Gẫm & Bình

Ý kiến quanh một triển lãm
về biển Đông 16. 12. 10 - 5:32 am

Dương Việt Linh. Ảnh: Trần Quốc Thắng

 

*

KHÔNG VÔ CAN VÀ BALLAD BIỂN ĐÔNG

Triển lãm của họa sĩ Lý Trực Sơn và nhà điêu khắc Đào Châu Hải
Từ 11. 12 đến 17. 12. 2010
Viet Art Centre
42 Yết Kiêu, Hà Nội

*

(Trong phần cmt cho bài “Không Vô Can và Ballad Biển Đông” – Triển lãm đôi đẹp nhất trong năm, bạn Art Observateur có ý kiến về người viết và triển lãm. Sau đó bạn Dương Việt Linh có ý kiến lại. Soi xin đưa lên thành bài để mọi người tiện theo dõi. Rất mong mọi người nhanh chân đến xem triển lãm vì chỉ còn đến 16 thôi ạ).

 

Ý kiến của Art Observateur:

Người xem Hà Nội (NXHN) làm tôi khá ngạc nhiên cùng với một chút thất vọng ở chỗ có sự thay đổi thái độ thẩm mỹ một cách đột ngột. Với triển lãm Nguyễn Linh, NXHN tỏ ra tinh tế, già dặn, bới soi kỹ càng bao nhiêu thì ngay sau đó với Ballad Biển Đông bỗng dưng trở nên dễ dãi tung hứng lời khen bấy nhiêu. Có gì đó như không thật khách quan cho lắm ở đây chăng?

Ballad Biển Đông rõ ràng là một tác phẩm “sắp đặt”, (vì nếu tháo rời ra từng mảnh sẽ chẳng có ý nghĩa gì). Tuy nhiên, nếu là một tác phẩm sắp đặt thì ít nhất có 2 trường hợp xảy ra:
– Thứ nhất: minh họa trời và biển thuần túy bằng chất liệu và thẩm mỹ mới;
– Thứ hai: mong muốn gửi gắm thông điệp chính trị gì đó về Biển Đông.

Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất thì tác phẩm này mờ nhạt, nặng nề bởi chất liệu, không có vẻ gì nên thơ và trữ tình như ballad cả. Giá như người ta có thể dùng nhôm bạc, lưới… thay vào những khối sắt đen nặng nề vô cảm kia, rồi phủ thêm cả màu sắc vào nữa thì biển sẽ mềm mại biết bao, bữa tiệc thị giác sẽ ngon lành tuyệt vời biết bao…

Nếu là trường hợp thứ hai thì, rất tiếc, tác phẩm này còn thiếu sức thuyết phục, thiếu sức nặng tư duy. Chẳng nhẽ cứ phải cố liên tưởng, áp đặt mấy cái răng cưa đen xì và vải xô trắng vào vấn đề biển Đông? Cũng thật khó khi mọi thứ ở đây rời rạc quá, không có hình tượng chính và không có điểm nhấn. Giá như người ta dùng thêm video, âm thanh hoặc ánh sáng gì đó phụ trợ thì vấn đề may ra sẽ bật lên hơn, gây tác động cảm giác mạnh hơn chăng?. Nghệ thuật đương đại ăn nhau ở cái gây tác động cảm giác và truyền thông điệp ý tưởng sắc sảo.

Tóm lại, Ballad Biển Đông dù là 1 hay là 2 hay là cả 1+2 cũng đều tỏ ra không rõ ràng, nhàn nhạt, chẳng quá hay mà cũng không đến nỗi bị xổ toẹt. Xem xong, người ta cảm thấy vẫn thiếu một cái gì đó như bát canh thiếu muối chẳng hạn.

*

Ý kiến của Dương Việt Linh,

Gửi Art Observateur cùng quý vị độc giả của Soi,

Sau khi đọc phần ý kiến cho triển lãm Không Vô Can và Ballad Biển Đông, tôi có một vài lời tạm gọi là phản biện với ý kiến của Art Observateur (AO).

Thứ nhất, tên của triển lãm là Không Vô Can và Ballad Biển Đông. Hệ quả của cụm danh từ này, bản thân nó đã mang một ý nghĩa khác hẳn so với chỉ là Ballad Biển Đông. Nó là sự tương tác về ý tưởng và sự đồng cảm của hai tác giả về một vấn đề chung, cụ thể là vấn đề về Biển Đông, điều mà hai tác giả có cùng một trải nghiệm trong chuyến hành trình chung. Ít nhất là về mặt ý tưởng. Tương tác về mặt ý tưởng cho một chủ đề cũng là một phương pháp rất hữu hiệu cho một triển lãm có từ hai tác giả trở lên (không như tình trạng triển lãm toàn quốc do Hội Mỹ thuật tổ chức). Thiếu vế thứ nhất, mặc dù chỉ là tên của triển lãm (điều này thực ra không đến nỗi quá bi kịch) nhưng đã cho thấy bạn A.O cũng đã quá chủ quan trong nhận xét đầu tiên của mình dành cho Người Xem Hà Nội (mà bạn nhận xét là có gì đó không khách quan cho lắm).

Thứ hai, không thể nói là NXHN có sự thay đổi về thẩm mỹ một cách đột ngột khi so sánh sự nhận xét của NXHN (xin lỗi vì bút danh dài quá nên cũng phải bắt chước viết tắt) giữa triển lãm của họa sỹ Nguyễn Linh và triển lãm Không Vô Can và Ballad Biển Đông. Tại sao tôi nói vậy? Rất đơn giản, hai triển lãm có hai hệ thống thẩm mỹ và hai phương pháp tư duy, cách đặt vấn đề hoàn toàn khác nhau, cũng như cái đích muốn đạt đến của hai triển lãm hoàn toàn không có điểm gì chung. Trong khi Nguyễn Linh còn đang băn khoăn, loay hoay với bản thân về vấn đề tư duy hình thể, phương pháp biểu hình (về phần nghề nghiệp) cũng như những vấn đề hết sức cá nhân như mối quan hệ về thể xác của con người, cái xấu, đẹp của hình thể v.v… thì Không Vô Can và Ballad Biển Đông đã đặt một vấn đề lớn hơn rất nhiều, vượt xa hơn rất nhiều so với những vấn đề của Nguyễn Linh, đó là vấn đề của dân tộc. Điều này cho thấy NXHN có lẽ rất có lý khi đưa ra những nhận xét trên.

Thứ ba, trong phần trình bày của Không Vô Can (nói riêng) không hoàn toàn “rõ ràng” là một tác phẩm sắp đặt, mà theo tôi vẫn thiên về điêu khắc truyền thống (thực ra điều này cũng không quá quan trọng để phải đánh giá là tác phẩm thuộc dòng nghệ thuật nào), phải chăng có lẽ tác giả muốn cố gắng mở rộng không gian phụ trợ, mối liên kết tổng thể giữa những vật thể được trưng bày, mong muốn liên kết chúng một cách chặt chẽ như có thể, nhằm nhấn mạnh hơn chủ đề muốn chuyển tải. Cụ thể hơn, về phần “Thứ nhất” của bạn: “minh họa trời và biển thuần túy bằng chất liệu và thẩm mỹ mới“, tôi hoàn toàn không đồng ý. Tại sao? Bản chất của nghệ thuật không bao giờ là tính minh họa cho nội dung của câu chuyện, mà nội dung của câu chuyện chỉ là cái tứ, qua đó nghệ sỹ dùng ngôn ngữ của chất liệu, ngôn ngữ thẩm mỹ, biểu hình của mỗi loại hình nghệ thuật phản ánh sự tác động của vấn đề được đặt ra cho sự nhận thức đối với bản thân nghệ sỹ. Điều này xem ra tương đối phức tạp để định nghĩa nó một cách cụ thể, nhưng có một ví dụ vô cùng thú vị. Picasso, khi ông vẽ chân dung một nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga( tiếc là tôi không nhớ rõ tên, bạn nào biết câu chuyện này vui lòng bổ xung), vẽ xong, nhà soạn nhạc này nhận xét: “Ông vẽ không giống tôi, nhưng tôi giống như người trong bức chân dung của ông”. Và câu nói này đã được đưa vào sách dạy Thẩm mỹ học của các trường Mỹ thuật phương Tây.

Và nhận định lại sự tổng kết về cái “Thứ nhất” của bạn: “Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất thì tác phẩm này mờ nhạt, nặng nề bởi chất liệu, không có vẻ gì nên thơ và trữ tình như ballad cả. Giá như người ta có thể dùng nhôm bạc, lưới… thay vào những khối sắt đen nặng nề vô cảm kia, rồi phủ thêm cả màu sắc vào nữa thì biển sẽ mềm mại biết bao, bữa tiệc thị giác sẽ ngon lành tuyệt vời biết bao…” Điều tôi muốn nói là, nhận xét của bạn đã thiếu chính xác ngay từ vấn đề cái tên của triển lãm, nó không chỉ là một khúc Ballad của Biển Đông, mà là Không Vô Can và Ballad Biển Đông. Tại sao Không Vô Can lại nặng nề với chất liệu, tại sao lại vô cảm( như nhận xét của bạn), tại sao lại với vải xô và răng cưa đen xì v..v… đó là để tương tác với một Ballad Biển Đông cùng những màu sắc của tự nhiên, cùng với những hy vọng về một vẻ đẹp và sự yên bình vốn có của nó, như một phần nhỏ của Đại Dương Thái Bình. Về phần này, tôi nghĩ hai tác giả đã làm khá tốt về vấn đề tương tác, mục đích chính của hai người.

Và về cái “Thứ hai” của bạn: “Mong muốn gửi gắm thông điệp chính trị gì đó về Biển Đông.” Thiết nghĩ, đây không phải là sự mong muốn gửi gắm thông điệp chính trị, mà là mong muốn gửi gắm sự nhận thức một cách chính đáng về vấn đề của xã hội, hoặc nói một cách khác, sự nhận thức của nghệ sỹ về vấn đề của xã hội, nơi nghệ sỹ sống và làm việc, tác động của vấn đề đang nổi cộm lên nhận thức của tác giả. Bất cứ một nghệ sỹ chân chính nào thì đều nên phải bày tỏ nhận thức của mình về những vấn đề đang xảy ra của xã hội, điều này luôn luôn là một trong nhữ tôn chỉ cho bất kỳ ai làm nghệ thuật.

Và “Nếu là trường hợp thứ hai thì, rất tiếc, tác phẩm này còn thiếu sức thuyết phục, thiếu sức nặng tư duy. Chẳng nhẽ cứ phải cố liên tưởng, áp đặt mấy cái răng cưa đen xì và vải xô trắng vào vấn đề biển Đông? Cũng thật khó khi mọi thứ ở đây rời rạc quá, không có hình tượng chính và không có điểm nhấn. Giá như người ta dùng thêm video, âm thanh hoặc ánh sáng gì đó phụ trợ thì vấn đề may ra sẽ bật lên hơn, gây tác động cảm giác mạnh hơn chăng? Nghệ thuật đương đại ăn nhau ở cái gây tác động cảm giác và truyền thông điệp ý tưởng sắc sảo“. Lại phải nhắc lại những câu hỏi tu từ như trên: Tại sao Không Vô Can lại nặng nề với chất liệu, tại sao lại vô cảm, tại sao lại với vải xô và răng cưa đen xì v..v, và tại sao Ballad Biển Đông lại với màu sắc của tự nhiên, tại sao lại với những hy vọng mang tính tích cực v..v.

Nghệ thuật không phải lúc nào cũng cần đến những hiệu ứng phụ trợ như âm thanh, ánh sáng, video đi kèm. Cái gây tác động và đem đến suy nghĩ cho khán giả chính là sự giản dị và chuyển tải được nội dung về vấn đề được nghệ sỹ đặt ra. Nó cũng như một nghệ sỹ âm nhạc, nếu hay thì chỉ cần một giọng ca và một cây đàn, một nhà văn chỉ cần một cuốn sổ và một cây bút (bây giờ thì dùng laptop hết) chứ không dứt khoát phải cần đến effect của medien (nếu như tác giả không muốn).

Cái mà tôi chân trọng và đánh giá cao nhất ở cuộc triển lãm này, đó là thái độ đúng đắn của hai nghệ sỹ đối với vấn đề đang diễn ra của xã hội, đó là thái độ rất chân chính của nghệ sỹ, điều này theo tôi quan trọng hơn nhiều cái gọi là xấu, đẹp, cảm giác mạnh, nhẹ v.v…

Và một điều nữa thiển nghĩ, cái ngon của một bát canh chắc chắn sẽ không được quyết định bởi nó mặn hay nhạt, thiếu muối hay thừa muối. Mà nó phải là sự tinh tế của gia vị, của nguyên vật liệu, qua đó phản ánh được khẩu vị của nó, cũng như nghệ thuật, cái hay không hẳn ở những hiệu ứng phụ trợ, nó hay bởi nó truyển tải được cái tác giả mong muốn, một cách giản dị nhất…

P/S: Nghệ thuật đương đại chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trở thành một chủ nghĩa của Nghệ thuật tạo hình (khác với chủ nghĩa Hiện đại và Hậu hiện đại), nó chỉ là một tính từ…

*

Bài liên quan:

– “Không Vô Can và Ballad Biển Đông” – Triển lãm đôi đẹp nhất trong năm
– Tuyên ngôn mới của sự đối thoại
– Ý kiến quanh một triển lãm về biển Đông
– Không đủ liên can nên thành ballad
– Phê và Bình – Vĩnh biệt Soi
– Giống và khác: Xe đạp & Sóng biển Đông

– Phỏng vấn ĐÀO CHÂU HẢI: Về “Không vô can…” và nhân “Không vô can…”

Ý kiến - Thảo luận

17:05 Thursday,28.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
"KHÔNG VÔ CAN VÀ BALLAD BIỂN ĐÔNG", các thầy, các chú nhà mình dạy học, chữ nghĩa rất phong phú nên phải khoe chứ các bạn, cái gì chưa biết thì phải hỏi thôi!
Tớ cũng chưa hiểu gì! Thưa chú Lý Trực Sơn và chú Đào Châu Hải chúng cháu chưa hiểu được ý nghĩa của tiêu đề "KHÔNG VÔ CAN VÀ BALLAD BIỂN ĐÔNG" của các chú, các chú giải thích cho chúng cháu mở mang đầu ó
...xem tiếp
17:05 Thursday,28.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
"KHÔNG VÔ CAN VÀ BALLAD BIỂN ĐÔNG", các thầy, các chú nhà mình dạy học, chữ nghĩa rất phong phú nên phải khoe chứ các bạn, cái gì chưa biết thì phải hỏi thôi!
Tớ cũng chưa hiểu gì! Thưa chú Lý Trực Sơn và chú Đào Châu Hải chúng cháu chưa hiểu được ý nghĩa của tiêu đề "KHÔNG VÔ CAN VÀ BALLAD BIỂN ĐÔNG" của các chú, các chú giải thích cho chúng cháu mở mang đầu óc với ạ! 
15:05 Friday,17.12.2010 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Chúng em cũng "liều mạng" nhất trí với Măng Non (hay Mang Nón?) HN và vô cùng xin lỗi các thầy ạ: các thầy đặt tên triển lãm rắc rối quá. Với lại, giả thử nếu các thầy dùng được cái tên thuần Việt hơn (ít Hán Việt hơn) thì thú vị hơn bao nhiêu. Chẳng hiểu sao cái tên triển lãm này lại dài và lủng củng thế (cho dù có lẽ các thầy muốn giải thích cho sự "phối k
...xem tiếp
15:05 Friday,17.12.2010 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Chúng em cũng "liều mạng" nhất trí với Măng Non (hay Mang Nón?) HN và vô cùng xin lỗi các thầy ạ: các thầy đặt tên triển lãm rắc rối quá. Với lại, giả thử nếu các thầy dùng được cái tên thuần Việt hơn (ít Hán Việt hơn) thì thú vị hơn bao nhiêu. Chẳng hiểu sao cái tên triển lãm này lại dài và lủng củng thế (cho dù có lẽ các thầy muốn giải thích cho sự "phối kết hợp" của 2 bộ tác phẩm).

Cũng có thể ở đây "tiềm năng" có một "mưu trí" gì nữa mà chúng em chưa thể phát hiện ra ạ?

Dù sao, nội dung/chủ đề của triển lãm vẫn dễ hiểu và thật thuyết phục. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả