìn được” xong rồi thì giao hòa và điều khiển trạng thái đó thế nào. Trong “Tiếu ngạo giang hồ” có đoạn Lệnh Hồ Xung liền một lúc đâm mù mắt mấy chục thằng cướp là đâm bằng ý muốn của kiếm (kiếm tâm thức) đấy chứ, có phải đâm bằng tay mà được đâu.

Người sáng tạo không phải lúc nào họ cũng tóm được đuôi con vật tinh thần, vốn rất sợ ánh sáng ban ngày và khi bị các loại “mắt thịt”, “tâm thịt” chiếu vào là tan biến luôn. Họ chỉ bố trí một cái bẫy, một trạng thái để nó thoáng hiện ra mà thôi. Trong khi đó thì cái tâm thịt và con mắt thịt luôn luôn có xu hướng đè lấp phủ bụi lên con mắt xanh, con mắt “thần” trong mỗi người xem.

6.
Cho nên, về vấn đề văn hóa của người xem nghệ thuật tạo hình là rất khác nhau. Nên được “dạy xem” hoặc “tự học xem” với sự khiêm tốn và hỏi han thẳng thắn thì tốt hơn, kẻo cứ “kính nhi viễn chi” hoặc “láo nhi viễn chi” mãi. Bởi vì tác giả của mỗi tác phẩm “đương đại” hiện nay thường cứ ngồi lù lù ở đấy đợi người xem hỏi đấy chứ. Họ mong được hỏi tử tế mà chẳng được. Mỗi một người xem tác phẩm có lẽ nên là “những kẻ thiện tâm” với thái độ cầu thị. Bởi vì tác phẩm của nghệ sĩ tạo hình làm ra là để cống hiến cho họ, chứ tác giả có bắt khán giả phải mua vé vào xem như ca nhạc hay bóng đá đâu? Tôi thấy rất tội nghiệp người làm nghề tạo hình ở điểm này. Chúng ta mua một cái đĩa phim “lởm” chí ít cũng mất 7000 đồng. Mua vé xem phim rạp, live show nhạc hát hoặc vé xem một trận bóng cũng mất vài chục, vài trăm nghìn cho đến hàng triệu. Ca sĩ hát dở, cầu thủ bán độ đá đểu, đĩa phim chất lượng tồi, ta có chút quyền xỉ vả, chê bai, ném cà chua trứng thối… bởi vì ta đã phải đổi bằng tiền tươi để mua, để được xem, được nghe, được bình luận. Còn với tác phẩm tạo hình (trừ vào bảo tàng phải mất vé), thì tôi chưa hề thấy một triển lãm nào ở ta bắt người xem phải trả tiền mới được vào nhìn cả. Đã không mất tiền nhìn, tiền nghe, thì ít ra, cũng nên giữ một thái độ tối thiểu như thế nào đó cho có văn hóa giao tiếp một chút chứ. Phải không hả các bạn? Chứ còn, khi bạn thích, muốn sở hữu, muốn “rinh nó về để sống với nó” thì là một việc khác. Lúc đó, bạn đã có ý định làm một cuộc trao đổi hàng-tiền-hàng, thì mới có quyền chê bôi, quyền mặc cả “cò kè bớt một thêm hai” thoải mái, tùy vào tầm tiền và tầm văn hóa của bạn.

Tôi thì thấy với riêng tôi, xem tác phẩm tạo hình dù đơn giản hay phức tạp thì cũng là nên xem đi xem lại nhiều lần, mỗi lúc một khác nhau. Giống như “tán gái” vậy – lén nhìn, hỏi han kể lể, giả vờ, đá đông đá tây, chuyện qua chuyện lại, kết thân với bạn bè, bố mẹ đủ kiểu, rồi mua quà nọ vé kia tặng người yêu, làm giúp người yêu đủ thứ. Hoặc nên giống như cánh săn mua đồ cổ, đi tán người ta qua năm này năm khác để cuối cùng chỉ chú tâm với mục đích làm sao để người ta vui lòng bán cho một món đồ đang cúng trên bàn thờ.

Cái hay nhất của con người là tưởng mình là nhất, quan điểm, ý thích, cái hiểu của mình là nhất, thế thì mới an tâm sống được. Còn cái dở nhất của con người cũng là vậy, tưởng các thứ thuộc về mình, mình mới là nhất. Trong khi bất kỳ một cá nhân nào cũng chỉ là một con muỗi mắt trong hàng đống người, gọi tên chung là nhân loại. Như chuyện ngụ ngôn về món lưỡi luộc của Ê-dốp vậy. Mỗi con người đã là một sự mâu thuẫn khủng khiếp. “Kiêu hãnh và định kiến. Định kiến bởi kiêu hãnh” bao giờ cũng là thú vui của các loại cảnh giới thông thường và của các cá thể khôn khéo và hữu hạn. Ví dụ như con vờ của Trang Tử có thú vui là rầu rĩ khi mặt trời sẽ chết cùng với nó vào mỗi buổi chiều. Nếu muốn phát triển một sự “nhận thức nhìn” thì bao giờ cũng phải hoàn bị một hệ thống lý thuyết cho việc nhận thức trước đã, để không bị mất thời gian lật đi lật lại. Nhưng đôi khi hệ thống cũng không giúp gì được. Mỗi đối tượng “quái” thì phải có phương pháp “quái” để nhìn, để nhận thức, giải mã. Nhận ra được thì ấm vào thân, thẩm mỹ được bồi đắp thêm và con người cũng cao hơn một vài tầng trạng thái. Và rồi tình trạng nhận thức lại bị đẩy vào trò chơi “quái” hơn nữa, mà thôi. Để rồi đến khi “quái” quá lại quay trở lại với những hình thức quá giản dị tới mức người thường coi là vớ vẩn. Trong truyện Tây du ký, hẳn ai đã đọc cũng đều nhớ các nhân vật Nhị Lang Thần – có con mắt ở giữa trán. Hoặc hai nhân vật Thiên lý nhãn và Thuận phong nhĩ là tướng nhà trời. Đó là những ví dụ dễ hiểu nhất cho những giác quan đã được tôi luyện đến mức trở thành siêu việt. Ai nghe được đến đâu, cởi rộng con mắt trần, cái tai thịt ra đến đâu, thì sẽ có được trạng thái tự tại và hạnh phúc đến đó. Bởi đa số con người sướng và khổ đều do các giác quan gây ra. Không cởi được mắt, được tai, được lòng ra đến tận cùng, thì sẽ bó hẹp mình trong khuôn hình nào đó mà sống, đại khái cũng sẽ như nhau tự nhốt mình trong các loại “quan tài kính” to nhỏ vô hình. Giống như con vờ sống được một ngày, và loại vờ khác sống được hai ngày, hoặc loại vờ dài hơi hơn, sống được một tuần, cãi nhau về mặt trời tồn tại được chỉ một ngày hay vài ngày hay cả tuần. Là thế! Ông Nguyễn Tịch đời Tấn, người nổi tiếng với tích “con mắt xanh” có lần say rượu cởi truồng ra nằm trong nhà cho nó mát. Có người khách đến chơi cười ông tồng ngồng. Ông ta cáu, nói: Ta đây lấy trời đất làm nhà, lấy nhà cửa làm quần áo. Hà cớ gì mày chui vào quần ta rồi nói ta không mặc quần? Hào ngôn biện luận như thế thì cũng buồn cười, nhưng chứng tỏ được một tư duy không vướng mắc bởi bất kỳ quan niệm ràng buộc nào, đã đập bỏ mọi “quan tài kính” cho đến tận cùng.

Toàn cảnh tác phẩm của Văn Ngọc

7.
Quay qua quay lại, sau khi tôi huyên thuyên về việc “khai nhãn” nọ kia, chắc có người sẽ hỏi: Thế anh đã tự cho mình đã có một “con mắt xanh” chưa? Và anh nhìn được thấy gì từ cái “đống hỗn độn đi qua ngưỡng cửa cái phòng có tên là phòng triển lãm được gọi là “tác phẩm” Những chiếc thùng rỗng của ông Văn Ngọc? Tôi xin trả lời là tôi cũng chưa có được cái “con mắt xanh, con mắt thần” như thế. Đó chỉ là những điều tôi nhận ra và tôi đang trau dồi để mong muốn có nó. Còn tác phẩm của ông Văn Ngọc, thì cũng chẳng cần tới “con mắt thần” lắm mới nhìn ra được. Chỉ có chịu khó nhìn hay không mà thôi. Trong năm ngày diễn ra triển lãm phần tác phẩm của Văn Ngọc, ngày nào tôi cũng qua phòng triển lãm vào những thời điểm khác nhau. Tôi hỏi han tác giả bằng nhiều cách. Tôi phỏng vấn những người xem trong nghề. Chỉ với một thắc mắc nhỏ thôi. Tại sao tác phẩm hiện ra cuối cùng trông có vẻ “thô sơ” thế, mà tác giả lại mất công cho nó nhiều thế? Cứ xem kỹ công phu chuyển đồ ra đây, và xem kỹ từng chiếc hòm làm từ “xà – bần” ấy thì sẽ thấy sự tính toán kỹ lưỡng ấy. Vậy thì có vấn đề ở đây nhỉ? Tại sao tác giả lại chọn cách đưa ra “vấn đề” như vậy, trong khi có thể có những lựa chọn khác “bắt mắt” hơn – là việc trong tầm tay “dễ ợt” đối với một họa sĩ nhà nghề như Văn Ngọc?

Tôi gạch đầu dòng ra đây mấy “ý cảm” của tôi như thế này. Cũng là một quá trình “cởi bỏ” của tôi để mở mắt ra:

– Tác phẩm Những chiếc hộp rỗng ấy gọi là điêu khắc cũng được. Chẳng gọi là điêu khắc cũng được. Không nên nệ quá vào vấn đề thể loại là điêu khắc hay sắp đặt nọ kia, đâm ra tự “rào mắt” ta lại. Với những tác phẩm này, nên coi nó giản dị là một tác phẩm tạo hình trên không gian ba chiều, một bức tranh nổi trên mặt đất, trong khung tranh là tường căn phòng. Dễ chưa?

– Theo nguyên tắc bất di bất dịch, bất kỳ sáng tác nào của con người thì cái đích cuối cùng cũng là để nói chuyện con người mà thôi. Vẽ con bò, chó hay giun thì cũng là “nhân vật” để nói chuyện con người mà thôi. Nếu “soi” như thế thì cái đe của ông Đào Châu Hải, những cái Bóng dán trên nền nhà của ông Phan Phương Đông, hay những cái “thùng rỗng” của Văn Ngọc thì cũng chỉ là một ẩn dụ khác về thân phận nhân sinh mà thôi. Mà “thân phận nhân sinh” đó, trước hết là người Việt chúng ta. Dễ chưa?

– Văn Ngọc có quan điểm nghệ thuật thế này “ta chỉ nên can thiệp chút ít vào vật chất, còn lại để cho sáng tạo tự thân” và “nghệ thuật nó làm con người ta cảm giác được cái phía đằng sau những cái người ta nhìn sờ sờ ra”. Ông rất thống nhất những quan điểm đó trong tác phẩm này. Can thiệp chút ít vào vật chất, nhưng can thiệp khá tinh. Tôi thấy mấy họa sĩ trẻ tấm tắc khen những vết trổ hoặc xoi thủng trên bề mặt mấy cái hòm sắt, hay trên cái hòm gỗ đũa dừa của tác giả là rất tinh vi, rất “duyên”, nó như vết thương, hoặc vết đạn bắn, hoặc một cái lỗ tò mò nào đó, như một cái hõm xoáy trên mặt dòng sông… Nhưng đó cũng chỉ là những chi tiết cho thấy việc tác giả làm việc nghiêm túc tỉ mỉ thôi. Tôi thì tôi thấy “rợn mình” với việc Văn Ngọc dùng gương trong tác phẩm. Việc đặt những chiếc gương lớn, làm khung bằng gỗ cốp-pha, điểm xuyết mấy con bu lông sắt. Sự tương phản về chất liệu này khiến tôi gai người, nảy sinh ra một sự “lưỡng cảm”: những chiếc gương khung gỗ cốp pha vừa soi ngược lại bối cảnh trong phòng, vừa như một ô cửa, một “kẽ nứt không gian” (chữ dùng của họa sĩ Lý Trực Sơn) để ta nhìn sang một mảnh không gian khác.

Vết trổ thủng như vết đạn bắn

– Có những tác phẩm, ta phải đi vòng quanh nó mà xem, có những tác phẩm ta phải “chui” vào trong nó mà xem. Tác phẩm của Văn Ngọc, như anh Vũ Huy Thông (Viện Mỹ thuật) nhận xét, đó là một tác phẩm kiểu để chui vào, và cảm nhận trạng thái (có thể gọi là “điêu khắc không gian” cũng được) ở trong đó. Nếu gạt bỏ những cái gì “nhìn thấy sờ sờ ra” bằng mắt thường, như là sắt – gỗ cốp pha, kính, dây thừng… mà Canvas gọi là “một đống hỗn độn”. Gạt bỏ “cú lừa” với câu nói của tác giả: “Tôi chẳng để cái gì trong đấy, và thùng rỗng thì đặt là thùng rỗng, chẳng lẽ lại đặt là thùng đặc à?”. Thì tôi nhận ra một trạng thái vừa rõ rệt, vừa mơ hồ tượng trưng với cách tác giả nhìn nhận con người – sự sống và cái chết. Theo phép nhìn của tôi thì những đồ vật lủng củng Văn Ngọc để trong đó là những đối vật dùng làm cái “bẫy” để con vật “tinh thần trạng thái” lòi đuôi ra, lộ mình ra. “Tinh thần trạng thái” đó là vô hình, tất nhiên, nó bảng lảng như sương khói, như ánh sáng, để người xem có thể đi vào trong, thấm và xuyên qua da, qua các giác quan mơ hồ…

Đó là một trạng thái ám ảnh về sự tồn – vong và ý nghĩa sống vừa lạnh lùng vừa trong sáng, vừa thô phác lại tinh tế. Một sự ngưỡng cầu tự do vừa đơn giản mà lại chạm đến được một số điểm đáo hạn của đời sống tinh thần – không cáu giận vì bị giam hãm trong cái thân này, cuộc đời này, mà vui với nó, khỏe với nó. Bao giờ chết mới là bắt đầu! Cũng không thèm tư duy về khối nhiều (thế nên tác giả mới chọn cái hình hộp chữ nhật đơn giản nhất, chứ không tạo khối cầu kỳ), nhưng rất coi trọng sự khu biệt về không gian và thời gian để tìm ra điểm rơi tự do cho cái sinh mạng nhỏ bé của mình. Có thể hình dung mỗi con người sinh ra từ một cái hộp (bào thai nằm trong bụng mẹ). Lớn lên cũng vẫn như một cái “hộp” biết di động, có cái chứa nhiều thứ lỉnh kỉnh, có cái rỗng tuếch, có cái rất bí ẩn gợi tò mò, nhưng chịu không nhìn thấy nó chứa gì? Bao quanh mỗi người lại là những cái “hộp kính” vô hình khác, của giới hạn vật chất và chuyển động, của định kiến tập thể, của mức độ nhận thức. Rồi khi ta “nghoẻo”, ta lại chui vào một cái hộp (quan tài), linh hồn ta bốc hơi đi, để đợi đến khi nào đó lại bắt đầu tụ lại trong một cái “hộp” khác… Vậy thì ta phải làm gì nhỉ? Ta nên đối xử thế nào với ta, với đời sống quanh ta???

Tôi hình dung ra đại khái thế! Trong một không gian khu biệt như vậy, bằng cách xếp sắp “một đống hỗn độn” trông có vẻ tầm thường như vậy. Nhưng khoảng không để lại lại nảy ra được một “trạng thái tinh thần” khác lạ như vậy, thì thực là xuất sắc. Đó là khái niệm mà họa sĩ Lý Trực Sơn hay gọi là “kẽ nứt không gian”, những bức tranh giấy dó vẽ màu tự nhiên tự chế của Lý họa gia gần đây cũng hướng tới việc đi tìm những “kẽ nứt không gian” đó (Tôi phỏng chừng cái chữ “kẽ nứt không gian” đó là một khái niệm mang tính chất vật lý. Mà trong phim huyền ảo giả tưởng hay tiểu thuyết khoa học viễn tưởng rất hay dùng. Đó là việc “rạch không gian” ra thành một cái “cửa” để con người “phá toái hư không” đi ra khỏi thế giới này, vũ trụ này, để bước vào một vùng không gian khác trong vũ trụ).
 
Tôi chưa có cơ may đi nhiều ra ngoài thế giới để xem các tác phẩm, tác giả bên ngoài (vì nghệ thuật tạo hình là phải cảm thụ trực tiếp, tận nơi như vậy. Qua tranh ảnh, sách báo thì cũng tương đối lờ mờ vầy vậy), nên không có được so sánh. Với lại, theo tôi, thì nghệ thuật vùng này, nước này, khu vực này không thể so hơn sánh kém với nghệ thuật nước khác, dân tộc khác về vấn đề trình độ, hay giá cả. Không phải nghệ thuật ta thì cứ mãi không bằng được Tây, Tàu nọ kia. Bởi vì theo tôi, trước hết, nghệ thuật sinh ra là để giải quyết vấn đề (hoặc như một đóa hoa tinh thần nở, một hạt ngọc trai thành hình) cho con người ấy, nơi ấy, dân tộc ấy trước hết cái đã. Mới hay, làm điêu khắc hay làm quái gì chẳng quan trọng, mà là tinh thần của những con người làm nghệ thuật ấy có lớn được hay không bởi họ có mối bận tâm về con người quanh mình có lớn hay không, mà thôi. Có lẽ vì những lý do về việc phá toang các quan niệm cũ kỹ về nghệ thuật tạo hình trong điêu khắc, cũng như những gì mà ý nghĩa từ các tác phẩm đề cập tới của ba tác giả Đào Châu Hải, Văn Ngọc và Phan Phương Đông mà trong tọa đàm về Hợp Thể, ông Phan Cẩm Thượng có một kết luận: Tôi nghĩ rằng chúng ta có một vị thế không được tốt lắm về mặt kinh tế lẫn văn hóa trên thế giới, cho nên tiếng nói của chúng ta về văn hóa không được bao nhiêu, điều này chúng ta cần đỏi hỏi phải có thời gian để có một vị trí nào đấy. Tôi nghĩ rằng với triển lãm này, có thể tự tin nghệ thuật Việt Nam, nhất là nghệ thuật thị giác đã có một bước tiến rất lớn vì nó đã đặt ra được những vấn đề của dân tộc và của cá nhân.

Trong ngôi đền nghệ thuật vô biên, thì nghệ sĩ vĩ đại đến mấy cũng chỉ được phép chiếm một vài mét vuông. Còn lại thì nó là rất rộng, đủ chỗ cho ai muốn vào. Bởi nghệ thuật là một chiếc “chìa khóa vạn năng”. Có thể đến từ mọi phương tiện khác nhau, có thể giải quyết tất cả các loại vấn đề khác nhau của nhu cầu tinh thần con người. Các bậc Thần, Chúa, Thánh, Phật thương cả cho đời chúng ta. Nếu không mở mắt to ra mà biết đến điều đó thì thực phí!

Đêm khuya không ngủ được, rút bừa quyển sách bất kỳ trên giá đọc cho đỡ tẻ canh dài. Vô tình rút được quyển thơ Trần Tế Xương. Giở ra một cái, gặp ngay bài “Tự đắc” khá ngạo nghễ của ông Tú nhiều lần hỏng thi: Ta nghĩ như ta có dại gì/ Ai chơi, chơi với chẳng cần chi/ Kìa thơ tri kỷ, đàn anh nhất/ Nọ khách phong lưu, bậc thứ nhì/ Ăn mặc vẫn ra người thiệp thế/ Giang hồ cho biết bạn tương tri…

**

Bài liên quan:

– HỢP THỂ: không thể bỏ lỡ!
– KVT – Khám phá những chiếc hộp tại Viet Art Center
– Hợp thể nói về hợp thể
– Đi và không bao giờ đến
– Nghệ thuật “thứ thiệt”: Ở đâu và đến mấy giờ?
– Thông báo của Hợp Thể
– Tọa đàm Hợp Thể: Giải pháp “đẹp” của nhà phê bình
– Từ con mắt trần tới con mắt thần!

Ý kiến - Thảo luận

18:08 Saturday,23.4.2011 Đăng bởi:  toi la Ta
Sao cái bác này viết bài nẫu thế không biết, lằng nhằng dây điện, quá lắm mỹ từ. Sao bác không giản dị mà dẫn người ta vào xem triển lãm nhỉ. Cứ sấm chớp nhì nhằng.
...xem tiếp
18:08 Saturday,23.4.2011 Đăng bởi:  toi la Ta
Sao cái bác này viết bài nẫu thế không biết, lằng nhằng dây điện, quá lắm mỹ từ. Sao bác không giản dị mà dẫn người ta vào xem triển lãm nhỉ. Cứ sấm chớp nhì nhằng.  
22:23 Thursday,21.4.2011 Đăng bởi:  mua xuan
Khi xem triển lãm của thầy Hải và anh Văn Ngọc, đang lúc cố gắng suy nghĩ để hiểu về tác phẩm của tác giả thì chợt nhớ ra một câu nói của người xưa: đi ăn cỗ đám cưới to hưng chưa chắc đã nhiều thức ăn, nhiều đồ ăn.
...xem tiếp
22:23 Thursday,21.4.2011 Đăng bởi:  mua xuan
Khi xem triển lãm của thầy Hải và anh Văn Ngọc, đang lúc cố gắng suy nghĩ để hiểu về tác phẩm của tác giả thì chợt nhớ ra một câu nói của người xưa: đi ăn cỗ đám cưới to hưng chưa chắc đã nhiều thức ăn, nhiều đồ ăn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả