Ở Đâu - Làm Gì

Khai mạc DU CƯ tại trường Mỹ thuật 04. 04. 11 - 10:12 am

B&G

DU CƯ TRONG THÀNH PHỐ

Sắp đặt Tạo hình kèm ảnh
Của Nguyễn Hồng Phương – Vũ Lâm
Khai mạc: 18h, 3. 4. 2011
Triển lãm tới 7. 4. 2011
Sân trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam 42, Yết Kiêu, Hà Nội
Tọa đàm giữa các tác giả và khán giả: 8h30 sáng thứ Ba, 5. 4. 2011, tại Nhà bảo tàng trường Mỹ thuật 42 Yết Kiêu, Hà Nội
 

Căn nhà phao của tác phẩm Du Cư vào trước giờ khai mạc: được đặt trên một bãi cỏ, ngay trước tòa nhà của trường Mỹ thuật, dưới những tán cây, có đèn pha rọi vào, xung quanh để rải rác một số chiếc sofa màu tươi sáng.

 

Xung quanh nhà chăng những dây phơi nhưng không phải phơi quần áo: năm phóng viên ảnh của năm tờ báo treo phóng sự ảnh về cuộc sống của làng nổi sông Hồng. Phần ảnh không thôi có thể là một triển lãm thú vị.

 

Những chiếc sofa đặt rải rác xung quanh để khách có thể ngồi, đồng thời tạo nên tương phản với sự lụp xụp của căn nhà. Tuy nhiên hiệu quả này có vẻ chưa đạt được, mà theo ý người viết thì có thể do những chiếc sofa nhiều màu quá, làm loãng đi.

 

Bên trong căn nhà có đầy đủ vật dụng của một gia đình làng nổi. Có cả ông chủ nhà đi ra đi vào. Khách tham quan sau đó sẽ lần lượt vào xem. Có thể rất nhiều người lần đầu tiên thực sự bước vào trong một không gian riêng tư của một xóm nổi mà ngày nào mình cũng đi làm ngang qua.

 

Đúng 6h5, Vũ Lâm bắt đầu khai mạc. Tốt nghiệp khoa Lý luận của trường Mỹ thuật, ngoài Mỹ thuật, anh còn quan tâm đến các mảng khác của đời sống. Hiện Vũ Lâm làm việc tại báo Thời Nay.

 

Trong hình, từ trái sang; Vũ Lâm, Nguyễn Hồng Phương, ông chủ nhà, người phiên dịch, vị Đại diện quỹ Đan Mạch CDEF. Trong lời phát biểu của Đại diện CDEF có nói, “Qua triển lãm này chúng ta thấy nghệ thuật đương đại lại một lần nữa khẳng định sức mạnh của nó trong việc phản ánh những vấn đề xã hội. Việc đưa căn nhà này vào một khuôn viên trường như hiện nay là một cách thể hiện tuyệt vời cho thấy khoảng cách giàu nghèo trong các xã hội đang gặp phải, và các thành phố lớn như Hà Nội cũng không ngoại lệ. Triển lãm đưa ra thông điệp rất rõ ràng về những người nghèo của thủ đô. Hi vọng thông điệp này làm chúng ta ý thức hơn với trách nhiệm xóa đói giảm nghèo, nhất là trong khu vực Hà Nội.” Được biết quỹ CDEF sẽ có 1.2 triệu USD để tài trợ cho các dự án nghệ thuật đương đại Việt Nam, từ 2011 đến 2015.

 

Nghệ sĩ, giám tuyển Trần Lương – một thành viên của quỹ CDEF – nói: “Về mặt trái tim mà nói thì đây là một vấn đề hết sức quan trọng làm rung động một cộng đồng dân cư. Ở Việt Nam sơ sơ có khoảng 1/3 dân số hiện nay cũng xa gia đình kiếm sống. Về khía cạnh nghệ thuật thì theo tôi tỉ lệ tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ quan tâm đến người nhập cư còn khá là ít. Vì vậy trước hết tôi xin cảm ơn các nghệ sĩ… Ý kiến của tôi là hơi tiếc triển lãm không được bày ở với hiệu quả nghệ thuật cao nhất, ở đây chỉ là hạ sách, thượng sách không được, trung sách không được. Vì vậy, chắc chắn hiệu quả triển lãm sẽ gây nhiều tranh cãi, đánh giá khác nhau. Có người hỏi đây có phải nghệ thuật không, vì nếu nói đây là một concept, một tác phẩm nghệ thuật khái niệm thì chưa tới. Và có người hỏi đây có phải là một dự án phát triển cộng đồng không thì theo ý tôi cũng chưa tới. Vào sáng mùng 5 mọi người sẽ bàn kĩ hơn về việc này, vì muốn là một tác phẩm nghệ thuật đương đại, một concept art thì rất cần không gian mặc định cụ thể của nó để nó không cần giải thích câu nào vẫn toát lên vấn đề của nó. Đây là một vấn đề tế nhị, tôi mong ở đây có các nhà hoạch định chính sách, chúng ta cùng chung tay giúp để triển lãm này nó được ở đúng chỗ của nó.”

 

Tác giả Nguyễn Hồng Phương thay mặt hai nghệ sĩ cảm ơn mọi người đã đến tham dự và mời mọi người cùng xem tác phẩm.

 

Trời cũng đã tối hẳn, mọi người bắt đầu đi xem ảnh, uống rượu, một số chui vào trong căn nhà để xem. Không có dự án, chưa chắc cả đời chúng ta đã bước chân vào một ngôi nhà như thế này để khảo sát!

 

Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương và vị đại diện quỹ Đan Mạch, cùng cô phiên dịch trong căn nhà

 

Rất nhiều người vào xem bên trong nhà, cả trẻ em và người lớn tuổi. Mọi người đã có một câu chuyện để kể khi rời triển lãm. Triển lãm sẽ chỉ kéo dài trong bốn ngày, đến 7. 4 là kết thúc. Sáng 5. 4 sẽ có một cuộc tọa đàm, mời các bạn đến dự, hy vọng sẽ có nhiều thắc mắc và trả lời thú vị.

*

Bài liên quan:

– DU CƯ: Nhà phao nổi giữa sân trường Yết Kiêu
– DU CƯ tới đâu rồi?
– Khai mạc DU CƯ tại sân trường Mỹ thuật
– Nếu được làm lại Du Cư…
– DU CƯ: sự phô diễn?
– KVT – DU CƯ: một ý tưởng tuyệt vời
– Hôm ấy thật là đông vui!
– Bàng Nhất Linh: Mình thấy không ổn…

Ý kiến - Thảo luận

15:13 Monday,4.4.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
"Nghệ sĩ, giám tuyển Trần Lương – một thành viên của quỹ CDEF..."

Nếu em nhớ chuẩn thì chú Lương có bảo năm nay chú không tham gia quỹ CDEF nữa mờ?
...xem tiếp
15:13 Monday,4.4.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
"Nghệ sĩ, giám tuyển Trần Lương – một thành viên của quỹ CDEF..."

Nếu em nhớ chuẩn thì chú Lương có bảo năm nay chú không tham gia quỹ CDEF nữa mờ? 
14:43 Monday,4.4.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Không gian sân trường Yết Kiêu rõ ràng đã phá nát và nhấn chìm ý tưởng của dự án. Mấy cái dây phơi dùng để treo ảnh làm cho cụm trưng bày toát ra tính nghiệp dư vì nó rất giống với những dịp hội trường cắm trại cùng với bích báo giăng hàng, làm chúng em mất tập trung vào "tác phẩm chính" là cái nhà. Nếu cho hết tất cả ảnh chụp vào một "cái nhà giàu" bên cạn
...xem tiếp
14:43 Monday,4.4.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Không gian sân trường Yết Kiêu rõ ràng đã phá nát và nhấn chìm ý tưởng của dự án. Mấy cái dây phơi dùng để treo ảnh làm cho cụm trưng bày toát ra tính nghiệp dư vì nó rất giống với những dịp hội trường cắm trại cùng với bích báo giăng hàng, làm chúng em mất tập trung vào "tác phẩm chính" là cái nhà. Nếu cho hết tất cả ảnh chụp vào một "cái nhà giàu" bên cạnh "cái nhà nghèo" này lại hóa ra gọn, lại bớt rườm hơn (đấy là em nghĩ thế). Chúng em chỉ thấy hiện nay sân trường là một khu vực lộn xộn với ý đồ thiếu tập trung. Cái lộn xộn này không thể so sánh với cái lộn xộn trong triển lãm "Những cái thùng rỗng" của chú Văn Ngọc được; các anh lớp trên bảo đấy là vì chú Văn Ngọc cao tay hơn, nhưng mờ thực sự là đi xem kỹ càng thấy chú Văn Ngọc đầu tư thời gian, công sức vào "tác phẩm" sắp đặt của mình nhiều lắm ạ.

Thầy em bảo: từ ý tưởng hay tới tác phẩm tốt là cả một quá trình phải vượt nhiều thử thách .

Dù sao chúng em vẫn thấy tiêng tiếc một dự án lúc đầu có ý tưởng hay :-< 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả