Nghệ sĩ Việt Nam

Điều ước phía sau những bức tranh… 25. 11. 10 - 12:35 pm

Đỗ Tuấn Anh

TÔI ƯỚC
23 – 28. 11. 2010
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Tôi ước… Đó là câu nói khi mà người ta cầu mong điều biết là rất khó hoặc không hiện thực.

Trong ký ức  tôi, khi còn nhỏ, bố tôi hay nói với tôi những điều ông cho là hạnh phúc và những mong ước trong đời ông. Kết thúc câu chuyện thường là câu nói, bố mong sau này con đạt được điều mà con mơ ước… Và bằng mọi nỗ lực ông đã giúp các con có cuộc sống tốt hơn, đồng thời ông cũng gữi gắm những niềm hy vọng vào con cái những điều mình mong muốn

Bây giờ ông đã trở thành ông nội và tôi đã là một ông bố trẻ. Tôi cũng thường nói cho con trai tôi những điều như bố tôi thường nói.

Mỗi thế hệ lại có những vân đề và thách thức xã hội riêng cùng với những giá trị sống khác nhau, vì vậy những mong ước cũng khác đi nhiều. Ứơc mơ nối tiếp ước mơ, áp lực nối tiếp áp lực, bao bọc và thách thức cho những thế hệ tiếp theo mang trên mình trọng trách hiện thực hóa những ước mơ ấy.

Hà Nội, 20. 10. 2010

Đỗ Tuấn Anh

*

(Mời bạn xem một số tranh của Đỗ Tuấn Anh trong triển lãm này, với lời giải thích của chính tác giả cho ý nghĩa của những bức tranh đó. Cảm ơn Tuấn Anh đã làm công việc này.)

 

Phía trên bầu trời  (Sơn dầu trên vải, 140 x 230cm, 2010)

Đây là bức đầu tiên trong loạt tranh trên, tôi bắt đầu có ý tưởng từ khi có cháu trai đầu tiên. Nhìn bố tôi chơi đùa với con tôi thấy khoảng cách của hai thế hệ ông cháu xa nhau quá và có nhiều điều để nói. Bức tranh được chia làm 2 tuyến nhân vật.
– Nhân vật trung tâm là con trai tôi, cháu biểu tượng cho một thế hệ hoàn toàn mới
– Những người lao động, biểu tượng cho thế hệ bố tôi.
Thế hệ bố tôi là thế hệ nếm trải những đau khổ của chiến tranh, vì vậy họ hy sinh tất cả dùng tất cả sức lực để nâng thế hệ trẻ lên tầm cao mới, ước vọng của họ lớn lao và vô cùng nặng nhọc (như họ nâng tảng đá có đứa trẻ đứng trên). Nhưng thế hệ trẻ đứng ở phía trên. Chúng chỉ biết nhìn lên trên mà quên đi lớp người phía dưới, chúng chờ đợi những chuyến xe cùng với những phép mầu về giá trị vật chất đến từ vị thần phương tây. Hình tượng rùa trong triết lý phương đông đại diện cho sự nhẫn nại và trường tồn. nhưng với lớp trẻ giá trị đó dường như là quá chậm, chúng muốn nối thêm cánh để tăng tốc (biểu hiện sự nóng vội của lớp trẻ) Hình ảnh cô gái ngồi trên ghế biểu hiện cho nếp sống lai căng, bóng bẩy, giả tạo, chúng đang gần kề và dần ảnh hưởng tới lớp người cũ. Hình ảnh chú chó nằm gối đầu biểu tượng cho lớp người cũ tận tụy với con cháu mong muốn sau những cố gắng hy sinh họ mong muốn được nghỉ ngơi, nhưng điều đó là không dễ.
Tổng thể xuyên suốt bức tranh là cây tùng biểu tượng cho các giá trị nhân văn sẽ trường tồn. Chúng được mọc lên từ những hy sinh của lớp người đi trước bao bọc và che trở cho thế hệ sau

  *

 

Cuộc kiếm tìm hạnh phúc? (Sơn dầu trên vải, 140 x 230cm, 2010)

Tác phẩm này lấy cảm hứng từ trong dòng họ của mình, khi có một cháu trai ra đời, cả gia đình và dòng họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào đứa bé, mong mỏi chúng lớn lên có thể tìm được một vị trí trong xã hội (biểu tượng là chiếc ghế vàng) để được che mát bằng những niềm hạnh phúc của sự thành đạt (biểu tượng chiếc ô hồng) trong hành tìm kiếm (biểu tượng cần câu) đó đứa trẻ đứa trẻ được hỗ trợ và gắn kết từ những nỗ lực của cha mẹ, thậm chí cả một dòng họ được huy động tham gia bằng cả sức người và sức của giống như sự tăng tốc của chiếc máy bay mang theo nỗ lực tìm kiếm địa vị xã hội, cuộc sống như biển cả bao la và ồn ào, cơ hội để có một vị trí trong xã hội vẫn rất nhiều và được những con sóng của cuộc sống đưa đẩy. Nhưng hạnh phúc là gì? Đó là một câu hỏi khó trả lời cho tất cả mọi người, chỉ có niềm vui giản dị chân thật (biểu tượng chú Tễu trong văn hóa dân gian ngồi trên cây đào biểu tượng cho niềm vui cuộc sống) đang cười nhạo cho những nỗ lực bon chen tìm kiếm thứ hạnh phúc mà mọi người mong mỏi kiếm tìm.

*

 

Ánh sáng đô thị (Sơn dầu trên vải, 140 x 230cm, 2010)

Tác phẩm này lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ tôi. Tôi sinh ra ở nông thôn vì vậy tôi biết thành phố qua màn hình tivi đen trắng, nhưng trong mắt một đứa trẻ lên sáu hồn nhiên trong sáng thì thành phố hiện lên lấp lánh nhiều màu sắc và ánh sáng như những viên kẹo ngọt. Sức hấp dẫn của ánh sáng đô thị hấp dẫn cả đến cha mẹ tôi, những người đang say sưa với công việc tạo tác nên những sản phẩm nông nghiệp, những người nếm đủ chua cay đắng ngọt bùi của đời sống nông nghiệp (khế, ớt, mướp đắng, lạc, dứa…) và cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên. Nhưng ánh sáng đó cũng đã lay động họ, họ lưu giữ hình ảnh đó và họ mong mỏi con cái họ thoát ly tìm đến với ánh sáng đô thành, nơi họ mong con cái họ sẽ trưởng thành. Tình yêu thương con cái hồn nhiên giản dị của người thôn quê biểu (tượng như hoa cúc trắng) âm thầm tỏa hương che chở làm nền cho tâm hồn con trẻ.

*

 

Suy tư về hạnh phúc? (Sơn dầu trên vải, 140 x 230cm, 2010)

Tác phẩm này lấy cảm hứng từ tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Auguste Rodin có tên “Người suy tưởng”. Trong tác phẩm của mình, tôi muốn nói về những suy tư và trăn trở của nhân vật về thân phân con người trong thế giới hiện đại ngày càng trở nên cô độc. Trong những lần trò chuyện với con trai mình, tôi thấy trẻ con bây giờ có quá nhiều nỗi hoài nghi về ý nghĩa của hai từ hạnh phúc (biểu tượng hoa hồng đang lơ lửng trên không trong tác phẩm), điều mà các bậc cha mẹ luôn cố gắng đem lại cho con cái mình, trên cái cây cuộc đời đứa trẻ ngồi suy tư, cái cây đó được lớp người đi trước chăm bón, và lớp trẻ được hưởng thành quả đó, nhưng những quả ngọt đó nó cũng chứa đựng đầy nỗi hoài nghi về hạnh phúc cho lớp trẻ, có người quan niệm hạnh phúc là phải giành giật, có người suy nghĩ hạnh phúc là phải chuyên tâm cầu nguyện, có người quan niệm hạnh phúc là sức mạnh của quyền lực. Những người khác lại chỉ ra những hướng đi khác nhau, họ cho rằng nó nằm ở phía đó. Tất cả chỉ làm sao rành được hạnh phúc về phía mình. Mỗi cá nhân đôi khi nghĩ rằng hạnh phúc chỉ riêng mình có và chỉ có một chỗ ngồi mà thôi (biểu tượng chiếc ghế nhựa trong tranh) nhưng không nghĩ rằng quan niệm về hạnh phúc đó cũng giống chiếc ghế nhựa (một thứ được sản xuất hàng loạt) chỉ mang đến giá trị tạm bợ mà thôi. Thân phận đứa trẻ cũng giống như thân cò đơn độc (trong tranh) kiếm ăn trong đêm phải tự lần mò và kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình.

*

 

Tôi Ước 1 (Sơn dầu trên vải, 140 x 230cm, 2010)

Tác phẩm này lấy cảm hứng từ lời tâm sự chị một đồng nát từ quê lên phố kiếm sống. Chị tâm sự rằng hạnh phúc của chị là chắt chiu từng đồng tiền gửi về quê cho chồng con ở quê, ngày nào tâm trí chị cũng nghĩ về điều đó. Nhìn dáng chị đạp xe trong nắng hè mang theo sau một thúng đồ đồng nát tôi liên tưởng như chị đang trở cả khối óc (biểu hiện trên tranh) hướng về gia đình mình, trong tâm trí chị hình ảnh chồng con hân hoan hạnh phúc bên vườn hoa hồng, phía sau nền là hình dáng tòa nhà ngân hàng lấp lánh ánh sáng của mây trời và chim hồng hạc (biểu thị tình yêu nồng nàn của gia đình), niềm vui và hạnh phúc của chị cho gia đình giống như những cành hồng đâm nở từ trong sâu thẳm tâm hồn chị; niềm vui ấy phải trả bằng những cực nhọc cho bản thân nhưng với chị đó lại là hạnh phúc. Ước vọng của chị to lớn gấp nhiều lần so với sức vóc và sức lực của chị. Tôi ước… chị sẽ làm được nhiều điều hơn nữa cho gia đình mình.

 

*

Tôi Ước 3 (Sơn dầu trên vải, 140 x 230cm, 2010)

Tác phẩm này lấy cảm hứng từ những lần đọc báo về tình hình gia tăng tốc độ nhập khẩu các loại xe ô tô. Điều đó cho thấy ham muốn nối dài về vất chất (hình ảnh những chiếc xe được xếp đống lên cao bất tận) do đã phải trải qua nhiều thiếu thốn về vật chất trong những suốt những bước phát triển của đất nước; người ta bằng mọi giá để đạt được điều đó cho dù phải vượt qua nhiều trở ngại (hình ảnh con người lèo lái trong sóng dữ). Một ước vọng cũng là chính đáng của mọi người, nhưng tôi ước… những chiếc ôtô đó được thay thế bằng những sản phẩm văn hóa nghệ thuật, chứa đựng những khao khát bù đắp các giá trị tinh thần nhiều hơn là giá trị vật chất.

*

 

Đất quê 2 (Sơn dầu trên vải, 140 x 230cm, 2010)

Tác phẩm này lấy cảm hứng từ những lần về quê. Vào những chuyến thăm đó tôi được nhìn thấy những biến đổi của nông thôn trong quá trình đô thị hóa. Những cánh đồng canh tác được thay thế bằng những nhà cao tầng, dưới chiếc nón lá, những vật dụng nông nghiệp đã gắn chặt trong tư duy bao đời nay tưởng chừng như sẽ không bao giờ rơi rụng ra khỏi tư duy sống của họ đang dần dần bung ra dưới sức nặng của quá trình đô thị hóa; đô thị như những chiếc vòi bạch tuộc lan rộng và đeo bám những miếng đất quê còn xót lại; nền văn hóa làng xã đang trên đà bị xóa sổ.

 

 

Ý kiến - Thảo luận

13:36 Saturday,1.9.2012 Đăng bởi:  hùng né+lùn+giô+rỗ
Nghệ thuật thời kỳ MAO POP đây rồi? nếu không nói thì không biết đây là của tác giả Đỗ Tuấn Anh người Thanh Hóa. Sao vầy? Một thứ ảnh hưởng của văn hóa sát nách hay sự cố tình của trào lưu kiếm ăn kinh tế kiểu Tàu khựa? Đó là những hiện tượng thường xảy ra trong giới trẻ Việt Nam bây giờ. Còn thú thật, tranh của Đỗ Tuấn Anh gần giống minh họa và truyệ
...xem tiếp
13:36 Saturday,1.9.2012 Đăng bởi:  hùng né+lùn+giô+rỗ
Nghệ thuật thời kỳ MAO POP đây rồi? nếu không nói thì không biết đây là của tác giả Đỗ Tuấn Anh người Thanh Hóa. Sao vầy? Một thứ ảnh hưởng của văn hóa sát nách hay sự cố tình của trào lưu kiếm ăn kinh tế kiểu Tàu khựa? Đó là những hiện tượng thường xảy ra trong giới trẻ Việt Nam bây giờ. Còn thú thật, tranh của Đỗ Tuấn Anh gần giống minh họa và truyện tranh nhiều hơn. Đừng cố gồng nên trong cách làm việc có tính chất art không sẽ mất hết cái tình cảm mà mình muốn chia sẻ. 
16:18 Wednesday,1.12.2010 Đăng bởi:  buzz
He he. có cảm giác như chính Soi đang làm hỏng thế hệ họa sĩ trẻ ấy. Xưa kia, chỉ biết cắm mặt vào mà vẽ thôi. Ai lên đăng đàn lý luận lý giải nhiều như này làm gì chứ. Thôi các họa sĩ, nghệ sĩ ơi, hãy làm đúng chuyên môn của mình. Còn vấn đề ngôn ngữ chữ nghĩa, hãy giúp các nhà báo cho họ khỏi dốt nghệ thuật. Thế là được.

...xem tiếp
16:18 Wednesday,1.12.2010 Đăng bởi:  buzz
He he. có cảm giác như chính Soi đang làm hỏng thế hệ họa sĩ trẻ ấy. Xưa kia, chỉ biết cắm mặt vào mà vẽ thôi. Ai lên đăng đàn lý luận lý giải nhiều như này làm gì chứ. Thôi các họa sĩ, nghệ sĩ ơi, hãy làm đúng chuyên môn của mình. Còn vấn đề ngôn ngữ chữ nghĩa, hãy giúp các nhà báo cho họ khỏi dốt nghệ thuật. Thế là được.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói qua một tí về múa vậy

Nghệ sĩ Trần Lương

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả